Thiểu ối có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ nhưng phổ biến nhất trong 3 tháng cuối. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về thiểu ối là gì cũng như cách giúp mẹ bầu nhận biết và phòng ngừa hiệu quả.
1. Tổng quan về nước ối
1.1. Nước ối là gì?
Nước ối là một chất lỏng trong suốt xuất hiện vào ngày thứ 12 sau thụ thai, bao quanh thai nhi trong tử cung của mẹ. Nước ối chứa nhiều thành phần quan trọng như chất dinh dưỡng, hormone và kháng thể, giúp nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi.
1.2. Vai trò của nước ối
Nước ối đóng vai trò vô cùng cần thiết cho sự sống và phát triển khỏe mạnh của thai nhi trong suốt thai kỳ:
- Là môi trường lý tưởng để thai nhi tồn tại và lớn lên.
- Bảo vệ thai nhi tránh tổn thương, va đập từ bên ngoài.
- Tạo nên môi trường vô khuẩn, phòng tránh nhiễm trùng.
- Cung cấp chất dinh dưỡng, ổn định nhiệt độ cho thai nhi.
- Giúp phát triển hài hòa và bình chỉnh ngôi thai.
- Giúp mẹ bầu chuyển dạ thuận lợi.
Ngoài tác dụng nuôi dưỡng thai nhi, nước ối còn cho phép em bé tự do di chuyển, phát triển hệ cơ xương. Nó ngăn cản sự chèn ép lên dây rốn và đệm cho các chuyển động của thai nhi. Khi nuốt nước ối, thai nhi sẽ kích thích sự phát triển của hệ tiêu hóa và phổi. Việc phân tích nước ối cũng giúp phát hiện các dị tật bẩm sinh.
2. Tổng quan về thiểu ối
2.1. Thiểu ối là gì?
Thiểu ối (Oligohydramnios) là tình trạng lượng nước ối thấp hơn mức sinh lý bình thường, với:
- Chỉ số AFI (chỉ số nước ối) < 5 cm (mức bình thường là 5-25 cm).
- Chỉ số MPV (xoang ối lớn nhất) < 2 cm.
- Màng ối còn nguyên vẹn.
Vậy thiếu ối có nguy hiểm không? Thiểu ối nghiêm trọng xảy ra khi chỉ số AFI < 3 cm. Thống kê cho thấy, thiếu ối ảnh hưởng tới 4% thai kỳ và 12% thai kỳ quá ngày dự sinh.
Tình trạng này thường gặp nhất trong 3 tháng cuối, nguy cơ tăng cao nếu mẹ bầu quá ngày dự sinh trên 2 tuần. Thiểu ối xuất hiện càng sớm thì nguy cơ biến chứng nghiêm trọng ở thai nhi càng lớn.
2.2. Dấu hiệu thiểu ối
Các biểu hiện giúp mẹ bầu chủ động phát hiện tình trạng thiếu ối:
- Chu vi bụng tăng chậm không tương ứng với tuổi thai.
- Thai cử động yếu hoặc giảm cử động.
- Thai đạp khiến bụng mẹ đau do tác động trực tiếp lên thành tử cung.
- Khi thăm khám, bác sĩ sờ thấy thai nhi nằm sát da bụng.
Nếu nghi ngờ thiểu ối, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ làm siêu âm – phương pháp chẩn đoán chính xác nhất. Siêu âm đồng thời đánh giá các bất thường về sự phát triển, tư thế của thai nhi, bất thường thận thai và dây rốn.
2.3. Nguyên nhân gây thiểu ối
Nước ối được tạo thành từ cơ thể mẹ, thai nhi và màng ối. Mọi bất thường liên quan đến 3 nguồn gốc này đều ảnh hưởng đến lượng nước ối, bao gồm:
Nguyên nhân từ phía mẹ
- Mắc bệnh gan, thận, tăng huyết áp, tiền sản giật…
- Sử dụng một số loại thuốc không an toàn khi mang thai.
- Thiếu chất dinh dưỡng, chế độ ăn uống kém.
- Uống ít nước (dưới 2 lít/ngày).
- Nghỉ ngơi không hợp lý, thường xuyên làm việc quá sức.
Nguyên nhân từ phía thai nhi
- Thai tăng trưởng kém hay quá ngày dự sinh.
- Thai bị dị tật bẩm sinh, đặc biệt là dị tật thận và tiết niệu.
- Nhiễm trùng bào thai, thai chết lưu.
Nguyên nhân từ phần phụ của thai
- Vấn đề về nhau thai, song thai hoặc đa thai có chung bánh nhau.
- Hội chứng truyền máu song thai.
Ngoài ra, có những trường hợp thiểu ối không rõ nguyên nhân. Vì vậy, mẹ bầu cần chủ động theo dõi sức khỏe của bản thân và thai nhi, kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường để thăm khám và can thiệp sớm.
3. Mẹ bầu bị thiếu ối có sao không?
Mẹ bầu được chẩn đoán thiếu ối trong 3 tháng cuối vẫn có thể sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, các nguy cơ đáng lo ngại bao gồm:
- Thai chậm tăng trưởng.
- Dây rốn bị chèn ép.
- Phải mổ lấy thai.
Nếu nước ối ít được phát hiện trước tuần 28, mẹ và bé đối mặt với nguy cơ cao hơn:
- Sảy thai, thai chết lưu.
- Sinh non.
- Thai bị dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ sau này.
4. Chẩn đoán và điều trị thiểu ối
4.1. Chẩn đoán thiểu ối
Bác sĩ dựa vào các dấu hiệu lâm sàng sau để chẩn đoán thiểu ối:
- Bụng nhỏ không tương xứng với tuổi thai.
- Sờ thấy thai nhi sát da bụng.
- Màng ối còn nguyên vẹn.
Để loại trừ nguyên nhân do vỡ ối hoặc rò rỉ nước ối, bác sĩ sẽ hỏi thăm về các triệu chứng dịch âm đạo, són tiểu. Siêu âm là cách xác định lượng nước ối chính xác nhất:
- Nếu chỉ số AFI < 5 cm => thiếu nước ối.
- Nếu chỉ số AFI < 3 cm => cạn ối.
Ngoài ra, mẹ bầu có thể được chỉ định làm thêm các xét nghiệm khác như miễn dịch, siêu âm tim, Doppler, monitor sản khoa… nếu nghi ngờ thai chậm phát triển trong bụng mẹ.
4.2. Điều trị thiểu ối
Việc điều trị thiếu ối phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Các biện pháp chính bao gồm:
- Truyền dịch vào túi ối để duy trì lượng nước ối cần thiết.
- Siêu âm theo dõi mỗi 1-2 tuần.
- Dùng thuốc trưởng thành phổi thai.
- Cân nhắc chấm dứt thai kỳ khi cần thiết.
Khi thiểu ối ở 3 tháng cuối, mẹ bầu cần thăm khám thường xuyên theo chỉ định bác sĩ để được theo dõi sát sao. Thai nhi đủ 37 tuần hoặc sau khi dùng thuốc trưởng thành phổi, bác sĩ sẽ xem xét khởi phát chuyển dạ hoặc mổ lấy thai.
5. Cách chăm sóc mẹ bầu bị thiểu ối
Song song với việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, mẹ bầu có thể áp dụng một số cách sau để cải thiện tình trạng thiếu ối:
- Uống nhiều nước, tăng 1-2 lít so với bình thường.
- Bổ sung trái cây giàu nước như dưa hấu, dưa chuột, cà chua…
- Bổ sung dinh dưỡng theo chế độ khoa học.
- Hạn chế thực phẩm gây mất nước như cà phê, râu ngô…
- Tránh sử dụng rượu bia.
- Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội.
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh.
- Nằm nghiêng bên trái khi ngủ để tăng cường lưu thông máu.
- Theo dõi cử động thai, kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường.
6. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Mẹ bầu cần gọi bác sĩ ngay nếu gặp phải các triệu chứng sau:
- Rò rỉ một lượng lớn nước ối từ âm đạo.
- Chảy máu âm đạo.
- Chuột rút, đau vùng chậu.
- Cơn co thắt.
- Thấy thai cử động ít hơn.
7. Cách phòng ngừa thiểu ối
Để phòng ngừa tình trạng thiểu ối khi mang thai, mẹ bầu nên lên kế hoạch điều trị dứt điểm hoặc ổn định các bệnh lý nếu có trước khi mang thai. Mẹ bầu cũng nên thực hiện khám tiền hôn nhân và khám tiền sản để nhận được hướng dẫn từ bác sĩ về việc chuẩn bị mang thai một cách khoa học.
Trong quá trình mang thai, mẹ bầu cần tuân thủ nghiêm ngặt lịch khám thai định kỳ để bác sĩ có thể theo dõi thai kỳ chặt chẽ, giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời tình trạng thiếu nước ối, nhằm tránh các rủi ro có thể xảy ra trong thai kỳ.
8. Lời khuyên từ bác sĩ
Thiểu ối là tình trạng nghiêm trọng, có thể gây ra các biến chứng cho thai kỳ và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, mẹ bầu hãy cố gắng giữ bình tĩnh vì hầu hết những người được chẩn đoán thiếu ối đều sinh con khỏe mạnh.
Việc quan trọng nhất là mẹ tham gia đầy đủ các buổi khám thai và chia sẻ thật lòng với bác sĩ về các triệu chứng của mình. Nhà cung cấp dịch vụ y tế sẽ theo dõi chặt chẽ và xây dựng kế hoạch điều trị an toàn nhất cho cả mẹ và bé. Đây là cách tốt nhất để phát hiện và xử lý các vấn đề tiềm ẩn một cách kịp thời.
Nếu mẹ bầu còn bất kỳ thắc mắc nào về thiểu ối hay các vấn đề khác về sản khoa, hãy nhanh chóng tham gia vào group Team đẻ Phụ sản Hà Nội (Nhóm chính thức) để được các bác sĩ giải đáp chi tiết và đầy đủ.