Chậm kinh là khi đến ngày hành kinh nhưng chị em chưa thấy ra kinh. Phụ nữ chậm kinh liệu có phải đang mang thai không? Chậm kinh mấy ngày thì nên đi siêu âm? Hãy cùng nhau tìm hiểu các thông tin liên quan trong bài viết sau!
1. Chậm kinh – dấu hiệu mang thai ở phụ nữ
Chậm kinh là hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo không xuất hiện đúng thời gian dự kiến. Một nguyên nhân phổ biến khiến cho chị em bị chậm kinh đó là mang thai.
Theo quá trình sinh lý bình thường, nếu không có sự gặp gỡ giữa trứng và tinh trùng, quá trình thụ tinh sẽ không xảy ra. Trong trường hợp này, niêm mạc tử cung sẽ bong ra và bài tiết trong kỳ kinh nguyệt để loại bỏ mô niêm mạc dư thừa. Do đó, chu kỳ kinh nguyệt sẽ tiếp tục diễn ra như thông thường.
Ngược lại, nếu trứng đã được thụ tinh và gắn kết trong tử cung, niêm mạc sẽ không bong ra mà được duy trì để nuôi dưỡng sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, trong suốt thời gian mang thai, kinh nguyệt sẽ không xuất hiện.
Vậy, liệu chậm kinh có phải mang thai không?
2. Diễn biến quá trình thụ thai
Trước khi tìm câu trả lời cho câu hỏi của đông đảo chị em: “Chậm kinh mấy ngày thì nên đi siêu âm?”, hãy cùng tìm hiểu rõ về diễn biến quá trình thụ thai.
Quá trình hợp nhất giữa tinh trùng ở nam giới và trứng ở nữ giới sẽ tạo thành phôi thai. Sau khi phôi thai hình thành, nó sẽ di chuyển vào ống dẫn trứng (còn gọi là vòi trứng) để vào buồng tử cung. Và chỉ khi phôi thai đã vào làm tổ hoàn toàn trong tử cung của người mẹ, kết quả siêu âm cho ra mới chính xác nhất.
Quá trình phân chia tế bào để tạo thành phôi thai kéo dài khoảng 5 đến 6 ngày. Trong thời gian này, phôi thai di chuyển từ vòi trứng vào buồng tử cung. Sau đó, thai sẽ đi vào buồng tử cung và làm tổ tại niêm mạc tử cung sau khi đã thụ tinh 6-8 ngày.
Tuy nhiên, quá trình làm tổ của phôi thai trong buồng tử cung khác nhau và có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian rụng trứng tại chu kỳ này và thời điểm trứng gặp tinh trùng. Thời gian chính xác để phôi thai vào tử cung cũng phụ thuộc vào cơ địa của từng chị em. Do đó, không có thời điểm cố định để phôi thai đi vào tử cung.
Có nhiều trường hợp, khi chị em đi khám thai, phôi thai vẫn chưa vào buồng tử cung trong khi tuổi thai đã ở khoảng 4 đến 5 tuần. Điều này xảy ra do bác sĩ tính thời điểm thụ tinh từ ngày bắt đầu kỳ kinh cuối.
3. Chậm kinh mấy ngày thì nên đi siêu âm?
Qua các phân tích ở trên, chị em có thể thấy rằng để có kết quả siêu âm chính xác về việc mang thai, phải phụ thuộc nhiều vào quá trình di chuyển của phôi và thời gian chậm kinh trước khi đi siêu âm. Mặc dù vậy, không có mốc thời gian cụ thể áp dụng cho tất cả các trường hợp. Vậy chậm kinh mấy ngày thì nên đi siêu âm?
Chị em thường đi siêu âm để xác định mình có mang thai hay không sau khoảng từ 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên, có khá nhiều trường hợp thai di chuyển chậm hơn bình thường, chị em có thể phải chờ đến sau 10 ngày chậm kinh rồi siêu âm mới có thể thấy thai đã nằm trong buồng tử cung.
Một lưu ý quan trọng là nếu chị em đi siêu âm quá sớm, khi chỉ chậm kinh 4 đến 5 ngày, khả năng cao sẽ không thấy được phôi thai trên hình ảnh siêu âm vì phôi thai chưa kịp di chuyển và gắn kết vào thành tử cung.
Siêu âm khi 7 tuần trở lên tính từ kỳ kinh cuối mà vẫn không thấy hình ảnh nghi ngờ tới có thai thì có thể chẩn đoán là không mang thai hoặc sẩy thai sớm.
Trước khi thực hiện siêu âm để chẩn đoán có thai hay không, chị em nên test thử nồng độ hCG bằng que thử quickstick tại nhà hoặc xét nghiệm hCG trong máu ở các trung tâm y tế để bác sĩ có thể chẩn đoán có thai hay không hoặc nghi ngờ nguyên nhân khác gây chậm kinh.
4. Các phương pháp siêu âm nhận biết thai
Để xác định việc mang thai, hiện nay có hai phương pháp siêu âm phổ biến được sử dụng là siêu âm đầu dò và siêu âm vùng bụng.
- Siêu âm đầu dò
Siêu âm đầu dò là một phương pháp có ý nghĩa rất quan trọng để kiểm tra mang thai ở chị em. Thông thường, sau khi chậm kinh khoảng 7 ngày, chị em có thể sử dụng phương pháp siêu âm đầu dò để biết có mang thai hay không.
- Siêu âm vùng bụng
Siêu âm vùng bụng là một phương pháp phổ biến được sử dụng trong nhiều trường hợp, bao gồm kiểm tra mang thai. Tuy nhiên, phương pháp siêu âm vùng bụng thường xác định kết quả mang thai chậm hơn so với phương pháp siêu âm đầu dò.
5. Siêu âm khi mang thai có tác dụng gì?
Siêu âm thai là phương pháp phổ biến và được nhiều chị em phụ nữ lựa chọn để xác định có mang thai hay không. Việc sử dụng siêu âm thai mang lại nhiều lợi ích quan trọng như sau:
Kiểm tra vị trí phôi thai
Sau khi tinh trùng gặp trứng và thụ tinh xảy ra, khoảng 10-13 ngày sau đó, phôi thai di chuyển về buồng tử cung để làm tổ. Trong giai đoạn này, siêu âm thai có thể xác định được vị trí của phôi thai trong tử cung của người mẹ.
Tuy nhiên, có những trường hợp phôi thai không làm tổ trong tử cung mà làm tổ ở những vị trí khác như ống dẫn trứng, ổ bụng, hay cổ tử cung. Những trường hợp này khi phát triển có thể vỡ và gây ra chảy máu trong ổ bụng. Nếu không được cấp cứu kịp thời, điều này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi.
Kiểm tra độ phát triển của thai nhi
Siêu âm thai không chỉ giúp xác định có mang thai hay không, mà còn giúp người mẹ theo dõi sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, siêu âm có thể phát hiện những vấn đề như:
- Trứng rỗng: Khi các túi thai phát triển nhưng không có phôi thai xuất hiện.
- Chửa trứng: Gai rau không phát triển mà thoái hóa thành bọng nước hoặc dính lại với nhau hoặc gai rau phát triển bất thường. Những trường hợp này thường có nguy cơ cao phát triển thành ung thư và cần loại bỏ bằng phương pháp nạo hút.
- Phát hiện dị tật bẩm sinh: Siêu âm cũng có thể phát hiện các trường hợp thai nhi bị dị tật bẩm sinh. Qua siêu âm, bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra quyết định xử trí kịp thời cho thai phụ.
6. Quy trình siêu âm thai lần đầu ở phòng khám
Ở phần trên, bài viết đã giải đáp được thắc mắc “Chậm kinh mấy ngày thì nên đi siêu âm?” Và để lần siêu âm đầu tiên này đạt kết quả tốt, chị em hãy chú ý 5 bước cơ bản sau đây:
- Thăm khám về tiền sử bệnh lý của mẹ:
Để việc khám thai đạt kết quả tốt nhất thì chị em cần phải kê khai rõ ràng về tiền sử bệnh tật của mình cho bác sĩ. Một số câu hỏi bác sĩ thường hỏi các mẹ bầu là: Tiền sử bệnh lý của mẹ bầu; các bệnh mãn tính mẹ bầu mắc phải (nếu có), loại thuốc đang sử dụng (nếu có), dị ứng của mẹ bầu, chế độ ăn uống của mẹ bầu, vấn đề về sinh sản hoặc di truyền có tồn tại hay không, việc sử dụng chất gây nghiện, chất kích thích và tiền sử các lần mang thai trước đó (nếu có).
Qua những câu hỏi này, bác sĩ sẽ nhận định rõ về các yếu tố tác động đến quá trình mang thai. Vì vậy, chị em nên nhớ đem sổ khám bệnh và chuẩn bị kỹ các câu trả lời trước khi đến khám thai.
- Hỏi thăm về kỳ mang thai: Bác sĩ sẽ hỏi về thời điểm cuối cùng kinh nguyệt và các biểu hiện mẹ bầu nhận biết mang thai.
- Thăm khám tình hình sức khỏe hiện tại: Hệ hô hấp, hệ tim mạch, ngực và khoang bụng; đo chiều cao và cân nặng; kiểm tra huyết áp, thăm khám ở cơ quan sinh sản và quanh khu vực xương chậu.
- Tiến hành các xét nghiệm liên quan: Một số xét nghiệm căn bản được thực hiện trong lần khám thai đầu tiên bao gồm: Xác định nhóm máu và tình trạng thiếu máu; siêu âm thai nhi; xét nghiệm beta HCG; kiểm tra nước tiểu; xét nghiệm các căn bệnh lây qua quan hệ tình dục như viêm gan B hoặc AIDS; kiểm tra tiểu đường.
- Bác sĩ giải đáp những thắc mắc của mẹ bầu: Mẹ bầu nên chuẩn bị trước những câu hỏi để được bác sĩ giải đáp kỹ lưỡng, giúp mẹ bầu thoải mái hơn trong khi mang thai.
7. Nguyên nhân siêu âm không thấy thai
Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do chị em không nắm được chậm kinh mấy ngày nên đi siêu âm hoặc có một số bất thường trong thai kỳ như:
- Siêu âm thai quá sớm:
Nhiều chị em lo lắng muốn đi siêu âm ngay sau khi có kết quả thử thai 2 vạch tại nhà, nhưng khi đến khám lại không nhìn thấy sự xuất hiện của thai. Vì thông thường, phôi thai chỉ được nhìn thấy rõ qua siêu âm bắt đầu từ cuối tuần thử 4 tới đầu tuần thai thứ 5 trở đi tính từ kỳ kinh cuối trên các máy siêu âm đầu dò có chất lượng hình ảnh tốt (khoảng 5 ngày sau khi chậm kinh ở tháng tiếp theo).
Do đó, nếu chị em đi siêu âm trước thời điểm này, sẽ khó có thể phát hiện được phôi thai trong tử cung vì chúng chưa kịp di chuyển vào đó.
Tuy nhiên, nếu chị em đã đi siêu âm vào tuần thai thứ 5 tính từ kỳ kinh cuối và mức HCG Beta đạt 1100 mà vẫn không thấy túi thai, có khả năng phôi thai gặp dấu hiệu bất thường hoặc chị em đã tính nhầm tuổi thai (như ghi nhớ sai ngày rụng trứng hoặc kỳ kinh cuối).
- Chửa ngoài tử cung:
Khi bị chửa ngoài tử cung, chị em thường gặp những dấu hiệu sau: Các dấu hiệu mang thai như mệt mỏi hoặc buồn nôn; chảy máu đỏ hoặc máu đen từ âm đạo, đau âm ỉ hoặc đau dữ dội ở vùng bụng dưới rốn.
Chửa ngoài tử cung là tình trạng phôi thai bắt đầu phát triển ở vị trí ngoài tử cung, có thể ở vòi trứng hoặc ổ bụng,… Đây là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm trong sản khoa, có thể gây ảnh hưởng đến mạng sống của người mẹ nếu như không được điều trị kịp thời và đúng cách.
- Sảy thai:
Sảy thai cũng là một nguyên nhân chị em cần nghĩ tới khi siêu âm không thấy thai. Sảy thai thường đi kèm với dấu hiệu đau bụng dữ dội và chảy máu âm đạo.
- Trễ kinh không mang thai:
Nhiều chị em phụ nữ gặp tình trạng chậm kinh nguyệt mà không phải do mang thai. Các nguyên nhân phổ biến của trễ kinh không mang thai bao gồm:
- Tăng, giảm cân nặng đột ngột: Việc chị em thay đổi cân nặng quá nhanh sẽ làm thay đổi mức độ hormone sinh dục nữ, gây chậm kinh.
- Stress: Tình trạng stress kéo dài làm ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe nói chung và gây rối loạn hormone nữ.
- Lạm dụng thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai gây ra những thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt.
Hy vọng rằng bài viết trên đây đã giúp chị em giải đáp thắc mắc chậm kinh có phải mang thai không và chậm kinh mấy ngày thì nên đi siêu âm. Nếu còn có câu hỏi nào hoặc gặp phải những dấu hiệu ở trên, các chị em hãy nhanh chóng đặt lịch khám tại Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa hoặc tham gia ngay nhóm Zalo phòng khám để được các bác sĩ hỗ trợ và tư vấn kịp thời!