Buồng trứng đa nang có tự khỏi được không? sống chung với bệnh thế nào?

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Câu hỏi: Bác sĩ ơi, cháu đi khám ở Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương được chẩn đoán bị đa nang buồng trứng. Bệnh buồng trứng đa nang có tự khỏi được không ạ? Trong sinh hoạt hằng ngày cháu có cần lưu ý gì không ạ?

Câu trả lời:

Chào bạn, buồng trứng đa nang là bệnh có thể gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và ảnh hưởng đến khả năng mang thai của người bệnh. Để có được câu trả lời cho câu hỏi “Buồng trứng đa nang có tử khỏi được không”, bạn có thể tham khảo bài viết sau nhé!

1. Buồng trứng đa nang có tự khỏi được không? 

Buồng trứng đa nang là một hội chứng xảy ra do buồng trứng (cơ quan có chức năng sản xuất 1 trứng mỗi chu kỳ kinh nguyệt) sản sinh quá nhiều hormone androgen – một trong những hormone sinh dục. Khi nồng độ hormone này tăng lên sẽ dẫn tới tình trạng rối loạn nội tiết tố gây ra khoảng cách giữa hai chu kỳ kinh nguyệt không đều nhau.

Vậy buồng trứng đa nang có tự khỏi được không? Cần phải khẳng định rằng, buồng trứng đa nang không thể tự khỏi được. Trường hợp này nếu can thiệp muộn sẽ dẫn tới tình trạng vô sinh ở nữ.

Buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang là tình trạng buồng trứng sản xuất quá nhiều hormone sinh dục nữ

2. Hội chứng buồng trứng đa nang có chữa khỏi hoàn toàn được không? 

Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị đa nang buồng trứng khỏi hoàn toàn. Các phương pháp điều trị chủ yếu xoay quanh việc giảm các triệu chứng, hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

3. Các phương pháp giảm triệu chứng của buồng trứng đa nang 

Điều trị buồng trứng đa nang là một điều trị mang tính “cá thể hóa” người bệnh. Điều này có nghĩa là bác sĩ sẽ dựa vào một số đặc điểm sau của người bệnh để đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp:

  • Các triệu chứng người bệnh gặp phải.
  • Ảnh hưởng của hội chứng đến chất lượng cuộc sống.
  • Các bệnh lý người bệnh đã và đang điều trị, đặc biệt là các bệnh lý phụ khoa.
  • Mong muốn có con của người bệnh.

Dựa vào nhu cầu mang thai, người bệnh được điều trị có thể chia thành hai nhóm gồm nhóm không có kế hoạch mang thai và nhóm có kế hoạch mang thai.

Nhóm không có kế hoạch mang thai

Với những phụ nữ đã có con và không còn kế hoạch mang thai trong tương lai, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp điều trị như:

  • Điều hòa nội tiết tố: dùng các phương pháp như thuốc tránh thai, miếng dán tránh thai, vòng âm đạo để giúp điều hòa nồng độ hormone sinh dục trong cơ thể. Điều này hỗ trợ điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, giảm tình trạng mụn trứng cá.
  • Kiểm soát nồng độ insulin (hormone giúp đưa đường vào tế bào qua đó giúp giảm lượng đường trong máu): một số nghiên cứu cho rằng nồng độ insulin cao có thể làm xuất hiện hội chứng buồng trứng đa nang. Chính vì vậy, việc sử dụng Metformin – thuốc đầu tay trong điều trị tiểu đường có thể giúp giảm nồng độ hormone insulin trong máu. Điều này giúp giảm các triệu chứng mà bệnh lý này gây ra.
  • Thuốc giảm tác dụng của androgen: một số loại thuốc giúp ngăn cản tác dụng của androgen với cơ thể. Điều này giúp giảm tình trạng mụn trứng cá cũng như tóc mọc nhiều hơn bình thường.
  • Thay đổi lối sống: xây dựng chế độ ăn giàu dinh dưỡng, duy trì BMI (chỉ số khối của cơ thể được tính bằng công thức cân nặng (kg): chiều cao (m) : chiều cao (m)) trong khoảng 18 – 22 kg/m2 để giúp quá trình điều trị đạt kết quả tốt hơn.

Nhóm có kế hoạch mang thai

Ngoài việc sử dụng các phương pháp để làm giảm triệu chứng giống với nhóm đối tượng không có nhu cầu mang thai, những người có kế hoạch mang thai sẽ được điều trị bằng một số phương pháp sau:

  • Thuốc kích thích rụng trứng: để thụ thai thành công bước đầu tiên cần phải có một trứng được giải phóng khỏi buồng trứng. Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc gây rụng trứng như clomiphene, letrozole hoặc gonadotropin.
  • Phẫu thuật: dùng để loại bỏ mô một số mô trong buồng trứng. Hiện nay, cách này ít được sử dụng trong quá trình điều trị do sử dụng thuốc cũng đã có thể kích thích sản xuất trứng.
  • Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): khi thuốc kích thích rụng trứng không có tác dụng, bác sĩ có thể chỉ định IVF cho người bệnh. Đây là phương pháp cho trứng và tinh trùng gặp nhau trong điều kiện phòng thí nghiệm để tạo thành hợp tử. Sau khi hợp tử phát triển thành phôi thai thì tiến hành di chuyển vào tử cung người bệnh.

Điều trị buồng trứng đa nang là điều trị suốt đời. Chính vì vậy, người bệnh nên liên hệ bác sĩ để có kế hoạch theo dõi và khám định kỳ phù hợp với tình trạng của bản thân.

Xem thêm: Buồng trứng đa nang – Cơ hội nào mang thai tự nhiên cho chị em?

4. Lưu ý chính về hội chứng buồng trứng đa nang 

Trong một số trường hợp, người bệnh mắc hội chứng buồng trứng đa nang không có bất kỳ triệu chứng nào. Một số dấu hiệu thường thấy của hội chứng này có thể kể đến là:

  • Kinh nguyệt không đều: người bệnh thường xuyên mất kinh – thời gian giữa hai chu kỳ kinh nguyệt dài hơn bình thường.
  • Rậm lông: lông mọc nhiều trên mặt, cánh tay, ngực và bụng của người bệnh.
  • Mụn trứng cá: xuất hiện nhiều và khó có thể điều trị khỏi.
  • Béo phì: dấu hiệu có thể gặp ở 40 – 80% người mắc hội chứng này.
  • Da sẫm màu: người bệnh xuất hiện các mảng da sẫm màu ở nếp gấp cổ, nách, háng, ngực,…
  • Tóc mỏng: xuất hiện tình trạng tóc rụng từng mảng trên đầu.
  • Vô sinh: hội chứng buồng trứng đa nang là nguyên nhân gây vô sinh phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Buồng trứng đa nang nếu không được theo dõi và điều trị thích hợp có thể tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý trong thai kỳ như:

  • Đái tháo đường thai kỳ: đây là bệnh lý mà lượng đường trong máu tăng lên khi mang thai. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.
  • Tiền sản giật: đây là tình trạng huyết áp sản phụ tăng cao gây nên những hậu quả nghiêm trọng với cơ thể người mẹ và tuần hoàn máu đến thai nhi, có thể là gây suy thai hoặc thai chậm phát triển trong tử cung. Tình trạng này nếu không được điều trị sát sao có thể dẫn tới tử vong.
  • Sinh non: thai nhi có thể ra đời trước 37 tuần, dẫn tới việc chưa hoàn thiện cấu trúc và chức năng các cơ quan trong cơ thể.
buồng trứng đa nang có thể dẫn tới vô sinh
Nếu người bệnh không được điều trị buồng trứng đa nang kịp thời có thể dẫn tới vô sinh

5. Sống chung với bệnh thế nào? 

Khi mắc hội chứng này, người bệnh nên giữ tâm trạng thoải mái và thực hiện những biện pháp sau nhằm hỗ trợ điều trị, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống:

  • Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
  • Xây dựng chế độ ăn hợp lý, cân bằng dinh dưỡng giữa các loại thực phẩm.
  • Tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
  • Tìm sự trợ giúp của bác sĩ da liễu khi lông mọc quá nhiều hoặc mụn trứng cá khiến cho người bệnh tự ti.
  • Thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để được theo dõi và chăm sóc thích hợp. 
chế độ ăn hợp lý khi mắc buồng trứng đa nang
Người mắc hội chứng buồng trứng đa nang nên xây dựng chế độ ăn hợp lý nhằm hỗ trợ điều trị tốt hơn

6. Kết luận

a. Khi nào cần đi khám 

Do các triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang thường không đặc hiệu nên khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo bệnh lý này, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe:

  • Thời gian giữa hai chu kỳ kinh nguyệt lớn hơn 40 ngày.
  • Lông mọc quá mức.
  • Mụn trứng cá xuất hiện nhiều.
  • Xuất hiện những vệt đen ở các nếp gấp của cơ thể.
  • Chưa có con (sau khoảng 6-12 tháng chung sống) mặc dù không thực hiện bất kỳ biện pháp phòng ngừa nào.
buồng trứng đa nang gây mụn trứng cá
Khi xuất hiện nhiều mụn trứng cá mà chữa nhiều không khỏi, người bệnh có thể liên hệ bác sĩ Sản phụ khoa để được thăm khám

b. Lời khuyên từ bác sĩ

Hội chứng buồng trứng đa nang là một trong những vấn đề thường gặp ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Chính vì vậy, khi xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ mắc hội chứng này, người bệnh nên tìm đến các cơ sở Sản phụ khoa để được thăm khám và điều trị.

Tóm lại, với câu hỏi “Buồng trứng đa nang có tự khỏi được không?” Câu trả lời là không.

Vấn đề điều trị buồng trứng đa nang không chỉ xoay quanh việc tuân thủ điều trị của bác sĩ mà còn phải kết hợp tích cực với việc thay đổi lối sống để giảm những ảnh hưởng của hội chứng với cơ thể, nâng cao xác suất có thai đối với nhiều chị em phụ nữ hiếm muộn.

Hy vọng bài viết đã trả lời được cho bạn câu hỏi buồng trứng đa nang có tự khỏi được không. Nếu có những dấu hiệu của bệnh lý này, bệnh nhân có thể nhắn tin đến Zalo Phòng khám BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan để được tư vấn và đăng ký lịch khám.

All in one
Liên hệ