Thuốc tránh thai khẩn cấp uống khi nào? Cách sử dụng an toàn

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Thuốc tránh thai khẩn cấp là giải pháp cho trường hợp quan hệ tình dục không an toàn, nhưng cần sử dụng đúng cách, tránh lạm dụng để không ảnh hưởng sức khỏe.

Thuốc tránh thai khẩn cấp là biện pháp ngừa thai sau khi phát sinh quan hệ tình dục không an toàn. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá nhiều sẽ gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Đọc bài viết ngay sau đây để hiểu rõ về cách sử dụng thuốc an toàn.

1. Thông tin chung về thuốc tránh thai khẩn cấp

Thuốc tránh thai khẩn cấp (Emergency Contraceptive Pills) là biện pháp tránh thai được sử dụng sau khi đã phát sinh quan hệ tình dục không an toàn như: không dùng bảo hộ, bị cưỡng hiếp hoặc đã dùng biện pháp tránh thai khác nhưng không chắc chắn về hiệu quả.

Giới thiệu về thuốc ngừa thai khẩn cấp và cách sử dụng an toàn
Giới thiệu về thuốc ngừa thai khẩn cấp và cách sử dụng an toàn

Thuốc ngừa thai khẩn cấp có chứa thành phần chính là hàm lượng lớn Progesterone, hormone sinh dục quan trọng ở nữ giới. Nguyên lý hoạt động của thuốc tương tự như thuốc tránh thai hàng ngày, nhưng khác biệt ở hàm lượng Progesterone cao hơn, giúp phát huy tác dụng ngừa thai nhanh.

Theo BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan – Nguyên trưởng khoa Phụ 1, BV Phụ Sản Trung Ương, thuốc tránh thai cấp tốc là giải pháp hiệu quả cho các trường hợp khẩn cấp có nguy cơ mang thai sau quan hệ tình dục không dùng bảo hộ, thường gặp ở 3 nhóm đối tượng:

  • Nhóm thứ nhất: Người không thường xuyên quan hệ tình dục, người không có hoặc không thể sử dụng biện pháp tránh thai an toàn như thuốc tránh thai hàng ngày, vòng tránh thai, miếng dán ngừa thai hoặc không có sẵn bao cao su.
  • Nhóm thứ hai: Người bị hiếp dâm hoặc cưỡng bức quan hệ tình dục nên không mong muốn có thai.
  • Nhóm thứ ba: Người đã dùng các biện pháp tránh thai khác nhưng lo ngại về khả năng ngừa thai như quên uống thuốc tránh thai hàng ngày, không mang bảo hộ hay tiêm thuốc ngừa thai không đúng lịch. 

Theo nghiên cứu, thuốc phát huy hiệu quả ngừa thai 90% trong vòng 24 giờ sau khi quan hệ không an toàn. Càng uống sớm sau giao hợp thì hiệu quả càng cao, ngược lại nếu uống muộn quá thời gian cho phép là 72 giờ (3 ngày) hoặc 120 giờ (5 ngày) tùy loại thuốc thì hiệu quả ngừa thai sẽ giảm dần.

2. Nguyên lý hoạt động của thuốc ngừa thai khẩn cấp

Khi thuốc ngừa thai cấp tốc được đưa vào cơ thể, thành phần nội tiết có trong thuốc sẽ tác động làm cản trở quá trình rụng trứng ở phụ nữ. Điều này giúp trứng không gặp được tinh trùng và quá trình thụ tinh không xảy ra.

Nếu trứng đã thụ tinh, thuốc sẽ ngăn không cho hình thành quá trình làm tổ của phôi thai ở nội mạc tử cung. Tuy nhiên, nếu quá trình làm tổ đã xảy ra, thuốc không còn tác dụng ngăn ngừa thai nghén.

Để tránh nhầm lẫn giữa thuốc ngừa thai khẩn cấp và thuốc phá thai, BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan nhấn mạnh, cơ chế hoạt động của thuốc ngừa thai cấp tốc là cản trở việc gặp gỡ giữa tinh trùng và trứng bằng cách ức chế quá trình rụng trứng. Có thể hiểu, thuốc chỉ ngăn cản quá trình thụ thai chứ không phải chấm dứt thai kỳ. Ngược lại, thuốc phá thai mang mục đích chấm dứt thai kỳ. 

3. Một số loại thuốc ngừa thai cấp tốc phổ biến

Theo BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan, để đạt hiệu quả tối đa, thuốc ngừa thai khẩn cấp nên được dùng càng sớm càng tốt sau khi phát sinh quan hệ tình dục không an toàn. Hiện nay, có nhiều loại thuốc ngừa thai khẩn cấp phổ biến trên thị trường như loại 72 giờ và 120 giờ, những loại ít phổ biến hơn là 24 giờ, 36 giờ hoặc 48 giờ.

Tùy theo quy cách đóng gói mà thuốc được chia thành 2 dạng là loại 1 viên và loại 2 viên, do đó cách sử dụng cũng khác nhau.

Các loại thuốc ngừa thai khẩn cấp
Các loại thuốc ngừa thai khẩn cấp

3.1. Thuốc ngừa thai cấp tốc 1 viên nén

Đây là loại thuốc phổ biến và được nhiều người lựa chọn do tính tiện lợi. Thuốc dạng 1 viên có tác dụng ngừa thai trong vòng 72 giờ (3 ngày) sau khi phát sinh quan hệ tình dục không an toàn. 

Một số nhãn hiệu thuốc tránh thai 1 viên phổ biến hiện nay như: Postinor-1®, Mifestad 10®, Bocinor®, Lys®, Ciel EC 25® hay Naphamife®. Đây là những loại thuốc có chứa Levonorgestrel, một thành phần có tác dụng ngừa thai hiệu quả. 

3.2. Thuốc tránh thai khẩn cấp dạng 2 viên

Thuốc tránh thai dạng 2 viên thường ít được sử dụng hơn, đóng gói dạng viên nén 2 viên/hộp, mỗi viên chứa 0,75mg Levonorgestrel. Viên thứ nhất uống sớm nhất có thể sau khi quan hệ không an toàn, không quá 72 giờ. Viên thứ hai uống cách viên đầu 12 giờ, nhưng không để quá 16 giờ. Để thuốc phát huy tác dụng hiệu quả, chị em nên uống đủ 2 viên theo thời gian quy định. 

Một số nhãn hiệu thuốc ngừa thai khẩn cấp 2 viên thông dụng: Postinor-2®, Happynor® hay Posinight 2®.

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan nhắc chị em nên lưu ý, khi uống thuốc cần nắm rõ mình đang dùng loại 1 viên hay 2 viên để sử dụng đúng cách, đảm bảo hiệu quả ngừa thai.

4. Hiệu quả của thuốc ngừa thai cấp tốc sau khi uống

Thuốc có tác dụng ngăn chặn quá trình rụng trứng tự nhiên, không cho buồng trứng giải phóng trứng. Vì vậy, nếu trứng đã rụng, gặp tinh trùng và thụ tinh, sau đó phôi làm tổ ở niêm mạc tử cung rồi thì thuốc không còn tác dụng.

Đó là lý do vì sao các chuyên gia y tế khuyên phụ nữ nên uống thuốc càng sớm càng tốt sau khi quan hệ tình dục không bảo hộ an toàn nếu không muốn mang thai.

Tuy nhiên, theo thống kê cho thấy khoảng 1-2% trường hợp phụ nữ vẫn có thai mặc dù đã uống thuốc trong vòng 72 giờ sau khi quan hệ tình dục không an toàn.

Điều đó có nghĩa là hiệu quả của thuốc không thể bảo vệ tuyệt đối 100% các trường hợp mang thai ngoài ý muốn. Nếu sau khi uống thuốc mà vẫn trễ kinh vào chu kỳ tiếp theo thì nên đi khám sớm để xác định chắc chắn có mang thai hay không.

5. Thời điểm thích hợp để uống thuốc tránh thai khẩn cấp

Thuốc nên được sử dụng trong những trường hợp phát sinh quan hệ tình dục không dùng bảo hộ và không mong muốn có thai, cụ thể như:

  • Không sử dụng bất kỳ biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục.
  • Bị cưỡng hiếp hoặc ép buộc quan hệ, không dùng bảo hộ an toàn.
  • Lo ngại về khả năng tránh thai thất bại khi dùng các biện pháp khác như: bao cao su bị rách, thủng, tuột hoặc dùng sai cách.
  • Quên uống từ 3 viên thuốc tránh thai phối hợp trở lên hoặc trễ kinh 3 ngày.
  • Trễ 3 giờ so với lịch uống thuốc tránh thai hàng ngày chỉ chứa Progestin.
  • Trễ tiêm thuốc tránh thai phối hợp 7 ngày.
  •  Vòng tránh thai hoặc que cấy nội tiết bị tụt.
  •  Xuất tinh vào âm đạo hoặc bộ phận sinh dục ngoài khi rút dương vật không kịp.
  •  Tính sai thời gian an toàn.
Chị em nên uống thuốc vào thời điểm thích hợp để mang lại hiệu quả ngừa thai tốt nhấ
Chị em nên uống thuốc vào thời điểm thích hợp để mang lại hiệu quả ngừa thai tốt nhất

6. Những tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan cho biết, mặc dù thuốc có hiệu quả ngừa thai nhanh chóng và  lên đến 90%. Tuy nhiên nếu lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cách thuốc có thể gây nhiều tác dụng phụ, lâu dần ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như: 

  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt: Tác dụng phụ phổ biến nhất, có thể xuất hiện ngay từ lần đầu dùng hoặc sau nhiều lần uống thuốc. Dấu hiệu nhận biết sớm nhất chính là kinh nguyệt đến sớm hoặc trễ hơn bình thường. Nếu trễ kinh hơn 1 tuần thì nên thử thai hoặc đi khám để xác định có mang thai hay không.
  • Xuất huyết tử cung bất thường: Một số trường hợp chảy máu sau khi uống thuốc. Tuy nhiên, nếu chảy máu kéo dài hơn 2 ngày thì cần đi khám ngay để loại trừ nguy cơ bệnh lý nghiêm trọng.
  • Chóng mặt, buồn nôn: Triệu chứng rất dễ gặp đối với các chị em sử dụng thuốc ngừa thai cấp tốc, nhưng biểu hiện sẽ tự hết trong 1-2 tuần. Nếu sau thời gian đó mà triệu chứng vẫn không cải thiện thì nên đi khám để tìm nguyên nhân.
  • Đau bụng dưới: ít gặp hơn nhưng có thể rất dữ dội. Trường hợp này cần đi khám sớm để xác định nguyên nhân chính xác, phòng trường hợp ngừa thai thất bại và có thai ngoài tử cung.
  • Một số trường hợp lạm dụng thuốc quá mức: Gây các tác dụng phụ như căng thẳng, trầm cảm, tăng cân mất kiểm soát, rối loạn huyết áp và hô hấp.

7. Đối tượng có thể sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Đa số phụ nữ đều có thể dùng thuốc tránh thai khẩn cấp, kể cả những trường hợp không thể sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố như thuốc tránh thai hàng ngày hay miếng dán ngừa thai.

Tuy nhiên, không nên uống thuốc tránh thai cấp tốc nếu bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc, hoặc đang mắc bệnh lý có thể tương tác với thuốc. Các chị em nên thăm khám và nhờ bác sĩ tư vấn về tình trạng bệnh lý trước khi sử dụng thuốc.

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan nhấn mạnh, những trường hợp sau đây nên tránh sử dụng thuốc ngừa thai cấp tốc:

  • Nghi ngờ có thai hoặc có thai.
  • Chảy máu âm đạo bất thường mà không xác định được nguyên nhân.
  • Từng bị viêm tắc tĩnh mạch hoặc huyết khối.

Những đối tượng cần thận trọng khi dùng thuốc tránh thai cấp tốc, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ:

  • Mắc bệnh tiểu đường có biến chứng.
  • Có tiền sử bệnh lý mạch máu não.
  • Mắc bệnh tim mạch, động kinh.

8. Một số lưu ý quan trọng khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp 

Thuốc tránh thai có thể đem lại lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, chị em cần trang bị kiến thức về cách sử dụng an toàn để bảo vệ sức khỏe. Khi sử dụng thuốc, các chị em nên lưu ý một số điều như sau: 

  • Chỉ nên uống thuốc khi thực sự cần thiết. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng. Không nên uống thuốc quá 2 lần trong một tháng và 3 lần trong một năm để không ảnh hưởng đến khả năng mang thai.
  • Uống thuốc sau khi phát sinh quan hệ tình dục không an toàn càng sớm càng tốt để đạt hiệu quả ngừa thai tối ưu
  • Không uống cùng lúc nhiều viên sẽ khiến cơ thể khó hấp thu và dễ gặp tác dụng phụ, chỉ uống theo chỉ định của bác sĩ.
  • Không dùng thuốc khi đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai, đang điều trị các bệnh như tiểu đường, tim mạch, động kinh, rối loạn tuần hoàn máu não.
  • Nếu gặp tác dụng phụ bất thường kéo dài sau khi uống thuốc thì cần đi khám ngay để loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng.

9. Hậu quả của việc lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

Lạm dụng thuốc có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe phụ nữ. Việc sử dụng quá liều hoặc thường xuyên có thể dẫn đến:

  •  Rối loạn kinh nguyệt kéo dài.
  •  Mất cân bằng nội tiết tố.
  •  Đau bụng dữ dội, xuất huyết tử cung bất thường.
  •  Buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt.
  • Tác động xấu đến khả năng mang thai sau này.

Việc phụ thuộc vào loại thuốc này cũng có thể gây ra các vấn đề về tâm lý như lo lắng, trầm cảm. Phụ nữ nên hiểu rõ tác hại của việc lạm dụng và chỉ sử dụng trong trường hợp thực sự cần thiết.

10. Các câu hỏi thường gặp

10.1. Uống thuốc tránh thai khẩn cấp có thai không?

Thuốc ngừa thai khẩn cấp không có hiệu quả tránh thai 100%, khoảng 1-2% trường hợp vẫn mang thai mặc dù đã uống thuốc ngay sau khi quan hệ không an toàn.

Do đó, nếu đã trễ kinh 1 tuần kể từ khi uống thuốc ngừa thai nhưng kinh nguyệt vẫn chưa xuất hiện thì các chị em nên kiểm tra bằng que thử thai hoặc thăm khám tại các cơ sở y tế để xác định chính xác tình trạng của bản thân.

10.2. Uống thuốc tránh thai khẩn cấp có ảnh hưởng khả năng sinh sản sau này không?

Nguyên lý hoạt động của thuốc ngừa thai là cản trở quá trình trứng và tinh trùng gặp nhau hình thành nên phối thai và làm tổ ở niêm mạc tử cung. Do đó, thuốc không ảnh hưởng đến khả năng có con của phụ nữ về sau.

10.3. Làm sao biết thuốc tránh thai khẩn cấp có hiệu quả?

Sau khi uống thuốc, nếu kinh nguyệt vẫn đến đều như những chu kỳ trước đó thì có nghĩa là đã ngừa thai thành công. Tuy nhiên, các chị em vẫn nên chờ khoảng vài tuần hoặc tiến hành kiểm tra sơ bộ bằng que để xác định chính xác tình trạng của bản thân.

11. Lời khuyên của bác sĩ

Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp. Chỉ dùng khi thật sự có nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và không quá 2 lần/tháng, 3 lần/năm.

Tốt nhất nên tham khảo ý kiến chuyên gia để chọn phương pháp tránh thai phù hợp và an toàn. Các biện pháp như bao cao su, thuốc tránh thai hàng ngày, vòng tránh thai… vẫn luôn được khuyến khích sử dụng thường xuyên hơn.

Nếu buộc phải uống thuốc tránh thai khẩn cấp, hãy tuân thủ liều lượng, thời gian dùng thuốc đúng hướng dẫn. Đặc biệt lưu ý nếu gặp các dấu hiệu bất thường sau khi uống như chóng mặt, đau bụng dữ dội… cần đi khám ngay để được bác sĩ tư vấn và xử lý

12. Kết luận

Hiện nay nhiều bạn nữ trẻ đã sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp để tránh mang bầu, tránh những ảnh hưởng đến việc học tập hay kế hoạch sự nghiệp của bản thân. Việc lạm dụng có thể giúp các bạn ở thời điểm hiện tại nhưng có thể gây nên nhiều hệ luỵ cho sức khỏe phụ nữ và khả năng sinh sản sau này. 

Hãy trao đổi và thống nhất với chồng hoặc bạn trai về biện pháp tránh thai an toàn hơn nhằm bảo vệ tương lai của bản thân. Nếu có bất kỳ thắc mắc về những biện pháp tránh thai hoặc có thắc mắc cần được tư vấn, chị em có thể vào group HỎI ĐÁP BỆNH PHỤ KHOA HÀ NỘI để được bác sĩ giải đáp chi tiết nhé.

Untitled design 2 scaled

Bài viết liên quan

Thông tin kiến thức
Chẩn đoán và điều trị rau tiền đạo

Thai phụ bị rau tiền đạo khi bánh rau bám ở vùng cổ tử cung, có thể gây nguy hiểm khi sinh em bé. Tìm hiểu ngay thông tin chẩn đoán và điều trị rau tiền đạo.

Thông tin kiến thức
Nhau thai bám thấp có sinh thường được không?

Nhau thai bám thấp sinh thường được không? Tùy thuộc vào vị trí nhau thai và mức độ nghiêm trọng. Tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án tốt nhất.

Thông tin kiến thức
Bụng bầu 1 tuần thế nào là bình thường?

Bụng bầu 1 tuần có gì khác so với béo bụng dưới? Làm sao để phân biệt được? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.

Thông tin kiến thức
Thời điểm cấy que tránh thai nào tốt nhất?

Tìm hiểu những thông tin cần thiết về thời điểm cấy que tránh thai thích hợp và lưu ý khi sử dụng biện pháp tránh thai này.

All in one
Liên hệ