Cách điều trị rong kinh cơ năng bằng thuốc tránh thai

Chân dung BSCKII Lê Thị Quyên - Nguyên Phó khoa Phụ 2 BV Phụ Sản TW

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Lê Thị Quyên

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Rong kinh cơ năng là gì? Cách điều trị rong kinh cơ năng bằng thuốc tránh thai như thế nào? BSCKII Lê Thị Quyên sẽ giải đáp trong bài viết dưới đây.

Rong kinh cơ năng nếu không được điều trị đúng cách và triệt để sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của chị em, Nhận thức được điều này chị em hãy bác sĩ Quyên tìm hiểu cách điều trị tình trạng trên bằng thuốc tránh thai nhé. 

1. Rong kinh cơ năng là gì?

Trước khi tìm hiểu rong kinh cơ năng là gì? Chị em cần biết thế nào là rong kinh? Nó là tình trạng hành kinh kéo dài, thường trên 7 ngày. Thường chị em hay bị nhầm lẫn giữa rong kinh và rong huyết. Rong huyết khác rong kinh ở chỗ, nó là tình trạng chảy máu âm đạo có thể xuất phát từ buồng tử cung hoặc từ vị trí khác mà không có tính chất chu kỳ, lượng có thể nhiều hoặc ít. 

Hình ảnh mô tả tình trạng rong kinh cơ năng
Hình ảnh mô tả tình trạng rong kinh cơ năng

Để nhận biết có phải ra máu kinh nguyệt hay không phải dựa vào những dấu hiệu thường gặp khi hành kinh như: đau bụng, đau mỏi lưng, lượng máu ra nhiều vào những ngày sau không phải ra nhiều ngay từ đầu, ra máu không đông, không có máu cục.

Bác sĩ Lê Thị Quyên cho biết, rong kinh chia làm 2 loại theo nguyên nhân:

  • Rong kinh thực thể: là tình trạng ra máu kinh nguyệt kéo dài do tổn thương ở tử cung hoặc buồng trứng. Có thể gặp do các nguyên nhân như: u xơ tử cung, buồng trứng đa nang,… .
  • Rong kinh cơ năng: là tình trạng không có tổn thương của tử cung hay buồng trứng. Thường nguyên nhân do rối loạn đông máu, rối loạn nội tiết,… .

Bệnh lý này hay gặp ở thời kỳ đầu hoặc cuối của độ tuổi sinh sản, hay còn gọi là thời kỳ dậy thì và thời kỳ tiền mãn kinh. Trong giai đoạn này, các chu kỳ kinh nguyệt thường không phóng noãn, không có hoạt động hoàng thể, không có tiết progesterone, là yếu tố nội tiết cần thiết cho việc niêm mạc tử cung bong triệt để và gọn gàng trong hành kinh. Ngược lại, chị em trong độ tuổi sinh sản ít khi gặp tình trạng này.

2. Nguyên nhân gây rong kinh cơ năng

Rong kinh cơ năng khi đã được loại trừ các nguyên nhân thực thể từ tử cung hay buồng trứng bằng cách thăm khám và các xét nghiệm cận lâm sàng chuyên sâu. Một số nguyên nhân gây nên tình trạng này như:

  • Rối loạn nội tiết: Khi bắt đầu hành kinh, các cơ quan sinh dục nữ như tử cung, buồng trứng và nội tiết tố nữ trong quá trình hoàn thiện. Điều này làm cho kinh nguyệt bị rối loạn có thể dẫn đến tình trạng rong kinh. Đến giai đoạn tiền mãn kinh, chị em cũng trải qua quá trình suy giảm chức năng của buồng trứng làm chu kỳ kinh nguyệt rối loạn không đều, hiện tượng rong kinh có thể xảy ra. Kinh nguyệt có thể sẽ thưa dần, ra máu kéo dài hoặc lượng máu ra nhiều hơn hoặc ít đi.
  • Thay đổi tâm lý: Tâm lý cũng là yếu tố làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, tình trạng thay đổi môi trường sống, căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi cũng có thể làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, dẫn đến rong kinh.
  • Rối loạn đông máu: Tình trạng này cũng làm cho kinh nguyệt kéo dài hơn, gây nên hiện tượng rong kinh và làm cho tình trạng này trầm trọng hơn.

Nếu gặp phải tình trạng này, chị em cũng đừng nên quá lo lắng. Trước tiên, chị em cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi điều độ, tinh thần thoải mái thì hiện tượng rong kinh sẽ cải thiện hơn. Tuy nhiên, nếu chị em thấy quá lo lắng về tình trạng rong kinh hãy đi khám để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn và đưa ra hướng xử trí kịp thời.

3. Cách điều trị rong kinh cơ năng bằng thuốc tránh thai

3.1. Điều trị nội khoa

Đối với rong kinh tuổi dậy thì, cách điều trị chủ yếu là dùng thuốc co tử cung và thuốc nội tiết. Thuốc co tử cung có tác dụng ép các mạch máu tử cung giống như thắt garo, giúp cầm máu. Điều trị nội tiết, thường sử dụng nhất trong điều trị rong kinh cơ năng là thuốc tránh thai loại kết hợp. 

Tùy tình trạng bệnh và mức độ ra máu nhiều hay ít, tình trạng ra máu cấp tính hay mạn tính mà chị em sẽ được bác sĩ chỉ định liều dùng khác nhau. Bác sĩ Lê Thị Quyên chia sẻ, nguyên tắc điều trị rong kinh cơ năng bằng thuốc tránh thai kết hợp là dùng khởi đầu bằng liều mạnh rồi giảm dần nhằm mục đích tránh gây băng huyết khi ngừng thuốc. Với trường hợp rong kinh tái phát, có thể sử dụng thuốc tránh thai kết hợp trong 3-5 tháng.

Đối với rong kinh cơ năng ở tuổi tiền mãn kinh, trước tiên chị em sẽ được nạo nội mạc tử cung (hút buồng tử cung) lấy bệnh phẩm để gửi giải phẫu bệnh giúp loại trừ nguyên nhân ác tính. Sau khi nạo, thường tình trạng ra máu của bệnh nhân sẽ ổn định nhanh sau vài giờ, có những trường hợp sau nạo buồng tử cung, bệnh nhân không còn tình trạng rong kinh trong nhiều năm. 

Với trường hợp giải phẫu bệnh cho kết quả quá sản nội mạc tử cung hoặc tình trạng rong kinh tái phát ở tuổi tiền mãn kinh, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc progestin. 

Đây là tình trạng làm nhiều chị em lo lắng và nếu không được xử trí đúng cách nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, tất cả các trường hợp có rong kinh cơ năng phải được thăm khám và điều trị sớm ngay từ lần đầu nhằm tránh những hậu quả và giải quyết được nguyên nhân.

3.1.1. Một số loại thuốc tránh thai dạng kết hợp có thể kể đến như:

  • Thuốc tránh thai một pha: Tất cả các viên thuốc tránh thai trong vỉ đều có hàm lượng Estrogen và Progesterone giống như nhau. Ví dụ: regulon, rigevidon, drosperin, berala,…
  • Thuốc tránh thai hai pha: Thuốc có hàm lượng Estrogen ổn định trong khi Progesterone tăng ở nửa sau chu kỳ. Hoặc hàm lượng Progesterone ổn định trong khi lượng Estrogen giảm ở nửa sau chu kỳ. Hiện trên thị trường Việt Nam chưa có.
  • Thuốc tránh thai 3 pha: Chu kỳ 21 ngày chia làm 3 pha (mỗi pha thường 7 ngày). Thành phần estrogen và progesterone của mỗi pha có sự khác biệt. Ví dụ: desogestrel, levonorgestrel,…
  • Thuốc tránh thai 4 pha: Chu kỳ 28 ngày chia thành 4 pha, mỗi pha có liều lượng thuốc khác nhau. Ví dụ: dienogest,…
Thuốc tránh thai kết hợp thường được chị em sử dụng
Thuốc tránh thai kết hợp thường được chị em sử dụng

3.1.2. Thuốc tránh thai chỉ có progesterone 

Thuốc tránh thai chỉ có progesterone không có estrogen. Tất cả các viên thuốc đều có một liều hằng định progestins, thường là liều rất thấp. Thuốc có thể sử dụng cho phụ nữ đang cho con bú khi gặp tình trạng rong kinh cơ năng. Đồng thời, cũng là lựa chọn trong điều trị cho những trường hợp không thể sử dụng estrogen vì lý do sức khỏe hay các lý do khác như tiền sử bệnh tim mạch, tắc mạch và những yếu tố nguy cơ khác. 

3.2. Điều trị ngoại khoa

Phương pháp phẫu thuật chỉ được đặt ra khi điều trị nội khoa thất bại hoặc bệnh nhân kém dung nạp với thuốc hoặc có chống chỉ định khi điều trị nội khoa. Mỗi trường hợp rong kinh cơ năng cụ thể sẽ được áp dụng phương pháp phẫu thuật phù hợp, bác sĩ Lê Thị Quyên cho biết, có những phương pháp điều trị ngoại khoa được sử dụng hiện nay:

  • Nội soi buồng tử cung để chẩn đoán và điều trị.
  • Đốt niêm mạc tử cung.
  • Sinh thiết niêm mạc tử cung gửi giải phẫu bệnh để loại trừ trường hợp bệnh ác tính.
  • Đối với những trường hợp đủ con và thất bại với điều trị nội tiết, phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn có thể được bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân.

4. Lời khuyên của bác sĩ

Trên đây là chia sẻ của BSCKII Lê Thị Quyên về cách điều trị rong kinh cơ năng bằng thuốc tránh thai. Dù do nguyên nhân gì hay ở độ tuổi nào thì tình trạng này cũng cần được điều trị sớm nhất tránh để lại hậu quả nặng nề. 

Trong trường hợp gặp những dấu hiệu bất thường đáng lo ngại hoặc có những câu hỏi gấp, liên hệ tới hotline 0868 555 168 để được hỗ trợ sớm nhất

z5440103600324 c25ae4b7f90810a3a1650be4773e4b6f 1

Bài viết liên quan

Thông tin kiến thức
Gai sinh dục và sùi mào gà có gì khác nhau?

Gai sinh dục và sùi mào gà có nhiều đặc điểm khác biệt. Bài viết chia sẻ kiến thức về gai sinh dục, sùi mào gà và cách phân biệt, phòng tránh và điều trị chúng.

Thông tin kiến thức
Rối loạn kinh nguyệt: Nguyên nhân, chẩn đoán & cách điều trị

Rối loạn kinh nguyệt gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày. Tìm hiểu nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị hiệu quả để cải thiện tình trạng này.

Thông tin kiến thức
Viêm tuyến Bartholin: 8 điều cần biết

Viêm tuyến Bartholin là một căn bệnh phụ khoa nguy hiểm ở phụ nữ. Vậy nguyên nhân gây bệnh là gì? Bệnh nguy hiểm như thế nào? Điều trị được không?

Thông tin kiến thức
Chậm kinh: nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng tránh

Chậm kinh là hiện tượng kinh nguyệt bất thường ở nữ giới. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị chậm kinh để bảo vệ sức khỏe sinh sản.

All in one
Liên hệ