[Hỏi đáp] Quan hệ tình dục khi mang thai có an toàn?

Chân dung BSCKII Lê Thị Quyên - Nguyên Phó khoa Phụ 2 BV Phụ Sản TW

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Lê Thị Quyên

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Có nên quan hệ tình dục khi mang thai không? là câu hỏi được nhiều mẹ bầu quan tâm. Xem chi tiết giải đáp của bác sĩ dưới đây.

Quan hệ tình dục khi mang thai là mối quan tâm của nhiều cặp vợ chồng. Bác sĩ giải đáp các thắc mắc về việc đang có bầu quan hệ được không cũng như lợi ích, lưu ý và tư thế an toàn để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé qua bài viết sau.

1. Câu hỏi của người bệnh

Một mẹ bầu trong nhóm Hội mẹ bầu thông thái Hà Nội đã đưa ra thắc mắc như sau: “Đang mang bầu mà quan hệ vậy có được không các mẹ?”

”Có được quan hệ tình dục khi mang thai không” là vấn đề được nhiều mẹ bầu quan tâm
”Có được quan hệ tình dục khi mang thai không” là vấn đề được nhiều mẹ bầu quan tâm

2. Bác sĩ giải đáp: Có nên quan hệ tình dục khi mang thai không?

Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta cùng tìm hiểu những vấn đề sau đây: 

2.1. Mang thai ảnh hưởng đến đời sống tình dục vợ chồng ra sao?

Những thay đổi nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ khi mang thai tác động mạnh mẽ đến ham muốn chăn gối của mẹ bầu. Không chỉ vậy, khi bụng bầu ngày càng lớn, các tư thế ân ái quen thuộc trở nên khó khăn hơn cũng sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt tình dục. Tùy theo từng giai đoạn của thai kỳ, đời sống tình dục có thể xuất hiện những đặc điểm khác biệt như:

2.1.1. Ba tháng đầu 

Khi mới mang thai, sự mệt mỏi và thay đổi hormone làm giảm ham muốn cũng như tần suất quan hệ. Tuy nhiên, cơ thể mẹ bầu vẫn chưa có nhiều thay đổi về kích thước.

2.1.2. Ba tháng giữa

Lượng máu đến vùng kín tăng cường, ngực phát triển, cơ thể tiết dịch âm đạo nhiều hơn khiến cho ham muốn tình dục thường tăng cao trong giai đoạn này.

2.1.3. Ba tháng cuối

Bụng bầu lớn gây bất tiện cho việc quan hệ khi mang thai. Đây là lý do khiến cho nhiều cặp đôi ngại quan hệ. Lưu ý, vợ chồng cần lựa chọn các tư thế phù hợp để tránh ảnh hưởng xấu đến cả mẹ và bé.

2.2. Quan hệ tình dục khi mang thai có nên hay không?

2.2.1. Lợi ích của việc duy trì quan hệ tình dục khi mang thai

Quan hệ khi có bầu không chỉ không gây hại cho thai nhi mà còn mang lại nhiều lợi ích cho bà bầu như:

  • Giúp kiểm soát cân nặng: Quan hệ giúp đốt cháy lượng calo tương đối lớn nên sẽ ngăn tình trạng tăng cân quá mức xảy ra trong thời gian mang thai.
  • Hạ huyết áp: Duy trì chuyện chăn gối đều đặn là cách hiệu quả nhất để ổn định huyết áp, giảm nguy cơ tiền sản giật – một biến chứng nguy hiểm cho mẹ bầu. 
  • Giảm đau tự nhiên: Khi quan hệ sẽ kích thích cơ thể tiết ra oxytocin – loại hormone có tác dụng giảm đau mà không cần dùng thuốc. Mặt khác, việc này cũng giúp gắn kết tình cảm vợ chồng hơn.
  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ: Oxytocin và endorphin tiết ra khi ân ái giúp tâm trạng thoải mái, vui vẻ, thúc đẩy lưu thông máu và cân bằng quá trình trao đổi chất, mang đến giấc ngủ sâu và ngon hơn.
  • Tăng cường hệ miễn dịch: Quan hệ thường xuyên làm tăng đáng kể hàm lượng các kháng thể globulin và IgA – vũ khí giúp cơ thể chống lại vi khuẩn gây bệnh. Do đó, làm “chuyện ấy” khi mang thai giúp nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng như cảm lạnh, cúm,…
  • Cải thiện lưu thông máu: Lưu lượng máu tăng khi mang thai giúp bà bầu dễ đạt cực khoái và ngược lại, sự gia tăng này cũng có lợi cho sự phát triển của em bé.
  • Giảm biến chứng và tăng tốc độ hồi phục sau sinh: “Tập luyện” cơ vùng chậu bằng cách quan hệ khi mang thai hỗ trợ đắc lực cho quá trình sinh nở và phục hồi sau đó. Các cơ vùng chậu khỏe mạnh sẽ giúp tử cung co thắt mạnh hơn, rút ngắn thời gian chuyển dạ, hỗ trợ âm đạo và tử cung nhanh chóng trở về kích thước như ban đầu. Hoạt động này còn giúp phòng ngừa tiền sản giật hiệu quả.
  • Tăng khoái cảm: Sự gia tăng estrogen và progesterone trong thời kỳ mang thai kích thích máu lưu thông nhiều hơn đến vùng chậu, khiến chị em dễ hưng phấn, đạt khoái cảm hơn sẽ giúp cho tinh thần thoải mái hơn.
  • Giúp chuyển dạ thuận lợi: Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng tinh dịch chứa prostaglandin – chất giúp làm mềm, hỗ trợ mở cổ tử cung, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển dạ.
Quan hệ tình dục khi mang thai giúp mẹ bầu ngủ ngon hơn
Quan hệ tình dục khi mang thai giúp mẹ bầu ngủ ngon hơn

2.2.2. Có nên quan hệ tình dục khi mang thai không?

Thai nhi nằm an toàn trong tử cung, được nước ối và màng ối bảo vệ. Vì vậy, dương vật của người chồng sẽ không thể chạm đến bào thai ở trong tử cung. Ngoài ra, nút nhầy ở cổ tử cung cũng ngăn tinh trùng và vi khuẩn xâm nhập vào bên trong. Vì những lý do này mà có thể khẳng định, thai nhi không bị tác động bởi những cuộc mây mưa nhẹ nhàng của bố mẹ. 

Tuy nhiên, nếu thuộc nhóm có nguy cơ sinh non, sảy thai cao hoặc được bác sĩ tư vấn những nguy cơ khi thực hiện “cuộc yêu”, mẹ bầu cần kiêng cữ quan hệ trong suốt thai kỳ.

2.2.3. Khi nào không nên quan hệ?

Mặc dù chăn gối với cường độ vừa phải và tần suất hợp lý phù hợp với đa số phụ nữ có thai nhưng vẫn có một số trường hợp được khuyến cáo không nên thực hiện hành động này như:

  • Thai phụ có cổ tử cung ngắn hoặc có bất thường như hở eo cổ tử cung.
  • Sản phụ mang đa thai hoặc có dấu hiệu của tăng huyết áp thai kỳ hay nặng hơn là tiền sản giật.
  • Bác sĩ chẩn đoán rau bám thấp hoặc rau tiền đạo qua những lần thăm khám định kỳ.
  • Thai phụ hoặc bạn tình mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, giang mai, lậu,…
  • Xuất hiện các triệu chứng bất thường như đau bụng, ra máu hay xuất hiện dịch tiết bất thường.
Sản phụ mang đa thai thì không nên quan hệ
Sản phụ mang đa thai thì không nên quan hệ

2.3. Quan hệ khi đang có bầu có gây sảy thai không?

Không ít cặp vợ chồng lo lắng rằng “chuyện ấy” có thể dẫn đến sảy thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này.

2.4. Tần suất quan hệ tình dục khi mang thai hợp lý

2.4.1. Nên “yêu” đến tháng thứ mấy?

“Nên quan hệ vào tháng thứ mấy?” là câu hỏi được nhiều cặp vợ chồng quan tâm. Dù “chuyện ấy” mang lại nhiều lợi ích cho mẹ bầu nhưng các cặp đôi vẫn nên tiết chế và thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

  • Trong 3 tháng đầu: Phôi thai đang hình thành và chưa bám chặt vào thành tử cung nên quan hệ trong thời điểm này có thể dẫn tới sảy thai. Vì vậy, chị em cần hạn chế sinh hoạt phòng the, nhất là những người lấy chồng đã lâu mà chưa có con hoặc từng sảy thai trước đây.
  • Trong 3 tháng giữa: Em bé đã an toàn trong tử cung của mẹ nên tỷ lệ sảy thai rất thấp. Đây là khoảng thời gian thích hợp để hai vợ chồng gần gũi, chia sẻ. Tuy nhiên, các cặp đôi cần lưu tâm “yêu” đúng tư thế để tránh dẫn tới nguy cơ tổn thương thai nhi.
  • Trong 3 tháng cuối: Bụng bầu đã lớn, mẹ xuất hiện nhiều triệu chứng khó chịu như đau thắt lưng, phù chân, khó thở nên ham muốn giảm sút. Vì thế, hai vợ chồng thường gặp trở ngại nhất định khi gần gũi. Nếu muốn, chị em vẫn có thể “mây mưa” bình thường nhưng nên chọn tư thế thoải mái, không gây áp lực lên bụng và ngực.

Tóm lại, ba tháng đầu không nên quan hệ vì dễ ảnh hưởng đến sự phát triển và làm tổ của thai nhi trong buồng tử cung. Quan hệ khi mang thai ở tháng thứ mấy còn tùy vào nguyện vọng của hai vợ chồng nhưng nên hạn chế vào giai đoạn cuối thai kỳ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

2.4.2. Quan hệ tình dục khi mang thai mấy lần là đủ?

Tần suất “chuyện ấy” phụ thuộc vào từng giai đoạn mang thai:

  • 3 tháng đầu: Do sự gia tăng hormone, một số mẹ bầu mệt mỏi, buồn nôn, không mặn mà với chuyện chăn gối. Ngược lại, cũng có thai phụ lại tăng nhu cầu quan hệ ở giai đoạn này. Vì vậy, tùy thể trạng, chị em có thể lựa chọn mật độ quan hệ phù hợp với bản thân nhưng không nên quá 2 lần/tuần. Riêng các mẹ có tiền sử sảy thai, thai lưu, đang dọa sảy hoặc chảy máu âm đạo thì nên kiêng quan hệ để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
  • 3 tháng giữa: Kích thước thai nhi chưa chèn ép nhiều các cơ quan của mẹ nên các cặp đôi có thể quan hệ 2-3 lần/tuần.
  • 3 tháng cuối: Mẹ bầu gặp khó khăn trong sinh hoạt, thậm chí mất ngủ, mệt mỏi, không còn hứng thú với “chuyện vợ chồng”. Hơn nữa, với kích thước bụng lớn, một số tư thế quan hệ có thể gây nguy hiểm cho thai nhi và mẹ. Do đó, các cặp vợ chồng không nên ân ái để đề phòng những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

2.5. Những lưu ý khi quan hệ tình dục khi mang thai

2.5.1. Có cần dùng bao cao su không?

Ngoài tác dụng tránh thai, bao cao su còn giúp ngăn ngừa hiệu quả các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Do đó, ngay cả khi đang mang bầu, chị em vẫn nên dùng “áo mưa” khi “yêu” để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé.

2.5.2. Quan hệ bằng miệng có được không?

Nhiều cặp vợ chồng băn khoăn không biết liệu mình có thể “yêu” bằng đường miệng trong thời kỳ bầu bí hay không. Câu trả lời là có nhưng trước khi quan hệ bằng miệng, chị em phải chắc chắn chồng không bị nhiễm virus herpes. Nếu không, virus herpes dễ dàng tấn công và gây bệnh cho mẹ bầu.

2.5.3. Các tư thế “yêu” an toàn khi mang thai

Do bụng bầu ngày một lớn, đặc biệt là vào những tháng cuối thai kỳ, tư thế quan hệ truyền thống (nam ở trên) không còn phù hợp. Việc thay đổi cách ân ái không chỉ mang lại cảm giác thoải mái hơn cho phụ nữ mà còn tăng thêm phần thăng hóa trong “cuộc yêu”.

Các chuyên gia khuyên các cặp vợ chồng nên chọn tư thế mà người vợ cảm thấy dễ chịu nhất, không gây áp lực lên vùng bụng. “Cuộc yêu” cần diễn ra một cách dịu dàng, tránh những động tác quá sâu hoặc thô bạo. Một số tư thế mà các cặp vợ chồng nên thực hiện như:

  • Tư thế cái muỗng: Mẹ bầu nằm nghiêng để cho “cậu nhỏ” tiến vào từ phía sau, giúp giảm thiểu sự va chạm vào bụng bầu.
  • Tư thế nữ trên: Đây là kiểu quan hệ lý tưởng nhất vì thai phụ có thể làm chủ tốc độ và mức độ xâm nhập sao cho phù hợp nhất.

2.5.4. Quan hệ tình dục khi đang mang thai có gây sinh non?

Niềm tin cho rằng khoái cảm trong “chuyện ấy” sẽ gây co thắt tử cung và khởi phát chuyển dạ sớm là không có căn cứ. Trên thực tế, những cơn co này rất nhẹ, không đủ mạnh để kích hoạt quá trình sinh nở.

Khi xuất hiện đau bụng, mẹ bầu nên đến các cơ sở y tế để được cấp cứu
Khi xuất hiện đau bụng, mẹ bầu nên đến các cơ sở y tế để được cấp cứu

3. Lời khuyên từ bác sĩ

Quan hệ tình dục khi mang thai vẫn là một chủ đề khá tế nhị và nhiều bà bầu vẫn còn e ngại khi bàn luận về vấn đề này. Tuy nhiên, duy trì sinh hoạt tình dục lành mạnh, an toàn trong thai kỳ lại mang đến nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. 

Để đảm bảo an toàn, mẹ bầu cần lắng nghe cơ thể, không nên quan hệ khi bản thân chưa thực sự sẵn sàng. Bên cạnh đó, hãy chủ động trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể dựa trên tình trạng sức khỏe thực tế.

Đối với những người chồng, điều quan trọng là sự thấu hiểu và chia sẻ với người bạn đời. Thay vì chỉ chú trọng đến nhu cầu của bản thân, cánh mày râu nên quan tâm, chăm sóc vợ nhiều hơn trong giai đoạn này.

Mang thai quả thực là một hành trình kỳ diệu nhưng cũng đầy thử thách đối với cả vợ và chồng. Sự đồng cảm, yêu thương chính là chìa khóa để vượt qua mọi trở ngại, xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Với các cặp vợ chồng khỏe mạnh, quan hệ tình dục khi mang thai là hoàn toàn an toàn và có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, trước khi quan hệ, các cặp đôi cũng cần lưu ý một số điểm:

  • Nên quan hệ nhẹ nhàng, tránh tác động quá mạnh hay quá sâu vào tử cung.
  • Chọn tư thế thoải mái, tránh chèn ép lên bụng bầu.
  • Tần suất quan hệ 2-3 lần/tuần là phù hợp.
  • Sử dụng bao cao su để phòng tránh lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục.
  • Nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường như ra máu, đau bụng,… chị em nên dừng quan hệ và liên hệ bác sĩ ngay.

Trong một số trường hợp đặc biệt như ra huyết, có tiền sử sảy thai, nhau tiền đạo, thai phụ đa thai… bác sĩ sẽ khuyến cáo không nên quan hệ khi đang có bầu để đảm bảo an toàn.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn câu trả lời cho câu hỏi “Có nên quan hệ tình dục khi mang thai không?”. Nếu muốn chia sẻ hay tham khảo những thông tin về quá trình mang thai, chị em có thể tham gia group Hội mẹ bầu thông thái Hà Nội để gặp những người có cùng vấn đề cũng như nhận được những giải đáp đến từ bác sĩ có chuyên môn về những thắc mắc của mình.

Hội mẹ bầu Hà Nội (Nhóm chính thức)

Bài viết liên quan

Hỏi đáp bác sĩ
[Hỏi đáp] có bầu lại sau khi bị thai lưu bao lâu thì tốt?

Thời điểm thích hợp để có bầu lại sau khi bị thai lưu và những xét nghiệm cần làm để có một thai kỳ khỏe mạnh. Tham khảo lời khuyên của bác sĩ.

Hỏi đáp bác sĩ
Chậm kinh nhưng đau bụng dưới là biểu hiện của bệnh gì?

Nhiều bạn nữ thắc mắc chậm kinh nhưng đau bụng dưới là biểu hiện của bệnh gì?”. Cùng tìm hiểu về những nguyên nhân và cách khắc phục vấn đề này.

Hỏi đáp bác sĩ
Phụ nữ mang thai có bị rong kinh không?

Đang mang thai có bị rong kinh không? BSCKII Lê Thị Quyên sẽ giải đáp cho chị em trong bài viết này.

All in one
Liên hệ