U xơ tử cung: Triệu chứng, nguyên nhân, biến chứng, cách điều trị

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

U xơ tử cung là loại u lành tính phổ biến ở phụ nữ. Tìm hiểu triệu chứng, nguyên nhân, biến chứng và cách điều qua bài viết

U xơ tử cung là u lành tính phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị u xơ tử cung qua bài viết dưới đây.

1. U xơ tử cung là gì?

U xơ tử cung (hay còn được gọi là u cơ tử cung) là một loại khối u lành tính phát triển trong các vị trí khác nhau trong tử cung. Các vị trí mà khối u này có thể xuất hiện là:

  • Dưới thanh mạc.
  • Dưới niêm mạc.
  • Thành cơ tử cung.
  • Cổ tử cung.

Khối u có thể tồn tại một hoặc nhiều khối bên trong cơ tử cung. Các khối u có nhiều kích thước đa dạng, có thể gây ra các triệu chứng hoặc không xuất hiện triệu chứng trên lâm sàng. Cụ thể là:

  • Khối u nhỏ không phát hiện được trên lâm sàng, không gây ra triệu chứng, ít nguy hiểm.
  • Khối u lớn chèn ép vào các cơ quan bên cạnh, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, có thể gây ra vô sinh.
U xơ tử cung là khối u tồn tại ở cơ tử cung
U xơ tử cung là khối u tồn tại ở cơ tử cung

2. Triệu chứng u xơ tử cung

Khối u nhỏ thường không gây ra triệu chứng rõ ràng. Thông thường, khối u ở tử cung được phát hiện khi phụ nữ đi khám bác sĩ phụ khoa vì các vấn đề khác như chậm có thai, vô sinh, khám thai hay tầm soát ung thư phụ khoa. Cụ thể là:

  • Chảy máu kinh nguyệt: khối u có thể làm tăng lượng máu trong chu kỳ kinh nguyệt, kéo dài thời gian kinh. Tình trạng này nếu kéo dài có thể dẫn tới rối loạn kinh nguyệt. Đây là triệu chứng thường gặp chiếm tới 60% các bệnh nhân có khối u xơ tại tử cung.
  • Thiếu máu: chảy máu kéo dài có thể dẫn đến thiếu máu toàn thân, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, mờ mắt và gầy sút.
  • Đau bụng: khối u có thể chèn ép vào các cơ quan xung quanh và gây ra đau bụng tức bụng, đặc biệt là ở vùng hạ vị và hố chậu. Triệu chứng đau thường giảm đi khi đứng hoặc nằm.
  • Ra khí hư bất thường: khối u có thể tạo điều kiện làm xuất hiện viêm âm đạo, viêm niêm mạc tử cung hay viêm ống dẫn trứng. Các bệnh lý này dẫn đến việc ra khí hư bất thường.
  • Triệu chứng khác: khi khối u lớn chiếm vị trí nhất định trong ổ bụng có thể xuất hiện rối loạn tiểu tiện hoặc phát hiện một khối u to lên ở hố chậu.

3. Nguyên nhân gây u xơ tử cung

Nguyên nhân chính xác gây ra u xơ tử cung vẫn chưa được biết đến một cách rõ ràng. Một số nhà khoa học cho rằng, nồng độ hormone estrogen và progesterone trong máu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của u xơ. U xơ thường phát triển khi nồng độ hormone này tăng cao, đặc biệt là trong quá trình mang thai. Một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng, ở những phụ nữ mãn kinh hoặc có sử dụng thuốc kháng hormone thì khối u có xu hướng nhỏ lại.

Một số yếu tố khác như di truyền và tình trạng dinh dưỡng cũng có thể đóng vai trò trong sự xuất hiện của khối u ở tử cung.

4. Yếu tố nguy cơ bị u xơ tử cung

Có một số yếu tố tăng nguy cơ phụ nữ mắc khối u tại cơ tử cung, bao gồm:

  • Tuổi: Phụ nữ trong độ tuổi 30-40 có nguy cơ cao mắc bệnh hơn
  • Tiền sử gia đình: Nếu mẹ có khối u tại tử cung, nguy cơ con gái mắc u xơ cao gấp 3 lần.
  • Béo phì: Phụ nữ béo phì có tỉ lệ mắc u xơ cao gấp 2-3 lần so với những người không béo phì.
  • Tuổi có kinh: Kinh sớm có thể tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Phụ nữ không mang thai có nguy cơ cao hơn mắc bệnh.
Phụ nữ béo phì có nguy cơ xuất hiện khối u tại tử cung cao hơn người bình thường
Phụ nữ béo phì có nguy cơ xuất hiện khối u tại tử cung cao hơn người bình thường

5. Biến chứng của u xơ tử cung

U xơ tử cung là một loại u lành tính và không làm tăng nguy cơ mắc ung thư tử cung. Các khối u nhỏ thường không gây ra triệu chứng đáng kể và tiến triển chậm.

Tuy nhiên, nếu khối u tiến triển có thể gây ra các biến chứng như:

  • Chảy máu kéo dài gây ra thiếu máu.
  • Chèn ép vào niệu quản gây ra vấn đề về tiểu tiện.
  • Chèn ép vào trực tràng gây táo bón.
  • Chèn ép tĩnh mạch chi dưới gây phù.
  • Các biến chứng khác có thể là xoắn khối u, nhiễm khuẩn và thoái hóa.

6. Khả năng mang thai khi bị u xơ tử cung

Tùy thuộc vào tình trạng khối u, phụ nữ có thể gặp khó khăn trong việc có thai hoặc vô sinh. Tuy nhiên, đa số phụ nữ bị u xơ tử cung vẫn có thể mang thai và tỉ lệ vô sinh do khối u xuất hiện tại tử cung là khá ít.

7. Ảnh hưởng tới thai kỳ nếu bị u xơ tử cung

Hầu hết phụ nữ bị u xơ tử cung có thể có thai và sinh nở bình thường. Tuy nhiên, khối u thường phát triển khi mang thai và có thể gây ra các biến chứng như:

  • Sảy thai.
  • Đẻ non.
  • Ngôi thai bất thường.
  • Rau tiền đạo.
  • Thoái hóa khối u gây đau bụng.
  • Kéo dài quá trình chuyển dạ, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn sau sinh.
Khối u tử cung có thể ảnh hưởng tới quá trình chuyển dạ
Khối u tử cung có thể ảnh hưởng tới quá trình chuyển dạ

8. Chẩn đoán u xơ tử cung

Chẩn đoán u xơ tử cung từ thông tin triệu chứng, khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Các xét nghiệm như siêu âm, soi buồng tử cung và xét nghiệm tế bào học sẽ được chỉ định để xác định chính xác tình trạng khối u trong cơ thể.

Ngoài ra, dựa vào tình trạng thực tế của bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm khác để đánh giá các biến chứng mà bệnh nhân đang gặp phải.

9. Điều trị u xơ tử cung

Với những khối u nhỏ không gây ảnh hưởng đến kinh nguyệt cũng như không làm xuất hiện các vấn đề khác. Trong trường hợp này, bệnh nhân thường chỉ cần theo dõi và đi khám định kỳ sau 6-12 tháng. Tuy nhiên, với những khối u lớn gây chảy máu, điều trị nội khoa sẽ được áp dụng để hạn chế sự phát triển và điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt.

Phẫu thuật thường được thực hiện trong các trường hợp u xơ gây ra vấn đề như:

  • Rong kinh mà điều trị nội khoa không hiệu quả.
  • Tồn tại cùng với tình trạng khác như u nang buồng trứng, loạn sản cổ tử cung, sa sinh dục.
  • U xơ lớn hoặc chèn ép vùng xung quanh hoặc gây chảy máu và nhiễm khuẩn.
  • Khối u làm biến dạng buồng tử cung.

Phẫu thuật có thể được thực hiện bằng phương pháp mổ nội soi hoặc mở. Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh và mong muốn sinh sản của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tiến hành:

  • Bóc tách nhân xơ tử cung.
  • Cắt tử cung bán phần.
  • Cắt tử cung toàn phần.

10. Phòng ngừa u xơ tử cung

Hiện chưa có phương pháp cụ thể để ngăn ngừa u xơ tử cung do nguyên nhân gây ra chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có một số khuyến nghị dựa trên nghiên cứu, bao gồm:

  • Ăn ít thịt đỏ và thức ăn chế biến sẵn, ăn đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh và bổ sung sản phẩm từ sữa để giảm nguy cơ xuất hiện khối u tại tử cung
  • Tập thể dục để ngăn ngừa béo phì, một yếu tố nguy cơ phát triển khối u.
  • Khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để phát hiện sớm các khối u nhỏ nhằm có biện pháp xử trí thích hợp.
Tập thể dục giúp giảm nguy cơ xuất hiện khối u tử cung
Tập thể dục giúp giảm nguy cơ xuất hiện khối u tử cung

11. Lời khuyên của bác sĩ về u xơ tử cung

Chị em đôi khi không quan tâm đến sức khỏe của chính mình, đặc biệt là khi không xuất hiện những triệu chứng trên lâm sàng. Tuy nhiên, chị em vẫn nên tạo cho mình thói quen thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ để tránh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, nếu xuất hiện những dấu hiệu sau, các chị em cũng nên đến gặp bác sĩ Sản phụ khoa để được thăm khám và điều trị:

  • Đau bụng dưới kéo dài.
  • Đi tiểu nhiều lần, luôn cảm giác vẫn còn nước tiểu trong bàng quang.
  • Chảy máu vùng kín không liên quan đến những ngày hành kinh.
  • Mệt mỏi.
  • Suy nhược cơ thể.
  • Đau khi quan hệ tình dục.
  • Khí hư không có màu trắng trong và không mùi như bình thường.

U xơ tử cung là một khối u lành tính phổ biến ở phụ nữ. Mặc dù không nguy hiểm, nhưng u xơ tử cung có thể gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, khi có nhu cầu, người bệnh có thể liên hệ Hotline hoặc đặt lịch hẹn để được bác sĩ Ngọc Lan tư vấn nhé!

Bài viết liên quan

Thông tin kiến thức
Kinh nguyệt ra ít có sao không?

Kinh nguyệt ra ít là triệu chứng rất thường gặp ở chị em trong những ngày hành kinh. Cùng làm rõ nguyên nhân kinh nguyệt ra ít ở bài viết dưới!

Thông tin kiến thức
Bị rối loạn kinh nguyệt có thai được không?

Liệu rối loạn kinh nguyệt có thai được không? Tìm hiểu ngay sự ảnh hưởng của rối loạn kinh nguyệt đến khả năng thụ thai và cách khắc phục hiệu quả. Đọc ngay!

Thông tin kiến thức
Hướng dẫn tầm soát ung thư cổ tử cung theo từng độ tuổi

Tầm soát ung thư cổ tử cung giúp phát hiện bệnh sớm, từ đó có phương án điều trị kịp thời. Vậy bao nhiêu tuổi nên tầm soát ung thư cổ tử cung?

Thông tin kiến thức
Sarcoma tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị

Sarcoma tử cung là gì? Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị bệnh lý này qua bài viết dưới đây.

All in one
Liên hệ