Đa ối: 10 điều mẹ bầu cần biết

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Đa ối là hiện tượng tích tụ dư thừa nước ối trong thai kỳ. Mẹ bầu cần biết dấu hiệu, nguyên nhân, nguy hiểm của bệnh và cách phòng ngừa hiệu quả nhất.

Khi mang thai, mẹ bầu phải luôn để ý đến sức khỏe của mình và bé yêu. Một trong những dấu hiệu bất thường cần chú ý là tình trạng nước ối quá nhiều. Vậy đa ối là gì? Tình trạng này có thể gây ra những nguy hiểm gì cho mẹ và bé? Mẹ bầu bị đa ối nên làm gì?

1. Đa ối là gì?

Đa ối (tiếng Anh là Polyhydramnios) là hiện tượng tích tụ quá nhiều nước ối. Trong đó, nước ối là chất lỏng bao quanh thai nhi trong tử cung. Trong quá trình mang thai, nước ối đóng vai trò quan trọng như bảo vệ thai nhi khỏi chấn thương, nhiễm trùng, giúp phổi phát triển, đồng thời nước ối giúp điều hòa thân nhiệt và cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi.

Lượng nước ối thường tăng dần, đạt khoảng 1 lít vào tuần thứ 37 và giảm xuống còn khoảng 0,5 lít ở tuần thứ 40. Thai nhi sẽ liên tục nuốt nước ối rồi bài tiết ra ngoài dưới dạng nước tiểu, giúp cân bằng thể tích nước ối. Tuy nhiên, nếu sự cân bằng này bị xáo trộn khiến lượng nước ối tăng đột biến lên 2-3 lít, mẹ bầu sẽ được chẩn đoán mắc đa ối.

Thông thường, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm để ước lượng gián tiếp thể tích nước ối. Mẹ bầu được xác định bị bệnh này khi chỉ số nước ối (AFI – amniotic fluid index) đo qua siêu âm vượt quá 25 cm.

1.1. Phân loại đa ối

Tình trạng đa ối được chia thành các loại dựa theo:

Thời gian xuất hiện:

  • Đa ối cấp tính: Xảy đến đột ngột trong khoảng 3 ngày, gây ra các triệu chứng khó chịu. Thường do các bất thường như dị tật thai nhi.
  • Đa ối mạn tính: thường được phát hiện vào những tháng cuối thai kỳ, qua việc thăm khám thai định kỳ.

Mức độ nghiêm trọng: 

  • Đa ối nhẹ: Góc ối sâu nhất 8-11cm (80% trường hợp).
  • Đa ối trung bình: Góc ối sâu nhất 12-15cm (15% trường hợp).
  • Đa ối nặng: Góc ối sâu nhất trên 16cm (5% trường hợp).

1.2. Dấu hiệu nhận biết đa ối

Thông thường, các dấu hiệu của tình trạng này khá kín đáo do lượng nước ối tăng từ từ. Mẹ bầu có thể không cảm nhận được sự thay đổi và chỉ phát hiện ra khi đi khám thai định kỳ. 

Bệnh có thể diễn biến cấp tính làm mẹ bầu đột ngột thấy bung to lên nhanh gây khó thở nhiều, hoặc đau bụng thậm chí có thể xuất hiện phù toàn thân. Ngoài ra, áp lực của lượng nước ối dư thừa cũng có thể gây chèn ép niệu quản có thể dẫn đến thiểu niệu.

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ thấy:

  • Tử cung to hơn so với tuổi thai do ứ đọng nhiều nước ối.
  • Các bộ phận của thai nhi khó xác định.
  • Nghe tim thai yếu và xa xăm.
  • Biểu hiện như “phản ứng sóng vỗ” khi ấn vào bụng thai phụ.

2.  Đa ối nguy hiểm như thế nào?

Tình trạng bệnh bắt đầu càng sớm và lượng nước ối càng cao thì nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và bé càng tăng. Một số biến chứng có thể kể đến bao gồm:

  • Vỡ ối sớm do áp lực lớn từ dịch ối. 
  • Ngôi thai bất thường như ngôi mông.
  • Bong nhau thai, sa dây rốn gây thiếu oxy cho thai nhi.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng, băng huyết sau sinh do tử cung khó co hồi.
  • Thai nhi chậm tăng trưởng, dị tật bẩm sinh.
  • Sinh non khiến các chức năng của bé chưa hoàn thiện.
  • Trong tình huống xấu nhất có thể dẫn đến thai lưu.

Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra và tình trạng nghiêm trọng của đa ối. Dù vậy, phần lớn các trường hợp sẽ không để lại di chứng nếu được phát hiện và xử lý kịp thời. Ngay khi em bé chào đời, lượng dịch ối thừa cũng sẽ thoát ra và mẹ cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

3. Nguyên nhân gây đa ối

Quy trình tạo ra và loại bỏ nước ối diễn ra liên tục trong suốt thai kỳ để duy trì một lượng dịch vừa đủ. Thai nhi sẽ nuốt nước ối, sau đó chất lỏng đi qua hệ tiêu hóa, được thận lọc và bài tiết dưới dạng nước tiểu, rồi lại tiếp tục chu trình tái tạo. Nếu cơ chế cân bằng này bị rối loạn, lượng nước ối sẽ gia tăng và gây bệnh. 

Trên thực tế, khoảng 2/3 các ca bệnh không xác định được nguyên nhân rõ ràng. Một số nguy cơ được cho là có liên quan như:

  • Mẹ mắc bệnh đái tháo đường: Thai phụ tiểu đường có tỷ lệ đa ối lên tới 10%, nhất là trong 3 tháng cuối. Do lượng đường trong máu mẹ cao, thai nhi sẽ tiết nhiều nước tiểu hơn.
Đái tháo đường thai kỳ là nguyên nhân thường gặp gây đa ối
Đái tháo đường thai kỳ là nguyên nhân thường gặp gây đa ối
  • Mẹ bị rối loạn tăng trương lực cơ: Đây là trường hợp hiếm gặp trong thai kỳ.
  • Mang song thai hoặc đa thai: Sự trao đổi chất giữa các bào thai không cân bằng có thể khiến một bé dư thừa nước ối.
  • Dị tật bẩm sinh của thai nhi: Các khiếm khuyết như hở hàm ếch, hẹp môn vị sẽ cản trở bé nuốt và bài tiết nước ối.
  • Các yếu tố khác: Thiếu máu thai nhi, nhiễm trùng bào thai, bất đồng nhóm máu mẹ – con…

4.  Chẩn đoán và điều trị đa ối

4.1. Chẩn đoán

Siêu âm đo chỉ số ối là tiêu chuẩn xác định bệnh. Nếu không có điều kiện siêu âm, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng như bụng to, tử cung lớn hơn tuổi thai, khó sờ nắn thai, nghe tim thai mờ và xa. 

Hình ảnh đa ối trên siêu âm với độ sâu khoang ối lớn nhất 20.28cm
Hình ảnh đa ối trên siêu âm với độ sâu khoang ối lớn nhất 20.28cm

Ngoài ra còn cần chẩn đoán phân biệt với một số tình trạng có biểu hiện tương tự như:

  • Chửa trứng: Thường gặp ở giai đoạn đầu, tử cung to nhanh, xét nghiệm beta-hCG cao. Hình ảnh điển hình của chửa trứng trên siêu âm là hình ảnh ruột bánh mì hoặc hình ảnh tổ ong trong buồng tử cung.
  • Bàng quang đầy nước tiểu: Gây cảm giác bụng căng, khó khám thai. Cho bệnh nhân đi tiểu sẽ giảm triệu chứng.
  • Cổ trướng: Là tình trạng dịch tự do ổ bụng nhiều, thường gặp trong bệnh lý của gan như xơ gan, ung thư gan,… 
  • Thai to: Tử cung to hơn tuổi thai nhưng vẫn sờ nắn, nghe tim thai rõ. Siêu âm cho thấy chỉ số ối bình thường.
  • Đa thai: Dễ gây nhầm lẫn với bệnh do tử cung lớn gây khó thở.  Siêu âm sẽ thấy nhiều túi ối riêng biệt.

4.2.  Điều trị

Không khuyến khích hạn chế uống nước, dùng lợi tiểu vì ít hiệu quả.

Đa ối cấp tính: Có thể chọc hút ối để giảm triệu chứng tức thì cho mẹ hoặc đình chỉ thai nghén bằng thuốc nếu phát hiện dị tật thai nhi.

Đa ối mạn tính:

  • Mức độ nhẹ: Theo dõi và chờ đến ngày sinh nếu không có chỉ định can thiệp.
  • Mức độ nặng: Nhập viện nếu khó thở, đau bụng, hạn chế vận động. Có thể dùng Indomethacin để giảm tiết nước ối nhưng cần thận trọng vì tác dụng phụ.
  • Gây chuyển dạ khi thai 38-39 tuần hoặc mẹ khó chịu.
  • Bấm ối chủ động lúc sinh với mục đích giảm áp lực tử cung, tránh rau bong non, sa dây rốn. Chuẩn bị cho trường hợp phải mổ cấp cứu.
  • Truyền oxytocin nếu cơn co yếu.
  • Dùng thuốc co hồi tử cung ngay sau sinh để phòng chảy máu.

5. Bị đa ối mẹ bầu nên làm gì? 

5.1. Cách làm giảm triệu chứng đa ối 

Để giảm bớt lo lắng và các triệu chứng khó chịu khi bị bệnh, mẹ bầu có thể:

  • Tìm cách thư giãn, nghỉ ngơi nhiều hơn.
  • Chia sẻ với bác sĩ về kế hoạch sinh nở, nhất là trường hợp sinh non.
  • Báo ngay khi xuất hiện triệu chứng mới hoặc bụng to đột ngột. 
  • Tham gia các diễn đàn, hội nhóm để trao đổi kinh nghiệm với những người cùng cảnh ngộ.

Bên cạnh đó, mẹ cũng cần tuân thủ lịch khám thai và siêu âm định kỳ để bác sĩ theo dõi sát tình hình, đưa ra hướng xử trí kịp thời khi cần thiết.

5.2. Khi nào cần gặp bác sĩ? 

Trong quá trình mang thai, nếu bạn gặp phải bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như cảm giác bụng quá căng tức hoặc bụng tăng kích thước đột ngột, hãy liên hệ ngay với bác sĩ phụ trách thai kỳ của bạn. 

Trong trường hợp bạn được chẩn đoán mắc phải bất kỳ vấn đề sức khỏe nào liên quan đến thai kỳ, điều cực kỳ quan trọng là chị em phải tuân thủ lịch khám thai của bác sĩ. Chị em nên trao đổi kỹ với bác sĩ về những điều có thể xảy ra nếu bị bệnh để được tư vấn và có hướng theo dõi, xử trí kịp thời.

5.3. Phòng ngừa đa ối

Mẹ bầu có thể giảm nguy cơ bằng cách:

  • Bổ sung đầy đủ dưỡng chất
  • Xây dựng chế độ ăn hạn chế muối 
  • Uống đủ nước
  • Khám thai đều đặn, làm các xét nghiệm sàng lọc theo chỉ định.
  • Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường thai kỳ, nhiễm trùng…

6. Tổng kết

Đây là một trong những biến chứng thai kỳ đáng lo ngại, có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé nếu không được phát hiện, theo dõi và xử trí đúng cách. Vì vậy, mẹ bầu cần nắm vững các kiến thức cơ bản về tình trạng này, từ cách nhận biết triệu chứng cho đến nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa.

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan cho biết, quan trọng nhất là các mẹ bầu nên nhớ không bỏ qua bất cứ dấu hiệu bất thường nào và luôn theo dõi thai kỳ đúng lịch. Trên thực tế, với sự chăm sóc chu đáo, hầu hết các ca bệnh đều có thể vượt qua suôn sẻ, đón bé yêu chào đời an toàn.

7. Lời khuyên cho mẹ bầu bị đa ối

Mẹ bầu được chẩn đoán đa ối cần lưu ý một số điều sau đây để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé:

  • Hãy tuân thủ lịch khám thai định kỳ và thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn. Việc theo dõi chặt chẽ sẽ giúp phát hiện sớm các biến chứng tiềm ẩn của bệnh.
  • Nghỉ ngơi, thư giãn đầy đủ, tránh làm việc quá sức: Stress có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
  • Nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường như đau bụng, khó thở, hoặc bụng to lên nhanh chóng cần liên hệ ngay với bác sĩ.
  • Chuẩn bị tâm lý cho việc sinh non hoặc sinh mổ trong trường hợp bệnh diễn tiến nặng. Hãy chia sẻ với bác sĩ về kế hoạch sinh nở mong muốn của bạn.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế muối và uống đủ nước. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp mẹ bầu đối phó tốt hơn.

Bệnh có thể gây ra nhiều lo lắng cho chị em trong thai kỳ. Tuy nhiên với sự theo dõi và chăm sóc phù hợp, hầu hết các trường hợp nếu được quản lý tốt,  mẹ bầu vẫn có thể sinh con khỏe mạnh bình thường.

Mong rằng qua bài viết này, các mẹ bầu đã có thêm kiến thức bổ ích để bảo vệ sức khỏe của bản thân và thai nhi. Chúc các mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh, hạnh phúc và có một thai kỳ mẹ tròn con vuông. Nếu còn thắc mắc hoặc gặp bất kì vấn đề nào trong thai kỳ, mẹ bầu vui lòng đặt lịch khám tại đây để được tư vấn sớm nhất.

Liên hệ - đặt lịch


    Bài viết liên quan

    Thông tin kiến thức
    Vì sao ai mang bầu cũng cần sàng lọc tiền sản giật?

    Tiền sản giật là một bệnh lý gây nguy hiểm trong thai kỳ. Do vậy, phụ nữ mang thai ai cũng cần sàng lọc tiền sản giật để phòng ngừa biến chứng do bệnh gây ra.

    Thông tin kiến thức
    Bế sản dịch sau sinh: 7 điều cần biết

    Bế sản dịch sau sinh là tình trạng sản dịch tồn đọng lại ở tử cung, gây các biến chứng nguy hiểm. Do đó, chị em cần nắm rõ nguyên nhân và cách phòng tránh.

    Thông tin kiến thức
    Cách cầm máu khi bị nhau tiền đạo hiệu quả

    Hướng dẫn cách cầm máu khi bị nhau tiền đạo hiệu quả và an toàn nhất. Tìm hiểu nhau tiền đạo là gì và cách giảm nguy cơ biến chứng rau tiền đạo dưới đây.

    Thông tin kiến thức
    Quy trình đặt vòng tránh thai như thế nào?

    Đặt vòng tránh thai cần được thực hiện đúng cách để đảm bảo hiệu quả và an toàn. Bài viết hướng dẫn quy trình đặt vòng tránh thai và một số lưu ý khi đặt vòng.

    All in one
    Liên hệ