1. Khái niệm lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là bệnh mà mô tương tự như niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung. Nó gây phản ứng viêm mạn tính có thể dẫn đến hình thành mô sẹo (dính, xơ hóa) trong xương chậu và các bộ phận khác của cơ thể.
Bệnh tuy lành tính nhưng gây ra những cơn đau dữ dội, ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 10% (190 triệu) phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh sản trên toàn cầu.
Cho đến nay, chưa xác định được nguyên nhân cũng như chưa có biện pháp ngăn ngừa bệnh.
Giả thuyết phổ biến nhất cho rằng, lạc nội mạc tử cung xảy ra do một số mô giống nội mạc tử cung bị bong ra khi hành kinh chảy ngược lại (kinh nguyệt ngược).
Thay vì rời khỏi cơ thể qua âm đạo, một số mô sẽ di chuyển ngược trở lại ống dẫn trứng và vào các vị trí khác trong ổ bụng. Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, khi cơ thể tiết ra các hormone khiến niêm mạc tử cung chảy máu, các mô không đúng vị trí bị chảy máu dẫn đến viêm.
Theo thời gian, máu kinh và các mô bị viêm xung quanh có thể trở thành lạc nội mạc tử cung.
Do không có cách chữa trị nên việc điều trị thường nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng.
2. Dấu hiệu lạc nội mạc tử cung
Ở một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị lạc nội mạc tử cung nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào.
Tuy nhiên, biểu hiện thường gặp nhất khi bị lạc nội mạc tử cung là đau dữ dội ở vùng xương chậu, đau thành cơn, đặc biệt xuất hiện trong chu kỳ kinh nguyệt.
Một số khác đau khi quan hệ tình dục, tiểu tiện, đại tiện.
Các triệu chứng khác mà người bệnh có thể gặp là rong kinh, rong huyết, đau vùng chậu mạn tính, chướng bụng, buồn nôn, mệt mỏi, đôi khi trầm cảm, lo lắng và vô sinh.
Bệnh có thể bắt đầu ở kỳ kinh nguyệt đầu tiên của một người và kéo dài cho đến khi mãn kinh. Các triệu chứng thường cải thiện sau thời kỳ mãn kinh nhưng không phải tất cả các bệnh nhân đều như vậy.
(Hình ảnh gốc tiếng anh tự dịch sang tiếng việt)
Tùy theo vị trí của các khối lạc nội mạc tử cung, người ta chia thành 3 loại khác nhau:
- Lạc nội mạc tử cung ở nông – phúc mạc (SPE)
- U lạc nội mạc tử cung buồng trứng (OMA)
- Lạc nội mạc tử cung xâm nhiễm sâu (DIE)
Cách phân loại khác có thể dùng là dựa trên đặc điểm của tổn thương: đỏ, đen và trắng.
2.1. Lạc nội mạc tử cung ở nông – phúc mạc
Lạc nội mạc tử cung phúc mạc chiếm khoảng 80% trường hợp mắc bệnh. Nó xảy ra khi mô giống nội mạc tử cung phát triển dọc theo phúc mạc ổ bụng.
Phúc mạc là màng lót trong khoang bụng, mỏng và chứa hai lớp (lớp nông và lớp nội tạng sâu) với khoảng trống tiềm ẩn ở giữa. Cấu tạo mô học của phúc mạc bao gồm các tế bào trung biểu mô và được hỗ trợ bởi một lớp mô sợi. Phúc mạc hỗ trợ sàn chậu và các cơ quan trong ổ bụng. Phúc mạc còn hỗ trợ các mạch máu, dây thần kinh và bạch huyết xung quanh.
Mức độ của triệu chứng có thể liên quan trực tiếp đến độ sâu và vị trí của tổn thương cũng như xu hướng của một số mô sẹo xâm lấn các cấu trúc thần kinh.
Lạc nội mạc tử cung phúc mạc có thể có nhiều triệu chứng, bao gồm:
- Đau bụng dưới dữ dội trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc đau vùng chậu mạn tính, đau khi đại tiện. Các triệu chứng có thể nghiêm trọng và ảnh hưởng đến khả năng làm việc và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
- Đau vùng chậu và đau khi quan hệ tình dục có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và “chuyện ấy”.
- Các triệu chứng khác có thể gồm: mệt mỏi, chảy máu nhiều trong và giữa các kỳ kinh, đầy hơi, buồn nôn, khó mang thai…
Triệu chứng ở trường hợp này, khá giống với biểu hiện của những căn bệnh khác. Đây cũng là lý do gây nhầm lẫn trong quá trình chẩn đoán, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Bác sĩ sản phụ khoa có thể nghi ngờ bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung nếu bị đau vùng chậu mạn tính và có tiền sử ghi nhận các triệu chứng kinh nguyệt.
Khi thăm khám, bác sĩ có thể yêu cầu nội soi, chụp MRI, siêu âm, xét nghiệm mô học để phát hiện bất thường.
2.2. Lạc nội mạc tử cung buồng trứng
Lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng hay còn có tên là “u nang socola”. Đây là những u nang chứa đầy máu kinh nguyệt. Trong đó, mô giống nội mạc tử cung được tìm thấy ở buồng trứng, chiếm 17 – 40% trường hợp.
Triệu chứng phổ biến nhất là đau hoặc nhức vùng xương chậu hai bên (vị trí của buồng trứng). Các triệu chứng khác có thể gặp gồm:
- Đau bụng kinh dữ dội.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Đau khi đại tiện hoặc tiểu tiện.
- Cảm giác muốn đi tiểu nhiều hơn.
- Đau lưng.
- Nôn, buồn nôn.
- Đầy hơi.
Bệnh này có thể gây các biến chứng: Đau ở xương chậu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng, vô sinh.
Thông qua khám thực thể và chẩn đoán hình ảnh có thể phát hiện tình trạng lạc nội mạc tử cung buồng trứng. Nếu u nang đặc biệt lớn, bác sĩ có thể phát hiện khi khám phụ khoa. Ngoài ra, siêu âm qua âm đạo, chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) cũng có thể giúp chẩn đoán căn bệnh này.
Tuy nhiên, khám và chẩn đoán hình ảnh không đủ cơ sở để chẩn đoán đó là khối lạc nội mạc tử cung buồng trứng. Khối này có thể bị nhầm với khối u xuất huyết hoặc các khối u nang khác ở buồng trứng. Để xác định chính xác, chị em cần phải kiểm tra mô bằng xét nghiệm giải phẫu bệnh.
Để lấy mô, bác sĩ cần tiến hành nội soi ổ bụng. Theo đó, bác sĩ sẽ thực hiện vết cắt nhỏ trên bụng và đưa một ống mỏng vào bên trong. Qua nội soi bác sĩ có thể nhìn thấy u nang, lấy một mẫu để xét nghiệm (sinh thiết) hoặc cắt bỏ hoàn toàn.
Nếu đó là lạc nội mạc tử cung buồng trứng, bác sĩ sẽ nhìn thấy tuyến nội mạc tử cung và tế bào mô đệm trong mẫu. Khi nội soi ổ bụng, chẩn đoán và điều trị có thể tiến hành cùng lúc với nhau.
2.3. Lạc nội mạc tử cung xâm nhiễm sâu
Lạc nội mạc tử cung xâm nhiễm sâu chiếm đến khoảng 20% trường hợp. Đây là dạng nguy hiểm nhất trong 3 loại lạc nội mạc tử cung.
Lạc nội mạc tử cung xâm nhiễm sâu có thể ảnh hưởng đến toàn bộ xương chậu, làm đảo lộn cấu trúc giải phẫu và chức năng của các cơ quan quan trọng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Hiện tại, chưa có sự thống nhất rõ ràng về định nghĩa của bệnh này. Nhiều tác giả định nghĩa lạc nội mạc tử cung xâm nhiễm sâu là sự xuất hiện của tổn thương nội mạc tử cung có độ sâu trên 5mm dưới bề mặt phúc mạc.
Bên cạnh đó, có tác giả định nghĩa, đây là một thực thể bệnh lý. Gần đây, có quan điểm khác cho rằng, nó là sự xâm nhập của mô sợi và cơ trong các cơ quan. Cấu trúc giải phẫu bị ảnh hưởng bởi lạc nội mạc tử cung, bao gồm cả mô nội mạc tử cung, không liên quan đến mức độ sâu của tổn thương bên dưới phúc mạc.
Các tổn thương lạc nội mạc tử cung loại này lan rộng dưới dạng các khối u lành tính thường gặp ở túi Douglas (phần thấp của phúc mạc trong ổ bụng giữa tử cung ở trước và trực tràng ở sau), lan rộng đến các dây chằng quanh tử cung, liên quan đến động mạch tử cung, niệu quản hoặc bàng quang, xâm lấn vào thành trước trực tràng.
Tùy vị trí mà lạc nội mạc tử cung xâm nhiễm sâu gây ra các triệu chứng khác nhau:
- Dây chằng tử cung cùng, dây chằng niệu quản, túi douglas: Đau khi giao hợp, đau bụng kinh, đau vùng chậu mạn tính
- Bàng quang, vách ngăn bàng quang – tử cung: Triệu chứng tiết niệu (tiểu nhiều lần, tiểu gấp, khó tiểu, tiểu máu)
- Niệu quản: Có thể không có triệu chứng hoặc gây đau thắt lưng, tiểu ra máu
- Vách ngăn trực tràng và âm đạo: Tiêu chảy, táo bón, co thắt ruột, đại tiện đau, chướng bụng.
Chẩn đoán dựa trên khám lâm sàng và khám thực thể. Bác sĩ sẽ chẩn đoán hình ảnh thông qua chụp cộng hưởng từ (MRI), thụt bari tương phản kép (DCBE), nội soi bàng quang, chụp cắt lớp vi tính (CT scan). Nếu phải phẫu thuật, việc xác định và sinh thiết các tổn thương là cần thiết.
Nhiều bệnh nhân không có triệu chứng hoặc chỉ xuất hiện những triệu chứng với mức độ không tương đồng với mức độ nghiêm trọng của tổn thương nội mạc tử cung có thể gây khó khăn trong quá trình chẩn đoán lâm sàng.
3. Mục tiêu điều trị lạc nội mạc tử cung
Mặc dù lạc nội mạc tử cung không thể chữa trị dứt điểm nhưng vẫn có thể điều trị bằng nhiều cách khác nhau nhằm đạt được các mục tiêu như:
- Giảm triệu chứng đau.
- Giảm kích thước khối hoặc làm chậm sự phát triển nội mạc tử cung
- Bảo tồn hoặc phục hồi khả năng sinh sản.
- Ngăn ngừa/trì hoãn sự tái phát của bệnh.
Dưới đây là các phương pháp điều trị và cải thiện triệu chứng lạc nội mạc tử cung phổ biến nhất hiện nay:
3.1. Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau không kê đơn có thể bao gồm aspirin và acetaminophen, các chất ức chế prostaglandin như ibuprofen, naproxen natri, indomethacin và axit tolfenamic. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thêm đơn thuốc nếu cần.
3.2. Liệu pháp nội tiết tố
Điều trị nội tiết nhằm mục đích ngăn cản rụng trứng càng lâu càng tốt có thể bao gồm: thuốc tránh thai đường uống, thuốc progesterone, dẫn xuất testosterone (danazol) và thuốc chủ vận GnRH (thuốc hormone giải phóng gonadotropin). Khi sử dụng các thuốc này cần chú ý một số tác dụng không mong muốn của thuốc.
3.3. Phẫu thuật
Phẫu thuật bảo tồn nhằm mục đích loại bỏ hoặc tiêu diệt các khối u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng, giảm đau và có thể cho phép mang thai trong một số trường hợp. Phẫu thuật bảo tồn có thể được thực hiện nếu phát hiện khối lạc nội mạc tử cung khi nội soi ổ bụng chẩn đoán. Liệu pháp nội tiết có thể được chỉ định cùng với phẫu thuật bảo tồn.
Phẫu thuật triệt để, có thể cần thiết trong những trường hợp nghiêm trọng, bao gồm cắt bỏ tử cung, loại bỏ tất cả các khối u và cắt bỏ buồng trứng.
3.4. Điều trị thay thế
Các lựa chọn điều trị lạc nội mạc tử cung bổ sung có thể bao gồm y học cổ truyền Trung Quốc, phương pháp dinh dưỡng, vi lượng đồng căn, kiểm soát dị ứng và liệu pháp miễn dịch.
4. Cách điều trị lạc nội mạc tử cung
Cách điều trị sẽ dựa vào tình trạng khi phát hiện bệnh. Ở bệnh nhân đã có biến chứng, cần phải điều trị suốt đời, chỉ đến khi mãn kinh mới có thể khỏi bệnh.
Ở những phụ nữ trẻ tuổi, để điều trị tận gốc, có thể phải phẫu thuật. Nếu không điều trị triệt để sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của bệnh nhân.
Theo quan điểm của bác sĩ, hiện nay, phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng. Khi dùng cách điều trị nội khoa dùng liệu pháp nội tiết tố, một số thuốc giúp giảm triệu chứng đau, giảm kích thước khối lạc nội mạc tử cung, giảm nguy cơ tái phát trên bệnh nhân.
Bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật khi tất cả điều trị nội khoa đã thất bại. Bệnh nhân có thêm bệnh lý đi kèm cũng cần can thiệp bằng phẫu thuật.
- Lạc nội mạc tử cung phúc mạc: Cắt bỏ nang hoặc đốt hủy.
- U lạc nội mạc tử cung buồng trứng: Bóc nang (trong đó hạn chế tối đa làm tổn thương buồng trứng, đặc biệt là vỏ buồng trứng) giúp giảm đau, giảm tái phát.
- Lạc nội mạc tử cung xâm nhiễm sâu: Phẫu thuật có thể giúp giảm đau nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng, cắt tử cung được cân nhắc tùy vào mức độ bệnh.
Khi chị em phụ nữ có triệu chứng nghi ngờ mắc lạc nội mạc tử cung, có thể đến với Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa – BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan để được khám và điều trị, tránh ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc sống hàng ngày.