Chụp tử cung vòi trứng là một trong những xét nghiệm giúp bác sĩ xác định các vấn đề liên quan đến ống dẫn trứng. Vậy viêm lộ tuyến có chụp vòi trứng được không? Cùng tìm hiểu điều kiện để chụp tử cung vòi trứng qua bài viết dưới đây nhé!
1. Chụp X-quang tử cung vòi trứng
Hệ thống sinh dục nữ được cấu tạo từ nhiều bộ phận khác nhau. Mỗi bộ phận thường đảm nhận những chức năng riêng giúp cho quá trình sinh sản của chị em diễn ra thuận lợi. Từ ngoài vào trong, hệ thống sinh dục nữ bao gồm:
- Bộ phận sinh dục ngoài: là bộ phận có thể nhìn thấy từ bên ngoài, giúp bảo vệ các cấu trúc khác nằm ở bên trong của cơ quan sinh dục nữ.
- Âm đạo: cơ quan này có cấu tạo tương tự dạng ống, nối giữa cơ quan sinh dục ngoài và tử cung.
- Tử cung: là cơ quan có hình quả lê bao gồm cổ tử cung tiếp xúc với âm đạo và thân tử cung nằm ở bên trên. Cơ quan này giúp tạo môi trường ký tưởng để cho thai có thể làm tổ cũng như cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi trong suốt thai kỳ.
- Ống dẫn trứng (Vòi trứng): là cơ quan tiếp sau tử cung có nhiệm vụ nối thân tử cung và buồng trứng. Đây cũng là nơi tinh trùng và trứng gặp nhau để tạo thành hợp tử (thai nhi).
- Buồng trứng: là cơ quan hình bầu dục nằm ở hai bên tử cung. Đây là cơ quan có chức năng dự trữ và sản xuất trứng đủ điều kiện thụ tinh theo chu kỳ, cũng như là cơ quan sản xuất hormone sinh dục nữ (estrogen và progesteron).
Chụp X-quang tử cung vòi trứng (hay thường được gọi tắt là chụp vòi trứng) là xét nghiệm dùng năng lượng của tia X để thu được hình ảnh của tử cung và ống dẫn trứng.
Để hiển thị hình ảnh này, trước khi chụp người bệnh sẽ được bơm chất cản quang vào hai cơ quan này thông qua một thiết bị dạng ống đi từ bộ phận sinh dục ngoài đến âm đạo và cổ tử cung để tiếp xúc với tử cung.
Chụp vòi trứng thường được dùng để chẩn đoán những vấn đề liên quan đến tử cung và buồng trứng khiến người bệnh khó thụ thai.
Vì vậy, trước khi tìm hiểu câu hỏi “Viêm lộ tuyến có chụp vòi trứng được không?, người bệnh cần hiểu được chụp vòi trứng được chỉ định khi nào? Cụ thể, chụp vòi trứng được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Sảy thai nhiều lần.
- Nghi ngờ các khối u hoặc tổn thương trong lòng tử cung: u xơ, polyp, khối u,…
- Đánh giá các bất thường về hình dạng và kích thước của tử cung: tử cung nhi hóa, hai sừng, vách ngăn, 2 thân tử cung,…
- Đánh giá tắc nghẽn của vòi tử cung
- Đánh giá thành công của kỹ thuật thắt ống dẫn trứng (một trong những phương pháp tránh thai được sử dụng với những người không có nhu cầu sinh thêm con nữa).
2. Điều kiện để chụp tử cung vòi trứng
Chụp tử cung vòi trứng thường được thực hiện sau khi sạch kinh khoảng 6-11 ngày. Do đây là thời điểm khoang tử cung sạch, không xuất hiện máu kinh hạn chế tầm nhìn.
Mặt khác, đây cũng là thời điểm ít có khả năng thụ thai nên sẽ giảm ảnh hưởng của thuốc cản quang đến quá trình thụ tinh.
Chụp tử cung vòi trứng là xét nghiệm xâm lấn nên người bệnh phải đảm bảo những điều kiện sau thì mới có thể được bác sĩ chỉ định thủ thuật này:
- Không mang thai.
- Không bị viêm nhiễm vùng chậu.
- Không xuất huyết tử cung nặng – là tình trạng chảy máu ở tử cung nhiều khiến người bệnh xuất hiện tình trạng mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt.
- Tiền sử dị ứng với chất cản quang
3. Viêm lộ tuyến có chụp vòi trứng được không?
Để trả lời câu hỏi “Viêm lộ tuyến có chụp vòi trứng được không?”, ta cần hiểu viêm lộ tuyến là gì?
Cấu trúc bình thường của cổ tử cung bao gồm hai loại tế bào là tế bào tuyến ở bên trong có trách nhiệm tiết dịch nhầy và tế bào biểu mô lát ở bên ngoài không tiết dịch mà có chức năng bảo vệ cổ tử cung.
Viêm lộ tuyến là tình trạng viêm xảy ra do các tế bào tuyến phát triển ra bên ngoài, xâm lấn vị trí của tế bào biểu mô lát và tiết dịch khiến cho dịch âm đạo tiết nhiều bất thường. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây hại phát triển nhanh chóng gây ra viêm nhiễm.
Khi bơm thuốc cản quang vào tử cung, các vi sinh vật tồn tại ở cổ tử cung cũng sẽ theo đó di chuyển đến tử cung và vòi trứng.
Vì vậy, nếu thực hiện chụp vòi trứng khi cổ tử cung đang viêm thì sẽ khiến các vi sinh vật gây hại đến và gây bệnh ở tử cung và ống dẫn trứng. Điều này làm cho tình trạng viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục nặng hơn, khó kiểm soát hơn.
Vì nguyên nhân này nên khi mắc viêm lộ tuyến, người bệnh không được chỉ định chụp vòi trứng để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh.
4. Làm gì khi đang viêm nhưng cần chụp X-quang tử cung vòi trứng?
Song song với câu hỏi “Viêm lộ tuyến có chụp vòi trứng được không?”, người bệnh thường thắc mắc “Nếu đang viêm lộ tuyến nhưng cần chụp X-quang tử cung vòi trứng thì phải làm sao?”.
Như đã đề cập ở trên, hình ảnh thu được từ xét nghiệm này thường được dùng để xác định nguyên nhân khó có thai ở phụ nữ.
Vì vậy, bác sĩ hoàn toàn có thể lên kế hoạch chụp tử cung vòi trứng sau khi đã điều trị khỏi tình trạng viêm lộ tuyến của người bệnh.
Người bệnh viêm lộ tuyến nếu có chỉ định chụp X-quang tử cung vòi trứng thì không nên lo lắng.
Thay vào đó, người bệnh cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ kết hợp với theo dõi những dấu hiệu khỏi viêm lộ tuyến để trao đổi với bác sĩ thời gian thích hợp để chụp tử cung vòi trứng.
Xem thêm: Tiết lộ 4 dấu hiệu khỏi viêm lộ tuyến cổ tử cung
5. Các trường hợp không được chụp vòi trứng
Khi tiến hành chụp vòi trứng, chị em cần thông báo với bác sĩ về các thuốc đang sử dụng và tình trạng sức khỏe để nhận được hướng dẫn phù hợp. Ví dụ như chị em có tiền sử về hen suyễn hoặc dị ứng với loại thuốc nào không? Có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến tiểu đường hoặc việc sử dụng thuốc điều trị, thuốc làm loãng máu không?
Một số trường hợp không nên chụp vòi trứng bao gồm:
- Phụ nữ đang mang thai
- Thời điểm xét nghiệm bị xuất huyết tử cung
- Có dấu hiệu bị viêm vùng chậu hoặc mắc các bệnh về đường sinh dục
6. Lời khuyên từ bác sĩ
Chụp X-quang tử cung vòi trứng là một xét nghiệm an toàn, ít gây biến chứng. Tuy nhiên, đây là xét nghiệm xâm lấn có thể gây nên nhiều vấn đề cho người bệnh như:
- Đau bụng dưới: do thuốc cản quang di chuyển vào tử cung và vòi trứng gây đau. Vì vậy, nếu xuất hiện đau bụng dưới, người bệnh phải thông báo với bác sĩ để có những biện pháp can thiệp phù hợp.
- Co thắt và chảy máu âm đạo: do cần phải đưa thiết bị qua âm đạo nên có thể làm tổn thương cơ quan này. Vì vậy, nếu thấy xuất hiện chảy máu vùng kín, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
- Chóng mặt: do cơ thể chưa thích nghi được với một lượng lớn dịch vào cơ thể nên người bệnh sẽ rất dễ xuất hiện chóng mặt.
Ngoài các biến chứng hay gặp, chụp X-quang tử cung vòi trứng có thể xuất hiện những biến chứng hiếm gặp như:
- Dị ứng: cơ thể nhạy cảm với chất cản quang có thể gây nên tình trạng dị ứng. Vì vậy, nếu có tiền sử dị ứng với thuốc cản quang, người bệnh nên thông báo với bác sĩ trước khi thực hiện thủ thuật. Ngoài ra, nếu sau khi chụp tử cung vòi trứng mà xuất hiện tình trạng ngứa dữ dội, khó thở thì người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
- Nhiễm trùng: do là thủ thuật xâm lấn nên nguy cơ xảy ra nhiễm trùng dù trước đó không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của tình trạng viêm nhiễm là hoàn toàn có thể. Vì vậy, người bệnh nên tuân thủ hướng dẫn vệ sinh cũng như sử dụng thuốc sau thủ thuật để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
- Chấn thương tử cung: mặc dù ít khi xảy ra nhưng nếu thuốc được bơm vào tử cung với áp lực lớn thì có thể dẫn tới tổn thương tử cung. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bác sĩ có thể kịp thời phát hiện và xử trí khi thực hiện thủ thuật.
Vì những lý do trên sau khi thực hiện chụp X-quang tử cung vòi trứng, người bệnh không nên chủ quan mà phải đi tái khám ngay nếu xuất hiện những dấu hiệu bất thường sau:
- Sốt.
- Rét run.
- Ngất.
- Nôn.
- Chảy máu âm đạo nhiều ngày.
- Chảy máu âm đạo kèm theo mệt mỏi, khó thở.
- Dịch âm đạo có mùi hôi.
- Dịch âm đạo có màu sắc bất thường.
- Đau bụng dưới dữ dội.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn câu trả lời cho vấn đề “Viêm lộ tuyến có chụp vòi trứng được không?”.
Do đây là thủ thuật xâm lấn nên để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe sau này, người bệnh cần phải điều trị khỏi tình trạng viêm lộ tuyến mới có thể thực hiện được chụp tử cung vòi trứng.
Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể vào group HỎI ĐÁP BỆNH PHỤ KHOA để học hỏi được một số kinh nghiệm của các chị em đã thực hiện thủ thuật này trước đây cũng như nhận được sự tư vấn từ các bác sĩ có chuyên môn nhé! Đặt lịch khám tại đây