Rau tiền đạo là gì, có nguy hiểm không?

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Rau tiền đạo là hiện tượng rau thai bám thấp gần cổ tử cung. Vậy rau tiền đạo có nguy hiểm không, cần làm gì khi thai phụ có rau tiền đạo?

Hiện tượng rau tiền đạo xảy ra khi rau thai nằm thấp về đoạn dưới tử cung. Vậy rau tiền đạo có nguy hiểm không, cần làm gì khi thai phụ bị hiện tượng này? Cùng tìm hiểu với BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan

1. Thông tin ca bệnh

Chị Nguyễn Thị H (31 tuổi, Bắc Ninh) đến khám thai định kỳ ở tuần thứ 16 thì phát hiện rau tiền đạo.

Năm 2022, chị Nguyễn Thị H được BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan mổ nội soi gỡ dính và bóc u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng bên phải to 10cm. Ca mổ thành công tốt đẹp.

Sau mổ không ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng 2 bên, do đó chị H vẫn có cơ hội mang thai bình thường.

Năm 2023, chị H quyết định thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại bệnh viện. IVF thành công, đến nay thai được 20 tuần 4 ngày.

Khi khám thai định kỳ ở tuần thứ 16, chị H được chẩn đoán rau tiền đạo trung tâm sau khi được bác sĩ Lan siêu âm thai.

Tình trạng của chị H sẽ có rất nhiều nguy cơ cho hai mẹ con nếu không được theo dõi thai kỳ sát sao từ bác sĩ sản phụ khoa có chuyên môn.

Rất may mắn cho bệnh nhân khi phát hiện, sớm từ đó có hướng xử trí kịp thời, theo dõi định kỳ giúp mẹ và con an toàn cho đến ngày sinh.

2. Rau tiền đạo là gì?

Rau thai (hay còn gọi là nhau thai) là một cơ quan phát triển trong tử cung của người phụ nữ khi họ mang thai.

Rau thai kết nối giữa tử cung của người mẹ với dây rốn của thai nhi. Chức năng chính của rau thai là trao đổi oxy, chất dinh dưỡng và chất thải giữa thai nhi và người mẹ.

Sau khi trứng được thụ tinh, phát triển thành phôi, phôi di chuyển vào tử cung và làm tổ tại tử cung, rau thai sẽ được hình thành và bám dính vào thành tử cung. Vị trí bình thường của rau thai là trên thân hoặc đáy tử cung.

Hiện tượng rau tiền đạo (hay còn gọi là nhau tiền đạo) xảy ra khi rau thai nằm thấp về đoạn dưới tử cung, che một phần hoặc che toàn bộ lỗ cổ tử cung, cản trở đường ra của em bé khi mẹ có dấu hiệu sinh (chuyển dạ).

Dựa vào vị trí của rau thai, người ta phân chia làm 4 loại:

  • Rau bám thấp (loại 1): khi bờ dưới bánh rau bám gần sát lỗ cổ tử cung, cách lỗ trong cổ tử cung chưa đến 2cm.
  • Rau bám mép (loại 2): khi bờ dưới bánh rau bám sát lỗ trong cổ tử cung.
  • Rau bán trung tâm (loại 3): khi bờ dưới bánh rau phủ lên và che một phần lỗ trong cổ tử cung.
  • Rau tiền đạo trung tâm (loại 4): khi bờ dưới bánh rau che phủ hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung.
Có 4 loại rau tiền đạo tùy vị trí rau thai
Có 4 loại rau tiền đạo tùy vị trí rau thai

Nguyên nhân của rau tiền đạo còn chưa rõ ràng. Theo thống kê của các bác sĩ, hiện tượng này hay gặp ở những đối tượng sau:

  • Tuổi người mẹ trên 35.
  • Mẹ thường xuyên hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất gây nghiện.
  • Người mẹ mang thai, sảy thai, nạo hút thai nhiều lần.
  • Mẹ có viêm nhiễm tử cung.
  • Người mẹ có tiền sử rau ở những lần mang thai trước.
  • Mẹ có sẹo mổ tại tử cung (sẹo mổ lấy thai, sẹo bóc u nang…)

3. Chẩn đoán rau tiền đạo

Vậy hiện tượng rau tiền đạo có nguy hiểm không và có thể chẩn đoán bằng phương pháp nào, ở tháng thứ mấy của thai kỳ?

Với những tháng đầu thai kỳ, hiện tượng này được phát hiện bằng phương pháp siêu âm. Đây là phương pháp an toàn, hiệu quả và tiết kiệm để xác định vị trí bám của rau thai và dây rốn.

Siêu âm là phương pháp hiệu quả xác định rau tiền đạo
Siêu âm là phương pháp hiệu quả xác định rau tiền đạo

Với những tháng cuối thai kỳ, hiện tượng này còn được phát hiện thông qua biểu hiện của thai phụ và việc khám trực tiếp tử cung – phần phụ. Sản phụ có rau tiền đạo thường dễ ra máu đột ngột trong 3 tháng cuối thai kỳ. Lần sau ra máu nhiều hơn lần trước.

Tình trạng ra máu không kèm theo đau bụng. Hiện tượng ra máu có thể ổn định và dừng lại sau vài ngày nhưng dễ tái phát nhiều lần trong các tháng cuối thai kỳ. Khi khám âm đạo của sản phụ sẽ thấy có máu đỏ tươi chảy ra từ lỗ trong cổ tử cung.

4. Những điều cần lưu ý:

Rau tiền đạo trung tâm có nguy hiểm không hẳn là câu hỏi mà các thai phụ gặp hiện tượng này đều thắc mắc. Theo các bác sĩ sản khoa, hiện tượng này có thể gây ra một số nguy cơ cho mẹ và bé như sau:

Đối với mẹ:

  • Nguy cơ viêm nhiễm phần phụ cao hơn
  • Mẹ ra máu nhiều lần, tái đi tái lại dẫn đến mất máu nhiều, sốc, choáng, nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ.
  • Tăng nguy cơ băng huyết sau sinh, rối loạn đông máu, nguy cơ phải cắt bỏ tử cung nếu rau thai không thể bong ra khỏi lớp niêm mạc tử cung.

Đối với thai nhi:

  • Ngôi thai bất thường như ngôi mông, ngôi ngang (vị trí đầu và thân em bé so với cổ tử cung người mẹ), không thuận lợi khi sinh.
  • Nguy cơ suy thai, thiếu dinh dưỡng do mẹ mất máu nhiều, không cung cấp đủ chất dinh dưỡng nuôi thai nhi.
  • Sinh non hoặc mổ lấy thai quá sớm làm tăng nguy cơ suy hô hấp và tử vong ở trẻ.

Vậy với thai phụ có rau tiền đạo cần phải làm gì để có một thai kỳ an toàn, đảm bảo sinh nở thuận lợi?

Với những thai phụ đã được chẩn đoán hiện tượng này cần theo dõi sát sao tình trạng ra máu âm đạo, thường xuyên trao đổi với bác sĩ sản khoa về hiện tượng ra máu này (tần suất rau máu, lượng máu, các biển hiện đi kèm…). Nếu ra máu quá nhiều, thai phụ cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí cấp cứu.

Thai phụ cần khám thai đều đặn, thường xuyên theo lời dặn của bác sĩ. Nên nghỉ ngơi nhiều, hạn chế làm việc nặng, hạn chế đi lại và kiêng sinh hoạt vợ chồng trong suốt thai kỳ.

Thai phụ cũng cần lưu ý lựa chọn nơi sinh và bác sĩ có kinh nghiệm để chuẩn bị cho trường hợp cần mổ lấy thai theo chỉ định của bác sĩ. Như đối với ca bệnh của chị H ở đầu bài, sẽ có chỉ định mổ lấy thai. Thời gian mổ lấy thai còn tùy thuộc vào tình trạng ra máu của mẹ cũng như sức khỏe của thai nhi.

Đây là một trường hợp thai phụ có rau tiền đạo trung tâm cần được theo dõi chặt chẽ và thường xuyên. Bởi chị H có tiền sử dính tử cung, vòi trứng và mổ u lạc nội mạc tử cung năm 2022, ca mổ do BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan thực hiện.

Lời dặn của BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan

Về chăm sóc thai phụ rau tiền đạo sau sinh và chăm sóc trẻ sơ sinh:

  • Đối với mẹ: Cần theo dõi chặt chẽ sau sinh để đề phòng băng huyết và nhiễm trùng. Nếu sản phụ có thiếu máu thì cần truyền máu, bổ sung sắt… theo đúng chỉ định của bác sĩ sản khoa.
  • Đối với trẻ sơ sinh: Hầu hết trẻ sơ sinh có mẹ bị rau tiền đạo đều là trẻ sinh non. Do đó, cần có chế độ chăm sóc đặc biệt cho trẻ. Vệ sinh hằng ngày cho trẻ, cho trẻ ăn như thế nào, uống thuốc gì… mẹ và gia đình đều nên tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc này giúp trẻ an toàn vượt qua thời kỳ chu sinh (từ tuần thai thứ 28 đến hết tuần đầu tiên sau sinh) cũng như chuẩn bị một nền tảng sức khỏe tốt cho trẻ sau này.

Tại Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa hiện có các gói khám – sàng lọc các bệnh lý khi mang thai giúp khách hàng phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý trong thai kỳ.

Nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào, có thể gọi tới hotline 0868.555.168 hoặc đặt lịch để khám trực tiếp với BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan, Nguyên Trưởng khoa Phụ Ngoại – Bệnh viện Phụ sản Trung Ương.

Bài viết liên quan

Phân tích ca bệnh
Kinh nguyệt bất thường, phát hiện ra là triệu chứng bệnh lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung biểu hiện thế nào? Cùng nghe BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan – Nguyên Trưởng khoa Phụ I, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương nói về triệu chứng và cách điều trị bệnh.

All in one
Liên hệ