Khám phụ khoa là khám những gì?

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Khám phụ khoa là một trong những việc làm cần thiết nhằm phát hiện các bệnh phụ khoa ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của các chị em. Cùng tìm hiểu lý do, quy trình thăm khám và một số lưu ý khi khám phụ khoa nhé!

1. Tại sao chị em cần đi khám phụ khoa?

Khám phụ khoa là bước đầu tiên trong việc chăm sóc sức khỏe cơ bản với tất cả phụ nữ. Muốn duy trì một cơ thể khỏe mạnh thì mỗi phụ nữ cần phải được thăm khám định kỳ và phát hiện sớm những nguyên nhân gây bệnh.

Theo một thống kê vào năm 2014 của bộ Y tế, có tới 90% phụ nữ Việt Nam từng mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa. Nhưng số người thực sự tìm đến các cơ sở chăm sóc Sản phụ khoa lại thấp hơn con số này rất nhiều lần. Các chị em thường tìm đến các phòng khám chuyên khoa chỉ khi các triệu chứng nặng lên và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Đây là nguyên nhân chính khiến cho phụ nữ mắc các bệnh về đường sinh dục thường gặp dẫn đến biến chứng ảnh hưởng đến khả năng mang thai. Vì vậy, các chị em nên duy trì thói quen khám định kỳ phụ khoa 6 tháng/lần để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý liên quan đến cấu tạo và chức năng cơ quan sinh dục.

2. Khám phụ khoa là khám gì?

Khám phụ khoa là một quy trình kiểm tra sức khỏe toàn diện dành cho phụ nữ, tập trung vào hệ thống cơ quan sinh sản của người bệnh. Cụ thể là:

  •  Cơ quan sinh dục trên: tử cung, vòi trứng, buồng trứng, ống dẫn trứng.
  •  Cơ quan sinh dục dưới: âm hộ, âm đạo, cổ tử cung.

Ngoài việc thăm khám hình thể ngoài, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm đánh giá chức năng các cơ quan như:

  • Xét nghiệm máu.
  •  Xét nghiệm nước tiểu.
  • Siêu âm.
  •  Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác nếu siêu âm không thể hiện rõ được hình ảnh cần nhận định.
  •  Các xét nghiệm giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung như xét nghiệm PAP, sinh thiết tế bào cổ tử cung,…

Khám phụ khoa có thể giúp phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa, chẳng hạn như ung thư cổ tử cung và ung thư âm hộ, cũng như các tình trạng khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

Khám phụ khoa là quá trình thăm khám và đánh giá cơ quan sinh dục nữ
Khám phụ khoa là quá trình thăm khám và đánh giá cơ quan sinh dục nữ

3. Khám phụ khoa gồm những bước nào?

3.1 Hỏi thông tin và tình trạng hiện tại của bệnh nhân

Trước khi bắt đầu thăm khám thực thể, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về những thông tin liên quan để từ đó định hướng những bước thăm khám tiếp theo như:

  •  Dấu hiệu bất thường.
  •  Các bệnh đã và đang mắc.
  •  Các dấu hiệu bất thường này ảnh hưởng thế nào đến chất lượng cuộc sống.

3.2 Thăm khám bên ngoài

Bác sĩ sẽ kiểm tra bên ngoài cơ quan sinh dục của người bệnh bao gồm ngực, âm hộ hậu môn để tìm các dấu hiệu bất thường như sưng, đỏ hoặc chảy máu.

3.3 Khám âm đạo

Bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ gọi là mỏ vịt để mở rộng âm đạo, sau đó quan sát các thành âm đạo, cổ tử cung và lỗ tử cung. Bác sĩ cũng có thể thực hiện xét nghiệm PAP để kiểm tra các tế bào bất thường ở cổ tử cung.

Với những phụ nữ đã từng quan hệ tình dục, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm qua đầu dò âm đạo (sử dụng đầu dò có gắn camera đưa vào âm hộ rồi đến âm đạo và cổ tử cung nhằm thu được các hình ảnh liên quan đến âm hộ, âm đạo và tử cung nhất có thể). Với những bạn gái chưa từng quan hệ tình dục, siêu âm ổ bụng là phương pháp dùng để tiếp cận những hình ảnh về tử cung và buồng trứng.

Khám âm đạo là một trong những bước khám phụ khoa quan trọng
Khám âm đạo là một trong những bước khám phụ khoa quan trọng

 3.4 Xét nghiệm dịch âm đạo

Người bệnh có thể được lấy mẫu dịch âm đạo để kiểm tra nguyên nhân gây nên tình trạng viêm âm đạo như nấm, trùng roi, vi khuẩn, tạp khuẩn. 

3.5 Khám tử cung

Bình thường, tử cung không được sờ thấy trên lâm sàng. Tuy nhiên, khi xuất hiện khối u thì bác sĩ hoàn toàn có thể sờ được khối bất thường ở ổ bụng.

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ kết hợp với việc thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, thường dùng nhất là siêu âm để thu được những hình ảnh của cổ tử cung, tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng.

3.6 Xét nghiệm

Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung,… để kiểm tra sức khỏe tổng thể và tìm kiếm các dấu hiệu bất thường.

Xét nghiệm tế bào cổ tử cung giúp tầm soát các khối u ác tính vùng cổ tử cung
Xét nghiệm tế bào cổ tử cung giúp tầm soát các khối u ác tính vùng cổ tử cung

3.7 Đưa ra kết luận bệnh và tư vấn 

Sau khi hoàn thành quá trình khám, bác sĩ sẽ thông báo kết quả khám và tư vấn cho người bệnh về các lựa chọn điều trị nếu cần thiết. Bác sĩ cũng sẽ hẹn lịch khám lại để theo dõi tiến triển điều trị.

4. Lời khuyên của bác sĩ

Khám phụ khoa là một trong những kiểm tra căn bản và cần thiết đối với phụ nữ. Đặc biệt trong những trường hợp dưới đây, các chị em nên đến gặp bác sĩ Sản phụ khoa để được tư vấn:

  •  Trước khi kết hôn.
  •  Trước khi dự định sinh con.
  •  Dịch âm đạo có màu sắc hoặc mùi bất thường.
  •  Âm hộ sưng, đỏ và đau.
  • Đau bụng dưới dài ngày.
  •  Đau khi quan hệ tình dục.
  • Chảy máu âm đạo vào thời điểm không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt như mãn kinh, sau quan hệ tình dục, giữa kỳ kinh, trước tuổi dậy thì.
Khi đang bụng dưới kéo dài, các chị em nên khám phụ khoa để xác định những vấn đề đang gặp phải
Khi đang bụng dưới kéo dài, các chị em nên khám phụ khoa để xác định những vấn đề đang gặp phải

Để chuẩn bị tốt cho quá trình thăm khám phụ khoa, chị em nên thực hiện những gợi ý sau:

  •  Mặc quần áo thoải mái.
  •  Khám sau khi sạch kinh khoảng 2 – 3 ngày, không nên khám bệnh khi đang trong những ngày “đèn đỏ”.
  •  Không quan hệ tình dục ít nhất 2 ngày trước khi thăm khám.
  •  Không thụt âm đạo mà chỉ tiến hành rửa sạch cơ quan sinh dục ngoài bằng nước.

Khám phụ khoa là một quy trình quan trọng giúp phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa cũng như duy trì sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ở các bộ phận phụ khoa ít nhất một lần trong đời vì vậy nên lưu ý lịch khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Mục đích để đảm bảo duy trì một sức khỏe tốt và tránh những hệ quả khó lường khi phát hiện bệnh muộn. Nếu chưa biết chọn phòng khám nào, bạn có thể liên hệ Hotline 0868 555 168 hoặc đặt lịch khám để được BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan trực tiếp thăm khám nhé!

Bài viết liên quan

Thông tin kiến thức
Gai sinh dục và sùi mào gà có gì khác nhau?

Gai sinh dục và sùi mào gà có nhiều đặc điểm khác biệt. Bài viết chia sẻ kiến thức về gai sinh dục, sùi mào gà và cách phân biệt, phòng tránh và điều trị chúng.

Thông tin kiến thức
Rối loạn kinh nguyệt: Nguyên nhân, chẩn đoán & cách điều trị

Rối loạn kinh nguyệt gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày. Tìm hiểu nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị hiệu quả để cải thiện tình trạng này.

Thông tin kiến thức
Viêm tuyến Bartholin: 8 điều cần biết

Viêm tuyến Bartholin là một căn bệnh phụ khoa nguy hiểm ở phụ nữ. Vậy nguyên nhân gây bệnh là gì? Bệnh nguy hiểm như thế nào? Điều trị được không?

Thông tin kiến thức
Chậm kinh: nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng tránh

Chậm kinh là hiện tượng kinh nguyệt bất thường ở nữ giới. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị chậm kinh để bảo vệ sức khỏe sinh sản.

All in one
Liên hệ