viêm lộ tuyến cổ tử cung có thai được không

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Viêm lộ tuyến cổ tử cung có thai được không là câu hỏi được nhiều chị em đang có kế hoạch sinh con đặt ra. Cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là bệnh lý thường gặp ở nhiều phụ nữ. Vậy viêm lộ tuyến cổ tử cung có thai được không? Cùng tìm câu trả lời cũng như những lưu ý xung quanh vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé!

1. Sơ lược về viêm lộ tuyến cổ tử cung

Tử cung (hay còn gọi là dạ con) là một phần quan trọng trong hệ thống sinh dục ở phụ nữ. Cơ quan này nằm giữa trực tràng và bàng quang, có hình dạng giống như quả lê úp ngược, phần phía trên được gọi là đáy tử cung và phần phía dưới được gọi là cổ tử cung.

Cụ thể cấu trúc của tử cung được miêu tả như sau:

  • Thân tử cung: là bộ phận nằm ở phía trên được nối với buồng trứng (cơ quan có chức năng tạo ra trứng đã đủ điều kiện thụ tinh theo chu kỳ) bằng ống dẫn trứng (cơ quan có hình ống, là nơi gặp nhau của trứng và tinh trùng).
  • Cổ tử cung: từ bên ngoài vào, cổ tử cung là bộ phận đầu tiên của tử cung. Bộ phận này nối với âm đạo (cơ quan có cấu trúc giống dạng ống, nối bộ phận sinh dục trong và ngoài).

Bình thường, cổ tử cung cấu tạo bởi hai loại tế bào là tế bào biểu mô tuyến và tế bào biểu mô lát. Cụ thể là:

  • Tế bào biểu mô tuyến: nằm ở phía bên trong, có nhiệm vụ sản xuất ra chất nhầy (có tên gọi khác là dịch âm đạo, khí hư hoặc huyết trắng) để duy trì pH âm đạo cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giao hợp.
  • Tế bào biểu mô lát: là những tế bào nằm phía bên ngoài cổ tử cung. Các tế bào này không có khả năng tiết dịch. Nhiệm vụ chủ yếu của chúng là bảo vệ cấu trúc bên trong cổ tử cung.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng các tế bào tuyến trong niêm mạc cổ tử cung phát triển ra phía vùng ngoài, bao phủ cổ tử cung, chiếm chỗ của các tế bào biểu mô lát.

Các tế bào lộ ra này vẫn tiết dịch như khi ở trong cổ tử cung gây ra tăng tiết dịch âm đạo khiến khí hư có mùi, dễ dẫn đến viêm nhiễm.

Vậy “Viêm lộ tuyến cổ tử cung có thai được không?” Viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể xảy ra ở mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh nở, bao gồm cả phụ nữ đang mang thai. Bệnh thường gặp ở các trường hợp:

  • Phụ nữ 3 tháng giữa thai kỳ.
  • Phụ nữ 3 tháng cuối thai kỳ.
  • Người sử dụng thuốc ngừa thai kéo dài do thay đổi nội tiết tử cung.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng tế bào tuyến phát triển ở bên ngoài của cổ tử cung.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng tế bào tuyến phát triển ở bên ngoài của cổ tử cung.

2. Những dấu hiệu viêm lộ tuyến cổ tử cung điển hình

Song song với đáp án của câu hỏi “Viêm lộ tuyến cổ tử cung có thai được không?”, chị em cũng nên biết một số dấu hiệu bệnh lý viêm lộ tuyến cổ tử cung.

Bình thường, các triệu chứng viêm lộ tuyến cổ tử cung thường khó nhận biết. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phụ nữ có thể gặp các biểu hiện sau:

  • Tiết dịch âm đạo bất thường là dấu hiệu phổ biến nhất. Dịch âm đạo có thể có màu trắng hoặc vàng, có mùi hôi khó chịu gây ra ngứa vùng kín.
  • Sau quan hệ tình dục bị đau hoặc chảy máu.
  • Ra máu giữa các kỳ kinh.
  • Chảy máu âm đạo khi mang thai thường gặp trong giai đoạn sau của thai kỳ với máu chảy ra màu đỏ tươi với lượng ít.
  • Đau vùng chậu.
  • Mệt mỏi kéo dài.
  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Đau bụng dưới dữ dội mặc dù không trong kỳ kinh.

3. Viêm lộ tuyến cổ tử cung có thai được không?

Lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng thường gặp và dễ tái phát nên chị em thường đặt ra câu hỏi “Viêm lộ tuyến cổ tử cung có thai được không?” Như đã mô tả ở trên, lộ tuyến cổ tử cung là sự phát triển của các tế bào tuyến bình thường ra bên ngoài nên thường lành tính.

Trong trường hợp lộ tuyến nhẹ có thể không cần điều trị và không ảnh hưởng đến khả năng mang thai của phụ nữ. Tuy nhiên, khi có viêm bội nhiễm đặc biệt là tình trạng viêm nhiễm nặng, phụ nữ cần được điều trị trước khi mang thai vì các lý do sau:

3.1 Dễ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa

Khi bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, phụ nữ sẽ gặp tình trạng tăng tiết dịch âm đạo, làm ẩm môi trường âm đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều vi khuẩn gây bệnh như chlamydia, lậu… có cơ hội phát triển.

Các vi sinh vật này có thể từ cổ tử cung di chuyển lên thân tử cung, vòi trứng và buồng trứng để gây bệnh cho các cơ quan này.

Vì vậy, nếu không điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung hiệu quả, tình trạng này có thể trở nên nặng hơn gây ra nhiều bệnh phụ khoa khác như viêm vòi trứng, viêm nội mạc tử cung… gây ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh.

3.2 Cản trở quá trình thụ tinh

Mặc dù, cổ tử cung xuất hiện tình trạng viêm lộ tuyến không ảnh hưởng đến việc mang thai. Nhưng khi cơ quan này bị viêm bội nhiễm cấp tính, dịch âm đạo tiết ra nhiều có thể cản trở tinh trùng di chuyển gặp trứng.

Ngoài ra, khi mắc bệnh, do dịch âm đạo tiết ra nhiều khiến cho độ pH trong bị mất cân bằng. Điều này khiến cho tinh trùng dễ bị tiêu diệt. Vì vậy, điều trị viêm nhiễm hiệu quả sẽ giúp quá trình thụ tinh diễn ra tốt hơn.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể khiến cho tinh trùng khó gặp trứng.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể khiến cho tinh trùng khó gặp trứng.

3.3 Nguy cơ xuất hiện khối u

Lộ tuyến cổ tử cung không gây ung thư cổ tử cung nhưng có thể đi kèm với tế bào cổ tử cung bất thường. Đó cũng là lý do tại sao khi đi khám phụ khoa, bác sĩ thường khuyến nghị thực hiện thêm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung để phát hiện sớm những bất thường tại vùng này.

Lưu ý, những dấu hiệu của viêm lộ tuyến cổ tử cung thường không đặc hiệu nên không thể nhận biết chỉ vì những triệu chứng đơn thuần. Những triệu chứng của bệnh này còn có thể gặp ở các bệnh phụ khoa khác như:

  • U xơ tử cung.
  • Lạc nội mạc tử cung.
  • Sảy thai.
  • Dọa sảy thai.
  • Ung thư cổ tử cung.
  • Viêm cổ tử cung đơn thuần không có lộ tuyến.

Vì những lý do trên, phụ nữ nên thường xuyên thăm khám sức khỏe phụ khoa 6 tháng/lần để tìm hiểu và phát hiện sớm các bệnh phụ khoa nếu có.

Trong trường hợp lộ tuyến cổ tử cung đơn thuần có thể không cần điều trị nhưng khi có tình trạng viêm, phụ nữ nên được điều trị trước khi có ý định mang thai.

4. Biến chứng của viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai

Một trong những khía cạnh cần lưu ý trong câu hỏi “Viêm lộ tuyến cổ tử cung có thai được không?” là những vấn đề mẹ bầu có thể phải đối mặt khi mắc bệnh lý này trong lúc mang thai.

Do những thay đổi trong thời kỳ mang thai, sức đề kháng của mẹ bầu suy yếu kết hợp với sự thay đổi lớn về nội tiết tố, phụ nữ mang thai dễ mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung hơn.

Nếu không điều trị bệnh hiệu quả khi mang thai, phụ nữ có thể tăng nguy cơ chảy máu âm đạo, đặc biệt là ở giai đoạn sau thai kỳ. Ngoài ra, viêm nhiễm nặng có thể gây ra viêm màng ối, ối vỡ non và các biến chứng khác trong thời kỳ mang thai.

Vì vậy, phụ nữ cần đến khám thai theo lịch hẹn và điều trị viêm nếu phát hiện tình trạng viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung trong thai kỳ để tránh những tác động tiêu cực cho mẹ và thai.

Phụ nữ có thai dễ mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung hơn bình thường
Phụ nữ có thai dễ mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung hơn bình thường

5. Điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung khi có thai

Ngoài câu hỏi “Viêm lộ tuyến cổ tử cung có thai được không?” thì vấn đề điều trị bệnh lý này cũng được nhiều chị em quan tâm.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là một tình trạng lành tính và có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp viêm nhiễm, bệnh lý này cần điều trị thích hợp để tránh để lại các biến chứng nguy hiểm.

Trong trường hợp cần điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung, phụ nữ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả và ổn định trước khi có ý định mang thai.

Tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân gây nên viêm lộ tuyến cổ tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định một trong các phương pháp sau:

5.1. Thuốc uống và thuốc đặt âm đạo

Nếu nguyên nhân gây lộ tuyến là do vi sinh vật như virus, vi khuẩn hoặc nấm, bác sĩ sẽ chỉ định việc sử dụng thuốc uống và/hoặc đặt vào âm đạo để làm giảm viêm nhiễm và các triệu chứng bệnh.

Lưu ý, các thuốc sử dụng để điều trị bệnh lý này có thể làm thay đổi pH âm đạo. Vì vậy, chị em không được tự ý điều trị mà phải tuân thủ theo đúng liều lượng cũng như các lưu ý xung quanh việc điều trị.

Thuốc đặt âm đạo là phương pháp điều trị được sử dụng trong trường hợp viêm lộ tuyến nhẹ.
Thuốc đặt âm đạo là phương pháp điều trị được sử dụng trong trường hợp viêm lộ tuyến nhẹ.

5.2. Điều trị lộ tuyến

Một số phụ nữ có thể bị tiết dịch âm đạo quá nhiều gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày khiến người bệnh phải mang băng vệ sinh hàng ngày.

Đối với những trường hợp đặc biệt, bác sĩ sẽ cân nhắc cách điều trị bằng đốt diệt tuyến với hy vọng tiêu diệt các tế bào bất thường tạo điều kiện cho tế bào biểu mô lát phát triển. Hiện nay, có các phương pháp diệt lộ tuyến bằng đốt gồm:

  • Đốt điện: Đây là phương pháp dùng dòng điện có năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào tuyến phát triển sai vị trí. Phương pháp này tuy mang lại hiệu quả nhưng có thể gây đau và chảy máu sau khi thực hiện. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp biến chứng hiếm gặp là lỗ cổ tử cung bị chít hẹp.
  • Đốt laser: Đây là phương pháp sử dụng tia laser để tiêu diệt lộ tuyến cổ tử cung. Phương pháp này diễn ra nhanh chóng, hiệu quả đối với các vùng viêm nhiễm rộng và ít gây đau. Tuy nhiên, nếu đốt quá sâu hoặc gần lỗ cổ tử cung có thể gây sẹo và hẹp lỗ cổ tử cung, cản trở quá trình thụ tinh sau này.
  • Áp lạnh: Đây là phương pháp dùng khí N2O hoặc CO2 ở nhiệt độ thấp để đông cứng và tiêu diệt tế bào tuyến vùng bị lộ ra ngoài. Phương pháp này đem lại hiệu quả cao nhưng sẹo lành chậm, tiết dịch nhiều, có thể làm lỗ cổ tử cung bị chít hẹp.

Đây là những phương pháp điều trị tương đối hiệu quả nhưng không phù hợp cho tất cả các trường hợp, đặc biệt không được sử dụng cho phụ nữ đang mang thai.

Vì vậy, phụ nữ mắc lộ tuyến cổ tử cung nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.

6. Chị em nên làm gì để phòng ngừa bệnh lý viêm lộ tuyến cổ tử cung?

Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng viêm lộ tuyến cổ tử cung là do các bệnh lý viêm nhiễm ở bộ phận sinh dục. Vì vậy, chị em có thể tham khảo một vài gợi ý sau để phòng ngừa tốt bệnh lý này:

  • Giữ vệ sinh vùng kín luôn sạch sẽ, đặc biệt trong thời gian có kinh, trước và sau quan hệ tình dục.
  • Không sử dụng các dung dịch vệ sinh phụ nữ có tính chất tẩy rửa mạnh.
  • Nếu nghi ngờ viêm lộ tuyến cổ tử cung liên quan đến việc sử dụng thuốc ngừa thai, chị em nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám và điều trị.
  • Không thụt rửa âm đạo.
  • Chọn quần lót vừa vặn, chất liệu thoáng mát và không áp sát vào vùng kín.
  • Đảm bảo quần lót được thay hàng ngày. Tuyệt đối không được dùng quần lót ẩm ướt.
  • Quan hệ tình dục an toàn, tránh quan hệ tình dục bừa bãi và các hoạt động tình dục thô bạo có thể gây tổn thương vùng kín.
  • Không quan hệ tình dục khi đối tác đang mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.
  • Thường xuyên thăm khám phụ khoa 6 tháng/lần để phát hiện sớm các bệnh phụ khoa và được can thiệp điều trị kịp thời và hiệu quả.

7. Lời khuyên từ bác sĩ

Viêm lộ tuyến cổ tử cung rất thường gặp với phụ nữ mang thai. Vì vậy, nếu có ý định mang thai, chị em nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tầm soát viêm lộ tuyến cổ tử cung cũng như những vấn đề liên quan đến thai kỳ khác.

Ngoài ra, nếu đang mang thai lại xuất hiện bệnh lý này, chị em cũng nên tìm sự giúp đỡ y tế thích hợp kết hợp thăm khám thường xuyên. Khi mẹ bầu mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung xuất hiện những dấu hiệu sau thì nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám ngay:

  • Đau và ngứa vùng kín dữ dội.
  • Chảy máu vùng kín.
  • Đau vùng chậu.
  • Đau bụng dữ dội.

Hy vọng bài viết đã trả lời cho bạn câu hỏi  “Viêm lộ tuyến cổ tử cung có thai được không?”.

Mặc dù, viêm lộ tuyến cổ tử cung không ảnh hưởng khả năng mang thai của các chị em nhưng tình trạng này vẫn cần được phát hiện sớm và có biện pháp xử trí kịp thời để tránh ảnh hưởng đến kỳ mang thai của mẹ.

Nếu có bất kỳ thắc mắc gì chị em có thể liên hệ đến số hotline 0868555168  để được bác sĩ giải đáp và nhận lời khuyên phù hợp nhất!

Bài viết liên quan

Thông tin kiến thức
Gai sinh dục và sùi mào gà có gì khác nhau?

Gai sinh dục và sùi mào gà có nhiều đặc điểm khác biệt. Bài viết chia sẻ kiến thức về gai sinh dục, sùi mào gà và cách phân biệt, phòng tránh và điều trị chúng.

Thông tin kiến thức
Rối loạn kinh nguyệt: Nguyên nhân, chẩn đoán & cách điều trị

Rối loạn kinh nguyệt gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày. Tìm hiểu nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị hiệu quả để cải thiện tình trạng này.

Thông tin kiến thức
Viêm tuyến Bartholin: 8 điều cần biết

Viêm tuyến Bartholin là một căn bệnh phụ khoa nguy hiểm ở phụ nữ. Vậy nguyên nhân gây bệnh là gì? Bệnh nguy hiểm như thế nào? Điều trị được không?

Thông tin kiến thức
Chậm kinh: nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng tránh

Chậm kinh là hiện tượng kinh nguyệt bất thường ở nữ giới. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị chậm kinh để bảo vệ sức khỏe sinh sản.

All in one
Liên hệ