Khám phụ khoa là một thăm khám quan trọng giúp phát hiện và chẩn đoán các bệnh phụ khoa ở phụ nữ. Liệu khám phụ khoa có thể phát hiện ung thư cổ tử cung không? BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan sẽ giải đáp cho bạn.
1. Khám phụ khoa là khám những gì?
Đầu tiên, ta cần phải biết cơ quan sinh dục của phụ nữ có hai phần chính: cơ quan sinh dục trên và cơ quan sinh dục dưới.
Khi đi khám phụ khoa, bác sĩ sẽ hỏi, thăm khám ngoài và khám âm đạo, tử cung, kiểm tra các phần liên quan tới cơ quan sinh dục. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện những xét nghiệm cần thiết hỗ trợ cho chẩn đoán như: siêu âm tử cung phần phụ, công thức máu, nước tiểu,…
Trong trường hợp bệnh nhân bị nghi ngờ mắc ung thư cổ tử cung hoặc yêu cầu được tầm soát ung thư cổ tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm sàng lọc như xét nghiệm PAP, HPV,…
2. Khám phụ khoa có phát hiện ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung có diễn biến âm thầm và lặng lẽ. Bệnh thường chỉ biểu hiện khi đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy, muốn phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, phụ nữ cần phải đi khám phụ khoa định kỳ.
Việc khám phụ khoa đơn thuần không thể chẩn đoán chắc chắn có mắc loại ung thư này hay không, nhưng khám định kỳ giúp cho các bác sĩ phát hiện ra những biến đổi bất thường của cổ tử cung có thể tạo điều kiện dẫn tới ung thư ví dụ như viêm nhiễm.
Khi khám phụ khoa có xuất hiện các triệu chứng định hướng tới bệnh này, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán như PAP, HPV ADN, soi cổ tử cung hoặc sinh thiết,…
Phụ nữ trong độ tuổi 30 – 65 tuổi được khuyến cáo nên đi khám phụ khoa định kỳ mỗi 3 năm/lần. Nếu kết quả có bất thường, lịch tái khám sẽ được hẹn theo chỉ định của bác sĩ. Những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên đi khám 6 tháng – 1 năm/lần để phòng ngừa không những bệnh ung thư cổ tử cung mà còn các bệnh khác như viêm nhiễm sinh dục,…
3. Các xét nghiệm có ý nghĩa tầm soát ung thư cổ tử cung
3.1. Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (PAP)
Xét nghiệm này giúp phát hiện sự thay đổi của những tế bào nguy cơ dẫn đến căn bệnh. Mẫu xét nghiệm là mẫu phết tế bào quanh cổ tử cung.
Hiện nay PAP có hai phương pháp, bao gồm Pap Smear và Thinprep Pap. Kĩ thuật trong Pap Smear là phết tế bào lên lam kính để phân tích. Trong Thinprep Pap, sau khi thu thập mẫu, tế bào được rửa toàn bộ trong một chất lỏng định hình và sau đó sẽ được máy làm tiêu bản tự động.
Phương pháp Thinprep Pap có ưu điểm hơn so với Pap Smear ở chỗ làm giảm đáng kể tỷ lệ kết quả âm tính giả trong xét nghiệm ung thư cổ tử cung PAP, dẫn tới tăng tỷ lệ phát hiện bệnh, góp phần chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời cho bệnh nhân.
Hiện nay, tại Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa, bác sĩ đang sử dụng phương pháp Thinprep Pap hiện đại nhất để có thể chẩn đoán chính xác nhất cho người bệnh khi tới thăm khám tại nơi đây.
3.2. Xét nghiệm HPV ADN
Xét nghiệm HPV thường được thực hiện đồng thời với xét nghiệm Pap, hỗ trợ phát hiện các tế bào bất thường có nguy cơ gây ung thư.
Mẫu cần cho xét nghiệm này là mẫu tế bào được lấy ra từ cổ tử cung, sử dụng hệ thống tách chiết ADN tự động nhằm xác định sự hiện diện của virus HPV trong tế bào, từ đó giúp phát hiện các chủng virus HPV có nguy cơ cao gây bệnh.
Phương pháp này không phải là tiêu chuẩn vàng xác định bệnh nhân có mắc ung thư cổ tử cung không. Tuy nhiên, dựa trên kết quả phát hiện được virus có tồn tại trong cơ thể, bác sĩ sẽ đánh giá được nguy cơ mắc bệnh về sau, dự tính biện pháp phòng ngừa, theo dõi và điều trị sớm.
4. Phát hiện ung thư cổ tử cung khi đi khám phụ khoa bằng cách nào?
Với một số trường hợp bệnh nhân có những triệu chứng bất thường nghi ngờ bị bệnh qua thăm khám, bác sĩ sẽ cho làm thêm các xét nghiệm PAP, HPV để phát hiện các tế bào bất thường và sự hiện diện của các loại virus HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung.
Trong trường hợp khác, bạn không có triệu chứng đáng ngờ nào khi khám phụ khoa nhưng bác sĩ vẫn sẽ hỏi bạn đã từng làm tầm soát bệnh ung thư trước đây chưa. Nếu có, bạn đã làm xét nghiệm PAP, xét nghiệm HPV hay là cả 2 và làm cách đây bao lâu rồi.
Nếu chưa làm hoặc thời gian xét nghiệm trước đó đã quá lâu, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên làm tầm soát lại để loại bỏ những nguy cơ tiềm ẩn.
5. Lời khuyên của bác sĩ
Ung thư cổ tử cung thường không dấu hiệu rõ ràng, tiến triển của bệnh từ từ, lâu dài. Bởi vậy chị em không nên chủ quan mà cần chủ động phòng ngừa, tầm soát để có thể phát hiện từ sớm, tăng khả năng được chữa khỏi hoàn toàn.
Chị em cần hiểu rằng nếu so sánh với những lợi ích to lớn về sức khỏe mà nó mang lại thì chi phí cho việc tầm soát này không là quá cao.
Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa của BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan sẽ là một địa chỉ y tế uy tín để chăm sóc sức khỏe sinh sản của các chị em. Nếu chị em có nhu cầu khám và tư vấn y tế, đặt lịch với bác sĩ tại đây.