Cốc nguyệt san đã trở thành một phương pháp thay thế phổ biến cho băng vệ sinh được nhiều người tin dùng. Cùng tìm hiểu ưu nhược điểm, cách sử dụng cốc cho những ngày hành kinh để mang lại hiệu quả tốt nhất qua bài viết dưới đây.
1. Cốc nguyệt san là gì?
Cốc nguyệt san (menstrual cup) là một dụng cụ dùng trong thời kỳ kinh nguyệt. Sản phẩm này được làm từ chất liệu silicone y tế mềm, đàn hồi và có hình dạng như một chiếc cốc nhỏ. Khi được đặt vào âm đạo, cốc sẽ hứng và giữ lại dòng máu kinh thay vì thấm hút như băng vệ sinh thông thường.
Với thiết kế đặc biệt vừa khít với cơ thể phụ nữ, cốc có thể sử dụng an toàn trong thời gian dài (lên đến 12 giờ) mà không gây rò rỉ hay khó chịu. Sau mỗi lần sử dụng, chị em chỉ cần đổ máu kinh ra, vệ sinh sạch sẽ bằng nước và xà phòng rồi có thể tái sử dụng cho lần tiếp theo.
Nhờ vậy, sử dụng cốc cho những ngày hành kinh không chỉ mang lại sự thoải mái, tiện lợi mà còn góp phần bảo vệ môi trường do giảm thiểu rác thải từ băng vệ sinh dùng một lần.
2. Sử dụng cốc nguyệt san mang đến ưu và nhược điểm gì?
Sử dụng cốc chuyên dụng cho kỳ kinh nguyệt mang lại nhiều lợi ích vượt trội so với băng vệ sinh truyền thống:
- Tiết kiệm chi phí: Mỗi chiếc cốc có thể dùng lại nhiều lần trong vòng 1 năm, giúp chị em không cần mua băng vệ sinh hàng tháng.
- Thân thiện với môi trường: Thay vì thải ra hàng trăm băng vệ sinh, việc sử dụng cốc giúp giảm đáng kể lượng rác thải khó phân hủy.
- Thoải mái: Khi đặt đúng cách, sản phẩm này sẽ không gây cảm giác đau, ngứa hay khó chịu. Chị em có thể thoải mái vận động mà không lo bị lộ.
- Thời gian sử dụng dài: Cốc cho những ngày hành kinh có thể đeo liên tục tối đa 12 giờ, lâu hơn nhiều so với băng vệ sinh thông thường (4-8 giờ).
Tuy nhiên, sử dụng cốc nguyệt san cũng có một số hạn chế nhất định như:
- Đòi hỏi thời gian làm quen: Chị em cần có kiến thức và thực hành để lắp đặt cốc một cách chính xác, thoải mái. Quá trình làm quen này có thể mất vài chu kỳ kinh.
- Nguy cơ rò rỉ nếu sử dụng không đúng: Lắp cốc không đúng cách có thể khiến máu kinh bị tràn ra ngoài.
- Vệ sinh phức tạp hơn: Sau mỗi lần sử dụng, chị em cần phải rửa sạch cốc bằng nước và xà phòng rồi lau khô, không tiện lợi như việc vứt bỏ băng vệ sinh.
- Tăng nguy cơ viêm nhiễm âm đạo: do giữ lại máu kinh trong thời gian dài nên tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có hại phát triển và gây viêm âm đạo, viêm cổ tử cung. Ngoài ra nếu vệ sinh cốc và tay không sạch sẽ trước khi đặt cốc cũng có thể vô tình đưa vi khuẩn vào âm đạo. Vì thế các chị em đang có viêm nhiễm đường sinh dục nên cân nhắc và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
3. Chọn cốc nguyệt san thế nào?
Bước đầu tiên trong quá trình sử dụng cốc nguyệt san là lựa chọn được sản phẩm có kích thước phù hợp với cơ thể. Hiện nay, hầu hết các nhà sản xuất đều cung cấp 2 size cốc khác nhau như
Size thường (nhỏ) phù hợp với các chị em có các đặc điểm như:
- Phụ nữ dùng băng vệ sinh hoặc tampon loại thường.
- Lượng kinh nguyệt ít (vào những ngày máu kinh ra nhiều cũng không thấm hết băng vệ sinh).
- Dưới 30 tuổi.
- Chưa đẻ thường.
- Có cơ sàn chậu khỏe.
Size lớn hơn phù hợp với các chị em có các đặc điểm như:
- Phụ nữ thường dùng băng hoặc tampon dày, dạng dùng ban đêm.
- Lượng kinh nguyệt nhiều.
- Trên 30 tuổi.
- Đã từng đẻ thường.
- Cơ sàn chậu yếu.
Hai loại cốc này đều chứa được lượng máu tương đương 2,5 băng vệ sinh. Chiều dài thường thấy của hai loại này khoảng 70mm.
Lưu ý, cốc nguyệt san có thể không thích hợp với phụ nữ có cổ tử cung thấp bất thường hoặc chưa quan hệ tình dục. Ngoài kích thước, chất liệu và độ cứng hay mềm của cốc cũng là yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi lựa chọn sản phẩm phù hợp.
4. Cách dùng cốc nguyệt san
Dùng cốc nguyệt san cần trải qua một số bước sau:
4.1. Bước 1: Gấp cốc
Đầu tiên, chị em hãy hít thở sâu và thư giãn. Tiếp theo, tiến hành gấp cốc thành hình chữ C bằng cách ấn hai bên thành cốc vào nhau và kẹp chặt. Đây là cách gấp phổ biến nhất, đặc biệt phù hợp cho người mới bắt đầu.
4.2. Bước 2: Đặt cốc vào âm đạo
Chị em giữ tư thế thoải mái (ngồi hoặc đứng với hai chân dang rộng), đưa cốc nguyệt san đã gấp vào âm đạo theo hướng chéo lên, tương tự như khi đặt tampon. Khi thả tay ra, cốc sẽ tự động mở rộng trở lại hình dáng ban đầu.
Để chắc chắn cốc đã nằm đúng vị trí, hãy dùng ngón tay kiểm tra xung quanh chân cốc, đảm bảo không còn khoảng hở giữa thành cốc và thành âm đạo. Nếu cốc chưa vào đúng chỗ, chị em có thể lấy ra và đặt lại cho đến khi cảm thấy thoải mái, không còn cảm giác vướng víu.
4.3. Bước 3: Tháo cốc
Sau 8-12 giờ (tùy lượng kinh), chị em nên lấy cốc ra để vệ sinh. Một số hành động chị em cần thực hiện như:
- Tư thế ngồi xổm hoặc chân dang rộng, người dùng thả lỏng cơ thể.
- Dùng ngón tay kéo nhẹ phần đuôi cốc, bóp nhẹ phần đáy để xả bớt lực hút.
- Nghiêng cốc sang một bên để tách khỏi thành âm đạo
- Từ từ kéo cốc ra ngoài, tránh làm tràn máu ra ngoài.
- Đổ máu kinh vào bồn cầu.
- Rửa sạch cốc bằng nước và xà phòng dịu nhẹ.
- Lau khô cốc rồi đặt lại vào âm đạo hoặc cất giữ vào hộp chuyên dụng để dùng cho lần sau.
Nếu không có điều kiện vệ sinh, chị em có thể dùng khăn giấy lau sơ qua cốc rồi đặt lại.
Sau khi kết thúc chu kỳ kinh, người dùng nên khử trùng cốc bằng cách luộc trong nước sôi 5-7 phút. Sau đó, tiến hành lau khô, cất vào hộp kín và để nơi thoáng mát cho đến kỳ kinh tiếp theo. Thông thường, mỗi chiếc cốc dành cho những ngày hành kinh nên được thay mới sau 1 năm sử dụng để đảm bảo an toàn và vệ sinh.
5. Bí quyết khi dùng cốc nguyệt san lần đầu
Lần đầu sử dụng cốc nguyệt san có thể gây lúng túng và khó khăn. Dưới là một số bí quyết để quá trình này diễn ra thuận lợi hơn:
5.1. Khi đặt cốc
Khi đặt cốc nguyệt san, chị em nên thực hiện những biện pháp sau để quá trình diễn ra thuận lợi hơn:
- Tạo không gian riêng tư, thoải mái để có thể tập trung mà không bị gián đoạn, căng thẳng.
- Xác định vị trí cổ tử cung để đặt cốc đúng chỗ.
- Tập luyện ngay trong hoặc trước kỳ kinh để âm đạo dễ thích nghi hơn. Nếu tập trước kỳ kinh, chị em nên dùng nước để làm chất bôi trơn.
- Thử các cách gấp cốc nguyệt san khác nhau để tìm ra kiểu phù hợp nhất với mình.
- Kiên nhẫn và không nên kỳ vọng kết quả hoàn hảo ngay lần đầu, có thể cần vài lần thử mới thành công.
5.2. Khi tháo cốc
Khi tháo cốc nguyệt san, chị em có thể tham khảo một số mẹo sau để giúp việc sử dụng đơn giản hơn:
- Giữ bình tĩnh và thư giãn, tránh dùng lực mạnh kéo cốc ra vì dễ gây đau và khó chịu.
- Bóp đáy cốc để xả lực hút trước khi kéo ra. Lắc nhẹ cốc sang hai bên để tách khỏi thành âm đạo dễ dàng hơn.
- Dùng ngón tay tách cốc khỏi thành âm đạo trước khi kéo ra để tránh đổ máu.
Như vậy, cốc nguyệt san là một giải pháp hiệu quả và thân thiện để thay thế cho băng vệ sinh truyền thống. Mặc dù quá trình làm quen và sử dụng cốc lần đầu có thể gặp đôi chút khó khăn, song chỉ cần kiên trì tập luyện và áp dụng các mẹo vặt phù hợp, chị em sẽ nhanh chóng cảm thấy thoải mái và tự tin hơn với phương pháp mới mẻ này.
6. Cách dùng cốc nguyệt san để tránh viêm
Một trong những nhược điểm của việc sử dụng cốc nguyệt san với băng vệ sinh thông thường là tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo do thời gian để lưu giữ máu kinh trong âm đạo lâu hơn. Do đó, để tránh bị viêm nhiễm khi sử dụng, cần lưu ý một số điểm sau:
- Luôn rửa tay sạch trước khi đụng vào cốc. Điều này giúp tránh vi khuẩn từ tay lây lan vào âm đạo.
- Vệ sinh cốc đúng cách bằng nước sạch và xà phòng nhẹ sau mỗi lần sử dụng. Chị em có thể cân nhắc khử trùng cốc bằng cách luộc sôi trong 5-7 phút.
- Thay cốc nguyệt san đúng thời hạn khuyến cáo, thường là 10-12 tiếng. Không nên để cốc trong âm đạo quá lâu, tránh vi khuẩn phát triển và gây bệnh.
Khi sử dụng cốc, chị em cần chú ý các dấu hiệu viêm nhiễm như ngứa rát, tiết dịch bất thường hoặc đau. Nếu gặp phải những dấu hiệu kể trên, chị em cần tạm ngưng sử dụng và đi khám bác sĩ ngay.
7. Những ai không nên dùng cốc nguyệt san
Mặc dù phù hợp với đa số phụ nữ nhưng sản phẩm này vẫn không thích hợp cho tất cả mọi người. Dưới đây là một số trường hợp nên cân nhắc khi quyết định sử dụng cốc nguyệt san cho những ngày hành kinh:
- Phụ nữ chưa quan hệ tình dục lần nào: Vì màng trinh còn nguyên vẹn, việc sử dụng cốc có thể gây tổn thương cấu trúc này.
- Phụ nữ có cổ tử cung đặt thấp: Khiến cho việc đặt cốc khó khăn hoặc gây khó chịu.
- Người mắc chứng co thắt âm đạo: Việc đưa một vật lạ vào âm đạo khi cơ quan này có thắt sẽ rất đau đớn.
- Phụ nữ đang mắc các viêm nhiễm phụ khoa: Sử dụng cốc trong giai đoạn này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
8. Lời khuyên của bác sĩ
Theo các chuyên gia phụ khoa, sử dụng cốc nguyệt san là một phương pháp an toàn và tiện lợi thay thế cho băng vệ sinh dùng một lần. Tuy nhiên, cũng như mọi sản phẩm khác, chị em cần lưu ý một số điểm để đảm bảo an toàn. Dưới đây là lời khuyên của bác sĩ giúp chị em sử dụng cốc nguyệt san hiệu quả:
- Trước khi bắt đầu dùng, tìm hiểu thật kỹ về cách sử dụng cốc để đảm bảo đặt vào đúng cách, tránh gây khó chịu hay tổn thương.
- Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vệ sinh trước và sau khi sử dụng cốc nguyệt san. Luôn rửa tay sạch, dùng xà phòng nhẹ để rửa cốc và khử trùng định kỳ.
- Nếu thấy đau đớn hay khó chịu bất thường, chị em cần tạm ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Khám phụ khoa định kỳ để theo dõi sức khỏe sinh sản nói chung, kể cả khi sử dụng cốc nguyệt san thường xuyên mà không có triệu chứng bất thường.
- Trao đổi với bác sĩ nếu có bất cứ quan ngại hay thắc mắc nào về việc sử dụng cốc, để được tư vấn cụ thể cho trường hợp của bản thân.
Cốc nguyệt san ngày càng trở nên phổ biến như một giải pháp thay thế cho các sản phẩm cho ngày hành kinh truyền thống. Với những lợi ích như tiết kiệm, thân thiện môi trường, thoải mái và giảm nguy cơ mẫn cảm, sử dụng cốc nguyệt san có thể thay đổi trải nghiệm kinh nguyệt của chị em theo hướng tích cực.
Mỗi người phụ nữ sẽ có những trải nghiệm riêng khi dùng cốc nguyệt san. Nhiều người có thể mất một chút thời gian để làm quen nhưng một khi đã thành thạo, đây hứa hẹn là một sự lựa chọn đáng cân nhắc. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, chị em có thể vào group Hỏi đáp bệnh phụ khoa Hà Nội để được bác sĩ giải đáp và nhận lời khuyên từ những người gặp trường hợp tương tự với mình nhé.