11 bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ và cách phòng ngừa

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

90% phụ nữ ở độ tuổi sinh sản tại Việt Nam mắc các bệnh phụ khoa. Việc điều trị chậm trễ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe sinh sản, giảm chất lượng sống. Tìm hiểu ngay 11 bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ và cách phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe của bạn.

1. Bệnh phụ khoa là gì? Những bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ

Bệnh phụ khoa là loại bệnh liên quan đến cơ quan sinh dục nữ, gồm âm hộ, âm đạo, buồng trứng, cổ tử cung và vòi trứng. Những vấn đề bệnh phụ khoa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, mà còn khiến chị em cảm thấy khó chịu ở vùng kín, ngại gần gũi và mất tự tin. 

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thói quen này chưa phổ biến và phụ nữ thường chỉ đi khám khi biểu hiện của bệnh trở nên nặng nề.
Dưới đây là 11 bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ :

1.1. Viêm sinh dục

Viêm âm đạo và âm hộ là những bệnh lý phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nguyên nhân thường do mất cân bằng hệ vi sinh vật trong môi trường âm đạo, dẫn đến các bệnh viêm nhiễm. Một số thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng có thể gia tăng nguy cơ viêm nhiễm như vệ sinh vùng kín không đúng cách.

Biểu hiện cụ thể:

  • Khí hư nhiều, có màu xanh, vàng và có mùi bất thường.
  • Âm đạo có mùi, ngứa rát và đau, có thể có mụn bất thường.
  • Đau vùng kín trong khi quan hệ, xuất hiện tình trạng ngứa rát khi đi tiểu.

1.2. U xơ tử cung

U xơ tử cung là một loại khối u thường gặp ở tử cung, đa phần lành tính và thường xuất hiện ở phụ nữ từ 35 – 50 tuổi. 

U xơ có thể ở dưới lớp mô tử cung, trong cơ hoặc dưới niêm mạc, có kích thước khác nhau. U xơ lấn vào lòng tử cung có thể gây chảy máu bất thường, rong kinh, rong huyết. U xơ to có thể chèn ép các cơ quan xung quanh như bàng quang, trực tràng, gây tiểu lắt nhắt, tiểu khó, táo bón…

Biểu hiện cụ thể:

  • Kinh nguyệt không đều, ra máu nhiều trong kỳ kinh, xuất huyết bất thường.
  • Đau bụng dưới.
  • Khí hư ra nhiều.
  • Đi tiểu nhiều lần.
  • Táo bón.
  • Đau, có chảy máu trong khi quan hệ tình dục.

1.3. U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là khối u xuất phát từ buồng trứng, có chứa dịch lỏng, đặc hoặc hỗn hợp. U nang buồng trứng có thể thuộc u nang thực thể hoặc u nang chức năng. Nang chức năng thường tự biến mất, còn u nang buồng trứng thực thể có thể tiến triển âm thầm và gây nguy hiểm cho sức khỏe khi kích thước khối u to hoặc biến chứng ác tính.

Biểu hiện cụ thể:

  • Cảm giác căng tức, nặng nề ở vùng bụng dưới.
  • Đau vùng chậu, đau lưng.
  • Quá trình đại tiện và tiểu tiện gặp khó khăn.
  • Đau khi gần gũi với bạn tình.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Đau trong chu kỳ kinh.
  • Xuất huyết âm đạo bất thường.

1.4. Viêm lộ tuyến cổ tử cung

Viêm lộ tuyến cổ tử cung được xem là một trong những bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nó hình thành khi các tế bào tuyến nằm trong ống cổ tử cung phía dưới phát triển ra ngoài, dẫn đến tình trạng tăng tiết dịch âm đạo và dễ dàng xâm nhập vi khuẩn gây viêm nhiễm.

Biểu hiện cụ thể:

  • Khí hư ra nhiều, có màu xanh hoặc vàng, có mùi khó chịu ở vùng kín. Đau ở vùng kín, vùng bụng dưới, mệt mỏi.
  • Tiểu rắt, tiểu nhiều lần.
  • Rối loạn kinh nguyệt.

1.5. Polyp cổ tử cung

Polyp cổ tử cung là những khối u phát triển trên cổ tử cung có kích thước từ vài mm đến vài cm. Polyp cổ tử cung thường có cuống và dễ chảy máu khi chạm vào, lành tính, không nguy hiểm và ít ảnh hưởng đến việc mang thai và sinh con. Tuy nhiên, một số trường hợp polyp có thể phát triển thành ung thư.

Biểu hiện cụ thể:

  • Xuất huyết âm đạo bất thường, thường ra máu sau quan hệ tình dục, sau khi thụt rửa âm đạo, giữa chu kỳ kinh hoặc sau mãn kinh.
  • Tăng dịch tiết âm đạo.

1.6. Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là do tế bào ở cổ tử cung tăng sinh và phát triển quá mức kiểm soát của cơ thể. Các tế bào ung thư này phát triển nhanh chóng và có thể xâm lấn và lan tràn qua các cơ quan xung quanh cổ tử cung.

Nguyên nhân chính dẫn đến ung thư cổ tử cung là nhiễm virus Human Papilloma (HPV). Một số loại HPV có thể gây ra ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ và dương vật, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng và mụn cóc sinh dục.

nguyên nhân chính gây ung thư cơ quan sinh dục nữ
HPV là nguyên nhân chính gây ung thư cơ quan sinh dục ở chị em

Biểu hiện cụ thể:

  • Xuất huyết hoặc dịch âm đạo bất thường.
  • Đau vùng chậu, đau lưng.
  • Tiểu tiện bất thường.
  • Khi ung thư lan tràn đến các cơ quan khác hoặc hạch bạch huyết, khối u có thể chèn ép và ảnh hưởng đến các cơ quan đó.

 1.7. Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi tế bào nội mạc ở tử cung được tìm thấy ở bên ngoài tử cung của phụ nữ. Bệnh thường gây đau đớn trong thời gian kinh nguyệt và có thể dẫn đến vô sinh do làm tổn thương ống dẫn trứng và buồng trứng, gây cản trở nhu động ống dẫn trứng và ảnh hưởng đến sự phóng noãn.

Biểu hiện cụ thể:

  • Những cơn đau vùng chậu trong thời gian kinh nguyệt, tần suất cơn đau tăng theo thời gian, có thể không giảm sau khi uống thuốc giảm đau.
  • Đau ở vùng thắt lưng và vùng bụng.
  • Đau trong quá trình đại tiện và tiểu tiện trong thời gian kinh nguyệt.
  • Đau khi gần gũi tình dục.
  • Mệt mỏi, rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, táo bón.

1.8. Rối loạn sàn chậu

Rối loạn sàn chậu là bệnh lý phổ biến ở phụ nữ sau quá trình mang thai, sinh nở, thiếu hormone ở giai đoạn mãn kinh và tiền mãn kinh. Rối loạn sàn chậu xảy ra khi cơ thể phải chịu sức nặng khi mang thai, sự căng giãn khi sinh con làm cho cơ sàn chậu hoạt động kém hiệu quả từ trong thai kỳ đến sau sinh.

Biểu hiện cụ thể:

  • Rối loạn đi tiểu: khó tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu không hết, tiểu về đêm.
  • Rối loạn đại tiện: són phân, táo bón, đau hậu môn khi đại tiện, đại tiện nhiều lần.
  • Rối loạn sinh hoạt tình dục: giãn rộng âm đạo, giao hợp không có hoặc giảm cảm giác, hoặc đau không thể giao hợp được.

1.9. Buồng trứng đa nang

Buồng trứng đa nang là bệnh lý phụ khoa liên quan đến rối loạn hệ thống cơ quan nội tiết, chuyển hóa và tâm lý. Phụ nữ mắc buồng trứng đa nang không chỉ đối mặt với nguy cơ giảm khả năng sinh sản mà còn tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng khác. Bệnh có thể gây ảnh hưởng đến buồng trứng, làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, rối loạn phóng noãn, tăng nồng độ hormone nam, hình thành nhiều nang nhỏ trong buồng trứng.

Biểu hiện cụ thể:

  • Kinh nguyệt không đều: mất kinh nguyệt trong nhiều tháng liền do rụng trứng gặp trục trặc, niêm mạc tử cung không bong ra hàng tháng.
  • Lông tóc phát triển, rậm lông: Hơn 70% phụ nữ mắc buồng trứng đa nang gặp tình trạng này, có những trường hợp ngược lại, rụng tóc, hói đầu, yếu tóc do tăng hormone nam trong cơ thể.
  • Béo phì.
  • Da mặt tăng tiết dầu, mụn trứng cá, da sạm.
  • Thay đổi tâm trạng, lo âu, căng thẳng.
  • Đau, tức, khó chịu vùng chậu.

1.10. Tắc vòi trứng

Tắc vòi trứng là một căn bệnh phụ khoa phổ biến, là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở phụ nữ. Khoảng 40% phụ nữ gặp vô sinh và mang thai ngoài tử cung do tắc vòi trứng và viêm ống dẫn trứng.

Biểu hiện cụ thể:

  • Đau vùng bụng, đau lưng, bụng chướng sưng kèm các triệu chứng rối loạn tiểu tiện như tiểu gấp, tiểu liên tục.
  • Kinh nguyệt không đều.
  • Xuất hiện nhiều khí hư gây ẩm ướt, dễ dẫn đến viêm nhiễm, đau và khó chịu trong khi quan hệ tình dục, rối loạn chức năng tiêu hóa.
  • Rối loạn kinh nguyệt.

1.11. Bệnh lây qua đường tình dục

Bài viết không thể không đề cập đến bệnh lây qua đường tình dục (sexually transmitted diseases – STDs). Những bệnh này hình thành do vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng lây lan từ người này qua người khác thông qua quan hệ tình dục không an toàn.

Một số căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khá phổ biến như lậu, giang mai, sùi mào gà… với các triệu chứng đa dạng tùy vào tác nhân gây bệnh.

2. Phòng ngừa bệnh phụ khoa

Để phòng tránh bệnh phụ khoa, chị em cần lưu ý chế độ sinh hoạt, lối sống, dinh dưỡng. Dưới đây là một số biện pháp phòng tránh bệnh phụ khoa hiệu quả:

2.1. Quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh

Quan hệ tình dục an toàn là một trong những phương pháp giúp phòng tránh lây nhiễm các loại bệnh lây qua đường tình dục. Sử dụng bao cao su khi quan hệ là phương pháp hiệu quả vừa tránh thai vừa ngăn ngừa bệnh lây nhiễm. Hãy chú ý vệ sinh sạch sẽ vùng kín trước và sau khi quan hệ. Hãy tuân thủ chế độ một vợ, một chồng, không quan hệ quá mạnh bạo hoặc có các quan hệ ngoài luồng để giảm nguy cơ lây nhiễm.

2.2. Vệ sinh vùng kín đúng cách

Việc vệ sinh vùng kín đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Hãy chú ý những điểm sau khi vệ sinh vùng kín:

  • Tắm rửa và thay quần lót thường xuyên, có thể vệ sinh nhẹ nhàng âm hộ với nước sạch sau mỗi lần đi tiểu, đại tiện. Tuy nhiên, không rửa vùng kín liên tục để tránh làm mất cân bằng độ ẩm và gây khó khăn trong quan hệ tình dục.
  • Tránh thụt rửa sâu, không ngâm cô bé trong nước lâu, vệ sinh từ trước ra sau, tránh thao tác ngược vô tình xâm nhập vi khuẩn từ hậu môn vào vùng kín.
  • Không sử dụng xà phòng mạnh hoặc chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín, tránh làm mất cân bằng độ ẩm và tiêu diệt vi khuẩn có ích.
  • Khi có kinh nguyệt, hãy thay băng vệ sinh thường xuyên, tối đa mỗi 4 giờ trong chu kỳ kinh. Đồng thời, cũng cần thay quần lót thường xuyên.

2.3.  Chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp

Chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý có thể phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh phụ khoa. Hãy bổ sung thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, tránh sử dụng các chất kích thích có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Hãy rèn luyện thói quen ngủ đủ giấc, điều chỉnh thời gian ngủ và vận động thể thao hàng ngày.

chế độ dinh dưỡng tốt có thể phòng ngừa một số bệnh phụ khoa
Một chế độ dinh dưỡng tốt có thể phòng ngừa một số bệnh phụ khoa

2.4.  Khám phụ khoa định kỳ

Khám phụ khoa định kỳ là một thói quen quan trọng trong cuộc sống của phụ nữ. Hãy gạt bỏ tâm lý e ngại khi đi khám để phát hiện sớm các biểu hiện bất thường. Phụ nữ bắt đầu có quan hệ hoặc chưa từng có quan hệ tình dục đều nên đi khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý vùng âm hộ, âm đạo, tử cung, và buồng trứng.

3. Lời khuyên từ bác sĩ

Ở Việt Nam tỷ lệ mắc các bệnh lý phụ khoa ở các độ tuổi ở người phụ nữ rất cao. Việc khám phụ khoa định kỳ ở Việt Nam còn chưa được phổ biến đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng núi do đó dễ bỏ qua những bệnh lý âm thầm tiến triển.

Các chị em chỉ đi khám khi các bệnh đã có những biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh phụ khoa là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe tổng thể cũng như chức năng sinh sản. Chị em hãy chủ động đi khám phụ khoa ít nhất một lần trong năm và tần suất khám phụ khoa càng cao đối với những người có tiền sử mắc bệnh phụ khoa.

Bài viết liên quan

Thông tin kiến thức
Kinh nguyệt ra ít có sao không?

Kinh nguyệt ra ít là triệu chứng rất thường gặp ở chị em trong những ngày hành kinh. Cùng làm rõ nguyên nhân kinh nguyệt ra ít ở bài viết dưới!

Thông tin kiến thức
Hướng dẫn tầm soát ung thư cổ tử cung theo từng độ tuổi

Tầm soát ung thư cổ tử cung giúp phát hiện bệnh sớm, từ đó có phương án điều trị kịp thời. Vậy bao nhiêu tuổi nên tầm soát ung thư cổ tử cung?

Thông tin kiến thức
Sarcoma tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị

Sarcoma tử cung là gì? Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị bệnh lý này qua bài viết dưới đây.

Thông tin kiến thức
Nguyên nhân viêm lộ tuyến cổ tử cung

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là bệnh phụ khoa thường gặp ở chị em, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy nguyên nhân viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì?

All in one
Liên hệ