22 dấu hiệu có bầu và 4 lưu ý từ bác sĩ

Chân dung BSCKII Nguyễn Thị Ngọc Thủy - Nguyên Phó khoa Phụ 2 BV Phụ Sản TW

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Nguyễn Thị Ngọc Thủy

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Bạn đang có dấu hiệu có bầu? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu 22 dấu hiệu mang thai sớm hay gặp với những lưu ý cần thiết từ bác sĩ để đón thai kỳ khỏe mạnh.

Dấu hiệu có bầu sớm nhất có thể xuất hiện từ 6-10 ngày sau khi thụ thai. Mỗi người có biểu hiện khác nhau, thậm chí giữa các lần mang thai. Vì vậy, chị em nên tìm hiểu các dấu hiệu mang thai sớm để dễ dàng nhận biết.

1. Tổng hợp 22 dấu hiệu có bầu sớm sau tuần đầu dễ nhận biết nhất

1.1. Chậm kinh

Dấu hiệu có bầu dễ thấy nhất chính là chậm kinh. Đa số phụ nữ đều phát hiện mình mang thai nhờ triệu chứng này.

Chu kỳ kinh nguyệt thông thường kéo dài 28 ngày, hoặc từ 24-38 ngày đều được xem là bình thường. Nếu bạn vốn có kinh nguyệt đều đặn nhưng đột nhiên trễ kinh 5-7 ngày sau khi quan hệ tình dục không an toàn, khả năng cao là bạn đã thụ thai thành công.

Lúc này, chị em có thể dùng que thử thai tại nhà để kiểm tra nồng độ hormone hCG trong nước tiểu. Ngoài ra, bạn cũng có thể đến các cơ sở y tế để xác định chính xác việc mang thai, đồng thời được bác sĩ tư vấn cách chăm sóc bản thân và theo dõi thai kỳ.

1.2. Thay đổi ở vùng ngực

Một trong những dấu hiệu có bầu sớm đó là bầu ngực săn chắc, to hơn; núm vú sẫm màu và nhô ra; quầng vú cũng lớn hơn. Điều này là do nồng độ hormone hCG (hormone thai kỳ) tăng cao, khiến vùng ngực thay đổi về hình dáng và kích thước. May mắn là sau 3 tháng đầu thai kỳ, triệu chứng này sẽ giảm dần và mất hẳn vì cơ thể bạn đã có thể tự điều chỉnh theo sự thay đổi nội tiết tố.

Sự thay đổi vùng ngực khi mang thai
Sự thay đổi vùng ngực khi mang thai

1.3. Đi tiểu nhiều lần

Nếu bạn hay buồn đi tiểu vào ban đêm, đó có thể là một  dấu hiệu có bầu sớm. Nguyên nhân là do sự biến đổi nội tiết tố (hormone hCG) cùng với sự phát triển về kích thước của tử cung tạo áp lực lên bàng quang.

1.4. Buồn nôn

Khoảng 2/3 phụ nữ mang thai gặp tình trạng buồn nôn trong 3 tháng đầu. Đây cũng là một trong những dấu hiệu có bầu rất sớm xuất hiện trong 1-2 tuần đầu. Bước sang đầu tam cá nguyệt thứ hai, triệu chứng này sẽ giảm dần và hết hẳn. Chỉ một số ít trường hợp mẹ bầu bị ốm nghén kéo dài đến lúc sinh.  

Buồn nôn là dấu hiệu mang thai thường gặp ở phụ nữ
Buồn nôn là dấu hiệu mang thai thường gặp ở phụ nữ

1.5. Mệt mỏi

Khi xuất hiện các dấu hiệu thụ thai thành công, nồng độ progesterone trong cơ thể tăng nhanh và tiếp tục tăng suốt tam cá nguyệt đầu tiên. Progesterone có vai trò duy trì nội tiết tố của thai kỳ, ngăn ngừa co bóp tử cung và ức chế đáp ứng miễn dịch sớm. Tuy nhiên, sự gia tăng đột ngột của progesterone trong giai đoạn đầu của thai kỳ có thể khiến mẹ bầu mệt mỏi, thậm chí kiệt sức.

1.6. Đầy hơi

Khi progesterone tăng mạnh, nó gây ra nhiều biến đổi đáng kể cho cơ thể. Một trong số đó là khiến các cơ, bao gồm cơ trong ruột trở nên “lười biếng” hơn. Do đó, quá trình tiêu hóa bị chậm lại, gây ra tình trạng đầy hơi, ợ hơi.

1.7. Nướu sưng và đau

Khi cơ thể tập trung nhiều máu và dịch cho việc nuôi dưỡng thai nhi, bạn rất dễ bị sưng mô (kể cả nướu). Vì vậy, chị em hãy chú ý đến hiện tượng nướu viêm, đau, chảy máu; mắt và mặt sưng húp. Đó là một trong những dấu hiệu có bầu sớm.

1.8. Cổ tử cung ẩm ướt

Chất nhầy cổ tử cung hay còn gọi là dịch tiết, sẽ đặc lại trong quá trình rụng trứng để giúp tinh trùng dễ gặp trứng. Nếu trứng không gặp được tinh trùng, chất nhầy cổ tử cung sẽ khô trong vòng 24 giờ sau khi rụng trứng.

Tuy nhiên, nếu việc thụ thai đã diễn ra, chất nhầy cổ tử cung tiếp tục sản sinh trong nhiều ngày sau đó, khiến bạn có cảm giác ẩm ướt ở khu vực này. Đây chính là một trong những dấu hiệu có bầu đầu tiên. 

1.9. Chóng mặt, ngất xỉu

Lưu thông máu tăng do nội tiết tố thay đổi làm giãn mạch máu. Khi mạch máu giãn và huyết áp giảm, bạn sẽ cảm thấy nhức đầu, chóng mặt, thậm chí ngất. Ngoài ra, ngất xỉu ở đầu thai kỳ cũng có thể do lượng đường trong máu thấp.

1.10. Chảy máu âm đạo

Khi trứng thụ tinh bám vào niêm mạc tử cung dày hơn, có thể xuất hiện tình trạng chảy máu âm đạo. Trên thực tế, khoảng 25-30% phụ nữ mang thai bị chảy máu trong vài ngày đầu của thai kỳ.

Nhiều người dễ nhầm lẫn chảy máu do thụ thai với chảy máu kinh nguyệt. Bạn nên lưu ý về màu sắc và lượng máu. Chảy máu do mang thai thường ít, máu màu nâu và hồng nhạt, không đỏ sẫm hay đỏ tươi như máu kinh nguyệt.

1.11. Thay đổi khẩu vị

Nếu một buổi sáng thức dậy, bạn cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy chén cháo yến mạch bạn yêu thích, đồng thời lại thèm ăn món sandwich kẹp bơ mà trước đây chẳng bao giờ ăn, rất có thể bạn đã mang thai. 

Hormone hCG tăng cao suốt thời kỳ đầu mang thai sẽ kích thích cảm giác thèm ăn một số thực phẩm nhất định, đồng thời gây ghét bỏ những loại khác. Nhạy cảm với mùi cũng là một trong những dấu hiệu có bầu phổ biến.

1.12. Rối loạn vị giác

Một trong những dấu hiệu mang thai sớm là biểu hiện loạn vị giác, khiến nhiều người cảm giác như mình ngậm tiền kim loại trong miệng. Vị kỳ lạ này đọng lại sau ăn 1-2 giờ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do nồng độ estrogen tăng khi mang thai có ảnh hưởng đáng kể đến vị giác.

Thông thường, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi qua giai đoạn đầu của thai kỳ, khi nội tiết tố đã ổn định và cơ thể đã quen với sự xuất hiện của thai nhi. Tuy nhiên, một số mẹ bầu cảm thấy chứng loạn vị giác kéo dài suốt thai kỳ, và phải học cách thích nghi với nó.

1.13. Nhạy cảm với nhiệt độ

Sáng nay bạn thấy lạnh cóng ngay khi vừa thức dậy, nhưng chỉ nửa giờ sau lại khó chịu vì quá nóng. Đừng ngạc nhiên, sự nhạy cảm với nhiệt độ cũng là biểu hiện của việc thay đổi nội tiết tố khi mang thai.

1.14. Tiết nhiều nước bọt

Nếu mấy hôm nay bạn thấy miệng tiết nhiều nước bọt hơn bình thường, đó chính là khởi đầu của tình trạng ốm nghén, trào ngược acid hoặc ợ nóng – các triệu chứng mang thai rất phổ biến mà hầu hết bà bầu đều trải qua.

1.15. Táo bón

Lần nữa, progesterone lại được “gọi tên” khi giải thích cho dấu hiệu mang thai sớm này. Progesterone làm chậm nhu động ruột, dẫn tới táo bón. Để khắc phục, bạn hãy đảm bảo bạn uống đủ nước (2-2,5 lít/ngày), ăn nhiều rau xanh và trái cây.

1.16. Tâm trạng thất thường

Thay đổi tâm trạng khi mang thai là dấu hiệu có bầu rất phổ biến, một phần do sự thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh trong não. Mẹ bầu sẽ phản ứng khác nhau với những thay đổi này. Một số mẹ cảm thấy hưng phấn, trong khi những người khác lại lo lắng, chán nản.

Nếu rơi vào trường hợp thứ hai, không thể kiểm soát stress, lo âu, buồn chán, bạn hãy tìm gặp chuyên gia tâm lý để tránh rơi vào trạng thái trầm cảm khi mang thai.

1.17. Đau lưng

Khi có thai, tử cung phát triển để chuẩn bị mang thai khiến chị em cảm nhận các cơn đau vùng sống lưng, đặc biệt khi thai nhi lớn dần, những cơn đau lưng cũng xảy ra thường xuyên hơn.

1.18. Tăng cân bất thường

Nếu đang có mức cân nặng ổn định nhưng tháng này đột nhiên cảm thấy cơ thể nặng nề hơn, quần áo chật hơn, cân nặng tăng so với tháng trước, lại thêm các dấu hiệu như thèm ăn, ăn ngon miệng, rất có thể bạn đã mang thai.

1.19. Khó thở, hụt hơi

Đây là dấu hiệu có bầu thường gặp ở lần mang thai đầu tiên, có thể xuất hiện trong những tháng đầu hoặc cuối thai kỳ. Nguyên nhân là do cơ thể người mẹ cần thêm lượng oxy để nuôi phôi thai phát triển, lượng hormone progesterone cũng tăng lên dẫn đến tình trạng khó thở, hụt hơi.

1.20. Nhiệt độ cơ thể tăng

Lượng hormone progesterone tiết ra khiến nhiệt độ cơ thể tăng, giống với biểu hiện trong những ngày rụng trứng nên nhiều chị em nhầm lẫn.

1.21. Xuất hiện rôm sảy

Hiện tượng nổi rôm sảy xảy ra nhiều ở vùng da có nếp gấp, do thân nhiệt cơ thể tăng cao, lượng mồ hôi không đào thải kịp.

1.22. Đau bụng âm ỉ

Khi có bầu, những cơn đau bụng âm ỉ xuất hiện giống như sắp đến kỳ kinh nguyệt và có thể kèm theo các triệu chứng như ra máu báo thai, mệt mỏi, buồn nôn, căng tức ngực…

Các dấu hiệu có thai cho biết bạn đã sẵn sàng bước vào giai đoạn tam cá nguyệt với những thay đổi rõ rệt của cơ thể. Nhận biết được các yếu tố nguy cơ và cách chăm sóc bản thân sẽ giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.

2. Những thắc mắc thường gặp về dấu hiệu có bầu

Các cặp vợ chồng mong con thường có nhiều câu hỏi xoay quanh việc làm thế nào để dễ mang thai, kiểm tra chất lượng tinh trùng ra sao… BSCKII Nguyễn Thị Ngọc Thủy sẽ giải đáp những thắc mắc này!

2.1. Dấu hiệu có bầu sớm nhất sau khi quan hệ bắt đầu khi nào?

Trứng và tinh trùng có thể gặp nhau trong vòng vài phút đến 12 giờ sau khi xuất tinh. Khi quá trình thụ tinh diễn ra, hợp tử sẽ di chuyển xuống ống dẫn trứng, phát triển thành một khối gồm nhiều tế bào (morula) và sau đó là phôi nang. Khi đạt giai đoạn phôi nang nghĩa là hợp tử đã sẵn sàng làm tổ ở niêm mạc tử cung và tiếp tục phát triển thành phôi thai.

Về mặt thời gian, quá trình làm tổ thường xảy ra vào khoảng ngày thứ 6 đến ngày thứ 10 sau khi thụ tinh. Như vậy, sau khi quan hệ khoảng 6-10 ngày thì phụ nữ đã có thể mang thai.

Mỗi thai phụ có cơ địa khác nhau nên rất khó để dự đoán chính xác những thay đổi trong cơ thể, đặc biệt là hai tuần sau thụ thai. Các dấu hiệu có bầu sớm như ngực mềm, mệt mỏi… thường rất giống với biểu hiện khi sắp đến kỳ kinh, khiến chị em dễ nhầm lẫn.

Dấu hiệu có bầu sau khi trứng được thụ tinh
Dấu hiệu có bầu sau khi trứng được thụ tinh

2.2. Có phải tất cả phụ nữ đều có biểu hiện mang thai trong giai đoạn đầu như nhau?

Mỗi phụ nữ đều có những dấu hiệu có bầu khác nhau hoặc thậm chí các triệu chứng cũng khác biệt giữa các lần mang thai.

Hơn nữa, do các triệu chứng ban đầu khi có thai thường giống với triệu chứng có thể gặp ngay trước và trong kỳ kinh nguyệt, nên phụ nữ khó nhận ra mình đang mang thai. Cách duy nhất để biết chắc chắn là dùng que thử hoặc thăm khám tại cơ sở y tế.

2.3. Khi nào nên kiểm tra các triệu chứng thụ thai?

Thông thường, nếu thụ thai tự nhiên, biện pháp kiểm tra phổ biến nhất là dùng que thử. Đây là phương pháp phát hiện hormone hCG được tiết ra trong thai kỳ. Hormone này sẽ được đào thải qua nước tiểu. Vì thế, que thử có thể phát hiện hCG và cho biết chị em có thai hay không.

Nếu tính ngày quan hệ đúng vào thời điểm rụng trứng thì có thể thử thai sau 2 tuần. Thử sớm hơn chưa chắc đã có kết quả dương tính. Với phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều có thể thử ngay khi chậm kinh. Đa số các phương pháp thử thai sẽ cho kết quả nếu sử dụng đúng cách. Có trường hợp que thử thai lên vạch mờ. Điều này là bình thường vì thời kỳ đầu nồng độ hCG còn thấp và thai chưa ổn định.

Chuyên gia khuyến cáo nên dùng que thử thai vào buổi sáng vì đây là thời điểm nước tiểu chứa nồng độ hCG cao nhất trong ngày.

2.4. Xuất tinh ngoài có thể mang thai không?

Trước khi xuất tinh, dương vật tiết ra một chất lỏng gọi là dịch tiết và có lẫn tinh trùng trong đó.

Dù chủ động đến đâu, người đàn ông cũng khó lòng kiểm soát dịch tiết trước khi xuất tinh. Ngay cả khi dương vật rút khỏi âm đạo trước lúc xuất tinh, dịch tiết vẫn có khả năng vào sâu trong âm đạo, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Đó là lý do tại sao xuất tinh ngoài không có hiệu quả tránh thai cao như các biện pháp khác như uống thuốc hay dùng bao cao su.

Một nghiên cứu cho thấy 18% các cặp vợ chồng tránh thai bằng phương pháp xuất tinh ngoài có thể mang thai trong vòng một năm. Nhìn chung, biện pháp này chỉ mang lại hiệu quả khoảng 73% trong việc ngừa thai.

2.5. Quan hệ vào thời điểm nào thì dễ đậu thai nhất?

Vòng kinh của phụ nữ thường kéo dài khoảng 21-35 ngày. Sự rụng trứng thường xảy ra vào ngày 12-14 của chu kỳ 28 ngày, ngày 8-9 của chu kỳ ngắn hơn và 19-20 của chu kỳ dài hơn. Trứng sau khi rụng chỉ có thể sống trong vòng 12-24 giờ. Trong khi đó, tinh trùng, với sự trợ giúp của chất nhầy cổ tử cung, có thể sống dai hơn, tối đa 5 ngày trong đường sinh sản nữ.

Do đó, nếu muốn tăng khả năng trứng gặp tinh trùng, vợ chồng nên quan hệ trước thời điểm rụng trứng từ 1-5 ngày. Gần gũi ngay lúc trứng rụng hoặc sau đó 1 ngày cũng gia tăng cơ hội thụ thai.

2.6. Có thể phát hiện tinh trùng yếu/không có tinh trùng bằng mắt thường không?

Rất khó xác định chất lượng tinh trùng nếu chỉ quan sát bằng mắt thường, bởi có những người đàn ông cao to, khỏe mạnh nhưng lại đi khám hiếm muộn vì lý do “tinh trùng yếu” hoặc “vô sinh”. Tuy nhiên, nếu tinh ý, cánh mày râu có thể nhận biết một số dấu hiệu bất thường của tinh trùng như:

  • Tinh dịch loãng và ít: mật độ tinh trùng thấp, chất lượng kém
  • Tinh dịch vón cục: tinh trùng yếu, khó di chuyển đến gặp trứng
  • Tinh dịch có màu sắc bất thường (như vàng, xanh, nâu): tinh trùng yếu do viêm nhiễm ở bộ phận sinh dục

Phương pháp khả thi nhất để kết luận tinh trùng khỏe hay yếu là thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ. Cánh mày râu nên đi khám nam khoa ở các bệnh viện uy tín. Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm tinh dịch đồ – phương pháp cho kết quả về tình trạng tinh trùng chính xác nhất.

3. Cần làm gì khi có dấu hiệu có bầu sớm?

Khi tin vui đến, bên cạnh niềm hạnh phúc sắp được làm mẹ, bạn không tránh khỏi lo lắng vì sẽ bước sang một chặng đường mới, vất vả hơn khi mang thai. Mẹ bầu đừng quên trang bị những kiến thức cơ bản khi mang bầu để hành trình “thai nghén vượt cạn” suôn sẻ và an toàn.

3.1. Khám thai

Sau khi xuất hiện dấu hiệu mang thai tuần đầu sau quan hệ, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ siêu âm để loại trừ trường hợp thai ngoài tử cung, đồng thời kiểm tra cân nặng, nhịp tim, huyết áp… Điều này giúp phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra trong thai kỳ như đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ…

3.2. Xét nghiệm máu

Song song với khám tổng quát, bạn cần thực hiện một loạt xét nghiệm như xác định nhóm máu, công thức máu, xét nghiệm đường huyết, tổng phân tích nước tiểu… Việc này giúp phát hiện các bệnh lây nhiễm như rubella, viêm gan siêu vi B, bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)… từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời.

3.3. Tuân thủ chế độ dinh dưỡng dành cho bà bầu

Mang thai đồng nghĩa với việc bạn phải nạp nhiều dưỡng chất hơn để thai nhi phát triển toàn diện ngay từ trong bụng mẹ. Do đó, bạn cần đảm bảo chế độ ăn uống khi mang thai gồm đầy đủ các chất dinh dưỡng (bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất). Đặc biệt, một số vi chất cần tăng cường trong suốt thai kỳ là axit folic, canxi và sắt theo chỉ định của bác sĩ.

3.4. Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý

Mẹ bầu cần cố gắng ngủ đủ giấc, khoảng 7-8 giờ mỗi ngày và cần có giấc ngủ chất lượng. Để ngon giấc, bạn nên tránh xa cà phê, trà trước khi đi ngủ 4 giờ, không uống nhiều nước sau 20h, vận động vừa sức vào ban ngày để giúp cơ thể thư giãn, dễ ngủ vào ban đêm. Bên cạnh đó, một giấc ngủ trưa ngắn cũng rất cần thiết, giúp mẹ bầu hồi phục sức khỏe, giảm căng thẳng, mệt mỏi.

4. Sau bao lâu quan hệ thì có thai?

Quan hệ sau bao lâu thì có bầu là câu hỏi thường gặp của các cặp vợ chồng mới cưới. Thời điểm thụ thai phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. Thông thường, trứng chín sẽ rụng vào khoảng ngày 12-14 của chu kỳ kinh 28 ngày.

Trứng sau khi rụng chỉ sống được 12-24h nhưng tinh trùng có thể tồn tại trong cơ thể người nữ 3-5 ngày. Do đó, để tăng khả năng mang thai, các cặp đôi nên quan hệ trước 1-2 ngày hoặc ngay trong ngày rụng trứng. Quan hệ sau bao lâu có bầu còn phụ thuộc vào chất lượng tinh trùng và sức khỏe của cả hai.

Thường phải mất 6-12 ngày tính từ lúc thụ thai, phôi thai mới làm tổ trong tử cung. Chính vì vậy, dấu hiệu có bầu sớm nhất xuất hiện khoảng  sau ngày thứ 8 kể từ khi quan hệ vào đúng ngày rụng trứng. Tuy nhiên, không phải dấu hiệu sẽ giống nhau ở mọi phụ nữ. Nếu chậm kinh 1 tuần, chị em có thể dùng que thử thai để biết chính xác có mang thai hay không.

5. Kết luận

Với những kiến thức về dấu hiệu có bầu và giải đáp cho câu hỏi quan hệ sau bao lâu thì có thai, các cặp vợ chồng có thể xác định thời điểm “vàng” để dễ dàng có con. Bên cạnh đó, các chị em phụ nữ cũng nên chủ động khám phụ khoa định kỳ nhằm đảm bảo khả năng sinh sản.

Khi phát hiện các dấu hiệu mang thai sớm như chậm kinh, buồn nôn, ngực căng tức, bạn hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Lên kế hoạch mang thai chu đáo, chăm sóc sức khỏe toàn diện sẽ giúp các mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn, sẵn sàng chào đón những “công dân nhí” đáng yêu.

Trên đây là tổng hợp về 22 dấu hiệu có bầu. Nếu đang nghi ngờ mang thai, bạn hãy đặt khám tại đây để các bác sĩ tại Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa thăm khám trực tiếp.

Liên hệ - đặt lịch


    Bài viết liên quan

    Thông tin kiến thức
    Bầu 3 tháng đầu đau bụng dưới có sao không?

    Nhiều chị em thắc mắc việc bầu 3 tháng đầu đau bụng dưới có làm sao không, hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây với BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan để được giải đáp nhé.

    Thông tin kiến thức
    Bụng bầu 1 tuần thế nào là bình thường?

    Bụng bầu 1 tuần có gì khác so với béo bụng dưới? Làm sao để phân biệt được? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.

    Thông tin kiến thức
    Kích thước bụng bầu và thai nhi qua từng tháng

    Kích thước, hình ảnh bụng bầu qua từng tháng sẽ thay đổi ra sao? Có khác nhau giữa các mẹ bầu không?

    Thông tin kiến thức
    Mẹ bầu bị tiêu chảy tháng cuối: nguyên nhân và cách điều trị

    Mẹ bầu bị tiêu chảy tháng cuối thai kỳ là hiện tượng phổ biến do nhiều lý do. Bài viết giải thích nguyên nhân, khi nào cần đi khám và cách giảm triệu chứng.

    All in one
    Liên hệ