Buồng trứng: Những điều cần biết và lời khuyên từ bác sĩ

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Buồng trứng là cơ quan sinh sản chính của nữ giới. Hãy cùng BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan tìm hiểu về vai trò, các bệnh lý hay gặp phải ở buồng trứng.

Buồng trứng là một bộ phận thuộc cơ quan sinh dục của phụ nữ, đóng vai trò quan trọng trong chức năng sinh sản và nội tiết. Dưới đây sẽ mô tả về vai trò và các bệnh lý thường gặp ở bộ phận này nhằm giúp chị em biết thêm thông tin và hiểu rõ hơn về cơ thể của mình.

1. Tổng quan về buồng trứng

1.1. Buồng trứng là gì?

Vị trí của buồng trứng nằm trên thành chậu bé của người phụ nữ, ở hai bên của tử cung, phía sau vòi tử cung và dính vào lá sau dây chằng rộng. Vị trí bộ phận này có thể thay đổi tùy thuộc vào số lần sinh nở. Ở những chị em chưa đẻ lần nào buồng trứng sẽ ở tư thế đứng, trục dọc của buồng trứng nằm thẳng đứng.

Vị trí buồng trứng
Vị trí buồng trứng

Buồng trứng dài khoảng 3cm, rộng 1,5 cm, dày 1cm, có hình hạt đậu dẹt. Trong quá trình mang thai, kích thước có thể tăng lên gấp đôi và nhỏ dần sau 30 tuổi. Cấu tạo của bộ phận này gồm 3 phần:

  • Vùng vỏ: Nằm ngay dưới lớp áo trắng, chứa các nang buồng trứng và thể vàng. 
  • Vùng tủy: Tập trung ở trung tâm, bao gồm mô đệm, tế bào cơ trơn cùng các mạch máu, đặc biệt là tĩnh mạch. Vùng tủy có nhiều mạch máu hơn tĩnh mạch.
  • Nang trứng: Ở bé gái mới chào đời, trong lớp vỏ buồng trứng đã hình thành nhiều nang trứng nguyên thủy (là giai đoạn đầu tiên của sự hình thành nang trứng). Mỗi nang trứng nguyên thủy có một tế bào trung tâm là noãn, được bao quanh bởi một lớp tế bào trụ nhỏ gọi là các tế bào nang.
Cấu tạo của buồng trứng
Cấu tạo của buồng trứng

Sau dậy thì, một số nang trứng nguyên thủy phát triển tạo các nang trứng trưởng thành. Trong mỗi chu kỳ, một trong số các nang trứng trưởng thành vỡ ra tạo lên hiện tượng rụng trứng ở nữ giới.

2. Chức năng và vai trò của buồng trứng

2.1 Chức năng sản xuất hormone

Buồng trứng là một tuyến nội tiết của cơ thể, có nhiệm vụ sản xuất hai hormone sinh dục quan trọng là estrogen và progesterone.

Trong huyết tương lưu hành 3 loại estrogen đó là estradiol, estrone và estriol. Tác dụng của hormone estrogen là bảo tồn và phát triển đặc tính sinh dục nữ thứ phát từ tuổi dậy thì bao gồm: phát triển cơ quan sinh dục, phát triển mỡ dưới da, giọng nói, hình dáng cơ thể .

Estrogen còn có tác dụng lên tử cung, cổ tử cung, vòi trứng giúp trứng đã thụ tinh di chuyển dễ dàng vào tử cung. Ngoài ra estrogen còn có tác dụng lên âm đạo, vòi trứng, tuyến vú, chuyển hóa và xương.

  • Hormone Progesterone

Progesterone có vai trò quan trọng nhất là điều hòa kinh nguyệt và chuẩn bị niêm mạc tử cung để sẵn sàng đón trứng đã thụ tinh làm tổ.

Hormone này còn gọi là hormone an thai, ngăn ngừa các cơn co thắt tử cung, nhằm bảo vệ thai nhi phát triển bình thường, tránh tình trạng đẻ non. Progesterone còn tác dụng lên cổ tử cung, cụ thể chúng tham gia tạo nút nhầy cổ tử cung, giúp cổ tử cung luôn đóng kín và ngăn chặn hoàn toàn các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào khi mang thai .

Sau khi sinh, hormone này sẽ tham gia quá trình tạo sữa. Ngoài ra còn tham gia vào điều hòa thân nhiệt.

2.2. Sản xuất trứng

Buồng trứng là nơi sản xuất và lưu trữ các tế bào trứng. Mỗi tháng, một số nang trứng sẽ phát triển, và một trong số chúng sẽ trở thành trứng chín để rụng ra ngoài dẫn đến quá trình hành kinh và thụ thai nếu gặp tinh trùng.

3. Các bất thường và bệnh thường gặp ở buồng trứng, nhận biết triệu chứng, và các hướng điều trị phổ biến.

Các bất thường buồng trứng nếu không được phát hiện sớm và điều trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển cơ thể và chức năng sinh sản của chị em. Dưới đây là những bệnh lý thường gặp ở buồng trứng bất thường, cũng như triệu chứng nhận biết và các hướng điều trị phổ biến hiện nay .

3.1. Buồng trứng đa nang

Buồng trứng đa nang là rối loạn liên quan đến mất cân bằng hormon ( thừa nội tiết tố nam) và kháng insulin. Nguyên nhân gây nên hội chứng này là do sự mất cân bằng sản xuất các hormon, có thể dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều, các bệnh liên quan đến tim mạch hoặc đái tháo đường. Tình trạng này nếu xảy ra có thể dẫn tới giảm khả năng sinh sản và có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.

Các triệu chứng của buồng trứng đa nang:

  • Kinh nguyệt không đều.
  • Ra máu nhiều khi hành kinh.
  • Mọc nhiều lông ở vùng mặt, ngục, lưng, bụng
  • Béo phì.
  • Mặt: da nhờn, nhiều mụn trứng cá.
  • Sạm da.
  • Nhức đầu.
  • Suy giảm chức năng sinh sản.

Phương pháp điều trị:

  • Uống thuốc tránh thai để cân bằng lại kinh nguyệt đều đặn, thường được sử dụng khi không muốn có con. 
  • Lối sống lành mạnh hơn (tăng cường thể dục, giảm cân, hạn chế chất béo, đồ ngọt).
  • Phương pháp nội soi đốt điểm buồng trứng: giúp rụng trứng đều đặn nhưng lại có nguy cơ mang đa thai và gây quá kích buồng trứng. Đây là phương pháp điều trị xâm lấn, có thể gây suy buồng trứng, đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật tay nghề cao, hạn chế với bệnh nhân lớn tuổi.

3.2. Suy buồng trứng

Suy buồng trứng sớm (mãn kinh sớm) là tình trạng suy giảm hoặc mất hoàn toàn chức năng sinh sản và nội tiết của buồng trứng trước 40 tuổi. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi với tỷ lệ như sau: 1/10000 phụ nữ dưới 20 tuổi, 1/1000 phụ nữ dưới 30 tuổi và 1/100 với phụ nữ dưới 40 tuổi.

Các triệu chứng của suy buồng trứng:

  • Mất kinh hoặc kinh nguyệt không đều. .
  • Có dấu hiệu bốc hỏa, về đêm hay đổ mồ hôi trộm
  • Khô da, khô vùng âm đạo.
  • Lo lắng, trầm cảm.
  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Khó chịu, căng thẳng.
  • Tăng rối loạn tự miễn dịch.

Phương pháp điều trị:

  • Liệu pháp thay thế hormone nữ: phương pháp này nhằm giảm bớt các triệu chứng của suy buồng trứng sớm giống với triệu chứng tiền mãn kinh như rối loạn chức năng tình dục, rối loạn vận mạch, vấn đề về da, tâm trạng, mệt mỏi. Đồng thời làm giảm tình trạng loãng xương nhờ bù sự thiếu hụt estrogen.
  • Hỗ trợ chăm sóc tinh thần người bệnh.

3.3. Viêm buồng trứng

Viêm buồng trứng là hiện tượng viêm xảy ra tại cơ quan buồng trứng, có thể cùng lúc ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong khung chậu, điển hình như tử cung, nội mạc tử cung, vòi trứng, buồng trứng, thành bụng hoặc phúc mạc. Thông thường, bệnh rất ít khi đơn phát mà đi kèm một số bệnh như viêm âm đạo, viêm vòi trứng vì vi khuẩn sẽ lây lan từ âm đạo đi lên buồng trứng, gây viêm nhiễm nhiều nơi.

Các triệu chứng của bệnh bao gồm:

  • Đau âm ỉ vùng bụng dưới.
  • Rối loạn kinh nguyệt, thường là rong kinh.
  • Đau hoặc chảy máu khi quan hệ.
  • Dịch tiết âm đạo nhiều, có mùi hôi, lẫn mủ.
  • Sốt, rét run, buồn nôn và nôn nếu bệnh đang ở giai đoạn cấp tính. 

Điều trị:

  • Điều trị nội khoa: kháng sinh, chống viêm, giảm đau, cải thiện thể trạng.
  • Ngoại khoa: trong trường hợp có khối áp xe khu trú, hoặc viêm dính buồng trứng có thể can thiệp phẫu thuật dẫn lưu khối áp xe hoặc gỡ các vùng dính.

3.4. Lạc nội mạc tử cung buồng trứng

Lạc nội mạc tử cung buồng trứng xảy ra khi các mô tương tự như lớp niêm mạc bên trong tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung, cụ thể là vị trí buồng trứng. Các vị trí bị lạc nội mạc tử cung có thể sưng lên và chảy máu, dẫn đến hiện tượng chảy máu bên trong khung chậu và đau bụng khi hành kinh. 

Một số triệu chứng của lạc nội mạc tử cung buồng trứng, đó là:

  • Đau bụng kinh.
  • Rong kinh.
  • Vấn đề về tiết niệu hoặc tiêu hoá.
  • Nôn, buồn nôn, mệt mỏi.
  • Đau khi quan hệ.

Điều trị:

  • Sử dụng thuốc: thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen.
  • Điều trị nội tiết: nhằm làm giảm lượng estrogen cơ thể tạo ra, khiến chu kỳ kinh nguyệt tạm ngừng, từ đó giảm các triệu chứng mà các đoạn bị lạc nội mạc tử cung gây ra.
  • Phẫu thuật: được chỉ định khi điều trị nội khoa không cải thiện,
  • Cải thiện lối sống: theo nghiên cứu hiện nay, việc cải thiện lối sống nhờ tăng cường sức khỏe bằng tập thể dục và ăn những thực phẩm như rau xanh, trái cây, các chất nhiều protein, vitamin cũng cải thiện triệu chứng.

3.5. U nang buồng trứng 

U nang buồng trứng là bệnh thường gặp ở buồng trứng, là bệnh phụ khoa có khả năng gây vô sinh ở nữ giới cao. Bệnh thường được phát hiện tình cờ bởi siêu âm do triệu chứng không rõ ràng.

Một số triệu chứng gợi ý:

  • Đau tức vùng bụng dưới
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Đau khi quan hệ
  • Khi kích thước U to có thể chèn ép gây các dấu hiệu như: Mót tiểu, rối loạn tiêu hóa.
Triệu chứng của u nang buồng trứng thường âm thầm, chỉ biểu hiện khi có các biến chứng.
Triệu chứng của u nang buồng trứng thường âm thầm, chỉ biểu hiện khi có các biến chứng.

Điều trị:

  • Đối với u nang chức năng không cần điều trị mà sẽ tự biến mất sau 3-6 tháng.
  • Sử dụng viên uống tránh thai theo đơn của bác sĩ với những trường hợp tái phát thường xuyên.
  • Đối với những trường hợp u nang kích thước lớn, gây chèn ép, có thể chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng đẻ bóc u nang.

3.6. Ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng là khối u ác tính có xuất phát từ một hoặc cả hai buồng trứng. Những tế bào ung thư này được coi là bất thường và phát triển không theo sự kiểm soát của cơ thể. Các tế bào ung thư có thể xâm lấn và gây tổn thương sang các cơ quan xung quanh. Ở những giai đoạn muộn chúng có thể di căn tới và gây ung thư thứ phát tại các cơ quan khác trong cơ thể.

Một số triệu chứng gợi ý :

  • Đau vùng bụng dưới
  • Ra máu âm đạo bất thường
  • Mệt mỏi, gầy sút cân nhanh
  • Rối loạn đại tiện, tiểu tiện
  • Có thể sờ thấy khối ở vùng tiểu khung.

Phương pháp điều trị:

  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng.
  • Phẫu thuật cắt bỏ tử cung.
  • Hóa trị.
  • Xạ trị.

4. Lời khuyên từ bác sĩ

Ngày nay các bệnh lý về buồng trứng ngày càng phổ biến. Một số bệnh liên quan đến bộ phận này có thể diễn biến âm thầm và không có những triệu chứng rõ ràng. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị và chăm sóc buồng trứng đúng cách có thể dẫn đến tổn thương buồng trứng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng sinh sản cũng như sức khỏe tổng thể của chị em.

Nếu bạn nhận thấy các các dấu hiệu về sức khỏe nghi ngờ mắc bệnh thường gặp ở buồng trứng như đau vùng bụng dưới, rối loạn kinh nguyệt, không xảy ra hiện tượng rụng trứng, ra dịch âm đạo bất thường… hãy đến khám các bác sĩ chuyên khoa nhằm phát hiện sớm để điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm về sau.

Bài viết liên quan

Thông tin kiến thức
Soi tươi huyết trắng để làm gì?

Nhiều chị em thắc mắc: “Soi tươi huyết trắng để làm gì?”. Đây là một xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh lý phụ khoa. Cùng bài viết tìm hiểu nhé.

Thông tin kiến thức
Hướng dẫn cách đọc kết quả soi tươi dịch âm đạo

Soi tươi dịch âm đạo giúp chẩn đoán mức độ viêm và tác nhân gây bệnh phụ khoa. Tìm hiểu cách đọc kết quả bình thường và bất thường để điều trị kịp thời.

Thông tin kiến thức
Clue cell trong kết quả soi tươi là gì?

Nhiều chị em khi nhận được kết quả xét nghiệm chưa nắm rõ Clue cell trong kết quả soi tươi là gì. Tìm hiểu ngay về Clue cell trong xét nghiệm soi tươi.

Thông tin kiến thức
Kinh nguyệt ra ít có sao không?

Kinh nguyệt ra ít là triệu chứng rất thường gặp ở chị em trong những ngày hành kinh. Cùng làm rõ nguyên nhân kinh nguyệt ra ít ở bài viết dưới!

All in one
Liên hệ