Tăng Sinh Nội Mạc Tử Cung và Nguy Cơ Ung Thư

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Tăng sinh nội mạc tử cung là sự tăng trưởng quá mức tế bào niêm mạc tử cung, có thể là giai đoạn đầu của ung thư nội mạc tử cung. Hãy tìm hiểu bệnh lý này.

Tăng sinh nội mạc tử cung là tình trạng tăng trưởng quá mức niêm mạc tử cung do mất cân bằng nội tiết tố. Tình trạng này nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới ung thư nội mạc tử cung. Cùng tìm hiểu tình trạng này qua bài viết dưới đây nhé!

1. Tăng sinh nội mạc tử cung là bệnh lý gì?

Tăng sinh nội mạc tử cung (hay còn gọi là quá sản nội mạc tử cung lành tính) là do hình thành nhiều tế bào dư thừa khiến lớp niêm mạc tử cung hoặc nội mạc tử cung trở nên quá dày.

Mặc dù sự phát triển này đều hình thành tế bào lành tính nhưng trong một số trường hợp nếu tăng sinh niêm mạc diễn ra trong thời gian dài thì bệnh có thể tiến triển thành ung thư tử cung.

Trong chu kỳ kinh nguyệt, niêm mạc tử cung có khả năng thay đổi để đáp ứng với hormone do buồng trứng tiết ra. Cụ thể là:

  • Giai đoạn đầu của chu kỳ kinh nguyệt: hormone estrogen kích thích lớp niêm mạc tử cung phát triển và dày lên để chuẩn bị môi trường thuận lợi cho thai kỳ làm tổ và phát triển.
  • Sau khi rụng trứng: hormone progesterone tăng tiết vào máu để chuẩn bị cho niêm mạc tử cung nhận và nuôi dưỡng trứng thụ tinh.

Trong trường hợp không xuất hiện thai kỳ, nồng độ estrogen và progesterone giảm dần. Khi progesterone giảm, niêm mạc tử cung sẽ bong tróc. Đây là thời điểm chu kỳ kinh nguyệt mới bắt đầu.

Sơ lược về sự thay đổi hormone sinh dục qua các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt
Sơ lược về sự thay đổi hormone sinh dục qua các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt

Bệnh thường xảy ra khi có nồng độ estrogen cao quá mức nhưng nồng độ progesterone lại thấp hơn bình thường. Khi không có sự rụng trứng, progesterone không được tạo ra và niêm mạc tử cung sẽ không bong tróc.

Lúc này, estrogen tiếp tục kích thích niêm mạc tăng sinh, tạo thành nhiều lớp niêm mạc dày ở tử cung. Nếu không được điều trị đúng và kịp thời, tình trạng này có thể tiến triển thành ung thư.

Dựa vào đặc điểm tế bào nội mạc tử cung tăng sinh mà bệnh lý được chia thành 4 loại là:

  • Tăng sinh đơn giản: là tình trạng chỉ có sự tăng trưởng số lượng tuyến niêm mạc nhưng cấu trúc tuyến vẫn bình thường.
  • Tăng sinh phức tạp: là tình trạng tăng trưởng số lượng tuyến niêm mạc và có các thay đổi về cấu trúc.
  • Tăng sinh điển hình: là tình trạng tăng trưởng mà không có sự hiện diện của các tế bào có cấu trúc bất thường như tế bào có nhân dị dạng.
  • Tăng sinh không điển hình: là tình trạng tăng trưởng có sự hiện diện của các tế bào không điển hình.

Dựa vào cách phân loại này, bác sĩ có thể dự đoán được nguy cơ chuyển thành ung thư nội mạc tử cung:

Nhóm tế bào nội mạc tử cung tăng sinhNguy cơ chuyển thành ung thư
Tăng sinh đơn giản điển hình2%
Tăng sinh phức tạp điển hình8%
Tăng sinh không điển hình23%

 

Tăng sinh nội mạc tử cung có thể dẫn tới hình thành ung thư nội mạc tử cung
Tăng sinh nội mạc tử cung có thể dẫn tới hình thành ung thư nội mạc tử cung

2. Đối tượng hay gặp tăng sinh nội mạc tử cung

Bệnh tăng sinh nội mạc tử cung có thể gặp ở bất kỳ đối tượng phụ nữ nào nhưng thường gặp nhất ở những nhóm đối tượng sau:

  • Các bé gái trong giai đoạn dậy thì: do sự hoạt động chưa hoàn thiện của bộ máy sinh dục, sự rụng trứng xảy ra không đều đặn làm xuất hiện các chu kỳ kinh không có rụng trứng. Điều này gây ra sự mất cân bằng hormone snh dục, từ đó kéo theo tình trạng quá sản nội mạc tử cung.
  • Việc sử dụng các loại thuốc có chứa hormone trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh: để hạn chế các triệu chứng khó chịu trong cơ thể, người bệnh có thể được sử dụng một số nội tiết tố để nâng cao chất lượng cuộc sống. Điều này dẫn tới nồng độ các hormone sinh dục luôn trong tình trạng cao hoặc rất cao dẫn tới tình trạng tế bào nội mạc tử cung tăng sinh liên tục mà không bong ra gây nên tình trạng quá sản nội mạc tử cung.
  • Những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều cũng thường gặp phải tình trạng nội mạc tử cung dày hơn những đối tượng khác. Do sự không đều đặn trong chu kỳ kinh nguyệt như chu kỳ quá dài hoặc quá ngắn gây ra tăng sinh không bình thường của niêm mạc tử cung và có thể diễn tiến thành bệnh lý.
  • Béo phì cũng được biết đến như một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tăng sinh niêm mạc tử cung.
  • Điều này là do khi bị béo phì, cơ thể có khả năng sản xuất ra lượng hormone estrogen cao hơn mức bình thường rất nhiều. Chính nguyên nhân này đã dẫn tới tình trạng tăng sinh nội mạc tử cung ở người béo phì.
Phụ nữ bổ sung quá mức nội tiết tố có thể dẫn tới niêm mạc tử cung tăng sinh quá mức
Phụ nữ bổ sung quá mức nội tiết tố có thể dẫn tới niêm mạc tử cung tăng sinh quá mức

3. Tăng sinh nội mạc tử cung do nguyên nhân gì?

Một số bằng chứng cho thấy bệnh lý này là hệ quả của sự tăng quá mức nồng độ estrogen nhưng lại không đi kèm sự tăng nồng độ của progesterone.

Khi không có sự rụng trứng, progesterone sẽ không được tạo ra và lớp niêm mạc tử cung sẽ không bong ra. Nồng độ estrogen tăng quá cao kích thích các tế bào niêm mạc tử cung liên tục phát triển.

Các tế bào được hình thành liên tục dẫn tới tình trạng chen chúc nhau và trở nên bất thường. Đây là một trong những nguyên nhân hình thành ung thư nội mạc tử cung ở nhiều phụ nữ.

Vì sự mất cân bằng hormone này cũng liên quan đến ung thư tử cung nên tăng sinh nội mạc tử cung đôi khi được coi là tình trạng tiền ung thư.

Phụ nữ ít tiếp xúc với hormone progesterone, gần mãn kinh hoặc sau mãn kinh, thanh thiếu niên vừa qua dậy thì chưa có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này hơn.

Ngoài ra, liệu pháp thay thế estrogen không bổ sung progestin (một dạng của hormone progesterone) và thuốc điều trị ung thư vú tamoxifen cũng có thể khiến nồng độ estrogen tăng cao gây ra quá sản niêm mạc tử cung.

4. Triệu chứng

Tăng sinh nội mạc tử cung có nhiều biểu hiện khác nhau nhưng đôi khi có thể bị bỏ qua nếu không chú ý. Một số triệu chứng chỉ báo tình trạng nội mạc tử cung dày hơn bình thường có thể gặp là:

  • Máu kinh ra nhiều hơn bình thường là triệu chứng điển hình của tình trạng quá sản nội mạc tử cung lành tính.
  • Sự tăng sinh này làm cho niêm mạc tử cung dày lên và kèm theo đó là tăng số lượng mạch máu để nuôi dưỡng niêm mạc.
  • Lúc này khi niêm mạc tử cung bong ra sẽ khiến máu kinh nhiều hơn bình thường.
  • Ra huyết bất thường cũng là một triệu chứng thường gặp. Khi tăng sinh niêm mạc không bình thường, nếu số lượng mạch máu tân sinh không đủ để cung cấp máu cho vùng niêm mạc này sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy và hoại tử tế bào.
  • Các vùng niêm mạc hoại tử làm đứt các mạch máu cung cấp máu gây ra hiện tượng ra huyết bất thường mặc dù chưa đến kỳ kinh.
  • Ra máu tử cung ở giai đoạn mãn kinh do nhiều nguyên nhân gây ra trong đó có sự quá sản niêm mạc tử cung. Một số bệnh lý khác có thể gây nên tình trạng này là khối u hoặc bệnh lý ác tính xuất hiện ở tử cung.
  • Các biểu hiện trên siêu âm cũng là các dấu hiệu quan trọng giúp chẩn đoán tình trạng tăng sinh này. Bệnh nhân có thể tình cờ phát hiện tăng sinh nội mạc tử cung khi đi siêu âm để kiểm tra một bệnh khác hoặc đi siêu âm tử cung khi có hiện tượng ra huyết hoặc kinh nguyệt bất thường.
  • Ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nếu niêm mạc tử cung dày hơn 12mm và ở phụ nữ sau mãn kinh không sử dụng các hormone thay thế độ dày niêm mạc quá 5mm có thể nghi ngờ tăng sinh niêm mạc tử cung.
Ra máu âm đạo bất thường là triệu chứng hay gặp của tình trạng tế bào niêm mạc tử cung tăng sinh quá mức
Ra máu âm đạo bất thường là triệu chứng hay gặp của tình trạng tế bào niêm mạc tử cung tăng sinh quá mức

5. Biến chứng do tăng sinh nội mạc tử cung gây ra

Các biến chứng của tăng sinh nội mạc tử cung không thường xuyên và không quá nghiêm trọng. Khi tăng sinh niêm mạc tử cung, người bệnh thường gặp phải các biến chứng sau:

  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: niêm mạc tử cung tăng sinh gây ra lượng máu kinh nhiều, kinh nguyệt không đều và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
  • Ra kinh nhiều và kéo dài có thể gây ra thiếu máu. Thiếu máu ở bệnh nhân bị tăng sinh niêm mạc tử cung phụ thuộc vào mức độ mất máu. Khi người bệnh ra máu nhiều, chảy máu ồ ạt có thể gây nên tình trạng thiếu máu cấp. Trong trường hợp, máu ra ít nhưng kéo dài có thể dẫn tới thiếu máu mạn.
  • Biến chứng nghiêm trọng nhất của sự tăng sinh niêm mạc ở tử cung là sự tiến triển thành ung thư. Mặc dù khả năng tiến triển thành ung thư của tăng sinh niêm mạc tử cung khá chậm.
  • Nhưng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, tăng sinh niêm mạc có thể thoát khỏi sự điều hòa và ức chế tự nhiên của cơ thể và gây ra ung thư.
  • Tiến triển thành ung thư của niêm mạc tăng sinh bất thường không giống nhau. Chúng thay đổi dựa trên loại tế bào tăng sinh.

 6. Điều trị

Để điều trị quá sản nội mạc tử cung lành tính cần xác định rõ loại bệnh và nguyên nhân gây bệnh nhằm đưa ra phương hướng điều trị phù hợp.

Đối với tăng sinh đơn giản điển hình không có tế bào không điển hình, tỷ lệ tiến triển thành ung thư chỉ 1 – 3%.

Do đó, phương pháp điều trị nội khoa bằng progestin dưới dạng uống thuốc hoặc tiêm thuốc có thể được áp dụng.

Siêu âm sẽ được sử dụng để theo dõi dựa trên đo kích thước niêm mạc tử cung. Tùy vào cải thiện lâm sàng (biểu hiện qua tình trạng ra máu vùng kín), cơ thể người bệnh có thể cần được can thiệp bằng cách soi buồng tử cung hoặc nạo sản phẩm sinh thiết kiểm tra sau 3 tháng.

Đối với phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh có sự tăng sinh phức tạp và điển hình, có thể xem xét cắt bỏ tử cung.

Đối với tăng sinh không điển hình có nguy cơ tiến triển thành ung thư là 8 – 30% nên hướng điều trị cũng có thể là cắt bỏ tử cung.

Tuy nhiên, nếu phụ nữ còn trẻ, chưa có đủ con hoặc muốn giữ thai, bác sĩ sẽ cố gắng điều trị bằng thuốc. Nếu tình trạng không cải thiện, việc cắt bỏ tử cung sẽ được xem xét.

7. Phòng ngừa

Bạn có thể thực hiện các biện pháp sau để giảm nguy cơ tăng sinh niêm mạc tử cung:

  • Nếu sử dụng estrogen sau mãn kinh, cần điều chỉnh liều lượng và kết hợp sử dụng progesterone.
  • Nếu chu kỳ kinh nguyệt không đều, bác sĩ có thể khuyên sử dụng các viên tránh thai chứa estrogen và progestin hoặc các dạng khác của progestin.
  • Nếu thừa cân, cần giảm cân vì nguy cơ tăng sinh niêm mạc tử cung tăng theo mức độ béo phì.

8. Lời khuyên của bác sĩ

Tóm lại, tăng sinh niêm mạc tử cung là một căn bệnh nguy hiểm ở phụ nữ vì có thể tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên, những triệu chứng và siêu âm có thể phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời trước khi bệnh gây ra những triệu chứng nặng nề.

Quá sản nội mạc tử cung lành tính là một bệnh lý phức tạp ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ.

Do đó, phụ nữ cần theo dõi chu kỳ kinh nguyệt thường xuyên và nếu có bất kỳ sự rối loạn nào dưới đây thì nên được thăm khám phụ khoa sớm để có hướng xử lý tích cực và tránh tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và khó điều trị hơn.

  • Những ngày “đèn đỏ”, lượng máu ra nhiều hơn những kỳ kinh nguyệt trước đó.
  • Chảy máu vùng kín xuất hiện ở giai đoạn tiền mãn kinh.
  • Đau khi đi tiểu.
  • Quan hệ tình dục gây đau.
  • Đau bụng dưới trong thời gian dài.
  • Thời gian giữa hai chu kỳ kinh nguyệt dài hơn bình thường.
Khi xuất hiện đau bụng dưới dữ dội trong những ngày “đèn đỏ”, chị em nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám
Khi xuất hiện đau bụng dưới dữ dội trong những ngày “đèn đỏ”, chị em đi thăm khám

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn các kiến thức về bệnh lý tăng sinh nội mạc tử cung. Tuy đây là bệnh lý lành tính nhưng nếu không được điều trị thì có thể tiến triển thành ung thư.

Chính vì vậy, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, đừng ngần ngại liên hệ Hotline hoặc đặt lịch để được bác sĩ Ngọc Lan thăm khám trực tiếp nhé!

Bài viết liên quan

Thông tin kiến thức
Gai sinh dục và sùi mào gà có gì khác nhau?

Gai sinh dục và sùi mào gà có nhiều đặc điểm khác biệt. Bài viết chia sẻ kiến thức về gai sinh dục, sùi mào gà và cách phân biệt, phòng tránh và điều trị chúng.

Thông tin kiến thức
Rối loạn kinh nguyệt: Nguyên nhân, chẩn đoán & cách điều trị

Rối loạn kinh nguyệt gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày. Tìm hiểu nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị hiệu quả để cải thiện tình trạng này.

Thông tin kiến thức
Viêm tuyến Bartholin: 8 điều cần biết

Viêm tuyến Bartholin là một căn bệnh phụ khoa nguy hiểm ở phụ nữ. Vậy nguyên nhân gây bệnh là gì? Bệnh nguy hiểm như thế nào? Điều trị được không?

Thông tin kiến thức
Chậm kinh: nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng tránh

Chậm kinh là hiện tượng kinh nguyệt bất thường ở nữ giới. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị chậm kinh để bảo vệ sức khỏe sinh sản.

All in one
Liên hệ