Việc nhận biết sớm dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì giúp phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe cũng như ổn định tâm lý cho các bạn nữ trong giai đoạn này. Cùng tìm hiểu các dấu hiệu bất thường kinh nguyệt ở tuổi dậy thì qua bài viết dưới đây.
1. Kinh nguyệt ở tuổi dậy thì
Trước khi tìm hiểu rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì, ta cần biết kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường, biểu hiện bằng việc có máu chảy ra khỏi âm đạo do bong các tế bào niêm mạc tử cung.
Kinh nguyệt thường xảy ra theo chu kỳ hàng tháng, được điều chỉnh bởi sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể.
Do hệ thống tiết hormone sinh dục nữ (trục dưới đồi – tuyến yên- buồng trứng) chưa hoàn thiện nên các bạn gái có thể xuất hiện rối loạn kinh nguyệt trong 1 – 2 năm đầu.
Sau khi trải qua thời điểm này, kinh nguyệt mới có thể diễn ra bình thường.
2. Kinh nguyệt bình thường
Kinh nguyệt bình thường tuổi dậy thì ở các bạn nữ thường có những đặc điểm sau:
- Bắt đầu có kinh từ 11-18 tuổi.
- Vòng kinh bình thường kéo dài từ 22-35 ngày, trung bình là 28-30 ngày.
- Thời gian hành kinh từ 3-7 ngày. Nếu ít hơn hoặc nhiều hơn số thời gian hành kinh thì bạn nữ bị rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì.
- Số băng vệ sinh sử dụng mỗi ngày 3-5 chiếc.
- Máu đỏ tươi, không xuất hiện cục, có mùi nồng.
3. Dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì
Khi chu kỳ kinh nguyệt không đảm bảo những điều kiện kể trên thì được coi là rối loạn kinh nguyệt.
Dựa vào những dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì mà bác sĩ có thể chia những bất thường kinh nguyệt thành những loại sau:
- Vô kinh nguyên phát: Đây là tình trạng mà các bé gái đã quá 18 tuổi nhưng vẫn chưa hành kinh.
- Vô kinh thứ phát: Kinh nguyệt bị mất quá 3 tháng (trong khi trước đó kinh nguyệt vẫn xuất hiện bình thường, đều đặn hàng tháng) hoặc quá 6 tháng (với những trường hợp kinh nguyệt không đều trước đó).
- Vô kinh giả: Máu kinh vẫn có nhưng bị tắc nghẽn do màng trinh hoặc cổ tử cung dính, gọi là bế kinh.
- Rong kinh: Thời gian ngày “đèn đỏ” lớn hơn 7 ngày.
- Kinh ít: Thể tích máu kinh rất ít.
- Kinh nhiều: Lượng máu kinh nhiều hơn bình thường, trên 60 ml trong cả chu kỳ kinh.
- Kinh thưa: Vòng kinh kéo dài hơn 35 ngày.
- Kinh mau: Thời gian giữa hai chu kỳ liên tiếp nhỏ hơn 21 ngày.
- Băng kinh: Máu kinh ra rất nhiều, trên 150ml trong vài ngày gây chóng mặt, mệt mỏi, có lúc ngất xỉu.
- Rong huyết: Xuất hiện máu ở âm đạo không liên quan đến kỳ kinh.
- Thống kinh: Đau bụng nhiều khi có kinh, có thể gây mệt mỏi và ảnh hưởng đến sinh hoạt.
- Kinh sớm: Thường gặp ở những bé gái có kinh trước 10 tuổi.
4. Phụ huynh nên làm gì khi con mình rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì?
Khi bé gái gặp đau bụng trong kỳ kinh, cha mẹ có thể đưa con đến các phòng khám chuyên khoa để được bác sĩ hướng dẫn sử dụng các thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen, diclofenac hoặc thuốc viên tránh thai kết hợp.
Các phụ huynh không nên tự ý mua thuốc để điều trị cho trẻ vì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể của trẻ.
Trường hợp vô kinh có thể do rối loạn dinh dưỡng và tâm lý. Trong một số trường hợp cải thiện dinh dưỡng và giải tỏa căng thẳng tâm lý có thể giúp khắc phục tình trạng này.
Tuy nhiên, hai nguyên nhân vừa kể trên không phải nguyên nhân duy nhất dẫn tới vô kinh nên khi xuất hiện dấu hiệu này, trẻ nên được thăm khám và đánh giá toàn diện sức khỏe.
Các trường hợp có rong huyết có thể do nhiễm khuẩn hoặc bất thường ở cổ tử cung. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ thực hiện những thăm khám cần thiết để đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn cơ quan sinh dục cũng như khả năng mắc ung thư cổ tử cung ở các bé gái.
Các bé gái mới bước vào giai đoạn dậy thì cần phải được theo dõi kỹ những bất thường để được chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh ảnh hưởng đến khả năng mang thai cũng như sức khỏe tổng quát sau này.
5. Những vấn đề cần chú ý với các bé gái đang trong giai đoạn dậy thì
Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý tự nhiên, là kết quả của sự thay đổi giải phẫu và sinh lý bình thường trong tuổi dậy thì.
Vì vậy, các bé gái không nên lo lắng về các chu kỳ kinh nguyệt không đều. Do trong 1-2 năm đầu khi mới có kinh, việc kinh nguyệt không đều có thể là bình thường.
Các bậc phụ huynh cũng cần trang bị trẻ những kiến thức để có một thời kỳ dậy thì khỏe mạnh. Cụ thể là:
- Hướng dẫn trẻ cách giữ vệ sinh khi có kinh nguyệt.
- Hướng dẫn trẻ một số biện pháp để giảm nhẹ các triệu chứng hay gặp trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Hướng dẫn cách chọn và dùng băng vệ sinh đúng cách.
- Giải thích về vấn đề giới tính cho trẻ.
- Hướng dẫn trẻ cách tự bảo vệ mình cũng như thông báo với gia đình những bất thường xảy ra.
- Hướng dẫn các biện pháp tránh thai an toàn cho trẻ trong giai đoạn này.
6. Lời khuyên của bác sĩ
Phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở Sản phụ khoa nếu trẻ xuất hiện những dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì sau:
- Không xuất hiện kinh nguyệt từ 6 tháng trở lên.
- Số ngày hành kinh trong một chu kỳ lớn hơn 7.
- Máu kinh ra nhiều khiến trẻ phải thay băng vệ sinh liên tục.
- Máu kinh xuất hiện cục máu đông và có mùi hôi.
- Đau bụng dưới dữ dội trong giai đoạn hành kinh.
- Ngứa vùng kín.
- Sưng âm hộ.
Do trẻ mới bước vào giai đoạn dậy thì nên cần được chăm sóc và xây dựng thói quen lành mạnh. Một số thói quen cần được xây dựng trong giai đoạn này là:
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh bằng việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất để tăng cường hệ miễn dịch. Trong những ngày đèn đỏ nên bổ sung các thực phẩm giàu sắt như gan, cải bó xôi, ngũ cốc để giúp tái tạo lượng máu mất đi theo chu kỳ kinh nguyệt.
- Uống 2 lít nước mỗi ngày và hạn chế sử dụng rượu, bia, cà phê để đảm bảo đủ khối lượng tuần hoàn trong máu.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh những áp lực quá mức cần thiết.
- Duy trì thói quen vệ sinh vùng kín hàng ngày đều đặn.
- Thay băng vệ sinh 6 giờ/lần, kể cả băng vệ sinh có trắng cũng nên thay để tránh tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
- Sử dụng quần lót khô và không bó sát.
- Không được giặt quần lót chung với quần áo hàng ngày.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn các dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì. Do đây là giai đoạn rất quan trọng với các bé gái nên cha mẹ cần đặc biệt quan tâm các em về thể chất cũng như tinh thần.
Nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường, cha mẹ có thể liên hệ Hotline hoặc đặt lịch khám để được BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan thăm khám, tư vấn và theo dõi nhé!