Bị lạc nội mạc trong cơ tử cung nên ăn và kiêng ăn gì?

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Bạn quan tâm đến bệnh lý lạc nội mạc trong cơ tử cung? Bài viết này sẽ giúp bạn nắm rõ hơn về bệnh lý, triệu chứng, các phương pháp điều trị bệnh lý lạc nội mạc trong cơ tử cung.

Lạc nội mạc trong cơ tử cung là bệnh lý phụ khoa mãn tính, phức tạp, dễ tái phát, tỷ lệ mắc chiếm 6 – 10% phụ nữ ở độ tuổi sinh sản, khoảng 50 – 60% phụ nữ với triệu chứng đau vùng chậu hông và trên 50% phụ nữ hiếm muộn có lạc nội mạc trong cơ tử cung ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khả năng sinh sản.

Vậy nguyên nhân, triệu chứng nhận biết, phương pháp điều trị là gì? Mời bạn tìm hiểu trong bài viết này.

Lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng sinh sản
Lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng sinh sản

1. Lạc nội mạc trong cơ tử cung là gì?

Lạc nội mạc trong cơ tử cung được định nghĩa là trường hợp khi có mặt tổ chức tuyến, đệm hay tổ chức giống niêm mạc tử cung khu trú ở trong cơ tử cung.

Nội mạc tử cung bình thường là lớp tế bào trong lòng tử cung. Chúng chịu sự chi phối của nội tiết tố nữ là Estrogen và Progesterone. Dưới sự tác động của các nội tiết này, sẽ xảy ra hiện tượng tăng sinh và bong tróc những tế bào nội mạc tử cung và gây ra hiện tượng hành kinh mỗi tháng ở người phụ nữ.

Nhũng mô nội mạc tử cung lạc chỗ cũng chịu sự chi phối của nội tiết tố nữ tương tự như nội mạc tử cung ở vị trí bình thường. Hiện tượng này gây nên các tổn thương nhu viêm, xơ hóa, tạo sẹo hoặc tích tụ dịch tạo thành các u nang, có thể gây dính làm biến dạng giải phẫu vùng chậu của người phụ nữ.

1.1. Nguyên nhân gây Lạc nội mạc trong cơ tử cung

Nguyên nhân gây lạc nội mạc trong cơ tử cung hiện vẫn chưa được biết chính xác. Một số chuyên gia theo giả thuyết đã nêu lên những nguyên nhân sau:

1.1.1. Do tang trưởng mô xâm lấn

Một số chuyên gia tin rằng các tế bào nội mạc tử cung từ niêm mạc tử cung sẽ xâm lấn cơ tử cung. Các vết rạch tử cung được thực hiện trong một ca phẫu thuật như mổ lấy thai có thể thúc đẩy sự xâm lấn trực tiếp của các tế bào nội mạc tử cung vào thành tử cơ tử cung.

1.1.2. Yếu tố di truyền

Vì bệnh có tính chất gia đình nên bệnh có khả năng di truyền qua gen. Nghiên cứu cho thấy tình trạng bệnh có xu hướng nặng dần qua các thế hệ.

1.1.3. Nội tiết tố

Nồng độ hormone estrogen trong cơ thể tang cao được cho là nguyên nhân gây bệnh.

1.1.4. Viêm tử cung liên quan đến sinh nở

Một giả thuyết khác cho thấy mối liên quan giữa bệnh và sinh đẻ. Viêm niêm mạc tử cung trong thời kỳ hậu sản có thể gây ra sự phá vỡ ranh giới bình thường của các tế bào.

1.2. Triệu chứng của lạc nội mạc trong cơ tử cung.

Theo nghiên cứu Lạc nội mạc trong cơ tử cung có thể tiến triển âm thầm, không có triệu chứng. Các triệu chứng có thể gặp ở phụ nữ có lạc nội mạc tử cung bao gồm:

  • Đau bụng hoặc đau lưng theo chu kỳ kinh.
  • Đau khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục.
  • Đau vùng chậu mãn tính.
  • Ra máu kinh nhiều hoặc hành kinh bất thường
  • Tiêu chảy hoặc táo bón
  • Hiếm muộn hoặc khó có thai.

1.3. Chẩn đoán

Các bác sĩ thường chẩn đoán lạc nội mạc trong cơ tử cung dựa vào các triệu chứng mà các chị em gặp phải như là : đau bụng theo chu kỳ kinh, đau khi quan hệ, rong kinh. Bên cạnh đó, một số xét nghiệm khác cũng được thực hiện như sau:

  • Khám vùng chậu: Khi khám có thể phát hiện tử cung to hơn, chắc hơn hoặc đau hơn khi thăm khám.
  • Siêu âm: Khi siêu âm có thể phát hiện tử cung to hơn, thành cơ tử cung dày hơn so với bình thường, dày không đối xứng, thành sau cơ tử cung dày nhiều hơn so với thành trước.
  • Chụp cộng hưởng từ: cũng có thể thấy tử cung to, dày không cân xứng thành cơ tử cung hoặc những dấu hiệu đặc trưng khác.

1.4. Lạc nội mạc trong cơ tử cung được điều trị như nào?

Không có biện pháp chữa khỏi hoàn toàn lạc nội mạc tử cung. Mục tiêu của việc điều trị là giải quyết các triệu chứng và các vấn đề sức khỏe gây ra bởi lạc nội mạc trong cơ tử cung như đau mãn tính, vô sinh. Bệnh có thể điều trị bằng những phương pháp như nội khoa, thông qua việc sử dụng các thuốc đặc hiệu hoặc có thể can thiệp ngoại khoa nếu bệnh mức độ nặng, tổn thương nhiều cơ quan trong bụng. Tuy nhiên, chị em cần được thăm khám và sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc
Một số phương pháp điều trị :

Điều trị nội khoa:

  • Thuốc giảm đau: thường sử dụng thuốc khám viêm Non-steroid (NSAIDs), như: ibuprofen, Diclofenac, hoặc thuốc giảm đau khác như Paracetamol có chứa Codein để giúp hạn chế cơn đau.
  • Để điều trị tình trạng ra nguyệt san nhiều hoặc chảy máu tử cung bất thường thì một số loại thuốc nội tiết tố có thể được sử dụng như: thuốc viên tránh thai, các loại thuốc nội tiết chứa Progestin hay các dụng cụ tử cung chứa nội tiết tố hay sử dụng thuốc GnRh agonist, một loại thuốc nội tiết giúp kích hoạt lên buồng trứng ngưng sản xuất ra nội tiết tố , có thể giúp làm giảm đau và giảm lượng máu mất.
  • Các thuốc không chứa nội tiết: các loại thuốc như Tranexamic acid cũng có thể được sử dụng để làm giảm lượng máu kinh.

Điều trị ngoại khoa:

  • Hủy lớp nội mạc tử cung: Một khi lớp nội mạc tử cung được loại bỏ, bệnh nhân sẽ có kinh nguyệt ít hơn hoặc một số trường hợp sẽ không còn ra kinh nguyệt nữa. Sau khi thực hiện đốt hủy nội mạc, chị em sẽ không thể mang thai, cũng như không làm cải thiện cơn đau liên quan đến lạc nội mạc trong cơ tử cung.
  • Hủy lớp nội mạc trong cơ tử cung bằng đốt sóng cao tầng: Đây là thủ thuật tiên tiến được áp dụng gần đây trên thế giới, giúp điều trị cho những bệnh nhân vẫn còn có ý định sinh con và không muốn phải điều trị phẫu thuật.
  • Phẫu thuật cắt bỏ khối lạc nội mạc tử cung: Là phẫu thuật để loại bỏ khối lạc nội mạc khỏi cơ tử cung.
  • Phẫu thuật cắt tử cung: Đây là biện pháp giải quyết triệt để .

2. Cải thiện lạc nội mạc trong cơ tử cung nhờ thay đổi lối sống.

Hiện nay một số tác giả đã đưa ra việc thay đổi lối sống có thể giúp ích cho người bệnh bị lạc nội mạc trong cơ tử cung, việc chăm sóc toàn diện có thể giúp kiểm soát cơn đau và khắc phục nhanh chóng tình trạng bệnh. Ngoài việc thực hiện lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, các chị em cần có một chế độ dinh dưỡng khoa học. Các thực phẩm lành mạnh có thể cải thiện tình trạng đau, viêm, tăng sức đề kháng. Những cơn đau có thể tồi tệ hơn, nếu các chị ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, uống nhiều đồ có cồn.

2.1. Lạc nội mạc trong tử cung nên ăn gì??

2.1.1 Thực phẩm giàu Omega-3

Lạc nội mạc trong tử cung nên ăn gì là câu hỏi được nhiều chị em quan tâm, các chị em hay bổ sung các thực phẩm giàu chất béo lành mạnh Omega-3 có khả năng chống viêm. Chất béo này có thể tìm thấy trong cá và các nguồn thực vật khác.

Chất béo Omega-3 và Omega-6 hoạt động như các khối xây dựng của các phân tử giảm viêm và giảm đau của cơ thể. Do lạc nội mạc tử cung thường liên quan đến đau và viêm, nên việc  sử dụng tỷ lệ chất béo Omega-3 và Omega-6 trong chế độ ăn uống đặc biệt có lợi cho chị em mắc bệnh này.

Omega-3 giúp cải thiện rõ ràng các triệu chứng trong lạc nội mạc trong cơ tử cung
Omega-3 giúp cải thiện rõ ràng các triệu chứng trong lạc nội mạc trong cơ tử cung

Chị em có thể bổ sung các thực phẩm giàu Omega-3 như các loại cá, trứng, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó, đậu nành.

2.1.2. Trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt

Lợi ích của những thực phẩm này có thể đặc biệt quan trọng đối với những chị em bị lạc nội mạc trong cơ tử cung. Trên thực tế, lượng chất xơ cao có thể làm giảm mức độ Estrogen.

Nguồn cung cấp chất xơ tốt nhất phải kể đến hoa quả, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt. Những thực phẩm này cũng cung cấp chất chống oxy hóa, có tác dụng chống viêm, giảm cơn đau liên quan đến bệnh.

2.1.3. Thực phẩm giàu Protein.

Các thực phẩm giàu protein có vai trò cân bằng hormone và điều hòa nội tiết trong cơ thể. Từ đó sẽ có tác dụng hỗ trợ, giảm triệu chứng bệnh. Nguồn Protein nên chọn từ cá, thực vật như lạc, đậu tương.

2.2. Lạc nội mạc trong cơ tử cung nên kiêng ăn gì?

Dù cần nghiên cứu thêm để xác định mối tương quan giữa một số loại thực phẩm, hoặc thói quen lối sống với sự phát triển hoặc thuyên giảm của tình trạng bệnh. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm dưới đây được cho là có thể gây bệnh trầm trọng lên.

2.2.1. Thịt đỏ

Một số nghiên cứu đã chỉ rằng, khi ăn nhiều các loại thịt đỏ như thịt bê, thịt cừu, thịt bò, thịt lợn sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh nhiều hơn.

Lạc nội mạc trong cơ tử cung là một bệnh phụ thuộc vào Estrogen, nồng độ Estrogen trong máu cao hơn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Bởi vậy, nên hạn chế ăn thịt đỏ vì các thực phẩm này có thể làm tăng nồng độ Estrogen dẫn đến tình trạng thừa Estrogen.

2.2.2. Các chất Gluten

Gluten có nhiều trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen, có mặt nhiều trong các loại thực phẩm như bánh ngọt, bánh mì, mì ống và ngũ cốc. Do đó, chị em có thể loại bỏ Gluten bằng cách hạn chế sử dụng nhóm thực phẩm này.

2.2.3. Các chất béo chuyển hóa

Nhiều nghiên cứu cũng đã phát hiện ra tỷ lệ chẩn đoán lạc nội mạc trong cơ tủ cung cao hơn ở những phụ nữ tiêu thụ nhiều chất béo chuyển hóa. Chất béo chuyển hóa được tìm thấy chủ yếu trong thức ăn chiên rán, đồ chế biến sẵn, thức ăn nhiều dầu.

2.2.4. Đồ cay

Các thực phẩm cay nóng như ớt, hạt tiêu, sa tế thường sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển gây viêm nhiễm. Điều này cũng khiến tình trạng bệnh nặng hơn.

3. Một số lưu ý trong quá trình điều trị lạc nội mạc trong tử cung

3.1. Đối với chị em không còn nhu cầu sinh con

Đối với chị em đã đủ con, không có nhu cầu sinh con có thể được cân nhắc điều trị lạc nội mạc trong tử cung bằng thuốc nội tiết hay phẫu thuật khi điều trị nội khoa thất bại.

3.2. Đối với các chị em mong muốn có thai

Trong trường hợp điều trị hiếm muộn không có kết quả, có thể mang thai nhờ đến các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

3.3. Đối với các chị em đang mang thai

Điều trị ở phụ nữ đang mang thai sẽ điều trị bằng các thuốc hỗ trợ giảm đau . Không khuyến cáo điều trị bằng các thuốc nội tiết vì có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai.

4. Trong trường hợp cần đến khám bác sĩ ngay trong quá trình điều trị

Vì lạc nội mạc trong cơ tử cung là bệnh lý phức tạp, dễ tái phát, đòi hỏi phải tuân thủ điều trị của bác sĩ và quá trình điều trị thường kéo dài. Nếu chị em trong quá trình điều trị gặp các dấu hiệu sau đây thì nên đến khám bác sĩ :

  • Đau bụng dữ dội, tăng lên.
  • Rong kinh, chảy máu âm đạo bất thường
  • Đi phân ngoài có máu, phân màu đen
  • Xuất hiện dị ứng với thuốc
  • Tác dụng phụ của thuốc

5. Liên hệ với bác sĩ

Lạc nội mạc trong tử cung nếu không được điều trị hiệu quả có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Chính vì thế, chị em cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ, cũng như có chế độ ăn uống khoa học để mang lại hiệu quả điều trị tối ưu. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể tham gia Group “HỎI ĐÁP BỆNH PHỤ KHOA” của BSKII Đỗ Thị Ngọc Lan – Nguyên Trưởng khoa Phụ Ngoại Bệnh viện Phụ sản Trung ương để nhận giải đáp từ chuyên gia và các thành viên trong nhóm.

Bài viết liên quan

Thông tin kiến thức
Soi tươi huyết trắng để làm gì?

Nhiều chị em thắc mắc: “Soi tươi huyết trắng để làm gì?”. Đây là một xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh lý phụ khoa. Cùng bài viết tìm hiểu nhé.

Thông tin kiến thức
Hướng dẫn cách đọc kết quả soi tươi dịch âm đạo

Soi tươi dịch âm đạo giúp chẩn đoán mức độ viêm và tác nhân gây bệnh phụ khoa. Tìm hiểu cách đọc kết quả bình thường và bất thường để điều trị kịp thời.

Thông tin kiến thức
Clue cell trong kết quả soi tươi là gì?

Nhiều chị em khi nhận được kết quả xét nghiệm chưa nắm rõ Clue cell trong kết quả soi tươi là gì. Tìm hiểu ngay về Clue cell trong xét nghiệm soi tươi.

Thông tin kiến thức
Kinh nguyệt ra ít có sao không?

Kinh nguyệt ra ít là triệu chứng rất thường gặp ở chị em trong những ngày hành kinh. Cùng làm rõ nguyên nhân kinh nguyệt ra ít ở bài viết dưới!

All in one
Liên hệ