Ngứa và chảy máu vùng kín: Nguyên nhân, cách điều trị

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Ngứa và chảy máu vùng kín là hai vấn đề thường gặp nhất trong các bệnh lý phụ khoa ở phụ nữ. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân, cách điều trị cùng với BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan.

Ngứa và chảy máu vùng kín là hai hiện tượng dễ bắt gặp ở phụ nữ trong mọi lứa tuổi. Hai vấn đề này có thể xảy ra riêng biệt hoặc đồng thời, gây ra những khó chịu trong sinh hoạt của chị em. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân, cách điều trị hai hiện tượng này qua bài viết nhé.

1. Nguyên nhân ngứa vùng kín

Vùng kín của phụ nữ là một bộ phận rất nhạy cảm, rất dễ viêm nhiễm. Ngứa và chảy máu vùng kín có thể được gây ra do rất nhiều nguyên nhân.

Tỷ lệ thường gặp của các nguyên nhân gây ngứa tùy thuộc vào lứa tuổi: trẻ em gái, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, phụ nữ mãn kinh.

1.1. Nguyên nhân thường gặp ở trẻ em gái

Ngứa vùng kín và chảy máu vùng kín
Ngứa vùng kín và chảy máu vùng kín
  • Nhiễm khuẩn tiêu hóa: Ở trẻ em, nguyên nhân gây ra tình trạng ngứa ngáy viêm âm hộ – âm đạo không đặc hiệu, thường do căn nguyên nhiễm vi khuẩn ở đường tiêu hóa, sau khi đi vệ sinh có thói quen chùi ngược từ sau ra trước làm lan rộng vi khuẩn từ hậu môn đến tầng sinh môn. Một yếu tố cũng thường góp phần khiến cho các bé gái độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi hay bị viêm nhiễm, ngứa ngáy là do vệ sinh tầng sinh môn kém.
  • Hóa chất: Da của trẻ em rất nhạy cảm, những loại hóa chất có trong sợi vải của bông tắm hoặc trong xà bông có thể gây viêm và ngứa âm hộ, thường tái phát.
  • Các vật dụng khác: Một số vật lạ có thể gây ra viêm âm đạo không đặc trưng với biểu hiện khí hư lẫn máu.

1.2. Nguyên nhân thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản

Chủ yếu xuất phát từ thói quen sinh hoạt:

  • Sử dụng quần lót quá chật hoặc quá bó sát, không thoáng khí làm tổn thương vùng kín.
  • Vệ sinh vùng kín không đúng cách: vệ sinh nhiều lần/ngày hoặc quá ít, vùng kín ẩm ướt không khô thoáng, vệ sinh kinh nguyệt không sạch sẽ.
  • Sử dụng các sản phẩm vệ sinh có thành phần gây kích ứng hoặc có chất tẩy rửa mạnh.
  • Sử dụng băng vệ sinh hoặc tampon không bảo đảm trong thời gian dài.

Hoặc các bệnh lý phụ khoa cụ thể như sau:

  • Viêm nhiễm nấm âm đạo: Gây ra bởi nấm Candida, biểu hiện bằng các triệu chứng như ngứa, khí hư trắng, sền sệt, có mùi hôi.
  • Viêm lộ tuyến cổ tử cung: Là tình trạng lộ tế bào biểu mô tuyến ở trong ống cổ tử cung ra lỗ ngoài của cổ tử cung (nơi mà bình thường chỉ có tế bào biểu mô lát), vùng lộ tuyến này bị viêm gây ngứa, ra máu sau quan hệ tình dục.
  • Viêm âm đạo do vi khuẩn: Do có sự mất cân bằng trong hệ vi sinh bình thường ở môi trường âm đạo bởi vệ sinh vùng kín sai cách hoặc độ ẩm cao cũng có thể gây ngứa, khí hư có mùi hôi tanh khó chịu.

1.3. Nguyên nhân thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh

Các triệu chứng trong giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh như: khô âm đạo, giảm tiết dịch nhầy dẫn đến triệu chứng ngứa ngáy khó chịu vùng âm đạo. Ngoài ra chúng còn gây ra sự khó chịu, tự ti ở những người phụ nữ trong độ tuổi này.

2. Nguyên nhân chảy máu vùng kín bất thường

Rất nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng chảy máu vùng kín, một số nguyên nhân thường gặp như:

  • Rối loạn nội tiết tố

Sự mất cân bằng giữa hormone estrogen và progesterone có thể là nguyên nhân tự nhiên dẫn đến việc xuất hiện các vấn đề như ra máu ở vùng kín và rối loạn kinh nguyệt. Để biết được chính xác, phụ nữ nên thực hiện các xét nghiệm nội tiết và siêu âm để đánh giá tình trạng niêm mạc tử cung.

  • Rối loạn chức năng phóng noãn

Khi buồng trứng sản xuất hormone estrogen mà không phóng noãn để tạo ra hoàng thể và không tiết được hormone progesterone, có thể dẫn đến tăng sinh và bong một cách bất thường của lớp nội mạc tử cung. Hiện tượng này làm cho nội mạc tử cung bong ra  có thể gây chảy máu ít ở vùng kín.

  • Sử dụng thuốc nội tiết

Việc sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày và thuốc tránh thai khẩn cấp chứa thành phần progestin có thể gây hiện tượng chảy máu nhẹ ở vùng kín và rải rác vài ngày nhưng cũng có thể kéo dài trong vài tuần trong quá trình sử dụng thuốc.

Nếu ngưng thuốc mà không có hiện tượng chảy máu tại vùng kín, thì khả năng cao đó chỉ là do tác dụng phụ của thuốc. Trong một số trường hợp sử dụng thuốc tránh thai để điều kinh, khi ngưng thuốc cũng có thể có rối loạn kinh nguyệt và ra máu bất thường.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào đang dùng thuốc hay đã ngưng thuốc mà ra máu số lượng nhiều hoặc kéo dài, cần khám ngay với bác sĩ để có hướng xử trí thích hợp.

  • Do thủng cùng đồ âm đạo

Quan hệ tình dục quá mạnh có thể làm tổn thương âm đạo, gây rách và chảy máu mạnh trong hoặc sau khi quan hệ, đặc biệt phổ biến ở những trường hợp phụ nữ sau khi sinh nở vì âm đạo của phụ nữ trở nên mềm và dễ tổn thương hơn.

Máu chảy ra thường có thể là máu đỏ tươi, máu đông, hoặc máu cục, đi kèm với triệu chứng đau bụng dưới. Trong trường hợp mất máu nhiều, phụ nữ có thể trải qua tình trạng choáng váng và cần phải được can thiệp y tế kịp thời.

  • Do hậu sản

Sau khi sinh nở, trong tử cung còn một lượng máu còn sót lại (sản dịch). Thông thường, sản dịch sẽ hết vào khoảng 3-4 tuần sau sinh, số lượng máu sẽ ít dần, đổi dần từ màu đỏ tươi sang màu nâu đến màu hồng nhạt và hết gần như hoàn toàn sau 4 tuần.

Nếu ra sản dịch kéo dài hơn thời gian hậu sản, máu ra là máu cục hoặc số lượng đột ngột nhiều lên là những triệu chứng bất thường cần phải đi khám ngay lập tức.

  • Do phá thai, sẩy thai hoặc mang thai ngoài tử cung

Sau khi phá thai hoặc sảy thai, việc chảy máu âm đạo có thể kéo dài từ vài ngày đến 1-2 tuần, phụ thuộc vào tuần thai khi phá hoặc sảy. Tương tự như trong trường hợp hậu sản, nếu máu chảy ra bất thường và kéo dài, hoặc có mùi hôi, thậm chí kèm theo sốt, có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, sót thai, sót rau hoặc một số vấn đề nghiêm trọng khác sau phá thai.

Nếu chảy máu âm đạo khi mang thai (thường là máu đỏ tươi), hoặc ra máu âm đạo kèm chậm kinh (tức là máu chảy ra không đúng theo chu kỳ và có tính chất khác với máu kinh), việc đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở phòng khám uy tín để kiểm tra là quan trọng.

Đó có thể là dấu hiệu của những vấn đề như thai ngoài tử cung, thai lưu, đe dọa sảy thai, rau tiền đạo, và cần được chẩn đoán và điều trị ngay lập tức. Chảy máu bất thường trong thai kỳ là dấu hiệu nguy hiểm và yêu cầu sự chăm sóc y tế chuyên sâu.

  • Do viêm nhiễm phụ khoa

Viêm cổ tử cung cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu vùng kín, thường xuất hiện sau khi quan hệ tình dục. Nếu không được chăm sóc kịp thời, bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Việc chảy máu ở vùng kín do viêm nhiễm phụ khoa là một triệu chứng nguy hiểm, đòi hỏi sự chẩn đoán và điều trị chuyên sâu để đảm bảo sức khỏe và tránh các tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

  • Do dụng cụ tránh thai

Đặt lệch dụng cụ tử cung để tránh thai dễ khiến âm đạo và cổ tử cung của chị em ra máu bất thường. Ngoài việc chảy máu ở vùng kín còn có thể kèm theo biểu hiện đau bụng dưới.

  • Do các bệnh phụ khoa

Một số các bệnh lý phụ khoa như: U xơ tử cung, polyp cổ tử cung, viêm niêm mạc tử cung, ung thư cổ tử cung,… cũng gây tình trạng chảy máu vùng kín bất thường. Triệu chứng kèm theo của các bệnh lý này có thể gặp là đau tức vùng bụng hạ vị, rối loạn tiểu tiện, đại tiện rối loạn kinh nguyệt, vô sinh,…

  • Do các bệnh lý toàn thân hoặc do dùng thuốc

Các bệnh lý toàn thân khác như bệnh tuyến giáp, suy buồng trứng, đái tháo đường, giảm tiểu cầu, viêm gan virus, sốt xuất huyết, bệnh lý đông máu,… hoặc khi dùng các thuốc chống đông, sử dụng corticoid kéo dài,… làm cho các chức năng về quá trình đông máu trong cơ thể gặp nhiều trở ngại gây ra hiện tượng xuất hiện những đốm máu ở vùng kín. 

Ngoài ra, căng thẳng, stress do áp lực công việc, học tập, cuộc sống cũng có thể dẫn đến hiện tượng rối loạn kinh nguyệt nặng nề.

3. Chẩn đoán ngứa và chảy máu vùng kín

Để có thể chẩn đoán chính xác được nguyên nhân gây ngứa và chảy máu vùng kín, các bác sĩ chuyên khoa phụ sản có thể đưa ra một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để hỗ trợ:

  • Thăm khám phụ khoa bằng tay và bằng mỏ vịt: Thăm khám phụ khoa giúp nhận được được tổng quát vấn đề đang gặp phải của người bệnh
  • Siêu âm tử cung buồng trứng qua thành bụng hoặc qua đầu dò âm đạo: Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh đơn giản, dễ thực hiện và có thể đánh giá tốt được những bất thường ở tử cung và buồng trứng một cách nhanh chóng
  • Soi tươi khí hư: Bệnh nhân có ngứa và chảy máu vùng kín có thể do nhiều nguyên nhân, soi tươi khí hư có thể đánh giá được cơ quan sinh dục của người bệnh có đang nhiễm nấm hay có tình trạng viêm nhiễm do căn nguyên khác không
  • PAP test: Là phương pháp đánh giá những bất thường ở tế bào âm đạo, cổ tử cung hỗ trợ sàng lọc bệnh lý ung thư cổ tử cung
  • Xét nghiệm tìm virus HPV: Xét nghiệm tìm sự có mặt của virus HPV cũng vô cùng cần thiết trong việc xem xét phác đồ điều trị bệnh lý kèm theo ở người bệnh.
  • Các xét nghiệm định lượng hormone: Đánh giá sự thay đổi trong hormone của cơ thể, nếu có sự bất thường về nồng độ hormone các bác sĩ có thể đưa ra được những cách thức điều trị tốt nhất với mỗi bệnh nhân.
Đặt dụng cụ tử cung sai vị trí gây tình trạng ngứa và chảy máu vùng kín.
Đặt dụng cụ tử cung sai vị trí gây tình trạng ngứa và chảy máu vùng kín.

4. Ngứa và chảy máu vùng kín, khi nào cần đi khám với bác sĩ

Ngứa và chảy máu vùng kín thường diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, tính chất ngứa hay ra máu cũng không quá rầm rộ nên khiến cho người bệnh lơ là, chủ quan. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc điều trị hai vấn đề này dai dẳng.

Người bệnh nên nhanh chóng đi khám bác sĩ chuyên khoa khi thấy triệu chứng ngứa hay ra máu bất thường để được chẩn đoán và điều trị sớm.

5. Điều trị ngứa và chảy máu vùng kín

Việc điều trị hai vấn đề ngứa và chảy máu vùng kín cần phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân gây ra các triệu chứng. Một số phương pháp điều trị có thể kể đến:

5.1. Đối với ngứa vùng kín:

Điều trị dùng thuốc:

  • Thuốc chống nấm: Nếu ngứa vùng kín do nấm Candida, bác sĩ sẽ kê toa thuốc chống nấm dạng uống kết hợp thuốc đặt và thuốc bôi.
  • Thuốc kháng sinh: Nếu ngứa vùng kín do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh dạng uống kết hợp thuốc đặt, thuốc rửa.
  • Thuốc kháng virus: Nếu ngứa vùng kín do virus gây ra, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng virus tùy theo giai đoạn bệnh.

Điều trị không dùng thuốc:

  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ bằng dung dịch vệ sinh phù hợp.
  • Dừng các sản phẩm bôi, thoa, dung dịch vệ sinh không rõ nguồn gốc hoặc khi sử dụng gây ngứa ngáy, kích ứng. Điều này rất quan trọng trong điều trị dứt điểm tình trạng ngứa vùng kín do kích ứng, dị ứng hóa mỹ phẩm.
  • Can thiệp bằng thủ thuật: Trong một số trường hợp, nếu ngứa vùng kín do các bệnh lý như viêm lộ tuyến cổ tử cung tái đi tái lại hoặc sùi mào gà, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp bằng thủ thuật (đốt điện, đốt laser, khoét chóp cổ tử cung,…) để điều trị.

5.2. Đối với ra máu vùng kín:

Điều trị dùng thuốc:

  • Nguyên nhân gây bệnh do rối loạn hormone trong cơ thể: bổ sung hormone nếu thiếu hụt, ức chế nếu dư thừa để đưa nồng độ hormone trở về mức sinh lý.
  • Do viêm nhiễm: sử dụng thuốc kháng sinh, kháng nấm, kháng virus tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm là do căn nguyên gì.
  • Điều trị triệu chứng: Nếu tình trạng ra máu nhiều, có thể sử dụng thuốc thuộc nhóm acid tranexamic để cầm máu.

Điều trị không dùng thuốc:

  • Sử dụng dụng cụ tránh thai uy tín, chất lượng, đảm bảo đặt dụng cụ đúng vị trí bởi bác sĩ phụ khoa uy tín.
  • Không lạm dụng các thuốc nội tiết khi không có sự chỉ định từ bác sĩ.
  • Phẫu thuật: Áp dụng đối với những căn nguyên bệnh lý tại phụ khoa như: polyp, u nang buồng trứng, ung thư,… Bệnh nhân có thể được tư vấn lựa chọn cách thức phẫu thuật phù hợp (nội soi, mổ cắt toàn bộ tử cung, mổ cắt một phần tử cung).
  • Thay đổi lối sống, ăn uống và nghỉ ngơi phù hợp.

6. Kết luận

Ngứa và chảy máu vùng kín là hai vấn đề thường gặp nhất trong những triệu chứng bất thường của cơ quan sinh dục. Để có thể chẩn đoán sớm được những nguyên nhân gây ra hai tình trạng này, phụ nữ cần đi khám tại cơ sở phòng khám uy tín ngay khi có triệu chứng ngứa hay chảy máu.

Tất cả chị em nên tạo thói quen khám sức khỏe sinh sản định kỳ 6 tháng – 1 năm/ lần để được làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh nhằm sàng lọc những bệnh lý nguy hiểm, sớm phát hiện và điều trị các bệnh kèm theo nếu có.

Về phòng ngừa ngứa và chảy máu vùng kín trước hết cần thay đổi thói quen sinh hoạt: vệ sinh vùng kín đúng cách, sử dụng đồ lót phù hợp, sử dụng các sản phẩm vệ sinh không có những loại hóa chất độc hại…

Việc phòng ngừa từ sớm là rất quan trọng, giúp người bệnh có thể hạn chế được phần nào những nguyên nhân ác tính gây ra các triệu chứng khó chịu này, bảo vệ sức khỏe sinh sản lâu dài cho phụ nữ.

Để có thể đặt lịch khám sản phụ khoa và sàng lọc ung thư cổ tử cung tại phòng khám của BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan, người bệnh có thể liên hệ qua hotline đặt lịch: 0868 555 168.

Bài viết liên quan

Thông tin kiến thức
Gai sinh dục và sùi mào gà có gì khác nhau?

Gai sinh dục và sùi mào gà có nhiều đặc điểm khác biệt. Bài viết chia sẻ kiến thức về gai sinh dục, sùi mào gà và cách phân biệt, phòng tránh và điều trị chúng.

Thông tin kiến thức
Rối loạn kinh nguyệt: Nguyên nhân, chẩn đoán & cách điều trị

Rối loạn kinh nguyệt gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày. Tìm hiểu nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị hiệu quả để cải thiện tình trạng này.

Thông tin kiến thức
Viêm tuyến Bartholin: 8 điều cần biết

Viêm tuyến Bartholin là một căn bệnh phụ khoa nguy hiểm ở phụ nữ. Vậy nguyên nhân gây bệnh là gì? Bệnh nguy hiểm như thế nào? Điều trị được không?

Thông tin kiến thức
Chậm kinh: nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng tránh

Chậm kinh là hiện tượng kinh nguyệt bất thường ở nữ giới. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị chậm kinh để bảo vệ sức khỏe sinh sản.

All in one
Liên hệ