Quan hệ ra máu có phải có thai không là thắc mắc của nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, ra máu sau quan hệ cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh phụ khoa nguy hiểm. Cùng tìm hiểu ở bài viết sau để nắm rõ nguyên nhân, cách xử trí kịp thời.
1. Quan hệ ra máu có phải mang thai?
Quan hệ ra máu có phải có thai? Câu trả lời là có thể. Hiện tượng này được gọi là “máu báo thai”, xảy ra khi phôi thai bắt đầu làm tổ trong tử cung và xâm nhập vào thành tử cung để cố định vị trí, gây ra chảy máu.
Máu báo thai thường xuất hiện sau khi trứng thụ tinh được 8-10 ngày hoặc trước 2-7 ngày so với kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Nó có đặc điểm là lượng máu ít, màu hồng nhạt, nâu hoặc thỉnh thoảng có màu đỏ tươi.
Tuy nhiên, quan hệ ra máu không phải lúc nào cũng do mang thai. Nếu nghi ngờ, chị em nên chờ thêm các dấu hiệu khác như trễ kinh, ngực căng tức, buồn nôn… sau đó dùng que thử thai hoặc đến cơ sở y tế để kiểm tra xác nhận.
Trong trường hợp loại trừ được khả năng mang thai, bạn cần đi khám ngay để tìm nguyên nhân gây chảy máu sau quan hệ. Việc phát hiện và điều trị sớm các bệnh phụ khoa sẽ ngăn ngừa được nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản.
2. Làm sao nhận biết máu báo thai?
Nếu đã biết quan hệ ra máu có phải có thai không, chị em đừng quên tìm hiểu cách nhận biết. Bạn có thể dựa vào các đặc điểm sau để nhận biết máu báo thai:
- Thời gian xuất hiện: 1-2 ngày
- Lượng máu: rất ít, chỉ vài giọt
- Màu sắc: hồng nhạt, nâu, thỉnh thoảng đỏ tươi
- Mùi: không mùi
- Biểu hiện khác: có thể kèm đau âm ỉ vùng bụng dưới trong thời gian ngắn
3. Nguyên nhân gây ra máu đỏ tươi sau quan hệ nếu không mang thai
Trong trường hợp đã biết đáp án của câu hỏi quan hệ ra máu có phải có thai không là không, bạn hãy tìm hiểu nguyên nhân bị ra máu sau quan hệ. Bất kỳ ai cũng có thể bị quan hệ ra máu.
Ở lần quan hệ đầu tiên, hiện tượng này thường do màng trinh bị rách khi quan hệ gây xuất huyết. Đây là chuyện bình thường, không đáng lo. Tuy nhiên, nếu các lần sau vẫn bị chảy máu, bạn cần chú ý vì đó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý phụ khoa. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
3.1. Âm đạo bị khô
Khi “cuộc yêu” thiếu màn dạo đầu kích thích hoặc không được bôi trơn đầy đủ, sự ma sát giữa âm đạo và dương vật có thể làm rách các mô nhạy cảm gây chảy máu, khiến cuộc yêu đau đớn, khó chịu.
Bên cạnh đó, tình trạng khô âm đạo cũng có thể do sự thay đổi nội tiết tố ở nữ giới như sau sinh, cho con bú, tiền mãn kinh, mãn kinh. Ngoài ra, hóa trị ung thư cũng có thể làm tổn thương buồng trứng, khiến chúng giảm khả năng sản xuất estrogen và progesterone dẫn đến khô âm đạo.
3.2. Tác dụng phụ của biện pháp tránh thai
Sử dụng một số biện pháp tránh thai nội tiết có thể gây chảy máu giữa kỳ kinh hoặc ra máu đột ngột khi bắt đầu dùng biện pháp mới, đặc biệt là thuốc tránh thai liều thấp/cực thấp, đặt que hoặc cấy que tránh thai.
Thông thường, cơ thể sẽ tự điều chỉnh sau vài tháng và tình trạng này sẽ hết. Nhưng nếu vẫn tiếp diễn, chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm nguyên nhân và đổi sang phương pháp tránh thai khác phù hợp hơn.
3.3. Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs)
Các bệnh lây qua đường tình dục (STDs) như lậu, chlamydia, trichomonas, mụn cóc sinh dục… có thể gây viêm cổ tử cung, khiến cổ tử cung bị kích ứng khi quan hệ dẫn đến chảy máu. Bệnh lậu và chlamydia còn có thể gây viêm vùng chậu (PID) với các triệu chứng như chảy máu giữa kỳ, chảy máu sau quan hệ, đau vùng chậu, tiết dịch âm đạo có mùi hôi… Nếu không phát hiện và điều trị sớm, PID có thể gây sẹo trên thân tử cung, khiến khó thụ thai và tăng nguy cơ vô sinh.
3.4. Polyp tử cung và polyp cổ tử cung
Polyp cổ tử cung có thể rủ xuống từ cổ tử cung vào âm đạo. Khi quan hệ, chúng có thể bị va chạm gây chảy máu. Polyp có thể xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào, nhưng phổ biến hơn ở người trên 40 tuổi hoặc ở giai đoạn tiền mãn kinh.
Mặc dù polyp tử cung và polyp cổ tử cung thường lành tính, nhưng một số trường hợp vẫn có thể phát triển thành ung thư nội mạc tử cung hoặc ung thư cổ tử cung. Vì vậy, chị em nên thăm khám sớm khi bị quan hệ ra máu để loại trừ nguyên nhân nguy hiểm này.
3.5. Viêm âm đạo do tạp khuẩn (BV)
Hầu hết phụ nữ sẽ bị viêm âm đạo do tạp khuẩn ít nhất một lần trong đời, phổ biến nhất từ 15-44 tuổi do mất cân bằng hệ vi sinh vật âm đạo hoặc khi đã mãn kinh do lượng estrogen thụt giảm làm cho môi trường âm đạo không còn duy trì được độ pH acid cần thiết.
Chị em bị BV có thể không có triệu chứng gì, nhưng nếu viêm nhiễm lan rộng đến cổ tử cung gây viêm cổ tử cung thì có thể gây ra một lượng máu nhỏ sau khi quan hệ tình dục.
3.6. U xơ tử cung
U xơ tử cung là những khối u phát triển trong lớp cơ tử cung, được cấu tạo từ các tế bào cơ trơn và mô liên kết dạng sợi. Nghiên cứu cho thấy trên 75% phụ nữ sẽ mắc u xơ tử cung vào một thời điểm nào đó trong độ tuổi sinh sản, nguy cơ tăng lên ở độ tuổi 30-40.
Phần lớn u xơ không gây triệu chứng và không cần điều trị. Tuy nhiên, những khối u xơ lớn có thể gây ra nhiều triệu chứng phiền toái như đau và chảy máu sau khi quan hệ. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp bằng thuốc hoặc phẫu thuật để loại bỏ u xơ.
3.7. Ung thư cổ tử cung
Đây là bệnh ác tính của tế bào biểu mô lát và biểu mô tuyến cổ tử cung phát triển bất thường, dẫn đến hình thành các khối u bên trong cổ tử cung. Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên có nguy cơ cao hơn. Các triệu chứng ban đầu của ung thư cổ tử cung thường khó nhận biết. Khi có triệu chứng rõ ràng hơn như quan hệ ra máu bất thường, chảy máu giữa kỳ hoặc sau mãn kinh… tế bào ung thư đã di căn lan rộng.
4. Khi nào cần đi gặp bác sĩ?
BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan khuyên các chị em nên đến cơ sở y tế khám ngay nếu nhận thấy các dấu hiệu sau:
- Bị chảy máu sau quan hệ nhiều lần
- Lượng máu nhiều, kéo dài nhiều ngày
- Kèm theo ngứa rát âm đạo, tiết dịch bất thường, đau bụng dưới, đau khi quan hệ, nóng rát hoặc châm chích khi tiểu tiện…
5. Cách xử trí khi bị ra máu sau quan hệ
Khi xác định quan hệ ra máu có phải có thai, bạn cũng cần tìm hiểu cách xử lý khi bị ra máu sau “cuộc yêu”. Để kiểm tra nguyên nhân chảy máu, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, thời gian chảy máu, lượng máu và màu sắc máu. Bác sĩ cũng sẽ tìm hiểu về hoạt động tình dục như tần suất, thói quen hoặc các biện pháp tránh thai mà chị em đã áp dụng.
Nếu quan hệ ra máu là dấu hiệu mang thai, bác sĩ sẽ hướng dẫn chị em cách chăm sóc thai kỳ khoa học và lên lịch khám thai định kỳ để theo dõi chặt chẽ. Trong trường hợp nguyên nhân là bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm để xác định vị trí chảy máu từ cổ tử cung hay âm đạo, từ đó tư vấn hướng điều trị phù hợp. Các chị em từ 24 tuổi trở lên hoặc đã có quan hệ tình dục có thể được tư vấn làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung.
6. Cách phòng ngừa chảy máu sau quan hệ
Để phòng ngừa ra máu sau quan hệ, chị em cần lưu ý:
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách, không thụt rửa sâu
- Quan hệ tình dục an toàn, không thô bạo gây tổn thương
- Chú trọng màn dạo đầu hoặc dùng chất bôi trơn để tránh khô âm đạo
- Không quan hệ khi đang hành kinh để tránh viêm nhiễm
- Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần hoặc khi có triệu chứng bất thường
7. Lời khuyên của bác sĩ
Việc quan hệ ra máu có thể do nhiều nguyên nhân như viêm nhiễm, tổn thương cổ tử cung, vấn đề về hormone… Vậy quan hệ ra máu có phải có thai không? Việc có thai hay không không thể xác định dựa trên nguyên nhân ra máu. Chị em cần theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và dấu hiệu rụng trứng để xác định máu báo thai. Nếu nguyên nhân do bệnh lý, cần đến bệnh viện khám và điều trị sớm.
Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi quan hệ ra máu có phải có thai. Để trao đổi những vấn đề về phụ khoa nói chung và rong kinh nói riêng, bạn hãy tham gia group HỎI ĐÁP BỆNH PHỤ KHOA HÀ NỘI.