Chậm kinh, ra máu nâu đen là những dấu hiệu cần lưu ý và không nên chủ quan. Hãy cùng BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan phân tích kỹ hơn về vấn đề này thông qua một ca bệnh cụ thể trong bài viết dưới đây.
1. Ca bệnh chậm kinh, chỉ ra dịch máu nâu đen vài ngày rồi hết
Thông tin ca bệnh:
Bệnh nhân nữ Nguyễn N.M 26 tuổi tiền sử đẻ thường 2 con, kinh nguyệt đều, chu kỳ 28-30 ngày. Người bệnh vào viện ngày 26/03/2024 vì chậm kinh 3 tuần, chỉ thấy ra dịch màu nâu đen không giống kinh.
Kết quả thăm khám cho thấy âm hộ bình thường, âm đạo có nhiều dịch màu nâu đen, lộ tuyến có viêm nhẹ quanh lỗ và cổ tử cung bình thường.
Qua siêu âm cho thấy buồng tử cung không chứa ối, niêm mạc tử cung dày 8,33mm, có khối hình nhẫn cạnh buồng trứng trái kích thước 13x12mm. Xét nghiệm βHCG là 669UI/L.
⇒ Bác sĩ kết luận theo dõi khối chửa ngoài tử cung cạnh buồng trứng trái.
2. Kế hoạch điều trị
Chửa ngoài tử cung là một tình trạng tương đối nguy hiểm đối với các chị em phụ nữ và cần có sự can thiệp y tế kịp thời. Đối với trường hợp này, bệnh nhân đã chậm kinh 3 tuần và được chẩn đoán theo dõi chửa ngoài tử cung. Do đó, BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan đưa ra hướng điều trị như sau:
- Tiếp tục theo dõi diễn biến của nồng độ βHCG. Nếu như nồng độ này giảm dần, đây là dấu hiệu cho thấy khối chửa ngoài tử cung đã có xu hướng thoái triển. Khi đó, người bệnh sẽ được theo dõi thêm và chưa cần can thiệp ngay.
- Nếu nồng độ βHCG vẫn tiếp tục tăng, khối chửa to lên thì cần điều trị ngay để loại bỏ thai ngoài tử cung. Bệnh nhân có thể được xem xét điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật tùy thuộc vào kích thước khối chửa và nồng độ βHCG lúc đó.
3. Những điều cần lưu ý
Trường hợp của chị M có tiền sử kinh nguyệt đều nên rất dễ phát hiện bất thường về kinh nguyệt. Khi bị chậm kinh, chị đã đi khám kịp thời và được phát hiện khối chửa ngoài tử cung khi còn ở kích thước nhỏ.
Điều này giúp ích rất nhiều cho việc điều trị. Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân thường có tiên lượng tốt, được theo dõi, điều trị sớm và cho kết quả tốt. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng may mắn như vậy.
Do đó, khi có những dấu hiệu bất thường như chậm kinh, chảy máu âm đạo bất thường hay đau vùng bụng dưới,… người bệnh nên đi khám ngay, không được chủ quan.
3.1. Chửa ngoài tử cung là gì và nguy hiểm như thế nào?
Chửa ngoài tử cung là tình trạng thai sau khi thụ tinh không làm tổ trong buồng tử cung mà nằm ở chỗ khác. Điều này khiến thai phát triển không bình thường và không thể sống sót. Việc mang thai ngoài tử cung không chỉ gây hậu quả cho thai nhi và còn khiến sản phụ gặp nhiều biến chứng, nhất là trong trường hợp phát hiện muộn.
Điều này có thể dẫn đến việc chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, gây nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ và cần phải can thiệp càng sớm càng tốt.
3.2. Làm thế nào để phát hiện chửa ngoài tử cung?
Nguyên nhân chậm kinh có thể đến từ việc mang thai bình thường nhưng cũng có thể là triệu chứng của bệnh lý. Trong đó, chửa ngoài tử cung là một trong những bệnh có thể gây ra biến chứng nghiệm trọng cần được lưu ý và phát hiện kịp thời.
Để phát hiện chửa ngoài tử cung, các chị em cần chú ý những dấu hiệu sau đây:
- Một số triệu chứng giống với việc mang thai bình thường như: trễ kinh, buồn nôn, ngực căng tức,..
- Các triệu chứng của thai ngoài tử cung: Âm đạo ra máu bất thường với màu đỏ sẫm, kéo dài và có hiện tượng đau bụng dưới âm ỉ hoặc dữ dội, mức độ đau thường tăng dần theo thời gian. Đối với trường hợp thai vỡ, người bệnh sẽ chảy máu ồ ạt và có những cơ đau quằn quại, kéo dài.
- Thử thai: Dù mang thai ngoài tử cung, que thử thai vẫn có thể cho kết quả 2 vạch bởi nồng độ βHCG tăng cao. Tuy nhiên, nồng độ này sẽ giảm dần do thai không phát triển được bình thường. Vì vậy, chị em có thể thấy 2 vạch mờ hoặc không lên 2 vạch nữa.
Khi có những dấu hiệu trên, nữ giới nên cẩn trọng, đến các cơ sở y tế sớm để được chẩn đoán và điều trị sớm. Chị em không nên chủ quan hoặc tự điều trị tại nhà tránh khiến tình trạng nặng thêm.
Lời dặn từ bác sĩ
Nhiều bạn trẻ chủ quan, thấy chậm kinh và ra dịch màu nâu nhưng không đi khám, thậm chí là chậm kinh, test que thử thai lên 2 vạch rồi vẫn không đi khám để xem thai đã vào buồng tử cung chưa. Kết quả rất nhiều trường hợp cho thấy là chửa ngoài tử cung và có bạn đã mất mạng vì vỡ khối chửa gây chảy máu trong ổ bụng mà không được cấp cứu kịp thời. Do đó, nếu thấy các dấu hiệu nghi ngờ hoặc ở mới phát hiện thai ở những tuần đầu thì cần đi khám để biết chính xác tình trạng thai nhi.
[block id=”5776″]