Rong kinh sau khi cấy que tránh thai là tình trạng nội tiết tố bị rối loạn do ảnh hưởng của hormone từ que cấy. Vậy sau khi cấy que tránh thai bị rong kinh có nguy hiểm không? Bài viết sẽ giải đáp chi tiết ngay sau đây!
1. Cơ chế que cấy tránh thai hoạt động
Que cấy tránh thai là một thanh mềm, dẻo, mảnh, màu trắng, có chứa hormone progestin. Khi được cấy vào vùng da dưới cánh tay, hormone này sẽ từ từ được phóng thích vào cơ thể, ức chế quá trình rụng trứng, làm mỏng niêm mạc tử cung và đặc dịch nhầy cổ tử cung. Điều này sẽ ngăn chặn sự gặp nhau giữa tinh trùng và trứng, ngăn trứng đã thụ tinh làm tổ trong tử cung, từ đó đạt được hiệu quả tránh thai.
Khi thực hiện quá trình cấy que tránh thai, bác sĩ sẽ sát trùng và gây tê tại vùng da bên trong cánh tay không thuận, sau đó đưa que tránh thai vào dưới da bằng dụng cụ chuyên dụng. Sau khi cấy, chị em sẽ có cảm giác như một cây tăm nhỏ nằm bên dưới da cánh tay. Khi muốn dừng sử dụng phương pháp này, bác sĩ cũng có thể dễ dàng lấy que ra theo cách tương tự.
2. Cấy que tránh thai bị rong kinh là hiện tượng gì?
Rong kinh là hiện tượng máu kinh ra nhiều hơn bình thường và kéo dài hơn 7 ngày. Điều này có thể xảy ra ngẫu nhiên sau khi cấy que tránh thai và không tuân theo bất kỳ quy luật nào.
Thông thường, tình trạng rong kinh sau khi cấy que tránh thai không gây nguy hiểm và có thể tự phục hồi sau 6 tháng đầu tiên kể từ khi cấy que. Tuy nhiên, nếu rong kinh kéo dài trên 7 tháng sẽ gây mất nhiều máu, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động hàng ngày của phụ nữ. Tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người mà mức độ rong kinh sẽ khác nhau.
3. Nguyên nhân gây rong kinh sau khi cấy que tránh thai
Rong kinh sau khi cấy que là một trong những tác dụng phụ của cấy que tránh thai thường gặp nhất. Nguyên nhân chính của tình trạng rong kinh khi cấy que là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể khi bị tác động bởi hormone progestin từ que cấy.
Theo chia sẻ của BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan, trong khoảng thời gian đầu sau khi cấy que, việc bổ sung hormone từ que sẽ làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt của chị em, dẫn đến dấu hiệu bất thường như rong kinh, mất kinh, chu kỳ rút ngắn hoặc kéo dài hơn bình thường. Thống kê cho thấy cứ 5-6 người sử dụng phương pháp này thì có 1 người gặp phải hiện tượng rong kinh sau cấy que tránh thai.
4. Thời gian rong kinh sau cấy que tránh thai kéo dài trong bao lâu?
Tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người mà tình trạng rong kinh sau cấy que có thể xảy ra nhanh hoặc chậm. Một số trường hợp rong kinh chỉ diễn ra trong vài tháng đầu kể từ khi cấy que. Một số trường hợp khác có thể mất kinh, thỉnh thoảng có kinh trở lại hay thậm chí kéo dài cả năm.
Ngoài ra, chị em cũng có thể gặp các triệu chứng khó chịu khác như chóng mặt, đau đầu,…
Vì vậy, BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan khuyến cáo nếu các tác dụng phụ của cấy que tránh thai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và công việc hàng ngày, chị em cần đến cơ sở y tế uy tín để được tư vấn về phương pháp tránh thai phù hợp hơn.
5. Cấy que tránh thai xuất hiện rong kinh có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Tình trạng rong kinh kéo dài sẽ dẫn đến thiếu máu gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đời sống sinh hoạt của các chị em, chẳng hạn như:
5.1. Tác động đến thể chất
Rong kinh khiến cơ thể mất một lượng máu đáng kể, từ đó gây ra tình trạng thiếu máu, thiếu sắt. Chị em thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, da xanh xao, sụt cân…
5.2. Ảnh hưởng chất lượng cuộc sống
Hiện tượng rong kinh kéo dài sau khi cấy que tránh thai sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tình dục cũng như sinh hoạt hằng ngày. Mặt khác, chị em phải thường xuyên vệ sinh, thay băng vệ sinh trong ngày, nếu không sẽ dễ gặp phải các bệnh viêm nhiễm phụ khoa gây ngứa ngáy khó chịu. Tình trạng mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần khiến tâm trạng chị em trở nên stress, cáu gắt và dễ nổi nóng hơn bình thường.
6. Khi nào cần đi gặp bác sĩ?
Nếu tình trạng cấy que tránh thai bị rong kinh chỉ kéo dài khoảng 2 tuần, không hơn 6 chu kỳ và lượng máu không quá nhiều, chị em không cần quá lo lắng.
Tuy nhiên, cần đi khám ngay nếu rong kinh kéo dài hơn nửa năm hoặc lượng máu ra nhiều, không có dấu hiệu thuyên giảm và ảnh hưởng đến sức khoẻ. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, đánh giá tình trạng cũng như tư vấn biện pháp xử lý thích hợp. Một số trường hợp có thể cần phải chuyển đổi sang phương pháp tránh thai khác.
7. Cách xử lý tình trạng rong kinh sau cấy que tránh thai
Theo lời khuyên của BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan, khi gặp tình trạng rong kinh mức độ nhẹ sau khi cấy que tránh thai, chị em nên giữ tâm lý thoải mái và xây dựng lối sống lành mạnh để giúp cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Cụ thể:
- Chế độ ăn uống khoa học: ăn đủ chất, uống đủ nước…
- Ngủ đủ giấc, thư giãn tinh thần, tránh stress và căng thẳng.
- Luyện tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức để tăng cường thể lực.
8. Cách khắc phục cấy que tránh thai bị rong kinh
8.1. Cách khắc phục rong kinh sau khi cấy que tránh thai
Khi gặp tình trạng xuất hiện rong kinh mức độ vừa và nặng (phải sử dụng 2 băng vệ sinh cùng lúc hoặc thay băng liên tục trong vài giờ) hoặc rong kinh kéo dài (trên 2 tuần) sau khi cấy que tránh thai, các chị em nên thăm khám đến bác sĩ để có phương pháp xử lý kịp thời và nếu cần có thể sử dụng các biện pháp tránh thai thay thế như sau:
- Sử dụng bao cao su.
- Dùng thuốc tránh thai hàng ngày.
- Đặt vòng tránh thai.
Ngoài ra, để điều trị rong kinh sau cấy que tránh thai, bác sĩ khuyến khích các chị em nên:
- Nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh và căng thẳng kéo dài.
- Bổ sung sắt, axit folic để phòng tránh thiếu máu.
- Giữ sạch vùng kín.
- Tham vấn ý kiến bác sĩ sử dụng thuốc cầm máu hoặc thuốc nội tiết.
8.2. Biện pháp tránh thai nào ít tác dụng phụ nhất?
Hầu như các biện pháp tránh thai đều gây tác dụng phụ, chẳng hạn cấy que tránh thai bị rong kinh hoặc vô kinh, thuốc uống tránh thai hàng ngày có thể gây xuất huyết giữa chu kỳ kinh, đặt vòng tránh thai nếu không vệ sinh vùng kín sạch sẽ dễ gây viêm nhiễm…. Đồng thời sinh lý cơ thể của mỗi người là khác nhau nên khó đưa ra đánh giá đúng khi lựa chọn phương pháp ngừa thai ít tác dụng phụ nhất.
9. Hạn chế tác dụng phụ của que tránh thai
Mỗi phương pháp tránh thai đều có một số tác dụng không mong muốn đi kèm, cấy que tránh thai cũng không ngoại lệ. Để giảm thiểu rủi ro khi cấy que tránh thai, chị em phụ nữ có thể cân nhắc biện pháp sau:
- Chế độ ăn uống khoa học.
- Tập thể dục.
- Khám sức khỏe định kỳ.
Khi nội tiết tố được điều chỉnh và cân bằng trở lại, chu kỳ kinh nguyệt cũng dần trở về bình thường giúp chị em thoát khỏi tình trạng khó chịu khi bị rong kinh thường xuyên.
10. Làm thế nào để phòng tránh rong kinh và các tác dụng phụ khi cấy que tránh thai?
Để hạn chế các tác dụng phụ của cấy que tránh thai, chị em cần chú ý những điểm quan trọng sau:
- Lựa chọn địa chỉ cấy que tránh thai uy tín, cơ sở vật chất đủ chất lượng, đảm bảo vô trùng và được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề cao, có kinh nghiệm chuyên môn.
- Trước khi cấy que, cần thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để đảm bảo không có thai cũng như không thuộc nhóm chống chỉ định cấy que. Bác sĩ sẽ tư vấn giải pháp tránh thai phù hợp và an toàn nhất với từng trường hợp.
- Sau cấy que, theo dõi và chăm sóc vùng da được cấy theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Đồng thời xây dựng thói quen sinh hoạt hợp lý, chế độ ăn uống lành mạnh, tránh sử dụng chất kích thích, tập thể dục đều đặn để nâng cao sức khỏe, duy trì sự cân bằng nội tiết tố.
- Thực hiện tái khám định kỳ hoặc khi có bất thường theo chỉ định của bác sĩ để được xử trí kịp thời.
Cấy que tránh thai bị rong kinh là tình trạng phổ biến mà nhiều chị em gặp phải. Tác dụng phụ của cấy que tránh thai thường chỉ xuất hiện tạm thời và có thể khắc phục được. Tuy nhiên, nếu tình trạng rong kinh kéo dài hoặc lượng máu ra nhiều, chị em cần thăm khám để được điều trị rong kinh sau cấy que tránh thai kịp thời.
Nếu cần thêm thông tin hoặc trao đổi về các tình trạng thai sản, chị em hãy tham gia nhóm Facebook Team đẻ Phụ sản Hà Nội (Nhóm chính thức) để được đội ngũ bác sĩ chuyên môn tư vấn và đưa ra lời khuyên.