Rong kinh tuổi dậy thì: Nhận diện sớm – điều trị sớm

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Rong kinh tuổi dậy thì có dấu hiệu gì? Có thể điều trị được không? Hãy cùng BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Rong kinh tuổi dậy thì là một triệu chứng thường gặp ở các bé gái trong độ tuổi này. Mặc dù đây là một hiện tượng sinh lý bình thường, nhưng cần được nhận diện, điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể hiện tại và sau này.

1. Rong kinh tuổi dậy thì là gì?

Chu kỳ kinh nguyệt của một phụ nữ khỏe mạnh và trưởng thành thường diễn ra trong khoảng 28 đến 32 ngày. Giai đoạn hành kinh thường bắt đầu từ ngày đầu tiên và kết thúc vào ngày thứ ba hoặc thứ năm của chu kỳ tiếp theo.

Rong kinh được định nghĩa là tình trạng mà chu kỳ kinh nguyệt vượt quá bảy ngày và lặp lại theo chu kỳ. Số lượng máu mất đi sau mỗi chu kỳ kinh nguyệt thường nhiều hơn so với chu kỳ thông thường, thường vượt quá 80ml máu kinh trong mỗi chu kỳ.

Điều này cần được phân biệt với rong huyết, tình trạng mà máu ra liên tục nhưng không theo chu kỳ và không phải là hành kinh. Nếu rong kinh kéo dài hơn 15 ngày, nó sẽ trở thành rong huyết và được gọi là rong kinh rong huyết.

Rong kinh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, từ tuổi dậy thì đến tuổi tiền mãn kinh. Trong đó, tuổi dậy thì là thời điểm bắt đầu hành kinh, chu kỳ kinh nguyệt chưa hoàn chỉnh và rong kinh tuổi dậy thì là một dạng rối loạn rất thường gặp.

Đây là một khái niệm riêng biệt, cần phân biệt với những trường hợp rong kinh trong những lứa tuổi khác. Vì vậy, bạn cần tiếp cận tình trạng này theo hướng đặc thù.

 2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rong kinh tuổi dậy thì là gì?

Ngay sau chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên, dấu hiệu của quá trình dậy thì đã được xác định. Cơ thể trẻ sẽ trải qua những giai đoạn phát triển nhanh chóng về hình dáng bên ngoài theo hướng giới tính nữ, hoàn thiện hệ thống sinh sản và có sự thay đổi về tâm sinh lý.

Rong kinh tuổi dậy thì thường gặp ở các bé gái mới lớn
Rong kinh tuổi dậy thì thường gặp ở các bé gái mới lớn

Trong hai năm tiếp theo, các cô gái thường có chu kỳ kinh nguyệt không ổn định do không có quá trình rụng trứng. Nguyên nhân là do sự phát triển của hệ trục dưới đồi- tuyến yên-buồng trứng chưa hoàn thiện.

Estrogen tăng lên kéo dài trong khi buồng trứng lại không rụng trứng, không tạo ra hoàng thể. Do đó, progesteron không được sản xuất. Progesteron là hormone cần thiết trong giai đoạn sau của chu kỳ kinh nguyệt, sự sụt giảm của hormone vào cuối chu kỳ này là nguyên nhân chính gây ra kinh nguyệt

Kết quả là không có hiện tượng bong tróc nội mạc tử cung hoặc chỉ xảy ra một phần. Lớp nội mạc bị kích thích liên tục phát triển trong khi mạch máu không phát triển đủ nhanh để cung cấp đủ máu nuôi, gây ra hoại tử và bong ra từng mảng, gây ra chảy máu nhiều và kéo dài.

 3. Biểu hiện của rong kinh tuổi dậy thì như thế nào?

Rong kinh tuổi dậy thì là hiện tượng phổ biến xảy ra trong khoảng những năm sau cột mốc dậy thì. Trong thời gian này, chu kỳ kinh nguyệt thường không đều, khoảng thời gian giữa 2 chu kỳ kinh nguyệt không ổn định, thời gian trong mỗi chu kỳ có thể dài, ngắn bất thường.

Thời kỳ hành kinh có thể kéo vài, tăng số lượng máu đào thải trong mỗi chu kỳ. Máu kinh có thể ồ ạt trong những ngày đầu, rồi kéo dài nhiều ngày sau đó. Trong các trường hợp khác, bé gái lại thấy lượng máu kinh xuất hiện rất ít từ ngày đầu, rề rà liên tục trước khi kết thúc hẳn.

Tình trạng này khiến bé gái trong tuổi dậy thì và phụ huynh vô cùng lo lắng. Nếu không được vệ sinh kỹ lưỡng, môi trường này lý tưởng cho vi trùng và có thể gây viêm nhiễm và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.

Mất máu rỉ rả kéo dài dễ dẫn đến thiếu máu thiếu sắt, gây mệt mỏi, giảm khả năng tập trung học hành cũng như hạn chế sự phát triển thể lực. Rong kinh càng gây cảm giác tự ti, sợ sệt, kém hòa đồng trong hoạt động giao lưu và thể chất cùng bạn bè đồng trang lứa.

Ngoài ra, rong kinh tuổi dậy thì cũng có thể là biểu hiện đầu tiên của các bệnh phụ khoa tiềm ẩn trong hệ sinh dục hoặc các bệnh lý huyết học, rối loạn đông cầm máu. Vì vậy, bạn cần thăm khám để can thiệp kịp thời và tránh ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ sau này.

 4. Làm thế nào để chữa rong kinh tuổi dậy thì?

Nguyên tắc điều trị rong kinh ở tuổi dậy thì là can thiệp để điều hòa tính ổn định của các loại hormone trong cơ thể theo đúng quy luật. Có thể sử dụng các thuốc tránh thai để ổn định hormon.

Tùy vào đặc điểm của mỗi người mà nên chỉ định thuốc tránh thai kết hợp hay riêng lẻ một cách phù hợp. Ngoài ra, hormone oxytocin có thể được bổ sung vào những ngày đầu hành kinh để tăng sự co tử cung, giúp tống xuất máu kinh hiệu quả và tránh ra máu kéo dài.

Sử dụng thuốc tránh thai có tác dụng làm ổn định hormon
Sử dụng thuốc tránh thai có tác dụng làm ổn định hormon

Các biện pháp điều trị bằng thuốc tránh thai không ảnh hưởng đến việc thụ thai và sinh con sau này. Rong kinh tuổi dậy thì chỉ cần can thiệp trong hai năm đầu; khi vòng kinh ổn định, liệu pháp hormone bổ sung sẽ được rút dần và chấm dứt. Việc điều trị rong kinh cần thực hiện sớm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nếu kéo dài nhiều tháng nhiều năm, rong kinh dẫn đến thiếu máu nặng, gây suy giảm sức khỏe cũng như tổn thương trên vùng dưới đồi – tuyến yên khó hồi phục và rong kinh tái phát nhiều lần trong tương lai.

5. Lời khuyên của bác sĩ

Rong kinh tuổi dậy thì là một rối loạn thường gặp ở các bé gái mới lớn. Khi được quan tâm và can thiệp đúng mức, rong kinh tuổi dậy thì có thể điều chỉnh dễ dàng và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ.

Nếu bạn hoặc con bạn gặp phải triệu chứng rong kinh tuổi dậy thì, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Nếu có bất cứ câu hỏi gì về tình trạng rong kinh tuổi dậy thì, vui lòng liên hệ Zalo để được giải đáp.

Bài viết liên quan

Thông tin kiến thức
U nang buồng trứng trái nguy hiểm không?

Để biết u nang buồng trứng trái có nguy hiểm không, bạn cần hiểu rõ các loại u nang, nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng của bệnh này.

Thông tin kiến thức
Trên 26 tuổi có tiêm HPV được không?

Trên 26 tuổi có tiêm HPV được không? Có thể tiêm vắc xin HPV trên 26 tuổi để phòng ngừa nhiễm virus gây u nhú sinh dục và ung thư cổ tử cung.

Thông tin kiến thức
Khi nào nên tháo que tránh thai? Có đau không?

Tháo que tránh thai là một quy trình đơn giản, nhanh chóng. Bài viết này sẽ giải đáp chi tiết về quy trình tháo que tránh thai để các chị em có góc nhìn rõ hơn.

Thông tin kiến thức
Cấy que tránh thai bị rong kinh? Có nguy hiểm không?

Cấy que tránh thai bị rong kinh, có nguy hiểm không là băn khoăn của các chị em. Bài viết sẽ cung cấp thông tin hữu ích giúp chị em có góc nhìn rõ hơn.

All in one
Liên hệ