Hiểu về dậy thì – Hướng dẫn cho bố mẹ

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Hiểu về tuổi dậy thì sẽ giúp bố mẹ có thể hỗ trợ tốt hơn trong quá trình con trẻ lớn khôn. Hãy cùng BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan tìm hiểu nhé.

Tuổi dậy thì là thời điểm thay đổi của trẻ thành người trưởng thành qua sự phát triển về thể chất và tinh thần. Bố mẹ cần hiểu và làm gì để cùng con vượt qua? Hãy tìm hiểu bài viết dưới đây.

1. Tuổi bắt đầu dậy thì ở nam và nữ

Trung bình tuổi dậy thì ở nam sẽ bắt đầu từ 9 đến 14 tuổi và ở nữ từ 8 đến 13 tuổi. Tuy nhiên đây chỉ là độ tuổi dậy thì trung bình, điều này có thể xuất hiện sớm hoặc muộn hơn.

Tuổi dậy thì ở nam và nữ
Tuổi dậy thì ở nam và nữ

Hormone là yếu tố quan trọng kích hoạt quá trình dậy thì ở trẻ em. Đến thời gian xác định, hormone từ não sẽ tiết ra, di chuyển trong máu tới cơ quan sinh dục và kích thích việc sản sinh các hormone liên quan. Ở mỗi giới khác nhau thì các hormone tiết ra sẽ khác nhau:

  • Ở nam giới: hormone kích thích tinh hoàn tạo ra testosterone và tinh trùng
  • Ở nữ giới: hormone kích thích buồng trứng sản sinh ra estrogen, tăng trưởng và giải phóng trứng.

Ngoài ra, cơ thể còn có các hormone hỗ trợ hình thành các đặc điểm sinh dục thứ phát như hormone của tuyến thượng thận để phát triển lông mu, lông nách, mùi cơ thể và mụn trứng cá.

2. Thay đổi trong thời kì dậy thì

2.1. Về thể chất

2.1.1. Ở trẻ nam

Dấu hiệu đầu tiên tuổi dậy thì ở nam thường bắt đầu bằng hiện tượng gia tăng kích thước tinh hoàn. Tinh hoàn to ra và da bìu mỏng, tăng sắc tố kết hợp với sự tăng trưởng của dương vật cho thấy sự phát triển dần về thể chất của trẻ.

Ở tuổi này của trẻ có thể xuất hiện hiện tượng cương dương và xuất tinh, thậm chí có thể xuất hiện ngay trong khi ngủ (mộng tinh). Tinh dịch chứa tinh trùng có thể thụ tinh với trứng của phụ nữ để tạo ra em bé.

Lúc này, trẻ bắt đầu có các đặc điểm sinh dục phụ thứ phát như mọc râu, lông nách, lông mu và bắt đầu vỡ giọng làm giọng nói trầm hơn,…

Vóc dáng của con trai thường phát triển muộn hơn so với con gái. Trẻ sẽ cao lên, vai mở rộng, cơ thể đầy đặn hơn và hệ cơ bắp phát triển hơn so với nữ. Sự tăng trưởng về chiều cao đột biến thường xảy ra trong độ tuổi từ 12 đến 15 tuổi, 16 tuổi tốc độ tăng chiều cao giảm dần nhưng cơ bắp vẫn tiếp tục phát triển.

2.1.2. Ở trẻ nữ

Sự phát triển của bầu vú là một trong các thay đổi đầu tiên có thể nhận ra trong tuổi dậy thì ở nữ. Bầu vú bắt đầu xuất hiện những u cục nhỏ, mềm (còn là chồi vú) ở quanh núm vú hai bên. Trong 1-2 năm tới, ngực sẽ dần phát triển và lớn hơn.

Ở giai đoạn này, vóc dáng của các bé gái có sự thay đổi đáng kể. Trẻ có sự tăng trưởng nhanh về chiều cao trong 1-2 năm trước khi dậy thì và sau khi có kinh nguyệt, chiều cao có thể cải thiện thêm khoảng 2-5cm trước khi ngừng hoàn toàn. Sự tăng cân và lớp mỡ dưới da dày lên làm cho cơ thể trẻ mềm mại và nữ tính hơn, hông nở rộng hơn và ngực đầy đặn hơn.

Một số các đặc điểm sinh dục thứ phát cũng được biểu hiện ra như mọc lông nách, lông mu,…

Việc có kinh nguyệt là mốc đánh dấu sự trưởng thành về mặt thể chất của trẻ và khả năng có thể mang thai. Thời gian một bé gái xuất hiện kinh nguyệt lần đầu tiên thường sau khoảng 2 năm bắt đầu tuổi dậy thì (từ 9 đến 16 tuổi).

2.2. Về tinh thần

Đây là một quá trình phức tạp ảnh hưởng tới tâm lý trẻ rất nhiều. Bố mẹ cần hiểu và cảm thông cho sự nhạy cảm này để giúp trẻ phát triển theo hướng tốt nhất.

Trong thời gian này, trẻ có thể có những biểu hiện thay đổi về mặt tâm lý như:

  • Cần sự riêng tư hơn
  • Dễ ủ rũ, buồn bã không rõ lý do
  • Quan tâm tới góc nhìn của người khác nghĩ gì về bản thân
  • Ít thể hiện tình cảm với cha mẹ
  • Tập trung vào các mối quan hệ với bạn bè hơn là gia đình
  • Chú ý nhiều hơn tới cách ăn mặc, phong cách
Thay đổi tâm lý tuổi dậy thì
Thay đổi tâm lý tuổi dậy thì

Đây cũng là lúc trẻ cảm thấy rõ áp lực đồng trang lứa nhiều hơn so với khi còn bé. Từ một đứa trẻ phụ thuộc vào bố mẹ, trẻ bắt đầu thể hiện tính độc lập trong suy nghĩ và hành động khi đến tuổi dậy thì, khát khao được thể hiện bản thân và đưa ra quyết định.

Trẻ thường không muốn lắng nghe ý kiến bố mẹ và thầy cô, chính điều này có thể dẫn tới các mâu thuẫn với gia đình, trường học.

Đây là thời điểm tâm lý nhạy cảm, khả năng đối phó với căng thẳng còn kém, dễ dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới tâm lý như trầm cảm, lo âu, rối loạn ăn uống,… và có thể có những hành vi có hại tới bản thân.

3. Những lưu ý thường có ở tuổi dậy thì

Khi tới giai đoạn này, con trẻ thường sẽ có nhiều mối bận tâm và lo lắng về những thay đổi đang diễn ra bên trong cơ thể. Nắm bắt và hiểu được những vấn đề này sẽ giúp cho bố mẹ có thể kịp thời giải đáp và xử lý những tình huống có thể xảy ra đối với con.

Dưới đây là một số lưu ý thường có ở lứa tuổi này và giải pháp:

  • Mùi cơ thể: bố mẹ nên hướng dẫn con vệ sinh cơ thể đúng cách kết hợp với một số sản phẩm khử mùi hoặc chống mồ hôi
  • Mụn trứng cá: nguyên nhân gây mụn trứng cá là sự thay đổi nội tiết khiến da tăng tiết bã nhờn và do sinh hoạt, ăn uống; các con nên rửa mặt sạch 1-2 lần/ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ và nước ấm, điều chỉnh chế độ sinh hoạt sao cho phù hợp
Chăm sóc da giảm mụn trứng cá tuổi dậy thì
Chăm sóc da giảm mụn trứng cá tuổi dậy thì
  • Kích thước các cơ quan sinh dục: trẻ nên được hiểu và nhận biết các kích thước bình thường của các cơ quan sinh dục để không có những nhận định sai lệch về sự phát triển của bản thân
  • Sự cương dương và xuất tinh: bố mẹ nên giải thích cho trẻ trong thời điểm dậy thì, sự cương dương có thể xảy ra tự nhiên không vì lý do gì và xuất tinh có thể xảy ra trong khi ngủ (mộng tinh)
  • Tiết dịch âm đạo: trước khi có kinh nguyệt từ 6 tháng đến 1 năm, các bé gái có thể thấy dịch trắng, trong, dính trên quần lót; mẹ cần giải thích đây là hiện tượng bình thường của quá trình dậy thì, tránh để các bé hoang mang
  • Sự thay đổi về cân nặng: ở giai đoạn này, cân nặng của trẻ thay đổi rất nhiều, một số trẻ có thể gặp trở ngại về ngoại hình; bố mẹ hãy hướng dẫn cho con cách yêu bản thân và cân bằng dinh dưỡng để giúp con tự tin hơn
  • Băn khoăn giới tính: nếu trẻ có những băn khoăn về giới tính của bản thân, bố mẹ có thể cởi mở tìm cách để con chia sẻ vấn đề này hoặc tìm tới tư vấn tâm lý nếu cần thiết
  • Thiếu kiềm chế về mặt cảm xúc: bố mẹ nên khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc của bản thân bất cứ khi nào chúng muốn, giúp trẻ ổn định cảm xúc ở tuổi dậy thì bằng một số biện pháp như thiền, tập thể dục, viết nhật ký,…

4. Lời khuyên của bác sĩ về dậy thì

Tuổi dậy thì diễn ra khác nhau ở từng trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ gặp những vấn đề như con trai phát triển trước 9 tuổi, con gái trước 7 tuổi, trẻ không có biểu hiện dậy thì sau 13 tuổi, con gái chưa có kinh nguyệt sau 16 tuổi hoặc có bất kỳ thay đổi bất thường về mặt tâm sinh lý, bố mẹ nên đưa con đi khám để nhận được sự hỗ trợ kịp thời và tốt nhất về mặt y tế.

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa của BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan sẽ là một địa chỉ y tế uy tín để khám và chẩn đoán các tình trạng sức khỏe sản phụ khoa, hãy đặt lịch khám tại đây.

Bài viết liên quan

Thông tin kiến thức
Ra máu trước kỳ kinh: Nguyên nhân và cách xử trí

Ra máu trước kỳ kinh thường xảy ra ở phụ nữ do nhiều nguyên nhân, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống. Vậy cách xử lý thế nào?

Thông tin kiến thức
Tái tạo cổ tử cung là gì? Mối liên hệ với bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là bệnh phụ khoa thường gặp ở chị em nhiều độ tuổi khác nhau. Hiểu rõ về quá trình tái tạo cổ tử cung giúp phòng ngừa và điều trị bệnh lý này hiệu...

Thông tin kiến thức
Bác sĩ giải đáp: Ra máu âm đạo bất thường nguy hiểm như thế nào?

Chảy máu âm đạo bất thường báo động cho sức khỏe phụ nữ. Bài viết giải đáp nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của chảy máu âm đạo. Đọc ngay!

Thông tin kiến thức
Bật mí cách sử dụng cốc nguyệt san hiệu quả

Cốc nguyệt san là sản phẩm phổ biến trong chăm sóc chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Tìm hiểu về cốc nguyệt san qua bài viết sau.

All in one
Liên hệ