Khi nào nên tiêm kích trứng? Có tác dụng phụ không?

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Tiêm kích trứng là dùng thuốc hormone kích thích sự phát triển của trứng. Điều này cần được thực hiện đúng thời điểm, theo dõi chặt chẽ để tránh tác dụng phụ.

Tiêm kích trứng là bước quan trọng trong IUI, IVF giúp tăng cơ hội thụ thai. Tuy nhiên, thủ thuật này cần chỉ định và giám sát của bác sĩ vì sử dụng thuốc kích trứng. Bài viết sẽ cung cấp thông tin về tiêm kích trứng, thời điểm và tác dụng phụ.

1. Tổng quan về thuốc kích trứng

Trong một chu kỳ kinh nguyệt bình thường, chỉ có một nang noãn trong buồng trứng phát triển và rụng xuống. Nếu gặp tinh trùng, trứng sẽ được thụ tinh và hình thành phôi thai. Tỷ lệ phôi thai làm tổ và phát triển tiếp dao động từ 5-20%, tùy thuộc vào tuổi của người phụ nữ. Các nang trứng còn lại sẽ thoái hóa.

Để tăng khả năng thành công cho điều trị vô sinh hiếm muộn, cần có nhiều nang trứng hơn. Thuốc kích trứng là loại thuốc nội tiết, giúp các nang noãn phát triển khỏe mạnh đến giai đoạn trưởng thành, chín và rụng xuống. Thuốc giúp tăng nội tiết tố, kích thích nang trứng lớn lên, từ đó tăng cơ hội thụ thai.

Hiện nay, thuốc kích trứng có hai dạng chính là uống và tiêm. Tùy vào tình trạng bệnh lý và phác đồ điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.

2. Tiêm kích trứng là gì?

Tiêm kích trứng là phương pháp sử dụng thuốc nội tiết dưới dạng tiêm để kích thích sự phát triển của trứng tới giai đoạn trưởng thành, chín và rụng. Khi nang noãn đạt đủ kích thước và tiêu chuẩn nội tiết, bác sĩ sẽ tiêm hCG (mũi tiêm rụng trứng) để trứng được giải phóng.

Thông thường, tiêm kích trứng được chỉ định cho các trường hợp như:

  • Cặp vợ chồng kết hôn 1-2 năm nhưng chưa có thai tự nhiên
  • Trường hợp vô sinh do rối loạn phóng noãn, không có trứng rụng
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
  • Những người tham gia IUI, IV

Ngoài ra, việc tiêm kích trứng liều thấp cũng có thể được áp dụng để tăng khả năng thụ thai tự nhiên.

Tiêm kích trứng là gì?
Tiêm kích trứng là gì?

3. Nên tiêm hay uống thuốc kích trứng?

Nhiều cặp đôi, đặc biệt là những người đang cần sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản, gặp phải thắc mắc nên uống hay tiêm kích trứng. Các chuyên gia cho rằng không thể khẳng định loại nào tốt hơn, vì việc chỉ định thuốc phụ thuộc vào tình trạng buồng trứng của mỗi người sau khi khám và xét nghiệm.

Trong trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân, tác dụng của hai loại thuốc này gần như không khác biệt. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc chỉ cần kích trứng nhẹ như trong thụ tinh nhân tạo (IUI) hay mang thai tự nhiên, bác sĩ sẽ ưu tiên dùng thuốc uống hơn, cụ thể là Clomiphene citrate. Nếu loại này không hiệu quả, bác sĩ sẽ chuyển sang Aromatase Inhibitor trước khi cân nhắc đến thuốc dạng tiêm.

Chi phí tiêm kích trứng thường cao hơn so với thuốc uống. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng thuốc tiêm do đáp ứng kém với thuốc uống, việc thực hiện cũng cần được cân nhắc thật kỹ lưỡng.

Bên cạnh nguy cơ đa thai, việc tiêm thuốc kích trứng, kể cả liều thấp, cũng có thể gây quá kích buồng trứng, dẫn đến các tác dụng phụ như buồn nôn, chướng bụng, tiêu chảy, tăng cân, sưng to buồng trứng, đau bụng, tràn dịch ổ bụng, khó thở. Ngoài ra, nó còn làm tăng nguy cơ xuất hiện khối u buồng trứng so với thuốc uống.

Thuốc dạng tiêm thường được sử dụng nhiều hơn ở bệnh nhân không thể rụng trứng tự nhiên, rụng trứng không đều hoặc áp dụng IVF. Tiêm kích trứng giúp tăng số lượng trứng phát triển trong một chu kỳ kinh, là nguồn nguyên liệu quan trọng cho IVF.

Thuốc uống sẽ được kê đơn và cho phép tự điều trị tại nhà, trong khi thuốc tiêm phải do nhân viên y tế trực tiếp thực hiện, đòi hỏi bệnh nhân nhập viện hoặc thường xuyên quay lại bệnh viện. Tuy bất tiện hơn nhưng điều này cũng mang lại nhiều lợi ích. Việc sử dụng thuốc tiêm vừa phù hợp cho đối tượng được chỉ định, vừa giúp bệnh nhân được theo dõi thường xuyên và tránh quên thuốc như khi dùng thuốc uống.

4. Lý do cần tiêm thuốc kích trứng

Thống kê toàn cầu cho thấy, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn ngày càng gia tăng. Trung bình cứ 6-7 cặp vợ chồng thì có ít nhất một cặp gặp vấn đề này. Tại Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiếm muộn là do các rối loạn ở đường dẫn trứng, vòi trứng bị tắc (ở phụ nữ) hoặc tinh trùng bất thường (ở nam giới). Vì thế, tiêm kích trứng là một giải pháp giúp tăng cơ hội có thai thành công cho các cặp đôi này.

5. Thời điểm thích hợp để tiêm kích trứng

Sau khi đã thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ xác định được tình trạng sức khỏe và bệnh lý hiện tại của bệnh nhân. Từ đó, họ sẽ tư vấn và hướng dẫn phác đồ điều trị riêng. Thông thường, tiêm kích trứng sẽ được bắt đầu vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 của chu kỳ kinh nguyệt, nếu sức khỏe của bệnh nhân ổn định.

6. Vai trò của tiêm kích trứng trong IUI và IVF

Kích trứng là khái niệm quen thuộc với những cặp vợ chồng gặp vấn đề hiếm muộn. Đây là bước khởi đầu quan trọng, hỗ trợ cho các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản sau này, đặc biệt là IVF giúp tạo đủ trứng/nang noãn để tạo phôi hoặc chuẩn bị đón nhận tinh trùng trong IUI.

Để tăng tỷ lệ thành công cho quá trình điều trị, ngay từ giai đoạn tiêm kích trứng, bệnh nhân cần sinh hoạt điều độ, tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ.

6.1. Trong IUI 

Mục đích của tiêm kích trứng trong IUI là tạo ra 2-3 nang trứng trưởng thành, kích thích phóng noãn nhằm tăng khả năng thụ thai. IUI được chỉ định cho các trường hợp:

  • Bất thường phóng tinh
  • Tinh trùng yếu
  • Vấn đề ở cổ tử cung
  • Lạc nội mạc tử cung nhẹ và vừa
  • Rối loạn phóng noãn
  • Phối hợp các yếu tố trên
  • Bơm tinh trùng người cho nếu chồng không có tinh trùng
  • Vô sinh không rõ nguyên nhân

6.2. Trong IVF

IVF là kỹ thuật phức tạp và tốn kém. Để tăng cơ hội thành công, bệnh nhân thường được tiêm kích trứng để thu được khoảng 8-10 trứng chất lượng tốt. IVF được áp dụng cho các trường hợp:

  • Tinh trùng chồng yếu nặng
  • Bất sản ống dẫn tinh
  • Phải xin tinh trùng do chồng vô tinh
  • Yếu tố tại vòi trứng
  • Vợ lớn tuổi
  • Giảm dự trữ buồng trứng
  • Phải xin trứng do vợ suy buồng trứng sớm
  • IUI thất bại nhiều lần.

7. Quy trình tiêm kích trứng

Việc tiêm thuốc kích trứng thường bắt đầu từ ngày thứ 2-3 của chu kỳ kinh, kéo dài khoảng 10-12 ngày tùy cơ địa từng người. Đến khoảng ngày 13, bệnh nhân sẽ được hẹn để chọc hút trứng.

Trong suốt quá trình này, bệnh nhân cần tái khám (siêu âm, xét nghiệm, khám tiền mê) vào các ngày thứ 6, 8, 10 để bác sĩ theo dõi sự phát triển của nang noãn. Khi nang trứng đạt kích thước phù hợp và niêm mạc tử cung đủ dày, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn quan hệ tự nhiên hoặc tiến hành IUI hay IVF.

8. Tác dụng phụ và những thay đổi của cơ thể sau tiêm kích trứng

Tiêm kích trứng có hại không? Sau tiêm kích trứng, buồng trứng sẽ to hơn, gây cảm giác nặng vùng bụng dưới, ngực căng tức, có thể buồn nôn. Tuy nhiên, các triệu chứng này chỉ xuất hiện vào 2-3 ngày cuối của quá trình kích trứng và sẽ hết nhanh sau khi chọc hút trứng. Chị em không cần quá lo lắng vì đây chỉ là phản ứng phụ của thuốc. Bằng cách tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, bạn sẽ dễ dàng vượt qua giai đoạn này.

Ở mỗi ca, bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng để chọn loại thuốc kích trứng và liều lượng phù hợp nhất. Đối với IUI, nhờ thuốc kích trứng mà khả năng mang thai sẽ cao hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với nguy cơ đa thai rất lớn, có thể nguy hiểm cho cả mẹ và con. Còn trong IVF, biến chứng đáng lưu ý nhất là quá kích buồng trứng.

Bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ nếu gặp các dấu hiệu bất thường sau tiêm kích trứng, bao gồm:

  • Đau bụng âm ỉ hoặc quặn thắt vùng bụng dưới 
  • Bụng căng chướng quá mức
  • Buồn nôn, nôn nhiều
  • Tiêu chảy
  • Khó thở, huyết áp tụt, tim đập nhanh
  • Tăng cân nhẹ hoặc tăng đột ngột trong vài ngày sau tiêm

Nếu có biểu hiện quá kích buồng trứng, bệnh nhân cần nhập viện để được khám lâm sàng, siêu âm, xét nghiệm máu để xác định chính xác nguyên nhân (do tiêm kích trứng hay bệnh lý khác). Tùy mức độ nhẹ hay nặng, bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc chống nôn, theo dõi siêu âm định kỳ, phòng ngừa tràn dịch. 

Các bệnh nhân mắc ung thư, tim mạch hoặc bệnh mãn tính như cường giáp, tiểu đường, suy gan, thận,… muốn sinh con bằng IUI hay IVF cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám kỹ lưỡng, đảm bảo tình trạng bệnh ổn định, đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe để mang thai. 

Riêng với ung thư, nhất là các loại phụ thuộc nội tiết estrogen như ung thư vú, chị em cần ưu tiên điều trị ung thư trước. Người bệnh có thể áp dụng các biện pháp bảo tồn khả năng sinh sản như trữ lạnh trứng, phôi, tinh trùng để sau này tiến hành điều trị hiếm muộn khi bệnh đã thuyên giảm.

Tác dụng phụ của tiêm thuốc kích trứng
Tác dụng phụ của tiêm thuốc kích trứng

9. Một số lưu ý sau tiêm kích trứng

9.1. Sinh hoạt

  • Sau tiêm, bệnh nhân vẫn có thể đi làm và sinh hoạt như bình thường. Tuy nhiên, chị em nên tránh vận động mạnh, làm việc quá sức.
  • Hạn chế quan hệ vợ chồng với cường độ cao và tần suất nhiều để phòng ngừa xoắn buồng trứng, vỡ nang trứng.

9.2. Chế độ dinh dưỡng

  • Uống đủ nước, ít nhất 1.5 lít mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe tốt.
  • Bổ sung cá, trứng, thịt bò, quả mọng, rau xanh đậm, sữa, đậu nành, các loại hạt, bơ,… để tăng cường chất lượng buồng trứng.
  • Chọn thực phẩm sạch, trồng tự nhiên, đúng mùa, không sử dụng thuốc bảo quản, trừ sâu để tránh tác động xấu từ các hóa chất.
  • Tránh tối đa đồ uống có cồn như rượu, bia; nước ngọt có ga; và các sản phẩm chứa caffeine vì chúng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng trứng.

9.3. Tái khám theo lịch hẹn

Bệnh nhân cần tuân thủ lịch tái khám của bác sĩ, đến cơ sở y tế kiểm tra ngay khi có biểu hiện bất thường. Việc thăm khám vừa để theo dõi đáp ứng của cơ thể với thuốc sau tiêm, vừa giúp bác sĩ kịp thời điều chỉnh phác đồ điều trị nếu cần thiết.

10. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Trong IVF, bệnh nhân có nguy cơ bị quá kích buồng trứng. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận, xoắn buồng trứng, vỡ nang noãn, tràn dịch ổ bụng, màng tim, màng phổi,… Bên cạnh đó, quá kích buồng trứng cũng làm tăng nguy cơ sảy thai, nhiễm độc thai nghén, băng huyết, sinh non ở mẹ và con.

Do đó, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu bất thường sau tiêm kích trứng:

  • Đau bụng âm ỉ hoặc quặn thắt vùng bụng dưới
  • Chướng bụng, căng tức quá mức
  • Buồn nôn, nôn nhiều
  • Tiêu chảy
  • Khó thở, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt  
  • Tiểu ít hoặc không tiểu được
  • Tăng cân nhẹ hoặc tăng nhanh chỉ sau vài ngày tiêm thuốc

Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc kích trứng, dù là dạng uống hay tiêm. Việc dùng thuốc phải có chỉ định và sự thực hiện của bác sĩ chuyên khoa. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng của mỗi người để chỉ định phương pháp kích trứng nào, thời gian nào là thích hợp nhất.

Khi xuất hiện các triệu chứng quá kích buồng trứng, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám lâm sàng, siêu âm bụng, xét nghiệm máu nhằm xác định xem có thực sự bị quá kích buồng trứng sau tiêm thuốc kích trứng hay không, hoặc do một bệnh lý khác gây ra.

Tùy theo mức độ nặng nhẹ, bác sĩ sẽ có những can thiệp điều trị phù hợp như dùng thuốc chống nôn, theo dõi siêu âm thường xuyên để phòng ngừa biến chứng tràn dịch.

Kích thích buồng trứng là một hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và quyết tâm của bệnh nhân. Bên cạnh cơ hội thực hiện ước mơ làm cha mẹ, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe. Vì vậy, các cặp đôi cần tìm hiểu kỹ về lưu ý trước và sau khi tiêm thuốc kích trứng để có sự chuẩn bị tốt nhất, tránh gặp phải những hậu quả đáng tiếc.

11. Lời khuyên của bác sĩ

Để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh, cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản từ 3 – 5 tháng trước khi mang thai.

Người vợ nên:

  • Tiêm chủng trước khi mang thai (đặc biệt là ngừa rubella vì rubella trong thai kỳ cực kỳ nguy hiểm)
  • Xét nghiệm gen để sàng lọc các bệnh lý di truyền trước khi mang thai
  • Kiểm tra tình trạng viêm nhiễm phụ khoa tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi
  • Đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi nếu muốn mang thai (nhất là chưa mang thai lần nào) sẽ phải kiểm tra sức khỏe rất chi tiết do mang thai ở tuổi này thường gặp các vấn đề: suy buồng trứng, sinh non, nguy cơ dị tật thai nhi, rau tiền đạo, tiền sản giật cao hơn.

Người chồng nên:

  • Kiểm tra sức khỏe sinh sản, phát hiện các bệnh lý teo tinh hoàn, yếu sinh lý, tinh trùng yếu, …
  • Các bệnh lây qua đường tình dục nhất là những bệnh không thể chữa khỏi vô cùng nguy hiểm

Tiêm kích trứng là một biện pháp hỗ trợ sinh sản rất phổ biến để giúp phụ nữ mang thai. Thông thường, tiêm kích trứng được khuyến cáo cho những phụ nữ gặp khó khăn khi mang thai, như hội chứng buồng trứng đa nang, tuổi cao,… 

Tuy nhiên, tiêm kích trứng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau, sưng tại vị trí tiêm, chảy máu, đau bụng hoặc cảm giác căng tức vùng bụng. Trong một số trường hợp, điều này có thể dẫn đến hội chứng quá kích buồng trứng, với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng, sưng tấy, thậm chí đe dọa tính mạng. Vì vậy, việc tiêm kích trứng cần được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa, để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay lo lắng, hãy đặt lịch thăm khám tại Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa để được đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ - đặt lịch


    Bài viết liên quan

    Thông tin kiến thức
    Đa ối: 10 điều mẹ bầu cần biết

    Đa ối là hiện tượng tích tụ dư thừa nước ối trong thai kỳ. Mẹ bầu cần biết dấu hiệu, nguyên nhân, nguy hiểm của bệnh và cách phòng ngừa hiệu quả nhất.

    Thông tin kiến thức
    Vì sao ai mang bầu cũng cần sàng lọc tiền sản giật?

    Tiền sản giật là một bệnh lý gây nguy hiểm trong thai kỳ. Do vậy, phụ nữ mang thai ai cũng cần sàng lọc tiền sản giật để phòng ngừa biến chứng do bệnh gây ra.

    Thông tin kiến thức
    Bế sản dịch sau sinh: 7 điều cần biết

    Bế sản dịch sau sinh là tình trạng sản dịch tồn đọng lại ở tử cung, gây các biến chứng nguy hiểm. Do đó, chị em cần nắm rõ nguyên nhân và cách phòng tránh.

    Thông tin kiến thức
    Cách cầm máu khi bị nhau tiền đạo hiệu quả

    Hướng dẫn cách cầm máu khi bị nhau tiền đạo hiệu quả và an toàn nhất. Tìm hiểu nhau tiền đạo là gì và cách giảm nguy cơ biến chứng rau tiền đạo dưới đây.

    All in one
    Liên hệ