1. Các loại thuốc đặt phụ khoa phổ biến
1.1. Thuốc đặt âm đạo điều trị viêm nhiễm phụ khoa
Viêm âm đạo do vi khuẩn là một trong những vấn đề phụ khoa phổ biến. Thuốc đặt âm đạo chứa kháng sinh như clindamycin hoặc metronidazole thường được sử dụng để điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ phụ khoa có thể đề xuất các phương pháp điều trị bổ sung, như thay đổi lối sống, sinh hoạt tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh.
1.2. Thuốc đặt âm đạo điều trị các bệnh nhiễm nấm
Nhiễm nấm âm đạo là một vấn đề thường gặp và có thể tái phát. Thuốc kháng nấm dạng đặt âm đạo có thể được sử dụng kết hợp dạng uống để điều trị nhiễm nấm âm đạo.
Nếu tình trạng viêm tái phát nhiều lần, việc đặt đi đặt lại cùng một loại thuốc với cùng liều lượng có thể dẫn đến tình trạng nhờn thuốc, kháng thuốc. Do đó việc thăm khám bác sĩ phụ khoa mỗi lần có viêm nhiễm sinh dục là cần thiết để được chỉ định điều trị hiệu quả.
1.3. Thuốc đặt âm đạo dành cho ký sinh trùng trichomonas
Trichomonas là một loại ký sinh trùng gây nhiễm trùng âm đạo. Ký sinh trùng này thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh, như metronidazole hoặc tinidazole. Cũng như khi nhiễm nấm, điều trị viêm âm đạo do trùng roi Trichomonas cần dùng cả thuốc uống và thuốc đặt âm đạo, ngoài ra bác sĩ cũng cần kê thuốc cho cả bạn trai hoặc chồng của bạn để tránh tái phát.
1.4. Các dạng thuốc đặt âm đạo điều trị viêm nhiễm
Có nhiều loại thuốc đặt âm đạo với thành phần khác nhau. Tùy vào tác nhân gây viêm mà bác sĩ có thể chỉ định thuốc đặt phù hợp như: thuốc kháng nấm, thuốc kháng sinh,… kết hợp với thuốc uống và thuốc bôi nếu cần để tăng hiệu quả điều trị.
2. Tác dụng phụ của thuốc đặt phụ khoa là gì?
Khi sử dụng thuốc để điều trị các vấn đề về phụ khoa, có thể xuất hiện một số tác dụng phụ như sau:
2.1. Đau bụng dưới và cảm giác nóng rát
Đau bụng dưới là một biểu hiện phổ biến sau khi sử dụng thuốc đặt phụ khoa. Đau này có thể đi kèm với cảm giác nóng rát và khó chịu ở vùng kín. Thường thì những biểu hiện này không đáng lo ngại và có thể tiếp tục sử dụng thuốc. Tuy nhiên, nếu tình trạng nghiêm trọng hơn hoặc gặp các triệu chứng bất thường khác, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
2.2. Ra bã nhờn và dịch tiết âm đạo có màu lạ
Hiện tượng ra bã nhờn và dịch tiết có màu giống viên thuốc đặt âm đạo là một biểu hiện phổ biến sau khi sử dụng thuốc. Điều này là do thuốc đặt phụ khoa tan ra và có thể kèm theo vi khuẩn gây hại bị loại bỏ. Chị em không cần lo lắng về vấn đề này, nhưng nên lưu ý nếu có một mùi đặc trưng không bình thường hoặc dịch tiết có lẫn máu.
2.3. Ra máu âm đạo sau khi sử dụng thuốc
Hiện tượng ra máu sau khi sử dụng thuốc cũng là một biểu hiện có thể gặp. Tuy nhiên, khác với những biểu hiện khác, xuất huyết này (nếu không phải máu kinh) có thể là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng hơn trong âm đạo của bạn. Việc xuất hiện máu có thể do tổn thương và cần được thăm khám bởi bác sĩ.
3. Có nên sử dụng thuốc đặt phụ khoa nhiều không?
Việc sử dụng thuốc đặt phụ khoa nhiều tốt hay không tốt phụ thuộc vào việc tuân thủ chỉ định và hướng dẫn sử dụng của bác sĩ. Trong một liệu trình điều trị, thuốc đặt phụ khoa thường được sử dụng trong khoảng 7 đến 10 ngày. Nếu tình trạng không cải thiện, bạn nên tái khám với bác sĩ để đánh giá và điều chỉnh phương pháp điều trị.
Tuy nhiên, một số phụ nữ thường tự mua thuốc đặt vùng kín mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc không tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Việc sử dụng thuốc chưa đúng chỉ dẫn hoặc kéo dài thời gian điều trị có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản. Điều này gây ra sự mất cân bằng môi trường âm đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển. Viêm nhiễm có thể trở nên nghiêm trọng hơn và gây hậu quả đáng lo ngại, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, đặc biệt là cản trở quá trình thụ tinh và mang thai.
Do đó, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, khi sử dụng thuốc, bạn cần tuân thủ các quy định sau:
- Chỉ sử dụng thuốc đặt âm đạo khi đã được bác sĩ chuyên khoa tư vấn và kê đơn. Không nên tự ý mua thuốc khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị viêm phụ khoa. Sử dụng đúng liều lượng và không tự ý ngừng dùng thuốc khi thấy đỡ.
- Vệ sinh tay kỹ trước khi đặt thuốc vào vùng kín. Chọn tư thế thoải mái để đặt thuốc, sau khi đặt thuốc xong, nên nằm nghỉ (tốt nhất là đặt buổi tối trước khi đi ngủ) để thuốc phân rã, thẩm thấu và hạn chế chảy ra ngoài. Tránh dùng thuốc khi đang kinh nguyệt (trừ trường hợp đang trong thời gian đặt thuốc mà xuất hiện kinh nguyệt thì nên vệ sinh sạch vùng kín trước khi đặt thuốc) và cần tránh quan hệ tình dục trong thời gian điều trị.
- Lưu ý rằng mỗi loại thuốc có tác dụng điều trị khác nhau. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về loại thuốc phù hợp với tình trạng sức khoẻ.
- Nếu sau liệu trình điều trị mà tình trạng vẫn không cải thiện, hãy tái khám với bác sĩ để được đánh giá và điều chỉnh phương pháp điều trị.
- Nên tuân thủ đúng các bước để sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc đặt phụ khoa
4. Lời khuyên từ bác sĩ
Thuốc đặt phụ khoa đã được chứng minh là có hiệu quả tốt đối với nhiều bệnh viêm nhiễm vùng âm đạo. Tuy nhiên, lạm dụng thuốc đặt phụ khoa sẽ mang lại nhiều hậu quả trái ngược
Việc sử dụng thuốc cho bệnh phụ khoa cần được thực hiện dưới sự chỉ định và giám sát của bác sĩ chuyên khoa phụ khoa. Nếu bạn gặp bất kỳ vấn đề hoặc thắc mắc nào, có thể tham gia vào group “HỎI ĐÁP BỆNH PHỤ KHOA” để được bác sĩ giải đáp và nhận lời khuyên từ những người gặp trường hợp tương tự.