Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý ác tính rất phổ biến ở nữ giới, cần được phòng ngừa, phát hiện sớm. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra những kiến thức cơ bản về ung thư cổ tử cung và giải đáp câu hỏi: Khám phụ khoa có phát hiện ung thư cổ tử cung không?
1. Ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh lý ác tính xuất phát từ tế bào của cổ tử cung, gây phá hủy các mô lành và tổ chức xung quanh. Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư cổ tử cung phổ biến là do nhiễm virus HPV – virus gây u nhú lây truyền qua đường tình dục.
Người mắc HPV với sức đề kháng tốt có thể đào thải virus ra khỏi cơ thể nhờ hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên nếu mắc phải chủng gây ung thư cổ tử cung trong một thời gian dài không được điều trị có thể dẫn đến bệnh lý ác tính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe chị em phụ nữ.
1.1. Triệu chứng ung thư cổ tử cung
Ở giai đoạn đầu, người mắc ung thư cổ tử cung có thể có những triệu chứng như:
- Ra máu bất thường khi không trong kỳ kinh nguyệt.
- Xuất huyết âm đạo sau mãn kinh.
- Chảy máu sau khi quan hệ tình dục.
- Âm đạo nhiều tiết dịch và có mùi hôi bất thường.
Khi ung thư cổ tử cung tiến triển tới những giai đoạn muộn, các triệu chứng cũng trở nên nghiêm trọng hơn:
- Đau vùng bụng dưới dai dẳng, có thể kèm đau lưng do u xâm lấn và chèn ép.
- Đau hoặc sưng phù 2 chi dưới.
- Âm đạo thường xuyên tiết dịch và xuất huyết bất thường.
- Sút cân, mệt mỏi, chán ăn.
Khi ung thư đã di căn đến các cơ quan xa, triệu chứng sẽ xuất hiện nhiều hơn gây ảnh hưởng đến toàn thân cũng như những cơ quan có di căn.
1.2. Giai đoạn ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung được các chuyên gia chia thành 4 giai đoạn phụ thuộc vào mức độ lây lan của các tế bào ung thư trong cơ thể.
- Giai đoạn I: Tế bào ung thư xâm lấn từ niêm mạc tử cung cho đến các mô sâu hơn.
- Giai đoạn II: Tế bào ung thư tiến triển xâm lấn đến các mô lân cận như vùng âm đạo, vùng chậu,…
- Giai đoạn III: Khối u liên quan đến 1/3 dưới của âm đạo và/hoặc đã lan đến thành chậu, chèn ép gây viêm, ứ nước tại thận và/hoặc liên quan đến các hạch bạch huyết vùng, chưa di căn đến các cơ quan xa.
- Giai đoạn IV: Khối u di căn đến các cơ quan khác.
Ở những giai đoạn sớm, ung thư cổ tử cung có thể được điều trị khỏi hoàn toàn với tỉ lệ sống sau 5 năm lên đến 95%.
Tuy nhiên, bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn càng muộn, tỉ lệ được chữa khỏi sẽ càng thấp. Đồng thời, khiến người bệnh gặp phải những biến chứng nghiêm trọng do khối u phát triển quá mức hoặc di căn đến các vùng khác trên cơ thể.
Do đó, nữ giới nên đi tầm soát để phòng ngừa ung thư cổ tử cung càng sớm càng tốt. Nhờ đó, giảm thiểu tối đa sự nguy hại của bệnh lý này tới cơ thể và có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
2. Khám phụ khoa là gì?
Khám phụ khoa là quá trình kiểm tra và đánh giá sức khỏe của các cơ quan sinh dục nữ, bao gồm: Tử cung, âm đạo, buồng trứng và cả bộ phận ngoại vi như bên ngoài âm đạo và âm hộ.
Quá trình này thường được thực hiện bởi bác sĩ phụ khoa hoặc nhân viên y tế có chuyên môn trong lĩnh vực phụ khoa.
Thăm khám phụ khoa sẽ giúp kiểm tra, đánh giá được chức năng các cơ quan vùng sinh dục, phát hiện các bệnh lý mắc phải. Đồng thời, giúp các chị em có thêm kiến thức về sức khỏe sinh sản và phòng ngừa những căn bệnh nguy hiểm.
Quá trình khám phụ khoa diễn ra theo các bước sau:
- Khai thác thông tin người bệnh: Người bệnh cần trả lời các thông tin cơ bản về bản thân (tuổi, chiều cao, cân nặng), chu kỳ kinh nguyệt, tình trạng hôn nhân, tình trạng bệnh lý và các tiền sử khác.
- Khám cơ quan sinh dục: Cơ quan sinh dục sẽ được kiểm tra đầy đủ từ các bộ phận bên trong lẫn bên ngoài. Các bộ phận bên ngoài như môi bé, môi lớn, vùng mu,… sẽ được các bác sĩ quan sát để phát hiện các bất thường. Đối với các bộ phận bên trong như âm đạo, cổ tử cung, người bệnh sẽ được thăm khám bằng mỏ vịt.
- Xét nghiệm: Trong các trường hợp cần thiết, người bệnh sẽ được yêu cầu làm một số xét nghiệm như: Xét nghiệm máu, siêu âm âm đạo, xét nghiệm HPV, Pap test,… để đánh giá chính xác nhất tình trạng sức khỏe.
Khám phụ khoa là một phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Nó đóng vai trò quyết định trong việc phát hiện sớm các vấn đề y tế liên quan đến cơ quan sinh dục nữ.
3. Khám phụ khoa có phát hiện ra ung thư cổ tử cung không?
Ở những giai đoạn sớm, ung thư cổ tử cung chưa biểu hiện các triệu chứng rõ ràng, khiến người bệnh chủ quan và đôi khi nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường khác.
Việc xác định và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh không hề dễ dàng. Do đó, khám phụ khoa định kỳ là một trong những biện pháp cần thiết để phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả.
Khám phụ khoa có thể giúp người bệnh phát hiện sớm các viêm nhiễm vùng phụ khoa, xét nghiệm các tế bào bất thường (nếu có). Từ đó, xác định được ung thư từ những giai đoạn đầu và có hướng điều trị phù hợp, giúp tiên lượng bệnh tốt hơn.
Đối với những trường hợp nghi ngờ ung thư, người bệnh cần tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu hơn ngoài quy trình khám phụ khoa thông thường:
- Xét nghiệm HPV: Nhằm xác định người bệnh có đang nhiễm virus HPV hay không.
- Xét nghiệm Pap: Giúp phát hiện các tế bào bất thường vùng cổ tử cung nhằm đưa ra chẩn đoán sớm.
- Sinh thiết: Xét nghiệm sinh thiết mô bệnh học có thể chẩn đoán chính xác ung thư cổ tử cung cũng như giai đoạn bệnh qua hình ảnh các mô ung thư.
Những phương pháp trên được sử dụng khá phổ biến trong quá trình kiểm tra sức khỏe phụ nữ và chương trình sàng lọc ung thư cổ tử cung. Chúng hỗ trợ người bệnh phát hiện sớm các biểu hiện tiền ung thư hoặc chẩn đoán xác định ung thư cổ tử cung.
Việc thực hiện các xét nghiệm này định kỳ và tuân thủ lịch trình khám phụ khoa có thể giúp người bệnh chủ động hơn trong điều trị ung thư cổ tử cung.
4. Lời khuyên của bác sĩ
Đối với nữ giới trong độ tuổi từ 9-26, phương pháp tốt nhất được khuyến cáo để phòng ngừa ung thư cổ tử cung là tiêm vắc xin HPV. Đồng thời, các chị em phụ nữ nên lưu ý khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng – 1 năm và lặp lại trong vòng 2, 3 hoặc 5 năm sau đó tùy vào từng phương pháp sàng lọc.
Ở Mỹ và châu Âu, các chuyên gia khuyến cáo việc khám phụ khoa định kỳ cho phụ nữ nên được diễn ra trong độ tuổi từ 30 – 65 tuổi. Nữ giới sẽ áp dụng theo lịch khám đó mỗi 3 năm/lần.
Nếu kết quả xuất hiện bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định lịch tái khám gần hơn. Với phụ nữ trong độ tuổi quan hệ tình dục nên định kỳ khám phụ khoa 6 tháng – 1 năm/lần. Vì ngoài ung thư cổ tử cung phụ nữ còn có nguy cơ gặp các vấn đề khác như viêm nhiễm, sinh sản,…
Ngoài ra, nếu không gặp phải các tổn thương, xét nghiệm HPV hoặc Pap Smear có thể thực hiện mỗi 2 năm/lần. Đối với phụ nữ sau 45 tuổi, khi đã 2 lần liên tiếp thực hiện xét nghiệm HPV, HPV không dương tính, tế bào không có hình ảnh bất thường, sau đấy có thể không cần đi thực hiện xét nghiệm vào lần tiếp theo.
Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý nguy hiểm và tương đối phổ biến. Do đó, các chị em phụ nữ không nên chủ quan với sức khỏe của bản thân. Nếu có nhu cầu được thăm khám trực tiếp bởi các chuyên gia đầu ngành, bạn có thể đặt lịch khám tại Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa tại đây. Hoặc chị em còn nhiều thắc mắc về ung thư cổ tử cung hãy tham gia nhóm Zalo của phòng khám để được các chuyên gia tư vấn cụ thể.