Rau tiền đạo trung tâm là một trong các bất thường khi mang thai có nguy cơ cao dẫn tới các biến chứng ở cả sản phụ và thai nhi trong giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ.
Vậy các dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh lý rau tiền đạo trung tâm là gì? Hãy cùng tìm hiểu với BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan dưới đây nhé.
1. Thế nào là rau tiền đạo trung tâm?
Rau tiền đạo trung tâm là trạng thái bánh rau không bám ở vị trí bình thường khi mang thai mà lại bám xuống phần dưới của tử cung, che kín hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung gây nên nhiều dấu hiệu bất thường cho cả thai nhi và sản phụ.
Thông thường bệnh lý này được phát hiện ở 3 tháng cuối của thời kỳ mang thai.
Có 4 loại rau tiền đạo thường gặp bao gồm:
- Rau tiền đạo bám thấp: Vị trí của bánh rau bám ở đoạn dưới tử cung, mép bánh rau gần tới lỗ trong cổ tử cung..
- Rau tiền đạo bám mép: Vị trí của bánh rau bám đến bờ lỗ trong cổ tử cung.
- Rau tiền đạo bán trung tâm: Vị trí của bánh rau che kín một phần lỗ trong cổ tử cung.
- Rau tiền đạo trung tâm: Vị trí của bánh rau che kín hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung.
Trong đó rau tiền đạo trung tâm là loại nguy hiểm nhất vì thường gây chảy máu nhiều.
2. Ai là người có nguy cơ bị rau tiền đạo trung tâm?
Rất nhiều sản phụ còn chủ quan trong vấn đề theo dõi sức khỏe của bản thân cũng như thai nhi dẫn đến việc phát hiện muộn những bất thường trong quá trình mang thai.
Các yếu tố nguy cơ dưới đây có thể làm gia tăng tình trạng bị rau tiền đạo mà người mẹ cần chú ý:
- Từng mang thai nhiều lần
- Có các bất thường tại tử cung
- Phẫu thuật tử cung trước đó
- Từng có tiền sử rau tiền đạo
- Đã từng sinh mổ
- Đa thai
- Hút thuốc
- Sản phụ lớn tuổi
3. Dấu hiệu nhận biết rau tiền đạo trung tâm
Thai phụ khi có rau tiền đạo trung tâm có thể có các triệu chứng sau:
Trong thai kỳ, đặc biệt là sau tuần thứ 20, thai phụ đột ngột chảy máu âm đạo mà không rõ nguyên nhân, không kèm đau bụng và một số người bệnh xuất hiện các cơn co tử cung kèm theo.
Tình trạng xuất huyết âm đạo có thể lặp lại nhiều lần với lượng máu chảy ra ngày càng nhiều với tần số ngày càng tăng và dễ xuất huyết khi vận động, làm việc nặng hoặc sau khi giao hợp, đặc biệt là từ quý thứ 3 trở đi. Máu thường có màu đỏ tươi lẫn với máu cục và tự cầm máu được.
Vì vậy, khi có các dấu hiệu trên, thai phụ cần nhận biết và tới ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị một cách kịp thời tránh gây nguy hiểm cho cả sản phụ và thai nhi.
4. Rau tiền đạo trung tâm có nguy hiểm không?
Rau tiền đạo trung tâm là một tình trạng cấp cứu sản khoa vì có thể chảy máu nhiều dẫn đến các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng của sản phụ và thai nhi.
4.1. Đối với sản phụ:
Rau tiền đạo trung tâm sẽ gây ra triệu chứng xuất huyết lặp đi lặp lại trong suốt quá trình mang thai dẫn tới tình trạng thiếu máu và nặng hơn là sốc mất máu. Ngoài ra, sản phụ còn dễ đẻ non hơn do phải mổ lấy thi bắt buộc trước khi có hiện tượng chuyển dạ. Việc rau tiền đạo bám sai chỗ, gây khó khăn cho việc lấy thai và có thể dẫn đến băng huyết trong quá trình mổ đẻ.
Người mẹ có thể phải cắt bỏ tử cung trong các trường hợp nặng khi có rau cài răng lược (tình trạng khi bánh rau bám chặt vào lớp cơ tử cung) và gặp nhiều biến chứng trong quá trình lấy rau thai ra khỏi tử cung.
4.2. Đối với thai nhi:
Thường ở trạng thái ngôi bất thường (ngôi ngược: ngôi ngang hoặc ngôi mông) do bánh rau nằm ở phần dưới của tử cung khiến thai nhi khó quay đầu. Thai nhi dễ bị suy dinh dưỡng hoặc suy thai do rau tiền đạo trung tâm do nhau thai bám vào vùng tử cung không được cấp máu tốt như ở đáy tử cung và tình trạng thiếu máu cho thai nhi khi có hiện tượng chảy máu ở nửa sau thai kỳ.
Ngoài ra, bắt buộc phải mổ lấy thai sớm trong trường hợp người mẹ xuất huyết nhiều gây nguy hiểm đến tính mạng do đó nhiều trẻ thường sinh không đủ tháng dẫn đến nhiều bệnh lý khác bởi sự phát triển không đầy đủ như suy hô hấp, vàng da, thiếu cân,…
5. Cách điều trị rau tiền đạo trung tâm
Rau tiền đạo trung tâm được bác sĩ sản khoa xếp loại cấp cứu sản khoa nguy cơ cao cho mẹ và thai khi chuyển dạ bởi những biến chứng có thể xảy ra như tình trạng băng huyết, suy thai, đẻ non,.. và có thể nguy hiểm tính mạng.
Do đó, người mẹ cần có chế độ chăm sóc thai sản đặc biệt hơn so với những sản phụ khác nhằm giảm thiểu những nguy cơ có thể xảy ra cho cả người mẹ vai thai nhi.
Để đảm bảo an toàn cho sản phụ và chăm sóc, nuôi dưỡng đầy đủ cho thai nhi, các chuyên gia về sản phụ khoa khuyến cáo:
5.1. Có lối sinh hoạt điều độ
Sản phụ có tình trạng rau tiền đạo trung tâm sẽ dễ xuất huyết ở những tháng cuối thai kỳ, vì vậy tốt nhất nên hạn chế vận động tránh khiến cho tình trạng này nặng hơn để giữ an toàn cho người mẹ và thai nhi.
5.2. Đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường
Nhiều sản phụ chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của rau tiền đạo nên còn chủ quan, tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo nên đến các cơ sở y tế ngay khi phát hiện để được thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
6. Lời khuyên của bác sĩ
Với những bệnh lý được xếp vào tình trạng cấp cứu trong sản khoa, thai phụ nên tới cá bệnh viện, phòng khám chuyên về sản khoa với đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao cũng như trang thiết bị đầy đủ cho những tình huống cần thiết.
Khi có các biểu hiện của rau tiền đạo hãy đi khám và điều trị sớm nhất có thể để tránh những biến chứng không đáng có trong quá trình mang thai. Đặt lịch khám với BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan ngay tại đây.