Tử cung là một bộ phận quan trọng trong hệ thống cơ quan sinh dục ở nữ, đồng thời cũng là nơi có nguy cơ gặp nhiều bất thường, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Tìm hiểu cấu tạo tử cung cùng những dấu hiệu bất thường và hướng giải quyết cùng với BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan.
1. Tổng quan về tử cung
Tử cung là một cơ quan trong hệ thống sinh sản của nữ giới có cấu trúc giống hình quả lê, chịu trách nhiệm trong quá trình mang thai, là nơi làm tổ cho phôi, giúp thai nhi lớn lên và phát triển trước khi ra đời. Trong giai đoạn dậy thì, cơ quan này phát triển và có những dấu hiệu nhận biết đó là có kinh nguyệt.
2. Cấu tạo và chức năng của cơ quan
2.1. Cấu tạo
Tử cung nằm trong khung chậu, được giới hạn bởi các cơ trong vùng chậu và được giữ đúng vị trí trong khung chậu nhờ các dây chằng với các cấu tạo cụ thể như sau:
- Phần đáy: có hình dạng cong và bề mặt khá rộng, là phần phía trên cùng của cơ quan, nơi thông với 2 vòi trứng (vòi tử cung) nối đến 2 buồng trứng.
- Phần thân: nằm ở ngay phía dưới của phần đáy, bao gồm 3 lớp cấu tạo nên:
- Lớp thanh mạc: lớp bảo vệ bên ngoài của phần thân.
- Lớp cơ: có 3 lớp từ ngoài vào trong là cơ dọc, cơ đan và cơ vòng; trong đó lớp cơ ở giữa gồm nhiều loại cơ đan vào nhau bao lấy các mạch máu bên trong, các lớp cơ này hỗ trợ cầm máu sau sinh cho các sản phụ.
- Lớp nội mạc: Độ dày của lớp nội mạc này sẽ thay đổi dựa trên sự biến đổi về hệ thống nội tiết tố ở trong chu kỳ kinh nguyệt.
Trong trường hợp bình thường, noãn (trứng) sau khi được thụ tinh với tinh trùng sẽ tạo thành phôi thai. Phôi tiếp tục di chuyển đến và bám vào lớp nội mạc và thai sẽ dần dần trưởng thành. Nếu quá trình thụ tinh với tinh trùng không xảy ra, lớp nội mạc này sẽ bong ra và được đưa ra ngoài cơ thể, đây chính là cơ chế của hành kinh.
- Phần eo: Đây là đoạn tiếp nối giữa thân và phần cổ tử cung nên đoạn eo này khá hẹp. Bộ phận này có thể thay đổi kích thước trong quá trình mang thai và chuyển dạ để hỗ trợ thai phụ trong thai kỳ.
- Cổ tử cung: là phần nằm thấp nhất của cơ quan này, đây là bộ phận nối liền với âm đạo phía dưới. Trong lòng ống được tiết ra một lớp dịch nhầy, mịn, có tác dụng hỗ trợ tinh trùng thuận lợi cho tinh trùng gặp trứng. Phần cơ quan này có cấu tạo bao gồm 3 thành phần là lỗ trong, lòng ống và lỗ ngoài. Trong đó:
- Lỗ trong: là phần thuộc bên trong của cổ tử cung, lỗ này sẽ dẫn đến phần thân.
- Lòng ống: lòng ống có dạng hình trụ và nối với âm đạo phía dưới.
- Lỗ ngoài: là bộ phận nằm ngoài của bộ phận này, có thể nhìn thấy được trên thăm khám lâm sàng, lỗ ngoài giúp nối thông bộ phận này với âm đạo.
2.2. Chức năng
Là cơ quan quan trọng nhất trong hệ thống cơ quan sinh dục nữ và thực hiện 02 chức năng chính sau:
– Mang thai:
- Trứng sau khi được thụ tinh với tinh trùng sẽ hình thành nên phôi, phôi sẽ di chuyển đến vào trong buồng làm tổ tại nơi giàu mạch máu.
- Các cơ giãn lớn trong thời gian mang thai và co lại để đẩy thai nhi ra ngoài khi sinh.
– Hành kinh: lớp nội mạc bong ra trong chu kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, cơ quan sinh dục này cũng đảm nhận một số chức năng khác:
- Hỗ trợ và cung cấp lưu lượng máu nuôi dưỡng đến buồng trứng.
- Kích thích các cơn cực khoái trong khi quan hệ tình dục.
- Tiết ra chất nhầy ở phần ống cổ hỗ trợ tinh trùng đi vào buồng tử cung.
3. Các vấn đề thường gặp
Bất thường ở tử cung có thấy gây ảnh hưởng đến sức khỏe như sau:
U xơ tử cung: đây là những u lành tính, thường xuất hiện trong cơ trơn thuộc cơ quan này và hiếm khi chuyển thành u cơ trơn ác tính (ung thư). Các nghiên cứu của Hiệp hội phụ khoa thế giới cho thấy, các khối u xơ nhạy cảm với estrogen, kích thước của khối u tăng lên khi mang thai và thường giảm đi sau khi mãn kinh.
U xơ tử cung có thể gây chảy máu bất thường khi chúng đẩy lồi vào trong vùng nội mạc. Chảy máu nghiêm trọng ở những phụ nữ trẻ có thể gây thiếu máu do thiếu sắt; thường tạo ra hình dạng bất thường ở tử cung; có thể gây táo bón do khối u to chèn ép vào trực tràng; ở phụ nữ mang thai chảy máu dễ gây sảy thai tự nhiên. Trong việc điều trị u cơ trơn này, phẫu thuật được coi là phương pháp tối ưu, còn uống thuốc được đánh giá là hiệu quả thấp hơn.
Polyp tử cung: Do sự phát triển quá mức của lớp nội mạc, thường không có triệu chứng gì đặc hiệu phản ánh bệnh lý. Nếu gây triệu chứng thì phổ biến nhất là ra máu âm đạo bất thường.
Ung thư tử cung: Ung thư ở các bộ phận của tử cung, ví dụ như ung thư vùng nội mạc, sarcoma, ung thư cổ tử cung,…
Lạc nội mạc tử cung: Là tình trạng lớp nội mạc phát triển ở nhiều những vị trí khác không trong buồng tử cung.
Bệnh viêm vùng chậu: là tình trạng nhiễm trùng các cơ quan sinh sản như viêm tử cung toàn bộ, viêm cơ tử cung…
Sa tử cung: Là tình trạng bộ phận quan trọng này của người bệnh trượt khỏi vị trí ban đầu của nó.
Vô sinh, hiếm muộn: Khó có thai hoặc không có khả năng mang thai.
4. Các dấu hiệu thường thấy
Nếu người bệnh đang cảm thấy có các triệu chứng sau thì có thể nghi ngờ mắc các bất thường ở tử cung:
- Vấn đề trong chu kỳ kinh nguyệt: đau bụng kinh nặng, lượng kinh ra ít hoặc nhiều hơn bình thường, kinh nguyệt không đều, mất kinh,…
- Chảy máu âm đạo bất thường ngoài chu kỳ kinh nguyệt.
- Đau vùng chậu hông.
- Dịch tiết trong âm đạo bất thường: mùi hôi, màu sắc lạ, có dạng bột,…
- Khó mang thai hoặc mang thai nhưng khó giữ thai.
- Đi tiểu đau, tiểu khó (do khối u lớn chèn ép).
5. Các bất thường ở tử cung
Hai ống dẫn trứng nằm ở hai bên đáy tử cung, thông với vùng bên trong là con đường di chuyển của trứng khi thụ tinh với tinh trùng hình thành phôi và dẫn phôi di chuyển làm tổ trong buồng. Ở một số phụ nữ, ống dẫn trứng có thể không đúng vị trí tạo ra các bất thường trong cấu trúc, các bất thường này thường do bẩm sinh.
Một số bất thường ở tử cung phổ biến nhất là:
- Tử cung hai sừng: Có hình dạng giống trái tim, khác với hình quả lê như bình thường.
- Tử cung hình cung: Gần tương tự như bất thường nói trên nhưng ít lõm xuống hơn hoặc hình trái tim không rõ ràng.
- Tử cung có vách ngăn: Khi vùng bên trong của cơ quan này của người bệnh bị chia thành hai phần bởi một màng ngăn.
- Tử cung một sừng: Khi người bệnh chỉ có một ống dẫn trứng và cơ quan sinh dục phát triển không hoàn toàn.
- Tử cung đôi: Bẩm sinh người bệnh có hai chiếc tách biệt, có chức năng tương đương.
6. Hướng điều trị bất thường ở cơ quan sinh dục này
Để có thể đưa ra được nguyên tắc và phương pháp điều trị phù hợp, các bác sĩ sẽ đưa ra những cận lâm sàng để sàng lọc, chẩn đoán hay loại trừ một số vấn đề như: sàng lọc ung thư, theo dõi thai kỳ, hỗ trợ các vấn đề về sinh sản,…
Một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh phổ biến nhất để có thể theo dõi các bất thường là:
- Thăm khám phụ khoa: Các bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng bằng việc nhìn vào tử cung, âm đạo, dịch tiết âm đạo đánh giá sơ bộ các bất thường nếu có.
- Siêu âm tiểu khung: Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh bên trong cơ quan sinh dục để đánh giá hình ảnh các cơ quan của bệnh nhân giúp chẩn đoán và theo dõi bệnh.
- Nội soi tử cung: Các bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng và có đèn vào âm đạo của người bệnh để chụp ảnh bên trong buồng. Nó cũng có thể kiểm tra xem ống dẫn trứng của người bệnh có thông hay không.
- MRI (Cộng hưởng từ) tiểu khung: Đánh giá rõ được những tổn thương phần mềm trong vùng tiểu khung của bệnh nhân.
→ Việc điều trị các triệu chứng bất thường hay các bệnh lý gặp ở tử cung sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân. Phương pháp điều trị nội khoa có thể được sử dụng như kháng sinh, kháng nấm, liệu pháp hormone. Phẫu thuật hiện đang là phương pháp điều trị gần như triệt để ở các bệnh lý như ung thư, u xơ tử cung,….
7. Lời khuyên bác sĩ về các vấn đề thường gặp
Để có thể phát hiện sớm được các bất thường ở tử cung hay ở cơ quan sinh dục, chị em phụ nữ nên đi thăm khám phụ khoa và siêu âm khung chậu định kỳ, làm các xét nghiệm sàng lọc ung thư như xét nghiệm tế bào học, HPV PCR (phát hiện virus HPV có mặt ở cơ quan sinh dục),…
Nếu như xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào được nói ở trong bài, người nên đi thăm khám và được chẩn đoán sớm để có thể lựa chọn các phác đồ điều trị phù hợp. Những phụ nữ được chẩn đoán có bệnh lý của tử cung, cần được tư vấn thêm về những phương pháp điều trị đang được áp dụng tại bệnh viện và đưa ra phương pháp tốt nhất với từng người bệnh.
Trên đây là những thông tin khái quát về cơ quan sinh dục trong quan trọng nhất của phụ nữ và những bất thường hay gặp. Chúng ta cần phải theo dõi những bất thường của cơ thể để có thể giữ cho bản thân sức khỏe thật tốt.
Để tìm hiểu thêm về các vấn đề phụ khoa và trao đổi kinh nghiệm cùng các chị em trên cả nước, tham gia Facebook group HỎI ĐÁP BỆNH PHỤ KHOA. Hằng tuần BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan cũng sẽ có hoạt động trả lời câu hỏi tập trung cho các thành viên hằng tuần trong group này