Đốt viêm lộ tuyến cổ tử cung là một phương pháp điều trị bệnh phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, có nhiều chị em vẫn thắc mắc về phương pháp này. Vậy đốt rồi có bị lại hay không, làm cách nào để tránh tái phát tình trạng viêm lộ tuyến sau khi đốt. Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời với bài viết dưới đây
1. Viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì?
Lộ tuyến cổ tử cung là một hiện tượng khá phổ biến khi phụ nữ tới bệnh viện thăm khám Sản phụ khoa. Đây là tình trạng mà các tế bào tuyến từ bên trong cổ tử cung mở rộng ra phía ngoài cổ tử cung. Lộ tuyến cổ tử cung là một tình trạng sinh lý thường thấy ở độ tuổi sinh sản và cơ thể có thể có khả năng tự hồi phục hoặc tái tạo.
Tuy nhiên, nếu lộ tuyến cổ tử cung đi kèm với tình trạng viêm nhiễm có thể do nấm, vi khuẩn hay ký sinh trùng… thì lúc này sẽ được gọi là viêm lộ tuyến cổ tử cung.
2. Nguyên nhân gì gây ra tình trạng viêm lộ tuyến cổ tử cung
Có một số nguyên nhân chính dẫn đến viêm lộ tuyến cổ tử cung, bao gồm:
- Vệ sinh phần kín không đúng cách. Hoặc vệ sinh quá kỹ, dẫn đến việc mất cân đối của hệ vi khuẩn trong âm đạo.
- Quan hệ tình dục quá mạnh mẽ.
- Mắc phải các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục.
- Thực hiện các thủ thuật y tế có ảnh hưởng đến cổ tử cung.
- Sảy thai hoặc nạo hút thai.
3. Viêm lộ tuyến cổ tử cung có các triệu chứng như thế nào?
Những bệnh nhân mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung thường ra khí hư nhầy, số lượng có thể nhiều hoặc ít và tình trạng ra khí hư này thường không do viêm nhiễm hoặc không liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt
Nếu viêm lộ tuyến đi kèm với viêm âm đạo, các triệu chứng có thể xảy ra như ra khí hư nhầy, vàng đục hoặc khí hư vón cục giống như bã đậu thường gặp do nấm, hoặc khí hư có bọt, có mùi hôi, tanh hay khí hư ra kèm theo cảm giác ngứa rất nhiều. Các triệu chứng này sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm.
Tùy thuộc vào mức độ rộng của tổn thương, lộ tuyến cổ tử cung được chia thành 3 cấp độ:
- Độ 1: tổn thương lộ tuyến chiếm ít hơn ⅓ diện tích cổ tử cung.
- Độ 2: tổn thương lộ tuyến chiếm ít hơn ⅔ diện tích cổ tử cung.
- Độ 3: tổn thương lộ tuyến chiếm hơn ⅔ diện tích cổ tử cung.
4. Biến chứng của viêm lộ tuyến
Hầu hết phụ nữ mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung thường không có triệu chứng rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác trong phụ khoa như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung…
Do sự nhầm lẫn này, nhiều phụ nữ đã chủ quan, không đi khám sớm, tự mua thuốc về đặt vào âm đạo hoặc uống mà không có sự tư vấn của bác sĩ. Việc điều trị không đúng cách đã khiến tình trạng bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Lộ tuyến cổ tử cung là một tổn thương không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, tình trạng viêm nhiễm tái phát nhiều lần cũng có thể gây ra ung thư cổ tử cung.
- Khi vùng lộ tuyến cổ tử cung bị viêm nhiễm, bệnh sẽ gây ra tình trạng khí hư ra nhiều, kinh nguyệt không đều, đau vùng xương chậu, đau bụng dưới…
- Viêm lộ tuyến có thể gây ra vô sinh – hiếm muộn: Phụ nữ mắc viêm lộ tuyến thường có lượng dịch nhầy nhiều, làm cho tinh trùng khó đi vào bên trong. Vi khuẩn còn có khả năng làm chết tinh trùng, từ đó dễ dẫn đến nguy cơ hiếm muộn.
- Bệnh có thể gây ra tắc vòi trứng, viêm nội mạc tử cung, viêm tiểu khung. Đây là những yếu tố có thể ảnh hưởng tới trình trạng thụ thai và mang thai
- Ngoài ra, khi bị viêm lộ tuyến sẽ là môi trường thích hợp cho sự phát triển của vi khuẩn, tạp khuẩn hoặc các tác nhân gây bệnh lây qua đường tình dục như Chlamydia, lậu, mụn rộp sinh dục…
Để tránh những biến chứng nguy hiểm từ bệnh trên, phụ nữ nên thăm khám chuyên khoa Sản phụ khoa và kiểm tra sớm để có biện pháp xử lý kịp thời.
5. Làm thế nào để điều trị tình trạng viêm lộ tuyến cổ tử cung
Lộ tuyến đơn thuần không yêu cầu điều trị. Tuy nhiên, khi có tình trạng viêm làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, chị em nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn, kiểm tra và điều trị. Hiện tại viêm lộ tuyến cổ tử cung đã có nhiều phương pháp để điều trị. Bác sĩ sẽ tư vấn cho chị em lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp dựa trên tình trạng bệnh, các triệu chứng gặp phải, đối tượng…
5.1. Điều trị bằng thuốc
Đây là phương pháp điều trị hiện nay đang được áp dụng rộng rãi, được sử dụng để điều trị tình trạng viêm lộ tuyến nhẹ hoặc để giải quyết tình trạng viêm trước khi sử dụng các biện pháp loại bỏ vùng lộ tuyến ở các trường hợp viêm nặng hơn.
Thuốc điều trị tình trạng trên bao gồm thuốc đặt âm đạo, thuốc uống kháng sinh toàn thân, thuốc thoa điều trị triệu chứng tại chỗ.
- Thuốc đặt âm đạo: Có nhiều loại thuốc đặt âm đạo trị viêm lộ tuyến cổ tử cung khác nhau trên thị trường, chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể chọn được thuốc phù hợp với bản thân.
- Thuốc kháng sinh toàn thân: Ngoài thuốc đặt âm đạo, bác sĩ có thể chỉ định chị em sử dụng thêm thuốc kháng sinh để cải thiện tốt tình trạng viêm nhiễm.
- Gel bôi rửa vùng kín: Chị em có thể tham khảo ý kiến bác sĩ sử dụng thêm các loại gel rửa và bôi nhằm cải thiện nhanh chóng tình trạng ngứa rát ở vùng kín.
Lưu ý: Chỉ được dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc để tránh các biến chứng có thể xảy ra
Một số phụ nữ có lượng dịch âm đạo tiết ra nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày (phải sử dụng băng vệ sinh mỗi ngày…) có thể được bác sĩ khuyên và xem xét việc điều trị bằng cách đốt diệt tuyến khi thực sự cần thiết.
5.2. Phương pháp đốt điện
Phương pháp này sử dụng dòng điện cao tần để tiêu diệt các tế bào tuyến ở cổ tử cung. Phương pháp này khá hiệu quả, nhưng có hạn chế là người bệnh có thể cảm thấy đau, chảy máu do bong mày sau đó, tỷ lệ nhỏ có thể gây tình trạng biến chứng chít hẹp lỗ cổ tử cung.
5.3. Phương pháp sử dụng laser
Phương pháp này áp dụng tia laser để tiêu diệt các lộ tuyến xuất hiện ngoài cổ tử cung. Việc đốt laser diệt lộ tuyến được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả trên cả những vùng viêm nhiễm rộng và ít gây đau cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu đốt quá sâu hoặc gần sát lỗ cổ tử cung có thể tạo ra sẹo xơ, lỗ cổ tử cung bị hẹp sẽ gây ứ đọng máu kinh, gây cản trở trong quá trình thụ thai.
5.4. Phương pháp sử dụng áp lạnh
Bác sĩ sẽ sử dụng khí N2O hoặc CO2 ở nhiệt độ thấp để làm đông cứng và tiêu diệt các tế bào tuyến ở cổ tử cung. Phương pháp này khá hiệu quả. Tuy nhiên, việc lành sẹo diễn ra chậm, tiết dịch nhiều tỷ lệ nhỏ là áp lạnh có thể làm lỗ cổ tử cung bị chít hẹp.
6. Tất tần tật về phương pháp đốt viêm lộ tuyến cổ tử cung
6.1. Đốt lộ tuyến cổ tử cung, ưu và nhược điểm?
Đốt lộ tuyến cổ tử cung (hay còn gọi là đốt diệt tuyến) có một số ưu điểm như:
- Phương pháp này giúp kiểm soát bệnh nhanh chóng.
- Có khả năng đốt được lộ tuyến diện rộng.
- Thủ thuật thực hiện nhanh, cho phép người bệnh ra về ngay sau khi thực hiện.
Tuy nhiên, dù đốt lộ tuyến cổ tử cung giúp giảm nhanh triệu chứng, kiểm soát bệnh tốt nhưng cũng có một số nhược điểm mà người bệnh cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định thực hiện:
- Phương pháp này không áp dụng cho những phụ nữ trong thai kỳ.
- Một số trường hợp, người bệnh đã thực hiện diệt tuyến nhưng vẫn không hết bệnh. Kể cả các phương pháp diệt tuyến hiện đại như: đốt điện, đốt laser, đông lạnh cũng không chắc chắn giúp bệnh nhân khỏi hẳn bệnh.
- Khi thực hiện đốt điện, lỗ cổ tử cung có thể bị chít hẹp, cổ tử cung sẽ có sẹo cứng nên việc thụ thai có thể bị ảnh hưởng cũng như gây khó khăn trong quá trình sinh đẻ.
- Đốt lộ tuyến cổ tử cung ảnh hưởng khá lớn bởi tay nghề của bác sĩ phụ trách, nếu quá trình đốt không tốt có thể gây chít hẹp cổ tử cung tạo thành các sẹo ở khu vực đó
6.2. Chỉ định cho bệnh nhân đốt viêm lộ tuyến cổ tử cung
Để thực hiện phương pháp đốt lộ tuyến cổ tử cung, có một số điều kiện cần được đảm bảo:
- Không có viêm nhiễm ở âm đạo/cổ tử cung hoặc các viêm nhiễm đã được điều trị hoàn toàn.
- Bệnh nhân đã sạch kinh tối thiểu 2 – 3 ngày.
- Viêm lộ tuyến cổ tử cung mức độ 2 trở lên..
Những điều kiện này giúp đảm bảo an toàn và hiệu quả của phương pháp điều trị. Chị em nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định thực hiện phương pháp này.
6.3. Viêm lộ tuyến cổ tử cung đốt rồi có bị lại hay không?
Viêm lộ tuyến là một bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp không chỉ đến sức khỏe của phụ nữ mà còn đến khả năng sinh sản và hạnh phúc gia đình của họ. Do đó, ai cũng hy vọng có thể điều trị dứt điểm khi mắc phải bệnh lý này.
Tuy nhiên, tình trạng mệt mỏi, đau đớn có thể xảy ra trong quá trình đốt lộ tuyến. Đồng thời, thủ thuật này cũng có tỷ lệ tái phát bệnh cao, khiến nhiều bệnh nhân chán nản trong việc điều trị..
Dưới đây là một số nguyên nhân khiến bệnh tái phát thường xuyên sau khi đốt lộ tuyến:
- Lạm dụng trong việc sử dụng kháng sinh tại chỗ và toàn thân
Việc sử dụng kháng sinh quá nhiều khi không có chỉ định của bác sĩ sẽ tiêu diệt hệ lợi khuẩn âm đạo, gây ra mất cân bằng vi sinh và tạo điều kiện cho sự phát triển của các vi khuẩn gây hại.
- Quan hệ tình dục không an toàn hoặc quan hệ tình dục nhiều trong thời gian điều trị
Sau khi điều trị, vợ chồng cần kiêng quan hệ ít nhất 8 tuần. Đây là một thách thức lớn đối với các cặp vợ chồng trẻ. Do đó, không ít trường hợp đã bỏ qua lời khuyên này và dẫn đến việc điều trị không hiệu quả.
- Không thực hiện đúng theo phác đồ điều trị
Phác đồ điều trị của thủ thuật kéo dài và khiến nhiều bệnh nhân từ bỏ do đau đớn và chán chường. Điều này là một mối nguy hiểm lớn đối với sức khỏe của họ. Sau khi đốt điện, môi trường âm đạo lúc này đang bị tổn thương và có khả năng tái phát nhiễm trùng khiến tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng.
- Vệ sinh vùng kín không đúng cách
Sau khi diệt lộ tuyến, cơ thể sẽ có sự tái tạo lại tế bào vùng cổ tử cung dẫn tới tăng dịch tiết âm đạo. Đồng thời, âm đạo cũng rất nhạy cảm trong thời gian này. Vì vậy, giữ cho vùng kín luôn khô thoáng, sạch sẽ là điều cần thiết lúc này. Không nên bỏ qua việc vệ sinh âm đạo hoặc thụt rửa quá sâu, cả hai điều này đều khiến âm đạo trầy xước, khiến quá trình nhiễm trùng dễ dàng tái phát.
7. Vệ sinh sau đốt viêm lộ tuyến cổ tử cung như thế nào?
- Thực hiện vệ sinh vùng kín mỗi ngày theo cách đúng đắn, tránh việc rửa sâu vào bên trong âm đạo.
- Tránh việc tắm trong bồn hoặc ngâm rửa vùng kín trong thời gian dài.
- Khi sử dụng giấy lau sau khi đi vệ sinh, nên lau từ phía trước ra phía sau.
- Cẩn thận khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc vùng kín, đặc biệt là những sản phẩm có độ PH cao.
- Đảm bảo vùng kín luôn khô ráo, lau khô vùng kín sau khi tắm rửa trước khi mặc quần áo.
- Lựa chọn đồ lót phù hợp với kích cỡ của bạn, chọn chất liệu có khả năng thấm hút mồ hôi.
Ngoài việc hiểu rõ về việc đốt viêm lộ tuyến, chị em cũng cần chú ý đến việc kiêng cữ và thực hiện đúng các điều sau đây:
- Tuân thủ việc uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tránh quan hệ tình dục trong khoảng từ 6 – 8 tuần sau khi thực hiện đốt viêm lộ tuyến.
- Có lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Tránh đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, cay nóng.
- Hạn chế tối đa việc sử dụng các chất rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích.
- Không vận động mạnh hoặc làm việc quá sức ngay sau khi thực hiện thủ thuật.
- Tránh đi xe đạp trong vòng 3 tuần sau khi đốt lộ tuyến.
- Thực hiện tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
- Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào sau khi thực hiện đốt viêm lộ tuyến, chị em cần đến bệnh viện thăm khám ngay lập tức, xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý kịp thời.
8. Tổng kết
Đốt viêm lộ tuyến cổ tử cung là một biện pháp điều trị hiệu quả tình trạng viêm lộ tuyến. Tuy nhiên, người bệnh sau khi đốt cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng viêm lộ tuyến tái phát lại. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về tình trạng viêm lộ tuyến, các phương pháp đốt điện trong điều trị viêm lộ tuyến. Hãy liên hệ với các chuyên gia để được giải đáp. Đăng ký khám tại đây