Thành sau niêm mạc tử cung có khối u nguy hiểm không?

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Niêm mạc tử cung có khối u có phải là biểu hiện của một bệnh lý nguy hiểm? Cùng làm rõ các bệnh lý có thể gặp và cách dự phòng để bảo vệ sức khỏe của bản thân!

Niêm mạc tử cung có khối u nguy hiểm không? Vấn đề này thường gặp ở một số bệnh lý phụ khoa. Có thể là bệnh lý lành tính hay bệnh lý ác tính. Dưới đây là một số nguyên nhân niêm mạc tử cung có khối u, cùng tìm hiểu nhé!

1. Câu hỏi của người bệnh

Group HỎI ĐÁP BỆNH PHỤ KHOA HÀ NỘI nhận được một câu hỏi từ thành viên như sau: “Nay em đi khám thì bác sĩ nói thành sau niêm mạc tử cung có khối kích thước: 13.3×9 cm thì có đáng lo không ạ? Có ảnh hưởng đến việc sinh sản không ạ?”

Hình ảnh niêm mạc tử cung có khối u mà phụ nữ thường gặp.
Hình ảnh niêm mạc tử cung có khối u mà phụ nữ thường gặp

2. Bác sĩ trả lời: thành sau niêm mạc tử cung có khối u nguy hiểm không?

2.1. Bàn luận về ca bệnh

Trong câu hỏi trên, người bệnh có khối ở vùng thành sau niêm mạc tử cung, kích thước 13.3×9 mm tuy nhiên lại chưa được mô tả cụ thể về đặc điểm. Kích thước khối từ 1-2cm thì cũng chưa phải khối lớn, không quá lo ngại, còn ở người bệnh có khối kích thước ~ 13 cm là rất to.

Khối này có ảnh hưởng đến sinh sản. Bất kì khối bất thường nào trong cấu trúc của tử cung cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng các lớp của tử cung như hành kinh hoặc co bóp tử cung, và khối to còn choán chỗ trong tử cung ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nếu người bệnh đang mang thai.

2.2. U xơ tử cung là gì?

U xơ tử cung hay còn gọi là nhân xơ tử cung là bệnh lý lành tính của tử cung, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây niêm mạc tử cung có khối u. U xơ là những khối u được cấu tạo bởi các tế bào cơ trơn và mô liên kết dạng sợi, chúng phát triển trong tử cung.

Người ta ước tính rằng 70 – 80% phụ nữ sẽ phát triển khối u xơ trong tử cung ở một khoảng thời gian trong cuộc đời, tuy nhiên, không phải ai cũng sẽ xuất hiện các triệu chứng hoặc cần điều trị.

Dấu hiệu nhận biết u xơ tử cung:

Thông thường khối u xơ sẽ tình cờ được phát hiện khi chị em đi thăm khám phụ khoa hoặc siêu âm tử cung phần phụ có hình ảnh niêm mạc tử cung có khối u. Hầu hết các nhân xơ tử cung không gây ra triệu chứng và chỉ cần theo dõi định kỳ bởi bác sĩ sản khoa. Tuy nhiên, những khối u xơ lớn có thể dẫn đến nhiều triệu chứng khác nhau và cần được chú ý đặc biệt, bao gồm:

  • Kinh nguyệt ra nhiều hoặc kéo dài hơn bình thường
  • Chu kỳ kinh không đều
  • Chảy máu giữa các kỳ kinh
  • Đau và áp lực ở vùng chậu
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Táo bón
  • Đau lưng dưới
  • Đau và chảy máu khi quan hệ tình dục
  • Khí hư tiết ra nhiều
  • Cảm giác đầy bụng hoặc chướng bụng
  • Khó khăn trong việc mang thai

Sau khi chị em tới thời kỳ mãn kinh, lượng hormone estrogen trong cơ thể suy giảm, do đó các triệu chứng của u xơ tử cung thường sẽ ổn định hoặc biến mất. Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp u xơ tử cung phát triển sau thời kỳ mãn kinh và cần điều trị.

Nguyên nhân u xơ tử cung:

Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra u xơ cổ tử cung vẫn chưa được xác định. Hầu hết các khối u xơ này xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và ít gặp ở những người trẻ chưa có kinh lần đầu. Một số giả thuyết cho rằng u xơ cổ tử cung có liên quan đến nội tiết tố, đặc biệt là vai trò của estrogen và progesterone thông qua yếu tố tăng trưởng biểu mô.

Ngoài ra, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng có thể có các rối loạn nhiễm sắc thể trong khối u. Bên cạnh đó, cũng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ví dụ như:

  • Di truyền học: Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy được những sự khác biệt về gen giữa các tế bào trong khối u xơ và các tế bào bình thường cùng trong tử cung.
  • Các yếu tố tăng trưởng: Các chất ở trong cơ thể giúp duy trì tình trạng mô bình thường như yếu tố tăng trưởng giống insulin, chất này cũng có thể đóng vai trò nhằm thúc đẩy sự phát triển của khối u xơ.
  • Chất nền ngoại bào (ECM): ECM có tác dụng làm cho các tế bào tử cung của phụ nữ liên kết với nhau. Người ta phát hiện được trong các khối u xơ thường có nhiều ECM hơn so với các tế bào bình bình thường.

Điều trị: 

Vậy niêm mạc tử cung có khối u xơ sẽ điều trị thế nào? Phương pháp điều trị u xơ tử cung phụ thuộc vào kích thước, số lượng, vị trí của u xơ và các triệu chứng mà chúng gây ra. Nếu bạn có khối u xơ nhưng không có triệu chứng, bạn có thể không cần điều trị mà chỉ cần theo dõi khối u. 

Ở những người trong độ tuổi tiền mãn kinh/mãn kinh thông thường khối u sẽ không gây ra các triệu chứng bất thường nên cũng không cần điều trị vì thông thường sau khi mãn kinh, khối u sẽ nhỏ dần đi.

Trong điều trị u xơ tử cung, cần theo dõi chặt chẽ sự phát triển của khối u theo thời gian. Bác sĩ có thể đề nghị khám phụ khoa và siêu âm định kỳ, tùy thuộc vào kích thước và triệu chứng của u xơ. Kế hoạch điều trị sẽ dựa trên nhiều yếu tố như:

  • Số lượng những khối u xơ ở tử cung;
  • Kích thước của những nhân xơ tử cung;
  • Vị trí của khối u xơ nằm vị trí nào trong tử cung;
  • Những triệu chứng bạn đang gặp phải liên quan đến khối u xơ;
  • Mong muốn về việc mang thai của bạn trong tương lai;
  • Mong muốn của bạn để bảo tồn tử cung.

Một số phương pháp điều trị hiện nay: Điều trị nội khoa, điều trị can thiệp ít xâm lấn, sử dụng hormone hoặc phẫu thuật.

Đối với các khối u cơ trơn tử cung, nếu bệnh nhân có triệu chứng, phương pháp điều trị có thể bao gồm dùng thuốc hoặc phẫu thuật như bóc tách khối u, cắt tử cung hoặc cắt bán phần tử cung. Điều trị bằng hormone thường là giải pháp tạm thời, yêu cầu bệnh nhân phải sử dụng hormone liên tục trong một khoảng thời gian nhất định.

Phẫu thuật là cách điều trị dứt điểm khối u. Tuy nhiên, phương pháp này yêu cầu bệnh nhân trải qua một cuộc phẫu thuật, cần gây mê và có thể mất tử cung nếu phải cắt bỏ tử cung.

Với những bệnh nhân thực hiện bóc tách u xơ, nguy cơ tái phát vẫn tồn tại do vẫn còn cơ tử cung. Cơ hội mang thai lại sau phẫu thuật u xơ tử cung thường rất thấp, trừ khi chỉ bóc tách khối u mà vẫn bảo toàn được tử cung. Nếu phẫu thuật làm biến dạng buồng tử cung, khả năng mang thai sẽ giảm, và nếu phải cắt toàn bộ tử cung, chất lượng cuộc sống của phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng.

2.3. Lạc nội mạc tử cung là gì?

Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi mô giống niêm mạc tử cung phát triển ngoài tử cung, thường là trên các cơ quan trong khung chậu hoặc khoang bụng. Các khối lạc nội mạc tử cung có thể sưng và chảy máu giống như niêm mạc tử cung hàng tháng, gây ra chảy máu trong khung chậu và đau bụng khi hành kinh.

Lạc nội mạc tử cung gây ra những khó chịu cho phụ nữ mắc bệnh
Lạc nội mạc tử cung gây ra những khó chịu cho phụ nữ mắc bệnh

Dấu hiệu:

Triệu chứng bệnh sẽ khác nhau ở mỗi người. Những biểu hiện thường gặp của lạc nội mạc tử cung bao gồm:

  • Đau: Đây là triệu chứng phổ biến nhất thường không đặc hiệu. Tuy nhiên, phụ nữ bị mắc bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều loại cơn đau khác nhau, bao gồm:
    • Đau bụng kinh trở nên nặng dần hơn theo thời gian.
    • Đau mạn tính ở vùng lưng dưới hay vùng xương chậu.
    • Đau trong hoặc sau khi giao hợp: Đây thường được người bệnh mô tả là một cơn đau “sâu”, khác với những cảm giác đau ở phía ngoài vùng âm đạo khi tiếp nhận dương vật.
    • Đau khi đi đại tiện hoặc tiểu tiện trong thời kỳ kinh nguyệt là một triệu chứng phổ biến. Trong một số trường hợp hiếm, bạn có thể thấy máu lẫn trong phân hoặc nước tiểu.
    • Đau chân có thể do sự ảnh hưởng đến các dây thần kinh vùng háng, hông và chân ở lạc nội mạc tử cung, khiến bạn khó đi lại. Bạn có thể đi khập khiễng hoặc cầm phải nghỉ ngơi thường xuyên khi đi lại.
  • Ra máu không liên quan tới hành kinh.
  • Một số vấn đề về dạ dày (tiêu hóa) bao gồm tiêu chảy, táo bón, đầy bụng hoặc cảm giác buồn nôn, đặc biệt là ở trong kỳ kinh nguyệt.

Rất nhiều trường hợp phụ nữ mắc lạc nội mạc tử cung mà không có bất kỳ dấu hiệu nào. Vì vậy, việc đi khám phụ khoa định kỳ (6 tháng/lần) là cần thiết để tầm soát và phát hiện bệnh sớm.

Nguyên nhân: 

  • Dòng kinh chảy ngược: Vấn đề này đang còn là giả thuyết mà các nhà khoa học đang nghiên cứu thêm. Mô của nội mạc tử cung sẽ chảy ngược thông qua ống dẫn trứng và lắng đọng lại ở trên các cơ quan thuộc vùng chậu, sau đó tiếp tục sinh sôi và phát triển.
  • Yếu tố di truyền: Vì bệnh này có tính chất gia đình nên bệnh có khả năng di truyền thông qua gen.
  • Các vấn đề của hệ thống miễn dịch: Hệ miễn dịch của cơ thể bị lỗi sẽ không nhận ra và phá hủy đi các mô nội mạc tử cung bất thường phát triển bên ngoài tử cung. 
  • Nội tiết tố: Nồng độ của hormone estrogen trong cơ thể tăng cao được cho là một nguyên nhân chính gây ra tình trạng lạc nội mạc tử cung ở phụ nữ.
  • Phẫu thuật: Một số thủ thuật xâm lấn ở vùng bụng, chẳng hạn như mổ lấy thai hoặc cắt bỏ tử cung dễ khiến các mô của nội mạc tử cung hình thành và phát triển ngoài tử cung.

Điều trị: 

Những phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung ngày nay bao gồm:

  • Uống thuốc: Một số các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) ví dụ như ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc naproxen (Aleve) cũng có tác dụng giảm đau khá hiệu quả. Nếu những loại thuốc này vẫn không giúp bạn bớt đau, có thể kết hợp với các liệu pháp hỗ trợ như:
    • Tắm bằng nước ấm.
    • Chườm ấm: Đặt một chai nước ấm hoặc miếng đệm nóng lên trên bụng.
    • Tập thể dục thường xuyên, duy trì.
    • Châm cứu
    • Massage 
  • Điều trị nội tiết: Liệu pháp nội tiết nhằm làm giảm nồng độ estrogen mà cơ thể tạo ra, giúp chảy máu ít hơn, từ đó ngăn ngừa được tình trạng viêm, dính và hình thành u nang. Phương pháp này có thể làm chu kỳ kinh nguyệt của bạn tạm ngừng.

Các loại thuốc được chỉ định nhằm giảm nồng độ hormone estrogen có thể kể đến:

  1. Viên uống tránh thai kết hợp.
  2. Dùng Progestin. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc với liều lượng ra sao cần phải có sự chỉ định của bác sĩ điều trị. Người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc.
  • Phẫu thuật bảo tồn:

Phương pháp này thích hợp cho những phụ nữ điều trị nhưng không đáp ứng với hai liệu pháp uống thuốc và điều chỉnh nồng độ hormone. Mục tiêu của phẫu thuật bảo tồn là loại bỏ hoặc phá hủy đi sự phát triển của nội mạc tử cung bất thường mà không làm tổn thương hệ thống cơ quan sinh sản.

Phẫu thuật nội soi ổ bụng – phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, được áp dụng nhằm bóc bỏ đi các khối lạc nội mạc tử cung, phẫu thuật cắt bỏ các khối u đang phát triển. Biện pháp đốt laser cũng thường được sử dụng để tiêu diệt mô ‘lạc chỗ này.

2.4. Ung thư nội mạc là gì?

Một trong những nguyên nhân gây niêm mạc tử cung có khối u đó là ung thư nội mạc tử cung (hay Carcinom nội mạc tử cung) là một dạng ung thư biểu mô tuyến của nội mạc tử cung và là bệnh ung thư phụ khoa rất thường gặp ở nữ giới. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường gặp nhất là trong khoảng từ 45-75 tuổi. Tuổi trung bình của các bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung khi được chẩn đoán là 60. Tuy nhiên, hiện nay bệnh có xu hướng xảy ra ở những người trẻ tuổi hơn.

Dấu hiệu của ung thư nội mạc tử cung:

  • Ra máu âm đạo bất thường

Đây là một trong những dấu hiệu phổ biến của ung thư tử cung. Hiện tượng chảy máu âm đạo bất thường thường xảy ra ở phụ nữ sau khi mãn kinh. Tuy nhiên, phụ nữ cũng cần thận trọng nếu gặp các triệu chứng bất thường như kinh nguyệt ra nhiều, kéo dài hơn bình thường, hoặc chảy máu giữa các kỳ kinh, vì đó có thể là dấu hiệu của ung thư nội mạc tử cung.

  • Ra khí hư bất thường

Tiết dịch âm đạo là hiện tượng bình thường ở phụ nữ, nhưng nếu dịch tiết ra nhiều, có màu sắc bất thường, đặc biệt là sau khi mãn kinh, thì điều này có thể là dấu hiệu của ung thư nội mạc tử cung.

  • Đau vùng chậu thường xuyên

Đau vùng chậu là một triệu chứng phổ biến ở những người mắc ung thư tử cung. Khi khối u lớn dần lên, người bệnh thường cảm thấy đau tăng lên, cảm giác đau sâu.

  • Thay đổi thói quen đại tiện, tiểu tiện

Sự hình thành khối u trong lớp nội mạc tử cung có thể gây áp lực lên bàng quang, dẫn đến các vấn đề tiểu tiện. Người bệnh có thể phải đi tiểu thường xuyên hơn, cảm thấy đau hoặc gặp khó khăn khi tiểu tiện. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị tiểu buốt, bí tiểu, và thậm chí có máu trong nước tiểu hoặc phân.

  • Giảm cân không rõ lý do

Giảm cân không rõ nguyên nhân là một triệu chứng thường gặp ở những người mắc ung thư nội mạc tử cung. Người bệnh có thể bị sụt cân nghiêm trọng theo thời gian, kèm theo các triệu chứng phụ khoa khác, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể.

Nguyên nhân: 

  • Mất cân bằng nội tiết tố

Mất cân bằng nội tiết tố có thể dẫn đến tích trữ mỡ thừa trong cơ thể, làm tăng lượng estrogen. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư nội mạc tử cung mà chị em cần lưu ý và không nên xem thường.

  • Kinh nguyệt không đều

Rối loạn kinh nguyệt cũng là một nguyên nhân gây ung thư nội mạc tử cung. Thêm vào đó, những phụ nữ có kinh nguyệt lần đầu quá sớm hoặc quá muộn cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

  • Chế độ ăn uống không lành mạnh

Những người thường xuyên tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa dầu mỡ có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung cao hơn so với những người có chế độ ăn lành mạnh, nhiều rau xanh và hoa quả. Nguyên nhân là do chất béo xấu có thể dẫn đến tích trữ hormone estrogen, gây tăng sinh nội mạc tử cung và từ đó phát triển thành ung thư.

  • Mắc bệnh đái tháo đường, cao huyết áp

Bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp thường ảnh hưởng đến chức năng của tuyến yên, làm tăng nồng độ estrogen, từ đó gia tăng nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang và tăng sinh nội mạc tử cung. Đây là những yếu tố có thể dẫn đến ung thư nội mạc tử cung.

  • Do yếu tố di truyền

Nếu gia đình bạn có người mắc ung thư tử cung, khả năng bạn mắc bệnh cũng cao. Do đó, trong trường hợp này, cần thực hiện kiểm tra sức khỏe và tầm soát ung thư nội mạc tử cung sớm để phát hiện và điều trị kịp thời, tăng cơ hội sống.

Đa phần các trường hợp ung thư nội mạc tử cung phát sinh do đột biến ngẫu nhiên. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân mắc bệnh này là do đột biến di truyền. Ung thư nội mạc tử cung do đột biến di truyền thường xuất hiện ở độ tuổi trẻ hơn và thường được chẩn đoán sớm hơn so với các trường hợp đột biến ngẫu nhiên từ 10 đến 20 năm.

Điều trị: 

  • Cắt bỏ tử cung toàn phần và cắt bỏ cả buồng trứng – phần phụ hai bên.
  • Phẫu thuật nạo vét hạch vùng chậu và các cạnh động mạch chủ cho ung thư mức độ 1 hoặc mức độ 2 có sự xâm lấn nội mạc tử cung ở mức độ sâu (> 50%), bất kỳ mức độ 3 nào và cho tất cả các bệnh ung thư có yếu tố mô học nguy cơ cao
  • Xạ trị ở vùng chậu với có hoặc không kèm điều trị hoá chất kết hợp cho các giai đoạn II hoặc III
  • Liệu pháp đa phương thức trị liệu thường được khuyến cáo dành cho ung thư giai đoạn IV

2.5. Polyp cổ tử cung là gì?

Polyp cổ tử cung là sự tăng sinh không kiểm soát của các tế bào tại cổ tử cung. Những khối polyp này có thể có kích thước từ vài mm (nhỏ như hạt gạo) đến vài cm, và thường có hình dạng như ngón tay, bóng đèn, hoặc nấm.

Polyp có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc thành cụm, có màu hồng, mềm, và dễ chảy máu khi chạm vào. Chúng có thể xuất hiện trên bề mặt cổ tử cung hoặc bên trong ống cổ tử cung, và trong một số trường hợp, polyp có thể thò ra ngoài qua cổ tử cung và nằm trong âm đạo.

Polyp cổ tử cung thường không có triệu chứng rõ ràng
Polyp cổ tử cung thường không có triệu chứng rõ ràng

Dấu hiệu:

Polyp cổ tử cung thường không có triệu chứng rõ ràng, nên phụ nữ rất khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Thường thì bệnh chỉ được phát hiện khi khám phụ khoa định kỳ thông qua hình ảnh siêu âm niêm mạc tử cung có khối u hoặc khi tiến triển nặng và xuất hiện một số dấu hiệu bất thường.

Triệu chứng hay gặp nhất của polyp cổ tử cung là ra máu âm đạo bất thường:

  • Ra máu âm đạo sau khi quan hệ tình dục.
  • Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt.
  • Ra máu sau khi thụt rửa vùng âm đạo.
  • Ra máu sau khi mãn kinh.
  • Đôi khi ra dịch tiết âm đạo số lượng quá nhiều, màu sắc bất thường (màu trắng hoặc màu vàng).

Đây cũng có thể là biểu hiện sớm của ung thư cổ tử cung, nên bạn hãy tới các cơ sở y tế để thăm khám sớm và có chẩn đoán chính xác.

Nguyên nhân:

Nguyên nhân gây ra bệnh lý polyp cổ tử cung hiện giờ vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể liên quan để khả năng tăng nguy cơ mắc polyp cổ tử cung:

  • Nồng độ Estrogen cao, đặc biệt ở những phụ nữ trong tuổi sinh sản và tiền mãn kinh. Ở độ tuổi 19−29 thì nồng độ bình thường là 149 pg/ml, tuổi 30−39 sẽ là 210 pg/ml, tuổi 40–49 là 152 pg/ml, tuổi 50–59 là khoảng 130 pg/ml. Riêng đối với phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt sẽ dao động ở mức 50−400 pg/ml. Nếu cao hơn mức nồng độ bình thường này, phụ nữ sẽ tăng nguy cơ bị polyp cổ tử cung.
  • Viêm nhiễm âm đạo – cổ tử cung.

Điều trị:

Khi phát hiện polyp cổ tử cung, nhiều chị em mong muốn điều trị sớm để loại bỏ sự khó chịu và các bất thường do polyp gây ra. Việc loại bỏ polyp cổ tử cung thường khá đơn giản và có thể thực hiện ngay tại các cơ sở mà không cần thuốc giảm đau. Các phương pháp xử trí polyp cổ tử cung thường được tiến hành tại các cơ sở y tế, bệnh viện như:

  • Xoắn chân polyp cổ tử cung ở trên bề mặt.
  • Buộc chỉ phẫu thuật xung quanh chân polyp và sau đó cắt bỏ.
  • Dùng vòng kẹp để loại bỏ polyp.
  • Một số phương pháp loại bỏ chân polyp như: Sử dụng Ni tơ lỏng, dao điện đốt chân, tia laser
  • Trong trường hợp polyp ống cổ tử cung có chân to, có thể cần thực hiện thủ thuật tại phòng mổ. Bác sĩ sẽ mở ống cổ tử cung, cắt bỏ polyp và đốt chân polyp, sau đó khâu lại để phục hồi ống cổ tử cung.

3. Lời khuyên của bác sĩ

3.1. Cách phòng tránh u xơ tử cung

Để phòng tránh được những vấn đề sức khỏe gây ra do niêm mạc tử cung có khối u xơ tử cung, chị em cần tuân thủ một số phương pháp sau:

  • Tập thể dục thường xuyên và có chế độ sinh hoạt lành mạnh
  • Kiểm soát cân nặng lý tưởng
  • Chế độ ăn uống lành mạnh
  • Sử dụng những phương pháp tránh thai lành mạnh, không nạo hút thai.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng, làm các xét nghiệm tầm soát ung thư.

3.2. Cách phòng tránh u lạc nội mạc tử cung

Có thể giảm thiệu được phần nào nguy cơ phát triển bệnh bằng cách giảm nồng độ hormone estrogen tiết ra ở trong cơ thể bằng cách:

  • Tránh thai an toàn: Nhờ bác sĩ có chuyên môn tư vấn về các phương pháp ngừa thai bằng yếu tố nội tiết tố, chẳng hạn như thuốc viên uống, miếng dán hoặc đặt vòng tránh thai nội tiết.
  • Duy trì tập thể dục thường xuyên (tối thiểu 4 giờ/tuần): Để giữ được tỷ lệ phần trăm chất béo trong cơ thể ở mức ổn định. Kết hợp tập thể dục và giảm lượng chất béo nạp vào cơ thể sẽ giúp giảm nồng độ estrogen trong cơ thể.
  • Tránh uống nhiều rượu: Các nghiên cứu đã chứng minh rằng rượu sẽ làm tăng nồng độ estrogen. Do đó, bạn không nên sử dụng nhiều hơn 1 ly rượu mỗi ngày.
  • Hạn chế thực phẩm chứa caffeine: Dung nạp quá nhiều những đồ uống có chứa caffeine mỗi ngày, đặc biệt là soda và trà xanh, có thể làm tăng cường nồng độ estrogen. 
Luyện tập thường xuyên giảm thiểu được phần nào nguy cơ mắc các bệnh lý phụ khoa
Luyện tập thường xuyên giảm thiểu được phần nào nguy cơ mắc các bệnh lý phụ khoa

3.3. Cách phòng tránh ung thư nội mạc

  • Kiểm soát cân nặng lý tưởng và chế độ sinh hoạt lành mạnh
  • Kiên trì tập luyện thể dục thể thao thường xuyên
  • Khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ

3.4. Cách phòng tránh polyp tử cung

Hiện tại, không có biện pháp ngăn ngừa hoàn toàn polyp tử cung, nhưng bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách kiểm soát huyết áp, duy trì chế độ ăn uống khoa học và tập luyện đều đặn để giữ cân nặng hợp lý. Thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng/lần cũng giúp phát hiện sớm polyp tử cung nếu có, từ đó can thiệp kịp thời để ngăn ngừa các triệu chứng khó chịu hoặc biến chứng nghiêm trọng.

Trên đây là một số nguyên nhân và cách phòng tránh những bệnh lý có thể gây ra hiện tượng niêm mạc tử cung có khối u. Nếu người bệnh gặp triệu chứng bất thường hay còn cảm thấy lo lắng có thể liên hệ qua Zalo với phòng khám để được giải đáp.

Zalo bác sĩ bệnh viện phụ sản trung ương

Bài viết liên quan

Hỏi đáp bác sĩ
[Bác sĩ giải đáp] Quan hệ xong bị rong kinh có sao không?

Bị rong kinh sau khi quan hệ khiến chị em cảm thấy lo lắng và có tâm lý ngại gần gũi với bạn đời. Vậy quan hệ xong bị rong kinh có sao không? Phòng tránh như thế nào?

Hỏi đáp bác sĩ
Rong kinh có tự hết không? Khi nào phải điều trị, cấp cứu?

Rong kinh có tự hết không? Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lý tình trạng này qua bài viết dưới đây.

Hỏi đáp bác sĩ
Chảy máu trong quan hệ có nguy hiểm không?

Chảy máu trong quan hệ tình dục gây ra sự khó chịu, lo lắng cho người bệnh. Cùng làm rõ về nguyên nhân ra máu và cách khắc phục để bảo vệ sức khỏe của bản thân!

Hỏi đáp bác sĩ
Thức khuya có bị chậm kinh không?

Thức khuya có bị chậm kinh không? Thức khuya ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe là những thắc mắc của nhiều chị em. Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

All in one
Liên hệ