Cách nhận biết rau tiền đạo trên siêu âm

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Cách nhận biết triệu chứng và chẩn đoán rau tiền đạo trên siêu âm. Điều trị rau tiền đạo thế nào? Cùng tìm hiểu với Bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Lan.

Liệu bà bầu đã biết về cách nhận biết triệu chứng rau tiền đạo và chẩn đoán rau tiền đạo trên siêu âm? Điều trị rau tiền đạo thế nào trong suốt thai kỳ? Hãy cùng tìm hiểu với BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan.

1. Chẩn đoán rau tiền đạo

Rau tiền đạo là hiện tượng bánh rau bám ở đoạn dưới tử cung, che lấp một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung.

Rau tiền đạo xảy ra khoảng 1/200 trường hợp thai nghén, là một trong những nguyên nhân chính gây chảy máu 3 tháng cuối thai kỳ, trong chuyển dạ và sau đẻ.

Rau tiền đạo trên siêu âm được phân thành 4 loại theo vị trí bám như sau

  • Rau bám thấp: bánh rau bám lan xuống đoạn dưới cổ tử cung nhưng chưa tới lỗ trong cổ tử cung
  • Rau bám mép: bánh rau bám sát mép lỗ trong cổ tử cung
  • Rau tiền đạo bán trung tâm: bánh rau che lấp một phần lỗ trong cổ tử cung
  • Rau tiền đạo trung tâm: bánh rau che lấp toàn bộ lỗ trong cổ tử cung
Các vị trí bám của rau thai
Các vị trí bám của rau thai

Theo nghiên cứu, những yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ gây ra hiện tượng rau tiền đạo ở sản phụ

  • Đẻ nhiều lần
  • Tiền sử mổ lấy thai trước đó
  • Tiền sử phẫu thuật các bệnh về tử cung
  • Nạo, hút thai nhiều lần
  • Viêm nhiễm tử cung
  • Đa thai
  • Tiền sử mang thai mắc rau tiền đạo trước đó
  • Sản phụ sử dụng cocaine, thuốc lá,…

Triệu chứng gợi ý đến tình trạng rau tiền đạo là chảy máu âm đạo, thường xuất hiện vào 3 tháng cuối thai kỳ, đôi khi sớm hơn.

Thai phụ thường bị chảy máu âm đạo đột ngột, không có nguyên nhân rõ ràng. Lượng máu ít trong những lần đầu, có thể tự cầm, tuy nhiên những lần sau số lượng máu nhiều hơn và khoảng cách giữa các lần ra máu ngắn lại.

Máu ra có thể đỏ tươi hoặc lẫn máu cục. Ngoài ra, chị em cũng cần để ý tới các triệu chứng toàn thân của thiếu máu như hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu.

2. Cách nhận biết rau tiền đạo trên siêu âm

Khi thai phụ tới với phòng khám sản phụ khoa để khám thai định kỳ hoặc có các triệu chứng trên, bác sĩ sẽ chỉ định sản phụ làm siêu âm để chẩn đoán xác định rau tiền đạo.

2.1. Chẩn đoán rau tiền đạo trên siêu âm

Siêu âm rau tiền đạo giúp xác định vị trí bám của rau tiền đạo sớm. Phương pháp này an toàn và có giá trị chẩn đoán cao (độ chính xác 95% với đầu dò bụng và 100% với đầu dò âm đạo), kể cả trước khi có triệu chứng chảy máu âm đạo.

Trong siêu âm rau tiền đạo, bác sĩ sẽ dùng đơn vị milimet (mm) để miêu tả khoảng cách giữa mép dưới bánh rau và lỗ trong cổ tử cung.

Thường chẩn đoán rau tiền đạo trên siêu âm sẽ được xác định đối với thai kỳ lớn hơn 16 tuần tuổi.

  • Bánh rau ở vị trí bình thường: Mép dưới bánh rau cách lỗ trong cổ tử cung > 20mm.
  • Rau bám thấp: Mép dưới bánh rau cách lỗ trong cổ tử cung < 20mm, không che kín lỗ trong cổ tử cung.
  • Rau tiền đạo bán trung tâm hoặc rau tiền đạo trung tâm: Mép dưới bánh rau che kín một phần hoặc hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung.

Với các trường hợp chẩn đoán rau tiền đạo trên siêu âm từ 16 tuần tuổi trở đi, các bác sĩ khuyến cáo nên theo dõi lại vào thời điểm thai được 32 tuần và 36 tuần tuổi bằng siêu âm qua đầu dò âm đạo.

2.2. Siêu âm rau tiền đạo bằng đầu dò âm đạo

Siêu âm qua đầu dò âm đạo là phương pháp chẩn đoán hình ảnh đầu tay để chẩn đoán xác định rau tiền đạo. Siêu âm qua đầu dò âm đạo cho hình ảnh chính xác hơn so với siêu âm đầu dò bụng khi bàng quang đầy nước tiểu hoặc khi có cơn co tử cung ở đoạn dưới tử cung.

Siêu âm qua đầu dò âm đạo cho phép chẩn đoán xác định vị trí bám của rau tiền đạo
Siêu âm qua đầu dò âm đạo cho phép chẩn đoán xác định vị trí bám của rau tiền đạo

Siêu âm đầu dò âm đạo cho phép xác định rõ ràng lỗ trong cổ tử cung và khoảng cách chính xác từ mép dưới bánh nhau đến cổ tử cung.

Hơn nữa, khi sử dụng siêu âm Doppler màu với đầu dò âm đạo có thể đánh giá sự tưới máu của bánh rau, tình trạng cổ tử cung và đoạn dưới của tử cung, đánh giá nguy cơ biến chứng rau cài răng lược và chảy máu trong khi chuyển dạ.

Các bước tiếp cận của đầu dò âm đạo khi chẩn đoán rau tiền đạo trên siêu âm

  • Nhắc thai phụ đi tiểu để làm rỗng bàng quang
  • Đưa đầu dò âm đạo vào cho đến khi thấy cổ tử cung, nhận diện lỗ trong cổ tử cung
  • Đảm bảo nhẹ nhàng áp đầu dò lên cổ tử cung, tránh gây ảnh hưởng tới thai nhi
  • Định vị mép dưới bánh rau và đo khoảng cách giữa mép dưới bánh nhau với lỗ trong cổ tử cung

3. Các phương pháp điều trị rau tiền đạo

Nguyên tắc trong điều trị rau tiền đạo là phải dựa vào tuổi thai, phân loại rau tiền đạo trên siêu âm và mức độ chảy máu để lên kế hoạch truyền máu phù hợp.

3.1. Xử trí trong thời kỳ thai nghén

Sau chẩn đoán xác định rau tiền đạo trên siêu âm, các bác sĩ khuyên thai phụ nhập viện để điều trị và dự phòng cho lần chảy máu tiếp theo, nghỉ ngơi tại giường, hạn chế đi lại và đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng.

Chỉ định nhập viện với thai phụ rau tiền đạo
Chỉ định nhập viện với thai phụ rau tiền đạo

Tại bệnh viện, bà bầu sẽ được theo dõi sự phát triển của thai nhi và bánh rau để có biện pháp xử trí phù hợp.

  • Điều trị duy trì đối với thai chưa trưởng thành và mức độ chảy máu không nhiều: Dùng các thuốc giảm co tử cung như Spasmaverin, Salbutamol, Magnesulfate; Cho kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn; Bổ sung sắt và vitamin.
  • Chỉ định chấm dứt thai kỳ: Đối với rau tiền đạo trung tâm, các bác sĩ sẽ cân nhắc mổ chủ động lấy thai khi thai đủ tháng để tránh mất máu khi chuyển dạ. Đối với trường hợp chảy máu nặng hoặc điều trị chảy máu không thành công, các bác sĩ sẽ cân nhắc mổ lấy thai cầm máu cứu mẹ là chính, không kể tuổi thai.

3.2. Xử trí khi chuyển dạ

Với thể rau tiền đạo bám thấp và bám mép, đa số thai phụ được chỉ định đẻ đường âm đạo. Khi chuyển dạ nên bấm ối và xé màng ối để hạn chế gây chảy máu.

Nếu cầm máu thất bại thì nên mổ lấy thai để tránh gây nguy hiểm cho mẹ. Sau đó cần dùng các thuốc co hồi tử cung để tránh chảy máu chỗ rau bám, nếu không có kết quả cần phẫu thuật thắt động mạch cầm máu.

Với thể rau tiền đạo bán trung tâm và trung tâm, chỉ định mổ lấy thai chủ động. Trường hợp chảy máu không kiểm soát thì có thể thắt động mạch để cầm máu.

Nếu cầm máu không có kết quả cần dựa vào nguyện vọng sinh con sau này của sản phụ để chỉ định cắt bỏ hoặc bảo tồn tử cung.

Xử trí biến chứng rau cài răng lược của rau tiền đạo: Rau cài răng lược là biến chứng nặng của rau tiền đạo bởi mạch máu tăng sinh nhiều ở đoạn dưới tử cung, đâm xuyên vào thành bàng quang.

Biến chứng này thường gặp ở thai phụ có tiền sử mổ đẻ trước đây, gây khó khăn khi phẫu thuật, thai phụ mất nhiều máu và dễ tổn thương bàng quang.

3.3. Chăm sóc sau sinh

Thai phụ được theo dõi sát để đề phòng chảy máu tái phát sau sinh và nhiễm khuẩn. Ngoài ra mẹ cần được truyền máu bù nếu trước và trong khi chuyển dạ bị mất máu nhiều cũng như bổ sung thêm sắt và folic giúp cơ thể tạo máu.

Trẻ sơ sinh cần được chăm sóc đặc biệt, nhất là trong trường hợp trẻ non tháng, nhẹ cân, thiếu máu.

4. Kết luận

Rau tiền đạo là tuy không phải là một cấp cứu trong sản khoa, nhưng cũng cần được xác định trên siêu âm và đưa ra hướng xử trí kịp thời, tránh các biến chứng gây chảy máu trong và sau sinh.

Nếu chị em có bất kỳ thắc mắc nào về tình trạng rau tiền đạo cần được Bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Lan – Nguyên Trưởng khoa Phụ ngoại bệnh viện Phụ sản Trung Ương giải đáp và tư vấn điều trị hoặc muốn nhận lời khuyên từ những trường hợp mắc tương tự, tham gia ngay Facebook Group HỎI ĐÁP BỆNH PHỤ KHOA

Bài viết liên quan

Thông tin kiến thức
Chẩn đoán và điều trị rau tiền đạo

Thai phụ bị rau tiền đạo khi bánh rau bám ở vùng cổ tử cung, có thể gây nguy hiểm khi sinh em bé. Tìm hiểu ngay thông tin chẩn đoán và điều trị rau tiền đạo.

Thông tin kiến thức
Nhau thai bám thấp có sinh thường được không?

Nhau thai bám thấp sinh thường được không? Tùy thuộc vào vị trí nhau thai và mức độ nghiêm trọng. Tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án tốt nhất.

Thông tin kiến thức
Soi tươi huyết trắng để làm gì?

Nhiều chị em thắc mắc: “Soi tươi huyết trắng để làm gì?”. Đây là một xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh lý phụ khoa. Cùng bài viết tìm hiểu nhé.

Thông tin kiến thức
Hướng dẫn cách đọc kết quả soi tươi dịch âm đạo

Soi tươi dịch âm đạo giúp chẩn đoán mức độ viêm và tác nhân gây bệnh phụ khoa. Tìm hiểu cách đọc kết quả bình thường và bất thường để điều trị kịp thời.

All in one
Liên hệ