Lạc nội mạc trong cơ tử cung: triệu chứng, chẩn đoán, điều trị

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Lạc nội mạc trong cơ tử cung xảy ra khi niêm mạc tử cung nằm sai chỗ. Tuy không gây nguy hiểm song bệnh thường gây ra một số triệu chứng khó chịu. Vậy biểu hiện của bệnh lạc nội mạc trong cơ tử cung là gì, chẩn đoán và điều trị như thế nào

1. Lạc nội mạc trong cơ tử cung là gì? 

Lạc nội mạc trong cơ tử cung xảy ra khi niêm mạc của tử cung nằm sai chỗ
Lạc nội mạc trong cơ tử cung xảy ra khi niêm mạc của tử cung nằm sai chỗ

Nội mạc tử cung là lớp niêm mạc lót ở mặt trong tử cung, bao phủ toàn bộ bề mặt phía bên trong tử cung. Lớp nội mạc tử cung này sẽ phát triển (dày lên, bong ra, mỏng đi) theo sự lên xuống của hormon sinh dục nữ trong một chu kỳ kinh nguyệt. 

Lạc nội mạc trong cơ tử cung là một bất thường khi nội mạc nằm sai chỗ. Thay vì chỉ nằm ở mặt trong tử cung, lớp nội mạc này còn xuất hiện tại các lớp cơ của tử cung. 

2. Triệu chứng gợi ý của bệnh lạc nội mạc trong cơ tử cung 

Triệu chứng của ở mỗi phụ nữ sẽ khác nhau. Cứ 3 phụ nữ được chẩn đoán sẽ có 1 người không cảm nhận được dấu hiệu hay triệu chứng nào. 

Tuy nhiên, cũng có trường hợp người bệnh có thể gặp phải một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng của bệnh, bao gồm: 

  • Đau bụng nhiều khi đến kỳ kinh nguyệt, có thể kèm theo cả chuột rút nặng.
  • Lượng máu kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài.
  • Kinh nguyệt bất thường.
  • Đau mạn tính vùng hông và xương chậu.
  • Đau vùng bụng trong cả quá trình quan hệ tình dục (chứng đau khi quan hệ tình dục).
  • Cảm giác đầy bụng, chướng bụng, nặng nề.

3. Chẩn đoán lạc nội mạc trong cơ tử cung 

Để chẩn đoán, bác sĩ thường kết hợp hỏi triệu chứng từ người bệnh với thực hiện một số thăm khám, xét nghiệm cận lâm sàng như: thăm khám vùng chậu, siêu âm đầu dò âm đạo, chụp cộng hưởng từ (MRI).

3.1. Thăm khám vùng chậu 

Đây là bước đầu tiên trong quá trình chẩn đoán. Bác sĩ sẽ khám vùng chậu của bệnh nhân, đặc biệt chú trọng kiểm tra tử cung bằng cách sờ, nắn để cảm nhận độ to, mềm hay chắc, vị trí đau của bệnh nhân,…

3.2. Siêu âm

Siêu âm là bước tiếp theo của quá trình chẩn đoán. Siêu âm đầu dò thông qua đường âm đạo được đánh giá cho kết quả rõ nét hơn, phù hợp với phụ nữ đã lập gia đình hoặc đã từng quan hệ tình dục. 

Đây là phương pháp xét nghiệm nhanh chóng, đơn giản, ít tốn kém. Việc siêu âm có thể phát hiện lạc nội mạc trong cơ tử cung hay không còn phụ thuộc nhiều vào tay nghề bác sĩ và chất lượng hình ảnh siêu âm.

3.3. Chụp cộng hưởng từ (MRI) 

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, chụp cộng hưởng từ (MRI) là công cụ tốt nhất về hình ảnh, giúp chẩn đoán lạc nội mạc trong cơ tử cung

MRI có thể cung cấp hình ảnh cực kì sắc nét, cho biết vị trí chính xác và mức độ lan rộng của lạc nội mạc trong cơ tử cung. Ngoài ra, chụp cộng hưởng từ còn giúp phân biệt giữa lạc nội mạc trong cơ tử cung với u xơ tử cung trong những trường hợp khó xác định. Đây là điều mà phương pháp siêu âm không đảm bảo được tính chính xác.

4. Phương pháp điều trị lạc nội mạc trong cơ tử cung 

Hormon estrogen thúc đẩy sự phát triển của nội mạc trong cơ tử cung và hormon estrogen sẽ suy giảm khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh. Do đó, thời kỳ mãn kinh là một dấu mốc quan trọng đối với người bệnh. Bởi khi bước vào thời kỳ mãn kinh, nhiều triệu chứng của bệnh sẽ dần biến mất.

Phương pháp điều trị lạc nội mạc trong cơ tử cung bao gồm các biện pháp: dùng thuốc, can thiệp nội tiết tố và phẫu thuật.

Nếu bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ sẽ ưu tiên điều trị bằng phương pháp không cần phẫu thuật và chờ đợi đến khi mãn kinh. Ngược lại, với những bệnh nhân có triệu chứng nặng, cần cân nhắc đến biện pháp phẫu thuật.

4.1. Dùng thuốc 

Bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định một số loại thuốc sau, tùy tình hình bệnh và tiền sử dùng thuốc:

– Thuốc giảm đau chống viêm NSAID tiêu biểu như ibuprofen (Gofen, Hagifen, Ibumed), naproxen (Propain) nhằm làm giảm cơn đau bụng kinh.

– Thuốc cầm máu tiêu biểu như axit tranexamic (Transamin) giúp giảm ra máu trong những ngày kinh nguyệt.

4.2. Điều trị nội tiết tố 

Điều trị nội tiết tố giúp giảm đau, giảm lượng máu kinh và hạn chế chảy máu bất thường. Biện pháp này bao gồm các lựa chọn như: uống thuốc tránh thai hằng ngày, thuốc tiêm tránh thai, đặt vòng tránh thai nội tiết.

Sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày khi điều trị lạc nội mạc trong cơ tử cung
Sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày khi điều trị lạc nội mạc trong cơ tử cung

Theo các chuyên gia, người bệnh cần sử dụng biện pháp uống thuốc tránh thai trong 3 – 6 tháng hoặc đặt vòng tránh thai nội tiết trong 6 – 12 tháng để biết liệu các biện pháp điều trị nội tiết tố này có giúp giảm chảy máu nhiều và chuột rút trong kỳ kinh nguyệt hay không.

Đặc biệt, bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc khi không có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ đủ chuyên môn. 

4.3. Phẫu thuật loại bỏ nội mạc tử cung

Với những người bệnh không đáp ứng nhiều với hai biện pháp điều trị là thuốc và nội tiết cũng như không muốn cắt bỏ tử cung, thì lựa chọn tối ưu sẽ là cắt bỏ nội mạc tử cung. Bác sĩ sẽ sử dụng nhiệt như laser để phá hủy các khối lạc nội mạc trong cơ tử cung

Tuy nhiên theo các bác sĩ sản khoa, phương pháp này chỉ giải quyết tạm thời vấn đề để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình mang thai. Bệnh nhân sau đó vẫn có thể gặp lại các triệu chứng của bệnh do các mô lạc nội mạc trong cơ tử cung còn sót.

4.4. Phẫu thuật cắt bỏ tử cung 

Phẫu thuật cắt bỏ tử cung là cách duy nhất điều trị dứt điểm bệnh. Phẫu thuật cắt bỏ tử cung bao gồm chỉ cắt tử cung hoặc cắt cả tử cung và cổ tử cung. Điều này phụ thuộc vào ý muốn của bệnh nhân và khuyến nghị của bác sĩ phẫu thuật. Buồng trứng và ống dẫn trứng vẫn giữ lại nguyên vẹn.

Có các cách thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tử cung như sau:

  • Cắt bỏ tử cung bằng phẫu thuật mở ổ bụng. Đây là một cuộc phẫu thuật với một vết rạch lớn ở bụng. Các bác sĩ cần sử dụng cách này với những trường hợp bệnh lạc nội mạc trong cơ tử cung rất nặng, không thể thực hiện được bằng phương pháp cắt nội soi.
  • Cắt bỏ tử cung bằng phẫu thuật nội soi. Đây là phương pháp phẫu thuật xâm lấn rất ít. Bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi chứa đèn và camera để quan sát khu vực cần cắt. Dụng cụ cắt như dao, nhiệt, hay tia laser cũng được đưa vào cơ thể thông qua một lỗ nhỏ khác trên bụng.
  • Cắt bỏ tử cung bằng đường âm đạo. Một số trường hợp bác sĩ sẽ lựa chọn cắt bỏ tử cung qua đường âm đạo. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ gặp khó khăn nếu âm đạo của bệnh nhân quá nhỏ hoặc tử cung quá to.

5. Lời khuyên từ chuyên gia cho bệnh lý lạc nội mạc trong cơ tử cung 

Với những bệnh nhân lạc nội mạc trong cơ tử cung không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể lựa chọn sống chung với căn bệnh này mà không gặp phiền toái gì quá lớn.

Các triệu chứng như chảy máu kinh rất nhiều hoặc chuột rút sẽ biến mất khi bệnh nhân bước vào thời kỳ mãn kinh.

Ngược lại, với những bệnh nhân có những triệu chứng nặng kèm biến chứng có thể cần can thiệp sớm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mang thai và sinh con cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống sau này.

Điều quan trọng nhất là bệnh nhân lạc nội mạc trong cơ tử cung nên đi thăm khám thường xuyên, trao đổi cùng bác sĩ chuyên khoa để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Bài viết liên quan

Thông tin kiến thức
Gai sinh dục và sùi mào gà có gì khác nhau?

Gai sinh dục và sùi mào gà có nhiều đặc điểm khác biệt. Bài viết chia sẻ kiến thức về gai sinh dục, sùi mào gà và cách phân biệt, phòng tránh và điều trị chúng.

Thông tin kiến thức
Rối loạn kinh nguyệt: Nguyên nhân, chẩn đoán & cách điều trị

Rối loạn kinh nguyệt gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày. Tìm hiểu nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị hiệu quả để cải thiện tình trạng này.

Thông tin kiến thức
Bế sản dịch sau sinh: 7 điều cần biết

Bế sản dịch sau sinh là tình trạng sản dịch tồn đọng lại ở tử cung, gây các biến chứng nguy hiểm. Do đó, chị em cần nắm rõ nguyên nhân và cách phòng tránh.

Thông tin kiến thức
Viêm tuyến Bartholin: 8 điều cần biết

Viêm tuyến Bartholin là một căn bệnh phụ khoa nguy hiểm ở phụ nữ. Vậy nguyên nhân gây bệnh là gì? Bệnh nguy hiểm như thế nào? Điều trị được không?

All in one
Liên hệ