Nhiều chị em thắc mắc liệu chậm kinh khí hư ra nhiều có phải mang thai không? BSCKII Nguyễn Thị Ngọc Thủy – Nguyên phó khóa phụ 2, BV Phụ sản Trung Ương sẽ giải đáp vấn đề này qua bài viết dưới đây.
1. Chậm kinh khí hư ra nhiều có mang thai không?
Chậm kinh khí hư ra nhiều là tình trạng khá phổ biến ở chị em phụ nữ và có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe khác nhau. Các chị em cần lưu ý bởi đôi khi hiện tượng này chỉ đến từ việc rối loạn nội tiết tố của cơ thể nhưng cũng có thể cảnh báo các bệnh lý có liên quan. Ngoài ra ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có quan hệ tình dục, cần đặt ra câu hỏi chậm kinh ra khí hư nhiều có phải mang thai không?
Một trong những dấu hiệu khởi đầu của việc có thai chính là tình trạng chậm kinh. Khi trứng rụng gặp tinh trùng được thụ tinh và làm tổ tại niêm mạc tử cung, cơ thể sẽ tiết ra nội tiết tố hCG và kỳ kinh tiếp theo sẽ không xảy ra. Điều này thường dễ phát hiện đối với những chị em có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn và lượng máu kinh ở mỗi chu kỳ diễn ra bình thường.
Tuy nhiên chậm kinh ra nhiều khí hư cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề khác, vì vậy chị em cần thử que thử thai hoặc đi khám thai để biết chính xác bản thân có mang thai hay không.
2. Các dấu hiệu mang thai dễ nhận biết
Ngoài tình trạng chậm kinh khí hư ra nhiều, giai đoạn đầu của thời kỳ thai nghén có thể xuất hiện một số triệu chứng kèm theo như:
- Máu báo thai: Sau khi được thụ thai, một số thai phụ xuất hiện tình trạng ra máu âm đạo kèm đau quặn nhẹ ở bụng. Đây là một dấu hiệu sinh lý bình thường do thai được làm tổ trong tử cung dẫn đến làm tổn thương một số tế bào niêm mạc. Máu báo thai thường ra ít và trong thời gian ngắn, khác với máu kinh.
- Đau ngực: Khi bắt đầu mang thai, các hormon trong cơ thể phụ nữ cũng thay đổi gây ra tình trạng bầu vú căng cứng và đau nhức. Triệu chứng này rất thường gặp ở những phụ nữ mang thai.
- Buồn ngủ: Một số thai phụ thường than phiền rằng khi có bầu thì thường buồn ngủ, ngủ gà hoặc ngủ nhiều hơn trước đây.
- Buồn nôn và nhạy cảm với mùi vị: Sự gia tăng hormone estrogen và progesterone trong cơ thể khi mang thai có thể khiến các chị em cảm thấy buồn nôn và nhạy cảm với mùi vị. Thai phụ sẽ thường cảm thấy khó chịu và buồn nôn với một số tác nhân như mùi thuốc lá, mùi nước hoa, mùi thức ăn,… Đây cũng là 2 triệu chứng rất phổ biến và xuất hiện sớm giúp nhận biết thai kỳ.
Ngoài ra, một số chị em cũng có thể gặp tình trạng như mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, dễ thay đổi cảm xúc hoặc các vấn đề về tiêu hóa như thèm ăn, chán ăn, đầy bụng,…
3. Nguyên nhân dẫn đến chậm kinh khí hư ra nhiều
Ngoài việc mang thai, hiện tượng chậm kinh khí hư ra nhiều có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe.
3.1. Chế độ sinh hoạt thất thường
Việc có một lối sống và sinh hoạt không lành mạnh, thay đổi thất thường là một nguyên nhân rất phổ biến gây ra tình trạng chậm kinh khí hư ra nhiều. Thói quen ăn đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, uống rượu bia, hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích khác góp phần khiến cho nội tiết tố của cơ thể phụ nữ bị rối loạn và rất có hại cho hệ sinh sản.
Nếu chị em thường xuyên làm việc trong trạng thái tinh thần bị stress và căng thẳng nhiều cũng rất dễ gặp tình trạng này đặc biệt ở những người trẻ hiện nay. Ngoài ra việc sinh hoạt sai giờ giấc, thức khuya, nghỉ ngơi không đủ cũng khiến sức khỏe bị suy giảm và gây ra tình trạng này.
3.2. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ và gây ra sự rối loạn như:
- Liệu pháp thay thế hormone;
- Thuốc điều trị tuyến giáp, động kinh;
- Thuốc chống trầm cảm, hóa trị, thuốc an thần;
- Thuốc tránh thai;
- Kháng sinh;
- Thuốc giảm đau chống viêm.
Rất nhiều loại thuốc sẽ gây ra tác dụng phụ kinh nguyệt tới trễ hoặc mất kinh, đặc biệt là khi sử dụng trong một thời gian dài. Điều này rất có hại cho hệ sinh sản của phụ nữ vì vậy nên hạn chế sử dụng.
3.3. Thiếu kiểm soát cân nặng
Việc giảm cân quá nhiều trong thời gian ngắn cũng rất có hại cho cơ thể và khiến chị em gặp phải tình trạng chậm kinh, ra nhiều khí hư. Nguyên nhân là do cơ thể không được cung cấp đủ năng lượng cần thiết gây cản trở việc sản xuất các hormone cần thiết cho sự rụng trứng.
Ngoài ra, những chị em thừa cân béo phì cũng có thể gặp tình trạng chậm hoặc mất kinh. Vì vậy hãy cố gắng kiểm soát cân nặng ở mức phù hợp với bản thân.
3.4. Mãn kinh sớm
Các chị em khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh trước khi mất kinh hẳn sẽ trải qua việc kinh nguyệt bị rối loạn và điển hình là triệu chứng chậm hoặc mất kinh. Một số dấu hiệu kèm theo của giai đoạn này mà chị em có thể gặp là bốc hỏa, hay đổ mồ hôi về đêm, mất ngủ, tính tình thay đổi thất thường, khô âm đạo,…
3.5. Bệnh lý phụ khoa
Việc chậm kinh khí hư ra nhiều đôi khi là một dấu hiệu của các bệnh lý phụ khoa, trong đó viêm nhiễm phụ khoa là một tình trạng mà rất nhiều chị em gặp phải có thể dẫn đến tình trạng chậm kinh ra khí hư bất thường, khi này khí hư thường ra nhiều hơn với các tính chất bất thường như có mùi hôi, màu sắc lạ, dạng bột/bã đậu,…
Ngoài ra một số bệnh lý khác mà chị em có thể gặp phải khi có triệu chứng chậm kinh là hội chứng buồng trứng đa nang, suy buồng trứng. Những bệnh lý này khiến cho trứng không rụng và khiến người bệnh bị chậm hoặc mất kinh.
3.6. Bệnh lý về tuyến giáp
Nhắc đến triệu chứng của bệnh tuyến giáp ở nữ giới thì không thể không nhắc đến rối loạn kinh nguyệt. Những bệnh nhân cường giáp sẽ có hiện tượng chậm kinh, kinh nguyệt thưa hơn hoặc nặng hơn là vô kinh.
4. Cần làm gì khi bị chậm kinh khí hư ra nhiều?
Đối với các chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có quan hệ tình duc, điều đầu tiên cần làm là xác định tình trạng này có phải là mang thai hay không. Ngoài ra nếu chắc chắn không có thai và tình trạng chậm kinh ra khí hư nhiều chỉ xuất hiện trong một vài ngày thì các chị em không nên quá lo lắng về điều này.
Tuy nhiên việc chậm kinh kéo dài cần được lưu ý và theo dõi thường xuyên để phát hiện nguyên nhân và cách khắc phục.
Dưới đây là một số lưu ý cần thiết đối với các chị em phụ nữ đang gặp phải tình trạng chậm kinh khí hư ra nhiều:
- Luôn chăm sóc và giữ vùng kín sạch sẽ, rửa bằng nước sạch hoặc dung dịch vệ sinh phụ nữ nếu cần thiết.
- Thay quần lót 2 lần/ngày, quần lót nên được giặt sạch ngay sau khi thay và phơi ở nơi có đủ ánh sáng.
- Có chế độ sinh hoạt lành mạnh, ngủ nghỉ điều độ, tránh căng thẳng kéo dài.
- Ăn uống khoa học, hợp lý và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Tập thể dục thể thao thường xuyên giúp cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
- Theo dõi các bất thường của cơ thể, nếu có biểu hiện lạ hoặc chậm kinh kéo dài cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
Mong rằng các thông tin trên đây đã cung cấp đủ kiến thức cho các chị em về vấn đề chậm kinh khí hư ra nhiều. Chúc các chị em có một sức khỏe thật tốt.
[block id=”6049″]