Kết quả soi tươi bạch cầu + nghĩa là gì

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Soi tươi huyết trắng, kết quả soi tươi bạch cầu dương tính nghĩa là gì? Soi tươi bạch cầu + có phải là tình trạng viêm hay không? Một số căn nguyên gây nhiễm trùng âm đạo thường gặp.

Soi tươi huyết trắng là một xét nghiệm có giá trị trong việc chẩn đoán cá bệnh lý phụ khoa. Vậy soi tươi huyết trắng là gì? Kết quả soi tươi bạch cầu + là như thế nào? Hãy tìm hiểu với bài viết dưới đây.

1. Xét nghiệm soi tươi gồm những chỉ số gì?

1.1. Huyết trắng là gì?

Dịch tiết âm đạo thông thường, còn được gọi là huyết trắng, bị ảnh hưởng bởi các hormone trong cơ thể. Trước khi bắt đầu dậy thì, huyết trắng thường ít hoặc không xuất hiện.

Khi bước vào tuổi dậy thì và sau đó, khi buồng trứng bắt đầu hoạt động và sản sinh hormone sinh dục, huyết trắng sinh lý sẽ xuất hiện.

Huyết trắng sinh lý thường có màu trắng, không mùi, không gây ngứa và thường xuất hiện nhiều hơn vào thời điểm rụng trứng (giữa chu kỳ kinh nguyệt).

Trong huyết trắng có chứa nhiều loại vi khuẩn, đặc biệt là Lactobacillus (vi khuẩn Gram dương), giúp duy trì độ pH ổn định trong môi trường âm đạo và ngăn chặn sự phát triển của các căn nguyên gây bệnh.

Huyết trắng sinh lý là hiện tượng tự nhiên của cơ thể, không yêu cầu phải điều trị.

Tuy nhiên, nếu huyết trắng có mùi hôi, thay đổi màu sắc và gây ra các triệu chứng khó chịu như rát, ngứa, đau, đây có thể là dấu hiệu của viêm âm đạo và cần được khám và điều trị bởi bác sĩ.

1.2. Thế nào là xét nghiệm soi tươi huyết trắng?

Xét nghiệm soi tươi huyết trắng là một phương pháp thường được sử dụng trong khám phụ khoa, nhằm xác định mức độ viêm nhiễm và tác nhân gây bệnh tại cơ quan sinh dục nữ.

Trên mẫu dịch âm đạo sẽ được kiểm tra sự có mặt của các loại vi khuẩn, nấm, trùng roi sinh dục, bạch cầu, hồng cầu… và các tế bào bất thường.

1.3. Soi tươi huyết trắng gồm những chỉ số gì?

Để đọc bảng kết quả xét nghiệm soi – nhuộm âm đạo, bạn có thể theo dõi hướng dẫn sau:

  • Âm tính: Đây là kết quả bình thường, không có sự hiện diện của tác nhân gây viêm nhiễm.
  • Dương tính: Xuất hiện của các tác nhân gây bệnh.

Các tác nhân gây viêm nhiễm âm đạo thường gặp bao gồm:

  • Nấm (Candida albicans): Gây viêm nhiễm do vi nấm.
  • Trichomonas vaginalis: Gây viêm nhiễm do ký sinh trùng.
  • Cầu trùng gram (+): Gây viêm nhiễm do vi khuẩn.
  • Trực trùng gram (-): Gây viêm nhiễm do vi khuẩn.
  • Song cầu khuẩn gram (-): Gây viêm nhiễm do vi khuẩn.
  • Gardnerella vaginalis: Gây viêm nhiễm do vi khuẩn kị khí.
  • Clue cells: Chỉ ra chẩn đoán nhiễm khuẩn âm đạo.
  • Bạch cầu: Thể hiện mức độ viêm nhiễm.
  • Trực khuẩn gram (+): Xác định tương đối lượng Lactobacillus, giúp duy trì môi trường âm đạo khỏe mạnh.

Dịch tiết âm đạo bình thường có màu trắng đục, mịn và bao gồm các tế bào thượng bì, một số lượng nhỏ bạch cầu (ít hơn 1 bạch cầu/tế bào thượng bì) và các lactobacilli (trực trùng gram dương), giúp duy trì độ pH ổn định trong âm đạo.

2. Kết quả soi tươi bạch cầu + có phải là viêm không?

Kết quả soi tươi bạch cầu thể hiện một phần tình trạng viêm của người được làm xét nghiệm. Tuy nhiên, để kết luận có viêm hay không, ngoài kết quả soi tươi bạch cầu +, bác sĩ cần phải dựa trên các chỉ số khác và tình trạng lâm sàng của người làm xét nghiệm sau khi thăm khám thực thể mới có thể kết luận.

Trên lâm sàng, một bệnh nhân viêm có các dấu hiệu như sốt cao, mệt mỏi, môi khô lưỡi bẩn và xuất hiện các triệu chứng tại chỗ của tình trạng viêm nhiễm âm đạo như: đau, ngứa rát và tiết nhiều dịch âm đạo bất thường về màu sắc và mùi.

Không thể dựa vào mỗi kết quả soi tươi bạch cầu để khẳng định tình trạng viêm của bệnh nhân.

Soi tươi huyết trắng có giá trị trong chẩn đoán các bệnh lý phụ khoa
Soi tươi huyết trắng có giá trị trong chẩn đoán các bệnh lý phụ khoa

3. Các căn nguyên thường gặp gây viêm âm đạo và dấu hiệu cần lưu ý

3.1. Căn nguyên vi khuẩn

Viêm âm đạo không phải do một loại vi khuẩn cụ thể nào gây ra, mà là kết quả của sự thay đổi cân bằng trong cộng đồng vi khuẩn tự nhiên của âm đạo.

Trong điều kiện bình thường, vi khuẩn Lactobacillus, còn được gọi là vi khuẩn Gram dương, chiếm ưu thế với tỷ lệ khoảng 90%. Chúng tạo ra môi trường axit trong âm đạo, giúp ngăn chặn sự phát triển của các loại vi khuẩn có hại khác.

Tuy nhiên, do một số yếu tố nào đó, cộng đồng vi khuẩn có thể thay đổi, dẫn đến sự phát triển ưu thế của các loại vi khuẩn khác, gây ra tình trạng viêm nhiễm.

Viêm âm đạo do Gardnerella vaginalis:

Dấu hiệu:

  • Huyết trắng tăng lên một chút, có màu xám hoặc trắng như sữa.
  • Không có cảm giác ngứa, nhưng có mùi hôi khó chịu, đặc biệt sau khi quan hệ tình dục, trong thời gian rụng trứng và khi có kinh.

Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm nhiễm này chỉ được xác nhận khi có hơn 20% tế bào biểu mô âm đạo bị phủ bởi vi khuẩn gây bệnh, còn được gọi là clue cells. Tình trạng viêm nhiễm này không truyền qua đường tình dục.

3.2. Căn nguyên do nấm Candida albicans

Nấm thường xuất hiện trên cơ thể của những người mang thai hoặc mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể tiêu diệt các vi khuẩn có lợi cộng sinh trong âm đạo và dẫn đến sự bùng nổ của vi nấm Candida.

Dấu hiệu:

  • Huyết trắng có độ lỏng như nước hoặc đặc như mủ, màu trắng đục, có thể tạo thành mảng.
  • Cảm giác ngứa, rát xuất hiện bên trong hoặc xung quanh âm hộ.
  • Xuất hiện đau khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục.

Mặc dù vi nấm ít khi lây qua quan hệ tình dục nhưng nếu tình trạng tái phát nhiều lần, bạn nên xem xét việc điều trị cho người bạn đời.

3.3. Căn nguyên do Trichomonas vaginalis

Bệnh Trichomonas được coi là một bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục, phổ biến ở cả nam và nữ và cần phải điều trị cho cả hai đối tác.

Nguyên nhân: do nhiễm ký sinh trùng Trichomonas vaginalis.

Dấu hiệu:

  • Huyết trắng thưa, màu xanh vàng, có bọt, mùi hôi, có cảm giác như có thứ gì đang bò trong âm đạo.
  • Cảm giác đau, nóng, ngứa, đau khi quan hệ tình dục, đau khi đi tiểu.

3.4. Căn nguyên do lậu (song cầu khuẩn gram âm)

Căn nguyên do vi khuẩn Neisseria Gonorrhea (song cầu khuẩn hạt cà phê), các triệu chứng thường gặp là:

  • Ở nam: Tiểu buốt, tiểu rắt, chảy mủ qua lỗ niệu đạo.
  • Ở nữ: Có thể ra máu âm đạo, có huyết trắng bệnh lý.
Hình ảnh lậu cầu
Hình ảnh lậu cầu

4. Lời khuyên của bác sĩ

Để phòng ngừa nhiễm trùng âm đạo, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Không sử dụng thuốc điều trị vi nấm mà không có sự chẩn đoán chính xác từ bác sĩ về nhiễm nấm Candida âm đạo.
  • Hạn chế thụt rửa âm đạo thường xuyên để tránh làm mất cân bằng vi sinh vật, có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập lên tử cung và phần phụ.
  • Lau khô cơ thể sau khi tắm và tránh mặc quần áo ẩm ướt.
  • Tránh mặc quần áo chật chội, chọn quần lót bằng cotton và thay đổi ít nhất hai lần mỗi ngày.
  • Duy trì tình trạng thông thoáng và khô ráo vùng kín.
  • Thay băng vệ sinh và vệ sinh cá nhân cẩn thận trong kỳ kinh nguyệt.
  • Phòng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục bằng cách sử dụng bao cao su.
  • Vệ sinh cá nhân từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh để ngăn chặn vi khuẩn từ phân xâm nhập vào âm đạo.

Những biện pháp này không chỉ giúp phòng ngừa nhiễm trùng âm đạo mà còn góp phần duy trì sức khỏe sinh sản tốt hơn. Chị em đừng quên thăm khám định kỳ để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.

5. Kết luận

Xét nghiệm soi tươi bạch cầu +, soi tươi huyết trắng là những xét nghiệm có giá trị trong việc xác định các căn nguyên gây ra tình trạng viêm nhiễm âm đạo.

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cần kết hợp với khám thực thể, để đưa ra kết luận. Không nên chỉ xem mỗi kết quả xét nghiệm. Người đọc kết quả phải là bác sĩ phòng khám ban đầu mới có thể kết luận chính xác được tình trạng bệnh của bệnh nhân.

Từ xét nghiệm soi tươi huyết trắng, các bác sĩ có thể có các chiến lược để điều trị tình trạng viêm nhiễm âm đạo dựa theo căn nguyên gây bệnh, từ đó sẽ điều trị dứt điểm được căn bệnh của bệnh nhân.

Nếu có thắc mắc gì về xét nghiệm soi tươi huyết trắng, hãy liên hệ qua Zalo phòng khám để có thể được giải đáp kịp thời.

Bài viết liên quan

Thông tin kiến thức
Ra máu trước kỳ kinh: Nguyên nhân và cách xử trí

Ra máu trước kỳ kinh thường xảy ra ở phụ nữ do nhiều nguyên nhân, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống. Vậy cách xử lý thế nào?

Thông tin kiến thức
Tái tạo cổ tử cung là gì? Mối liên hệ với bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là bệnh phụ khoa thường gặp ở chị em nhiều độ tuổi khác nhau. Hiểu rõ về quá trình tái tạo cổ tử cung giúp phòng ngừa và điều trị bệnh lý này hiệu...

Thông tin kiến thức
Bác sĩ giải đáp: Ra máu âm đạo bất thường nguy hiểm như thế nào?

Chảy máu âm đạo bất thường báo động cho sức khỏe phụ nữ. Bài viết giải đáp nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của chảy máu âm đạo. Đọc ngay!

Thông tin kiến thức
Bật mí cách sử dụng cốc nguyệt san hiệu quả

Cốc nguyệt san là sản phẩm phổ biến trong chăm sóc chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Tìm hiểu về cốc nguyệt san qua bài viết sau.

All in one
Liên hệ