Rong kinh bị đau bụng dưới không phải hiện tượng hiếm gặp ở phụ nữ. Tuy nhiên tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng rong kinh thì sẽ phản ánh tình trạng khác nhau. Nếu tình trạng trên trở nên nặng hơn thì đó là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm.
1. Các loại đau bụng dưới khi hành kinh
Đau bụng dưới khi hành kinh là một hiện tượng sinh lý phổ biến ở phụ nữ khi đến chu kỳ kinh nguyệt. Cường độ đau và mức độ đau phụ thuộc vào cơ địa và sức khỏe mỗi người. Dù vậy, để xác định được đau bụng dưới là do đâu, là hiện tượng sinh lý bình thường hay là dấu hiệu của một bệnh lý phụ khoa, chị em cần phân biệt đau bụng dưới theo hai loại sau:
- Đau bụng dưới do yếu tố nguyên phát
Đau bụng dưới do yếu tố nguyên phát hay còn biết đến là tình trạng đau bụng sinh lý bình thường của phụ nữ khi hành kinh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tuổi tác, giai đoạn sinh lý khác nhau của phụ nữ.
Những bé gái trong tuổi dậy thì hoặc phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh có thể thường gặp các cơn đau bụng dưới dữ dội và thường xuyên hơn. Đau bụng dưới nguyên phát thường bắt đầu vào những ngày đầu kỳ kinh và giảm bớt sau vài ngày đầu tiên và thường không nghiêm trọng.
- Đau bụng dưới do yếu tố thứ phát
Đây là đau bụng kinh do các nguyên nhân khác, là dấu hiệu cho thấy một tình trạng tiềm ẩn như lạc nội mạc tử cung, u tuyến hoặc u xơ tử cung,…Những cơn đau bụng này thường đau đớn và khó chịu hơn bình thường. Cơn đau bắt đầu từ bụng dưới rồi lan rộng lên lưng hoặc đùi. Các triệu chứng kèm theo đau là đổ mồ hôi, đau đầu, buồn nôn, kinh nguyệt không đều, lạnh tay chân,….
2. Nguyên nhân gây rong kinh bị đau bụng dưới
Rong kinh bị đau bụng dưới trở nên dữ dội, gây khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày thì chị em cần lưu ý và tìm hiểu nguyên nhân. Để biết được nguyên nhân chính xác cũng như các giải quyết tình trạng này thì chị em nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết nhằm có chẩn đoán chính xác. Một số nguyên nhân thường gặp được kể đến dưới đây:
2.1. Bệnh lý lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các tế bào nội mạc tử cung được tìm thấy ở những cơ quan khác, không phải ở niêm mạc tử cung do lớp niêm mạc tử cung bong tróc không trôi theo lượng kinh ra ngoài hàng tháng mà lại đi lạc sang các bộ phận khác ở vùng chậu.
Đây là bệnh lý lành tính tuy nhiên gây ra đau đớn, bất tiện cho người bệnh và thậm chí có thể dẫn tới vô sinh. Một trong những biểu hiện thường thấy của bệnh này là đau bụng dưới âm ỉ hoặc dữ dội và kéo dài, có liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt.
Những phụ nữ có nguy cơ mắc phải bệnh này là:
- Phụ nữ chưa trải qua kỳ sinh nở;
- Phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt ngắn, dưới 27 ngày;
- Phụ nữ trung niên mãn kinh và tiền mãn kinh muộn;
- Tiền sử gia đình có người từng mắc bệnh như chị em gái, mẹ, bà,…
- Phụ nữ bị suy nhược cơ thể
- Có bất thường xảy ra tại cơ quan sinh sản
- Từng làm các thủ thuật tác động lên tử cung như nạo, hút, phá thai,…
2.2. Bệnh lý lạc tuyến nội mạc tử cung trong cơ tử cung
Bệnh lạc tuyến nội mạc tử cung trong cơ tử cung, hay được biết đến là bệnh cơ tuyến tử cung, là sự hình thành và phát triển các mô tuyến trong nội mạc tử cung bên trong lớp cơ tử cung. Bệnh gây ra các triệu chứng như rong kinh bị đau bụng dưới, đau quặn, đau nhói vùng xương chậu trong chu kỳ kinh, đau vùng chậu mãn tính giống với bệnh lạc nội mạc tử cung.
Nguyên nhân chính xác của bệnh này vẫn chưa được định rõ. Tuy nhiên có một số yếu tố dẫn ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh:
- Phụ nữ trước mãn kinh, trong độ tuổi từ 40 đến 50
- Đã có con
- Đã làm phẫu thuật liên quan đến tử cung: sinh mổ, phẫu thuật loại bỏ u xơ tử cung.
2.3. Bệnh lý u xơ tử cung
U xơ tử cung (u cơ trơn) là một trong những bệnh lý xảy ra phổ biến ở nữ giới. Đây là loại khối u xơ-cơ xuất hiện ở trong và xung quanh tử cung. Nguyên nhân gây ra bệnh này chưa được biết rõ nhưng khối u thường có đáp ứng với hormone sinh dục nữ. Vì vậy, u xơ tử cung thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và sẽ teo nhỏ dần khi mãn kinh.
Khi các khối u này lớn lên chèn ép gây chảy máu tử cung bất thường biểu hiện là rong kinh bị đau bụng dưới kèm theo các triệu chứng khác như đau, tức nặng vùng chậu; các triệu chứng tiết niệu như chèn ép bàng quang; có thể gây sảy thai tự nhiên hoặc xuất huyết sau sinh;…
2.4. Bệnh lý về viêm vùng chậu
Bệnh xảy ra khi nhiễm trùng lây lan từ âm đạo đến cơ quan sinh sản phía trên. Nó thường xảy ra do nhiễm trùng lây qua đường tình dục như nhiễm trùng roi, bệnh lậu,… mà không được điều trị. Bệnh viêm vùng chậu làm ảnh hưởng tới khả năng rụng trứng khiến kinh nguyệt không đều, gây ra tình trạng rong kinh bị đau bụng dưới, thiểu kinh,…
2.5. Một số bệnh lý hiếm gặp khác:
- Một số bệnh liên quan đến bất thường cấu tạo cơ quan sinh dục: dị dạng âm đạo, tử cung, hẹp cổ tử cung,…
- Dùng một số biện pháp gây rối loạn nội tiết sinh sản như sử dụng thuốc tránh thai, cấy que, nạo phá thai,…
- Phụ nữ mắc ung thư tử cung hoặc cổ tử cung
- Chế độ ăn uống chưa hợp lý, lối sống không lành mạnh
- Rối loạn chức năng tuyến giáp.
3. Đau bụng dưới kèm rong kinh có phải là dấu hiệu của u nang buồng trứng?
U nang buồng trứng là những u xuất hiện trên hoặc trong buồng trứng, nó có vỏ bọc bên ngoài và bên trong chứa dịch. Rong kinh bị đau bụng dưới bên trái hoặc bên phải của khung chậu tùy thuộc vào vị trí chứa khối u là triệu chứng phổ biến nhất. Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy căng tức mơ hồ hoặc nặng trĩu kéo dài âm ỉ.
Do đó, đau bụng dưới kèm rong kinh có thể là một trong những dấu hiệu của u nang buồng trứng. Tuy nhiên, nó không thể khẳng định được bệnh nhân bị u nang buồng trứng. Người bệnh khi có dấu hiệu này thì cần đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám lâm sàng kết hợp các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như nội soi, siêu âm để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất cho bệnh này.
4. Cách xử lý rong kinh bị đau bụng dưới
Nếu rong kinh bị đau bụng dưới không quá dữ dội, có thể chịu được thì có thể tham khảo một vài cách giảm thiểu rong kinh và đau bụng dưới tại nhà như sau:
- Nằm nghỉ ngơi khi ra máu quá nhiều và chườm ấm bụng từ 20 đến 30 phút tại vùng bụng bị đau.
- Chăm sóc sức khỏe hàng ngày bằng cách luyện tập thể dục thể thao, nghỉ ngơi điều độ, tránh căng thẳng mệt mỏi.
- Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, các thực phẩm bổ máu, giàu sắt, giàu magie, kẽm như thịt bò, hải sản,..các loại hoa quả để bổ sung vitamin. Đồng thời chị em cũng không nên sử dụng các chất kích thích như trà, cà phê, rượu, các gia vị cay trong kỳ kinh.
- Có thể dùng các bài thuốc dân gian để giảm đau như trà gừng, ngải cứu,…
- Chăm sóc vệ sinh vùng kín sạch sẽ khi đến chu kỳ kinh nguyệt, thay băng vệ sinh mỗi 4 – 8 tiếng một lần để tránh nhiễm trùng.
Khi tình trạng rong kinh bị đau bụng dưới nặng nề hơn, đau đớn hơn, chị em nên chủ động đến các cơ sở khám chữa bệnh sản phụ khoa để được tư vấn và điều trị sớm nhất.
Bài viết này đã cung cấp một cách nhìn khái quát, là tài liệu tham khảo cho các chị em khi gặp tình trạng rong kinh bị đau bụng dưới. Tuy nhiên, bài viết này không thể thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị trong y khoa.
[block id=”6028″]