Rong kinh do lạc nội mạc tử cung khiến nhiều chị em lo lắng. Hãy cùng BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan – Nguyên trưởng khoa Phụ 1, Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương tìm hiểu kỹ hơn về bệnh này qua một ca bệnh cụ thể trong bài viết sau.
1. Ca bệnh rong kinh do lạc nội mạc tử cung
Bệnh nhân Hoàng L.A, nữ, 51 tuổi, tiền sử đang điều trị rong kinh do lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, đã sinh đủ con. Bệnh nhân tới khám ngày 16/4/2024 vì lí do rong kinh.
Kết quả khám phụ khoa cho thấy:
- Âm hộ: bình thường
- Âm đạo: gần như hết máu kinh
- Cổ tử cung: bình thường
- Tử cung: to bằng tử cung có thai 2 tháng, nắn chắc cứng, ngả sau
- Hai phần phụ: bình thường
Kết quả siêu âm cho thấy:
- Tử cung: tư thế ngả sau, kích thước 81.91 x 52.93 mm, có cấu trúc không đồng âm, tử cung xơ hóa lan tỏa, niêm mạc tử cung mỏng, có mảng xơ thành sau kích thước 39.88 x 28.3 mm
- Phần phụ: 2 buồng trứng trái và phải bình thường
- Douglas: không có dịch
Sau khi thăm khám và làm siêu âm sản phụ khoa, bác sĩ đưa ra chẩn đoán cho bệnh nhân là rong kinh do lạc nội mạc tử cung và có u xơ tử cung.
2. Kế hoạch điều trị
Bệnh nhân đã lớn tuổi và sắp tới tuổi mãn kinh. Các tổn thương gây rong kinh trong thời kì này có thể tự thoái triển mà không cần điều trị. Vì vậy, bác sĩ ưu tiên sử dụng biện pháp nội khoa nếu bệnh nhân có diễn tiến bệnh.
Bệnh nhân này bị rong kinh do lạc nội mạc tử cung và u xơ tử cung nên sử dụng thuốc tránh thai phối hợp để điều trị. Sau đó, bác sĩ hẹn tái khám định kì 2-3 tháng để kiểm soát tình trạng rong kinh, tránh biến chứng.
3. Những điều cần lưu ý
3.1. Bệnh lý lạc nội mạc trong cơ tử cung hay còn gọi là Adenomyosis là gì?
“Nội mạc tử cung” là thuật ngữ chỉ lớp tế bào niêm mạc lót mặt trong tử cung. Trong một chu kỳ kinh nguyệt, lớp màng này sẽ phát triển và bị bong ra nếu quá trình thụ thai không diễn ra.
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng xảy ra khi các mô tương tự lớp nội mạc bên trong tử cung phát triển ra bên ngoài tử cung hoặc ngay trong lớp cơ tử cung, thường là trên các cơ quan khác trong khoang ổ bụng hoặc khung chậu.
Các khối u lạc nội mạc tử cung có thể sưng và chảy máu, giống như cách màng trong tử cung hoạt động hàng tháng. Điều này dẫn đến hiện tượng chảy máu trong khung chậu và đau bụng khi có kinh nguyệt.
Nếu khối lạc nội mạc tử cung tiếp tục tăng trưởng, bệnh nhân sẽ gặp phải nhiều vấn đề như:
- Làm tắc ống dẫn trứng khi khối u chèn ép hoặc gây tổn thương tới buồng trứng. Máu bị đọng lại trong buồng trứng có thể tạo thành khối u nang buồng trứng.
- Gây nhiễm trùng và đau bụng nhiều khi có kinh nguyệt, gây rong kinh do lạc nội mạc tử cung.
- Hình thành sẹo hoặc mô liên kết (loại mô có khả năng liên kết các cơ quan với nhau). Đây là nguyên nhân gây nên triệu chứng đau vùng khung chậu và khiến người bệnh khó mang thai.
- Các biến chứng liên quan đến ruột và bàng quang.
3.2. Những triệu chứng có thể gặp trong lạc nội mạc tử cung
Triệu chứng lạc nội mạc tử cung ở mỗi người có thể khác nhau. Một số phụ nữ chỉ có các triệu chứng nhẹ, nhưng những người khác có thể gặp các biểu hiện từ trung bình đến nặng. Rất nhiều chị em bị lạc nội mạc tử cung mà không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Vậy nên chị em cần đi khám phụ khoa định kỳ (6 tháng/lần) nhằm phát hiện và điều trị bệnh phụ khoa sớm nhất.
Đau là triệu chứng phổ biến nhất mà mọi người đều trải qua. Phụ nữ mắc bệnh phải đối mặt với nhiều loại cơn đau khác nhau, gồm:
- Đau bụng kinh, cơn đau có thể tăng dần.
- Đau dai dẳng vùng lưng phía dưới và khung chậu.
- Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục. Đây thường được mô tả là một cơn đau “sâu”, khác với cảm giác đau ở phía ngoài âm đạo khi tiếp nhận dương vật.
- Đau trong khi đi đại tiện hoặc tiểu tiện trong chu kỳ kinh nguyệt. Trong một số trường hợp hiếm, có thể sẽ thấy máu lẫn trong phân hoặc nước tiểu.
- Lạc nội mạc tử cung có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh kết nối với háng, hông và chân, khiến người bệnh khó đi lại, đi khập khiễng hoặc phải nghỉ ngơi thường xuyên.
Ngoài ra, các triệu chứng ra máu ngoài kỳ kinh nguyệt, rong kinh do lạc nội mạc tử cung hay các vấn đề về tiêu hóa bao gồm tiêu chảy, táo bón, đầy bụng hoặc buồn nôn, đặc biệt là trong kỳ kinh nguyệt,… cũng là triệu chứng đáng để lưu tâm.
3.3. Các phương pháp điều trị rong kinh có thể áp dụng
Phương pháp điều trị sẽ dựa trên hai yếu tố chính: nguyên nhân và mong muốn sinh con của phụ nữ.
Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định chị em điều trị rong kinh bằng thuốc để cải thiện tình trạng này. Người bệnh có thể sử dụng thuốc tránh thai, thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), thuốc bổ sung hormone Progesterone hoặc thuốc bổ sung sắt để tránh thiếu máu.
Nếu việc điều trị bằng thuốc không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật, tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà chị em đang gặp phải. Các thủ thuật điều trị có thể bao gồm nong, nạo tử cung, cắt đốt nội mạc tử cung hoặc cắt bỏ tử cung (bao gồm cả tử cung và cổ tử cung). Tuy nhiên, hạn chế của những thủ thuật này là có thể gây vô sinh, nên chỉ được áp dụng cho phụ nữ lớn tuổi hoặc không còn nhu cầu sinh con.
Tình trạng bệnh lạc nội mạc tử cung của mỗi người là khác nhau, nguyên nhân gây bệnh cũng khác nhau. Do đó, khi nghi ngờ mắc bệnh, phụ nữ nên đến ngay cơ sở y tế có đơn vị sản phụ khoa uy tín để được thăm khám, xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Thông qua đó, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả.
3.4. Lời khuyên từ BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan
Mỗi bệnh nhân sẽ có một hay nhiều các biểu hiện với các mức độ khác nhau của bệnh. Như vậy, chỉ có người bệnh lạc nội mạc tử cung, với các vấn đề đặc thù của người đó, chứ không có một bệnh lý lạc nội mạc tử cung chung cho mọi người.
Chính vì lý do này, việc cá thể hoá điều trị là một trong những điều quan trọng nhất. Đây cũng là một thách thức cho bác sĩ lâm sàng bởi mỗi bệnh nhân sẽ đáp ứng thuốc một cách khác nhau.
Chị em có những triệu chứng liên quan đến bệnh lý lạc nội mạc tử cung, hãy liên hệ ngay với BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan – Nguyên trưởng khoa Phụ 1, Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương để được tư vấn trực tiếp qua Zalo tại đây.