Mang đa thai là niềm hạnh phúc nhân đôi, nhưng cũng đi kèm nguy cơ và thách thức. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ hiểu rõ hơn về hiện tượng đa thai, nguyên nhân, các triệu chứng và biến chứng thường gặp.
1. Đa thai là gì?
Đa thai (multiple pregnancy) là thuật ngữ y khoa chỉ việc mang nhiều hơn một thai nhi trong một lần mang thai. Thai kỳ đa thai có thể bao gồm song thai (mang hai thai nhi), tam thai (mang ba thai nhi) hoặc tứ thai (mang bốn thai nhi). Trường hợp mang trên bốn thai nhi là rất hiếm gặp.
Đa thai xảy ra khi có nhiều hơn một trứng rụng và thụ tinh thành công hoặc khi một trứng đã thụ tinh tách thành hai hoặc nhiều phôi thai. Tùy thuộc vào cách thức thụ thai, có hai dạng gồm:
- Đa thai cùng trứng: Một trứng duy nhất được thụ tinh và sau đó tách thành nhiều phôi giống hệt nhau. Các em bé cùng giới tính và có cùng bộ gen.
- Đa thai khác trứng: Nhiều trứng được thụ tinh bởi các tinh trùng khác nhau. Mỗi trứng sẽ phát triển thành một phôi riêng biệt. Các em bé có thể khác giới tính và mang gen khác nhau.
2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của đa thai
Có nhiều yếu tố làm tăng khả năng mang đa thai, bao gồm:
2.1. Di truyền
Nếu gia đình có tiền sử sinh đa thai, đặc biệt là từ phía họ hàng bên mẹ, cơ hội mẹ bầu mang đa thai cao hơn đáng kể.
2.2. Độ tuổi mẹ
Phụ nữ trên 35 tuổi thường xuyên rụng nhiều trứng trong một chu kỳ kinh nguyệt, nên nguy cơ thụ thai đa thai cũng tăng lên.
2.3. Đã từng mang đa thai
Mẹ bầu đã trải qua thai kỳ đa thai trước đó có xu hướng tái diễn tình trạng này trong những lần mang thai tiếp theo.
2.4. Sử dụng thuốc kích thích rụng trứng
Các loại thuốc như Clomiphene citrate hay thuốc tiêm FSH được sử dụng để kích thích rụng trứng, đồng thời cũng gia tăng nguy cơ đa thai nếu nhiều trứng rụng và thụ tinh thành công.
2.5. Thực hiện thụ tinh nhân tạo
Trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như bơm tinh trùng vào tử cung (IUI) hay thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), việc kích thích rụng nhiều trứng hoặc chuyển nhiều phôi vào tử cung đều dẫn đến khả năng mang đa thai cao hơn so với thụ thai tự nhiên.
3. Dấu hiệu nhận biết đa thai
Bên cạnh việc chẩn đoán qua siêu âm, các mẹ bầu đa thai thường có những triệu chứng điển hình sau:
3.1. Nghén nặng
Phụ nữ mang thai nhiều hơn một bé thường bị ốm nghén sớm và nghiêm trọng hơn bình thường. Các triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi thường xuất hiện trước cả khi mẹ biết mình có thai.
3.2. Mức Beta-hCG cao bất thường
Các xét nghiệm có thể phát hiện hormone thai kỳ sớm hơn, với nồng độ cao hơn đáng kể so với thai đơn. Nguyên nhân là cơ thể phải sản sinh nhiều hormone hơn để nuôi dưỡng các bé.
3.3. Tử cung lớn hơn so với tuổi thai
Các mẹ bầu đa thai có xu hướng có bụng to hơn và tử cung căng chặt hơn do phải “làm việc” nhiều để dung nạp nhiều thai nhi hơn bình thường.
3.4. Tăng cân nhiều
Mẹ bầu mang song thai sẽ có khối lượng tăng cao hơn 5-7 kg, còn mang ba bé trở lên có thể tăng tới 8-12 kg tùy theo tình trạng sức khỏe của mẹ.
4. Một số biến chứng có thể gặp phải khi mang đa thai
Một thai kỳ đa thai tiềm ẩn những nguy cơ sau:
4.1. Sinh non
Đây là biến chứng khá phổ biến, hầu hết (trên 50%) các mẹ bầu đa thai sẽ sinh con trước tuần 37. Trẻ sinh non có nguy cơ cao gặp các vấn đề về hô hấp, tiêu hóa, thị giác, thậm chí là tử vong nếu được sinh trước tuần 32. Những bé may mắn sống sót cũng có thể gặp khó khăn trong việc học tập và phát triển về sau.
4.2. Sảy thai
Tỷ lệ sảy thai sớm (ở 3 tháng đầu) và sẩy thai muộn (ở 3 tháng giữa) gặp khá thường xuyên ở mẹ bầu mang đa thai.
4.3. Tiền sản giật
Tiền sản giật là tình trạng cao huyết áp kèm protein niệu, thường xuất hiện sớm hơn và nặng hơn ở các bà mẹ mang nhiều hơn 1 bé. Nó có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến thận, gan, não, mắt và thậm chí co giật (sản giật), buộc phải chấm dứt thai kỳ ngay cả khi thai nhi chưa trưởng thành.
4.4. Đái tháo đường thai kỳ
Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ ở phụ nữ mang đa thai cao hơn đáng kể so với thai đơn. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn có thể gây rối loạn hô hấp và hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh.
4.5. Trầm cảm sau sinh
Căng thẳng và mệt mỏi khi mang thai và chăm sóc nhiều con cùng lúc làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh ở mẹ đa thai. Cần trao đổi với bác sĩ nếu các triệu chứng trầm cảm kéo dài, ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày.
4.6. Bất thường ở thai nhi
Thai nhi trong các thai kỳ đa thai có nguy cơ cao bị phát triển chậm hoặc mắc các dị tật bẩm sinh, đặc biệt là khi số lượng thai nhiều. Các biến chứng phổ biến gồm khuyết tật ống thần kinh, tim mạch và tiêu hóa. Vì vậy, cần siêu âm định kỳ để phát hiện sớm.
4.7. Song thai có chung bánh rau
Nếu song thai có chung bánh rau, có thể xảy ra hội chứng truyền máu song thai (TTTS), do sự mất cân bằng lưu lượng máu giữa các thai nhi. TTTS xuất hiện càng sớm thì nguy cơ tử vong hoặc suy giảm chức năng ở một hoặc cả hai em bé càng cao. Ngoài ra, việc xoắn dây rốn, dây rốn thai này quấn vào thai kia cũng có thể gây nguy hiểm cho các bé.
5. Mẹ nên làm gì khi mang đa thai?
Để giảm thiểu những rủi ro trong thai kỳ đa thai, mẹ bầu cần chú ý:
5.1. Dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp
Thai phụ đa thai nên bổ sung thêm khoảng 300 calo mỗi ngày cho mỗi thai nhi. Chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất xơ, protein, vitamin và khoáng chất là rất cần thiết để nuôi dưỡng các bé phát triển khỏe mạnh.
5.2. Thăm khám thai định kỳ
Các bác sĩ thường yêu cầu mẹ bầu đa thai đi khám thai thường xuyên hơn để sớm phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng, đồng thời theo dõi chặt chẽ sự phát triển của các con.
5.3. Nghỉ ngơi đúng cách
Mẹ bầu cần có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và tránh làm việc quá sức để hạn chế nguy cơ sinh non hoặc các biến chứng khác.
5.4. Khâu cổ tử cung
Ở một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định khâu cổ tử cung vào cuối tháng thứ 2, nhằm ngăn cổ tử cung mở ra sớm, góp phần duy trì thai kỳ lâu hơn.
5.5. Dùng đầy đủ các thuốc bổ sung
Bác sĩ thường kê đơn các loại vitamin, sắt, canxi và những thực phẩm chức năng khác để đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho thai nhi phát triển tốt.
6. Một số câu hỏi thường gặp về đa thai
6.1. Phụ nữ mang đa thai có nên tập thể dục không?
Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bơi lội rất có lợi cho sức khỏe của mẹ bầu đa thai. Tuy nhiên, mẹ bầu nên tránh vận động quá sức hoặc các môn thể thao có tính va chạm cao. Mẹ bầu có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn bài tập phù hợp.
6.2. Mẹ bầu cần bổ sung bao nhiêu calo khi mang đa thai?
Trung bình, phụ nữ mang đa thai cần cung cấp thêm khoảng 300 calo mỗi ngày cho mỗi em bé. Chẳng hạn, nếu mang song thai, tổng lượng calo bổ sung là 600 calo/ngày. Đối với trường hợp mẹ bầu sinh ba trở lên, liều lượng cụ thể sẽ do bác sĩ tư vấn dựa trên tình trạng thai kỳ.
6.3. Mang đa thai nên đẻ thường hay đẻ mổ?
Hơn 50% phụ nữ mang song thai sẽ phải thực hiện phẫu thuật đẻ mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Những trường hợp được chỉ định mổ là khi thai nhi không nằm đúng tư thế, có bất thường về rau thai, thai to, tiền sử mổ đẻ trước đây hoặc gặp vấn đề trong quá trình chuyển dạ.
Tuy nhiên, phương pháp sinh nở sẽ tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bà mẹ, do bác sĩ thăm khám và đưa ra quyết định cuối cùng.
Nếu mẹ bầu còn bất kỳ thắc mắc nào về mang đa thai hay các vấn đề khác về sản khoa, hãy nhanh chóng tham gia vào group Team đẻ Phụ sản Hà Nội (Nhóm chính thức) để được các bác sĩ chuyên Sản khoa giải đáp chi tiết và đầy đủ.