1. Bệnh u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng là gì?
U lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng là một loại u nang ở buồng trứng. U chứa đầy chất lỏng giống như chất có trong niêm mạc tử cung của phụ nữ (nội mạc tử cung). Đôi khi, chúng được gọi là “u nang sô cô la”vì chất lỏng bên trong giống như siro sô cô la.
Tình trạng này xảy ra là do một số tế bào nội mạc tử cung phát triển rồi di chuyển từ buồng tử cung trong kỳ kinh nguyệt đến bám dính vào các vị trí ngoài tử cung. Thông thường, các tế bào này sẽ đi theo ống dẫn trứng rồi “lạc” lên buồng trứng. Sau đó, chúng phát triển và hình thành u, gây phá vỡ và chảy máu nặng hơn trong chu kỳ kinh nguyệt.
Tất cả phụ nữ còn kinh nguyệt đều có khả năng bị bệnh lạc nội mạc tử cung. Những người bị mắc đều có khả năng xuất hiện các khối u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng. Theo nghiên cứu, khoảng 10% người có kinh nguyệt bị lạc nội mạc tử cung và khoảng 17 đến 44% những người bị lạc nội mạc tử cung được ước tính là xuất hiện u ở buồng trứng. Độ tuổi thường gặp của căn bệnh này là từ 25 – 40.
2. Dấu hiệu của u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng
2.1. Nguyên nhân
Giả thuyết phổ biến nhất cho rằng lạc nội mạc tử cung xảy ra do một số mô giống nội mạc tử cung bị bong ra khi hành kinh chảy ngược lại (kinh nguyệt ngược).
Thay vì rời khỏi cơ thể qua âm đạo, một số mô sẽ di chuyển ngược trở lại ống dẫn trứng, đi vào buồng trứng. Mỗi chu kỳ kinh nguyệt, khi cơ thể tiết ra các hormone khiến niêm mạc tử cung bong ra, chảy máu thì các mô nằm không đúng vị trí cũng chảy máu. Nó sẽ bị viêm và theo thời gian, máu kinh và các mô bị viêm xung quanh có thể trở thành khối u.
2.2. Dấu hiệu u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng
Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (ASRM) đã xác định rằng có bốn giai đoạn khác nhau của bệnh. Giai đoạn sẽ tùy thuộc vào lượng mô giống với tế bào nội mạc tử cung nằm bên ngoài tử cung, đặc điểm của nó và mức độ bám sâu vào cơ quan nơi mà các mô được tìm thấy, chẳng hạn như buồng trứng. Nếu bị u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng, bạn có thể đang ở giai đoạn 3 hoặc 4.
- Giai đoạn 1: Bệnh nhân có một số lượng nhỏ mô, chủ yếu là ở bề mặt trên cơ quan nơi nó được tìm thấy.
- Giai đoạn 2: Bệnh nhân có số lượng nhiều mô hơn ở Giai đoạn 1 và một số mô xâm lấn xuống dưới lớp bề mặt của cơ quan được tìm thấy.
- Giai đoạn 3: Bệnh nhân có rất nhiều mô ăn sâu, bao gồm cả các khối u nội mạc tử cung nhỏ.
- Giai đoạn 4: Bệnh nhân có rất nhiều mô ăn sâu, bao gồm cả khối u nội mạc tử cung lớn.
2.3. Các dấu hiệu của bệnh
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bao gồm:
Đau hoặc nhức vùng xương chậu là triệu chứng phổ biến nhất để biết bạn có thể nhận biết được khi bị bệnh. Một số triệu chứng khác có thể gặp như:
- Đau nhiều, đau nặng trong chu kỳ kinh nguyệt (thống kinh).
- Đau khi giao hợp.
- Đau khi bạn đi tiểu tiện hoặc đại tiện.
- Cảm giác muốn đi tiểu nhiều hơn.
- Đau lưng.
- Buồn nôn.
- Nôn mửa.
- Đầy hơi.
- Ngoài ra, khó mang thai cũng có thể nghi ngờ bị mắc bệnh.
Trong đó, bộ ba triệu chứng kinh điển đó là: thống kinh, đau khi giao hợp và vô sinh.
3. Chẩn đoán bệnh bằng cách nào?
3.1. Chẩn đoán qua thăm khám và chẩn đoán hình ảnh
Chẩn đoán u nội mạc tử cung buồng trứng bằng cách loại bỏ u nang và kiểm tra tế bào của khối u nang. Thông thường, điều này sẽ được làm trong quá trình nội soi. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ thực hiện tạo những vết cắt nhỏ trên thành bụng của người bệnh và đưa một ống mỏng gọi là ống nội soi vào.
Bằng cách sử dụng ống này, các bác sĩ có thể nhìn thấy được hình ảnh của u nang, sau đó sẽ lấy một mẫu của nó để xét nghiệm mô bệnh học (sinh thiết) hoặc loại bỏ nó hoàn toàn. Nếu đó là u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng, bác sĩ sẽ nhìn thấy được cả tuyến nội mạc tử cung và tế bào mô đệm trong bệnh phẩm. Với nội soi ổ bụng, chẩn đoán và điều trị có thể được làm đồng thời.
Khám thực thể và thủ thuật dưới chẩn đoán hình ảnh có thể cho thấy người bệnh có bị bệnh này hay không. Nếu u nang có kích thước quá lớn, bác sĩ có thể nhận biết nó thông qua thăm khám phụ khoa trên lâm sàng. Siêu âm qua đầu dò âm đạo, chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT scan) giúp bác sĩ nhận biết rõ hơn về tình trạng bệnh hay là một tổn thương khác.
Tuy nhiên, để có thể chẩn đoán chắc chắn nhất về tình trạng bệnh thì cần phải làm xét nghiệm mô bệnh học (sinh thiết) vì có thể chẩn đoán hình ảnh chưa cung cấp đủ thông tin để bác sĩ khẳng định chính xác bệnh. Ví dụ, u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng và u nang buồng trứng xuất huyết thường trông giống nhau trên chẩn đoán hình ảnh vì cả hai đều chứa dịch máu.
3.2. Một số các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán khác
Kết quả xét nghiệm không thể cho thấy chắc chắn liệu u nang có phải là u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng hay không. Tuy nhiên, các xét nghiệm có thể giúp bác sĩ loại trừ các căn bệnh khác có triệu chứng tương tự. Một số xét nghiệm có thể hỗ trợ trong việc chẩn đoán và điều trị như:
- Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi: Các tế bào máu của bạn sẽ thể hiện tình trạng bạn bị nhiễm trùng hoặc có quá ít lượng hồng cầu (thiếu máu). Những người bị bệnh thường sẽ có số lượng hồng cầu và huyết sắc tố thấp do tình trạng chảy máu nhiều đặc biệt là trong kỳ kinh nguyệt.
- Tổng phân tích nước tiểu: Xét nghiệm này có thể cho bác sĩ biết liệu các triệu chứng của bạn có phải do nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) hay không.
- Xét nghiệm nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI): Từ đó, các bác sĩ có thể xác định được căn nguyên gây nhiễm trùng và đánh giá xem có phải do khối u hay không.
4. Lời khuyên từ bác sĩ
Phương pháp điều trị u lạc nội mạc tử cung hiện nay: Hiện tại chưa có cách ngăn chặn sự hình thành của bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đề xuất các loại thuốc giúp ngăn ngừa sự tiến triển tăng kích thước hoặc tái phát trở lại sau khi đã cắt bỏ khối u. Thuốc cũng có thể hỗ trợ người bệnh kiểm soát cơn đau. Việc chỉ định thuốc sẽ phụ thuộc vào mong muốn mang thai của người bệnh. Một số loại thuốc có thể kể đến:
- Progestin.
- Vòng âm đạo.
- Thuốc tránh thai.
- Miếng dán tránh thai.
- Hormon giải phóng Gonadotropin (chất chủ vận GnRH).
Hãy thăm khám và siêu âm định kỳ tại các địa điểm uy tín để sớm phát hiện tình trạng u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng nếu có. Việc khám định kỳ giúp kiểm soát kích thước u để có thể lựa chọn hướng can thiệp phù hợp nhất. Hoặc đặt lịch khám với bác sĩ chuyên gia sản phụ khoa: BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan. theo số điện thoại 0868.555.168