Bạn đã từng nghe nói về khí hư bất thường chưa? Khí hư còn được gọi với tên thông thường là dịch âm đạo. Chị em cần biết về nguyên nhân gây ra khí hư, các biểu hiện, cách điều trị và phòng ngừa để chủ động chăm sóc sức khỏe phụ khoa thật tốt.
1. Khí hư là gì?
Khí hư là một loại dịch nhầy tiết ra từ các tuyến nằm bên trong âm đạo và cổ tử cung. Đây là một phần quan trọng trong hệ thống sinh dục nữ. Khi hư được tiết và thay mới hằng ngày có tác dụng giữ cho âm đạo luôn sạch sẽ và khỏe mạnh bằng cách loại bỏ các tế bào cũ và vi khuẩn có hại ra khỏi đường sinh dục.
Ngoài ra, sự tăng tiết khí hư cũng tạo điều kiện thuận lợi giúp cho tinh trùng di chuyển dễ dàng trong đường sinh dục phụ nữ trong quá trình thụ tinh. Khí hư bất thường phản ánh một tình trạng viêm nhiễm đường sinh dục ở phụ nữ.
2. Khí hư như thế nào là bình thường?
Để dễ dàng phân biệt khí hư bình thường và khí hư bất thường, chị em phụ nữ cần dựa vào những đặc điểm về màu sắc, mùi, tính chất cũng như lượng dịch âm đạo tiết hằng ngày.
- Màu sắc: Khí hư bình thường có màu trắng trong hoặc trắng đục, mịn. Một số trường hợp khí hư khô có thể ngả màu vàng nhạt.
- Mùi: Khí hư bình thường là chất dịch không có mùi, cũng có thể có mùi nhẹ phụ thuộc vào cơ địa và biến đổi theo chế độ ăn uống.
- Tính chất: Khí hư bình thường có độ dai dính giống như lòng trắng trứng, nhưng vào ngày rụng trứng có thể còn dai dính hơn và có thể kéo thành sợi dài để tạo thuận lợi cho quá trình thụ tinh. Giai đoạn sắp hành kinh khí hư có dạng trắng đục mịn nhưng không có mùi hôi.
- Số lượng: Lượng dịch âm đạo tiết ra có thể khác nhau tuỳ vào nồng độ nội tiết tố trong cơ thể mỗi người. Tuy nhiên, ở những phụ nữ có sức khỏe tốt, lượng dịch âm đạo thường ổn định qua các kỳ kinh nguyệt, trừ những tình huống như mang thai, rụng trứng hoặc quan hệ tình dục.
3. Khí hư bất thường là gì?
Khí hư bất thường là một trong những dấu hiệu của viêm nhiễm âm đạo hoặc các bệnh phụ khoa khác do vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập vào âm đạo. Các loại vi trùng hay gặp gây ra tình trạng này bao gồm: nấm Candida, Trichomonas, Chlamydia, và tạp khuẩn. Những dấu hiệu nhận biết bao gồm:
- Màu sắc: Khí hư có màu sắc khác lạ và màu sắc này thường báo hiệu tình trạng sức khỏe phụ khoa khác nhau. Ví dụ:
- Khí hư đặc, đục lợn cợn thành mảng, vón cục giống như sữa đông, vôi vữa và thường có ngứa âm hộ-âm đạo đi kèm có thể là dấu hiệu viêm âm đạo do nấm.
- Khí hư màu trắng – xám, mùi rất hôi và nhất là sau quan hệ tình dục có thể là dấu hiệu gợi ý đến nhiễm khuẩn âm đạo.
- Khí hư nhiều màu xanh loãng hoặc màu vàng, có bọt, có mùi tanh có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng roi Trichomonas.
- Lưu ý, ở phụ nữ mãn kinh có tình trạng viêm nhiễm do tạp khuẩn khí hư thông thường ít và có thể có mủ hoặc máu. Thường liên quan đến tình trạng thiếu nội tiết Tính chất: Khí hư khi viêm nhiễm có thể đặc sệt, vón cục, hoặc loãng như nước. Khi bị viêm nhiễm nặng, khí hư có thể đi kèm với máu và mủ. Đôi khi, màu hồng hoặc nâu cũng có thể là máu kinh nguyệt còn sót lại. Nếu do kinh nguyệt sẽ tự hết sau vài ngày.
- Mùi: Khí hư có mùi hôi khó chịu, mùi tanh, đặc biệt sau giao hợp.
- Tính chất: Khí hư đặc sệt, vón cục, hoặc loãng như nước. Khi bị viêm nhiễm nặng, khí hư có thể đi kèm với máu và mủ. Đôi khi, màu hồng hoặc nâu cũng có thể là máu kinh nguyệt còn sót lại. Nếu do kinh nguyệt sẽ tự hết sau vài ngày.
- Số lượng: Nếu khí hư tiết nhiều hơn bình thường kèm mùi khó chịu, có thể đó là dấu hiệu của vấn đề về sức khỏe sinh sản.
Tùy vào nguyên nhân, khí hư có thể kèm theo một số triệu chứng khác như: đau rát đường sinh dục, đau bụng, đau khi giao hợp, sốt, tiểu buốt, tiểu mủ,…
4. Khí hư bất thường nguyên nhân do đâu
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra khí hư bất thường, bao gồm:
- Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ vào những ngày rụng trứng và trước kỳ kinh nguyệt. Đây là hiện tượng sinh lý và sẽ trở lại bình thường sau vài ngày.
- Mắc các bệnh phụ khoa như: viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm phần phụ, tăng sinh nội mạc tử cung…
- Sự thay đổi nội tiết tố và hormone sinh dục trong khi mang thai: Phụ nữ mang thai thường tiết nhiều khí hư hơn so với không mang thai, nhưng không kèm theo hôi hoặc ngứa hay đau rát.
5. Biến chứng thường gặp khi có khí hư ra bất thường
Khí hư bất thường có thể gây ra nhiều biến chứng từ nhẹ đến nặng và ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ. Các biến chứng bao gồm:
- Vùng kín luôn ẩm ướt, mùi hôi, làm cho phụ nữ cảm thấy khó chịu và tự ti.
- Giảm ham muốn tình dục hoặc khiến việc quan hệ tình dục trở nên đau đớn do thiếu chất bôi trơn tự nhiên.
- Thay đổi môi trường pH âm đạo, làm cho tinh trùng khó sống sót khi ở trong đường sinh dục người phụ nữ, ngăn cản quá trình thụ tinh diễn ra, từ đó tăng nguy cơ không thụ tinh được, thậm chí vô sinh.
- Gây ra viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
6. Khí hư bất thường chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Khi phát hiện khí hư bất thường, việc chẩn đoán và điều trị kịp thời có vai trò quan trọng quyết định hiệu quả điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra. Để chẩn đoán chị em phụ nữ sẽ được thăm khám sức khỏe tổng quát, thăm khám phụ khoa, hỏi thăm triệu chứng, tiền sử bệnh lý mắc phải, hoạt động và thói quen sinh hoạt tình dục như thế nào.
Bên cạnh đó, một số trường hợp cần thực hiện các xét nghiệm như:
- Lấy dịch âm đạo làm bệnh phẩm nhuộm soi dưới kính hiển vi tìm vi khuẩn gây bệnh.
- Lấy mẫu tế bào cổ tử cung để kiểm tra ung thư cổ tử cung.
- Lấy máu làm xét nghiệm tìm vi khuẩn.
- Siêu âm phụ khoa khi nghi ngờ có viêm phần phụ đi kèm.
Cách điều trị khí hư bất thường phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Ví dụ:
- Viêm nhiễm do nấm thường được điều trị bằng thuốc kháng nấm uống, thuốc đặt âm đạo, và có thể kết hợp với kem hoặc gel bôi.
- Nhiễm khuẩn âm đạo do vi khuẩn thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh uống kết hợp thuốc đặt âm đạo.
- Đối với các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, việc điều trị cần kết hợp với việc điều trị cho bạn tình, kiêng quan hệ tình dục trong thời gian viêm nhiễm để khỏi bệnh hoàn toàn, tránh tạo thêm tổn thương gây xây xước âm đạo.
6. Kết luận
Để phòng ngừa khí hư bất thường, chị em phụ nữ cần là duy trì vệ sinh vùng kín sạch sẽ theo cách đúng. Dưới đây là một lời khuyên của bác sĩ
- Vệ sinh vùng kín bằng nước ấm và dung dịch vệ sinh phụ nữ dịu nhẹ được bác sĩ khuyên dùng. Tránh sử dụng loại dung dịch có tính sát khuẩn cao, làm mất độ pH sinh lý của âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.
- Không thụt rửa sâu trong âm đạo.
- Sau khi đi vệ sinh, vệ sinh từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào đường sinh dục.
- Chọn đồ lót thoáng mát, chất liệu thoải mái và thay quần lót mới sau 6 tháng, giặt bằng nước sạch, không dùng chung đồ lót với người khác.
- Thực hành quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh, một bạn tình để tránh các bệnh lây qua đường tình dục.
- Thăm khám phụ khoa định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần để phát hiện và điều trị bệnh sớm nếu có.
Việc chủ động theo dõi cũng như điều trị sớm các bệnh phụ khoa sẽ giúp bạn duy trì một cuộc sống khỏe mạnh hơn. Nếu bạn đang gặp bất kỳ triệu chứng khí hư bất thường nào hoặc muốn được tư vấn cụ thể hơn, đừng ngần ngại đặt lịch khám với BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan để được thăm khám và điều trị kịp thời.