Hiện tượng rong kinh có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng ở nữ giới nếu không được xử trí kịp thời. Vậy khi nào rong kinh đi cấp cứu? Hãy cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây cùng BSCKII Lê Thị Quyên.
1. Biểu hiện của rong kinh
Rong kinh hay còn gọi là rong huyết là một trong những biểu hiện bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt và là một cảnh báo về vấn đề sức khỏe ở nữ giới. Dấu hiệu nhận biết hiện tượng rong kinh là kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài trên 7 ngày. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu và trong một số trường hợp nữ giới có thể gặp tình trạng rong kinh đi cấp cứu.
Một số biểu hiện của rong kinh bao gồm:
- Ra máu nhiều hơn bình thường: Ra máu nhiều vào ban đêm, có thể vượt quá 80ml/chu kỳ.
- Ra máu kéo dài: Máu ra nhiều và liên tục trên 7 ngày, thậm chí có thể đến vài tuần.
- Xuất huyết nặng bất thường: Trong 2 chu kỳ kinh liên tiếp.
- Đau bụng dưới: Đi kèm với rong huyết, đau dữ dội hơn khi có các cục máu đông.
- Các triệu chứng của thiếu máu: mệt mỏi, chóng mặt, tụt huyết áp,…
Ngoài ra, người bệnh thường cảm thấy khó chịu và các công việc thường ngày bị gián đoạn do tình trạng rong kinh gây ra. Nữ giới nên chú ý đến tình trạng kinh nguyệt của mình xem có các dấu hiệu bất thường trên hay không bằng cách tự kiểm tra lượng máu kinh ở băng vệ sinh hay cốc nguyệt san.
Nếu ra máu quá nhiều, thường xuyên phải thay băng hoặc cốc nguyệt san sau mỗi giờ thì cần theo dõi hiện tượng rong kinh và đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
2. Nguyên nhân gây rong kinh
Tình trạng rong huyết có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân, dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng này:
- U xơ tử cung: đây là một bệnh lý lành tính với khối u xơ phát triển ở thành tử cung, khi khối u phát triển có thể gây nên triệu chứng đau, chèn ép các cơ quan và gây chảy máu.
- Hội chứng buồng trứng đa nang: những người mắc hội chứng này thường bị mất cân bằng hormone dẫn đến việc kinh nguyệt ra không đều và có thể xuất hiện tình trạng ra máu nhiều khi đến kỳ.
- Sự rối loạn đông máu: số lượng tiểu cầu thấp là một trong những nguyên nhân gây chảy máu do tiểu cầu ít kết dính lại với nhau và khó làm chậm quá trình chảy máu. Đối với các trường hợp rối loạn đông máu nặng, bệnh nhân có thể mất máu nhiều dẫn đến tình trạng bị rong kinh đi cấp cứu.
- Thay đổi nội tiết tố: Nữ giới ở giai đoạn dậy thì và tiền mãn kinh thường gặp nhiều biến đổi trong việc tiết hormone. Lượng estrogen tăng lên hoặc giảm đi một cách đột ngột có thể gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, dẫn đến hiện tượng rong kinh hay cường kinh…
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây ra tình trạng rong kinh như thay đổi lối sống đột ngột, sử dụng thuốc gây tác dụng phụ hoặc các bệnh lý phụ khoa.
3. Khi nào rong kinh đi cấp cứu?
Hiện tượng rong kinh có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Đối với những người bị rong kinh, khi lượng máu chảy quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu, tụt huyết áp hoặc thậm chí là ngất xỉu. Vậy đâu là dấu hiệu người bệnh cần chú ý khi bị rong kinh đi cấp cứu?
Một số trường hợp mất máu quá nhiều có thể ảnh hưởng đến các chức năng hoạt động của cơ thể, làm giảm thể tích tuần hoàn và gây ra những vấn đề vô cùng nguy hiểm. Nếu bạn gặp phải các dấu hiệu dưới đây cùng với tình trạng chảy máu kinh nhiều bất thường, đừng ngần ngại tìm kiếm sự chăm sóc khẩn cấp từ các nhân viên y tế.
- Mệt mỏi, choáng váng nhiều.
- Cảm giác lú lẫn, muốn ngất đi.
- Nhịp tim nhanh, huyết áp tụt.
- Hụt hơi, đau ngực.
- Máu chảy nhiều, thấm đẫm ra quần, ga giường trong thời gian ngắn.
Trên đây là các dấu hiệu rong kinh nguy hiểm cần đi cấp cứu mà nữ giới cần biết. Ngoài ra, nữ giới cần chú ý việc liệu mình có đang mang thai hay không để tránh việc nhầm lẫn giữa hiện tượng rong kinh và sảy thai.
4. Bác sĩ làm gì?
Rong kinh đi cấp cứu thường là một tình trạng báo động người bệnh đã trong giai đoạn nguy hiểm cần được xử lý tức thì. Khi một người đến phòng cấp cứu do chảy máu kinh nguyệt quá nhiều, ưu tiên hàng đầu trong y khoa là đảm bảo tình trạng huyết động ổn định cho người bệnh bằng cách khắc phục các tình trạng do thiếu máu gây ra.
Sau đó các bác sĩ cần kiểm tra kỹ lưỡng để xác định chính xác tình trạng và nguyên nhân gây ra hiện tượng rong kinh, đặc biệt là tình trạng mang thai hay không để loại trừ những bệnh lý khác.
Ngoài ra, bác sĩ cấp cứu cũng sẽ cần tìm hiểu các triệu chứng lâm sàng mà người bệnh gặp phải trong đợt chảy máu hiện tại với các câu hỏi như: thời gian chảy máu bắt đầu từ khi nào? Các triệu chứng bạn gặp phải là gì? Chu kỳ kinh nguyệt có đều không? Số lượng máu chảy là bao nhiêu?… Bên cạnh đó, bác sĩ có thể tìm hiểu về các dấu hiệu chấn thương, bệnh lý, tiền sử bệnh hoặc quá trình dùng thuốc của người bệnh.
Sau khi đã có định hướng chẩn đoán, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh làm một số xét nghiệm, siêu âm để đánh giá chính xác tình trạng bệnh. Nếu không phải là trường hợp rong kinh nguy hiểm, người bệnh sẽ được chuyển đến khoa phụ sản để tiếp tục các bước xử lý tiếp theo.
5. Lời khuyên từ bác sĩ
Vì hiện tượng rong kinh là một tình trạng nghiêm trọng và cần được điều trị sớm, do đó người bệnh cần chú ý các dấu hiệu bất thường trong chu kỳ như thời gian chảy máu quá dài (>7 ngày), số lượng máu quá nhiều, cần thay băng vệ sinh thường xuyên hoặc máu thấm ra ngoài quần.
Ngay cả khi chưa có những dấu hiệu rong kinh đi cấp cứu, các bạn nữ cũng nên đi khám để được chẩn đoán sức khỏe kịp thời, giúp phòng tránh những biến chứng bệnh không đáng có. Đối với những trường hợp rong kinh nguy hiểm cần đi cấp cứu, bạn nên đến thăm khám tại các bệnh viện sản phụ khoa với các bác sĩ chuyên môn cao và kỹ thuật xử lý tốt ngay cả với những tình trạng nguy kịch.
Trong trường hợp gặp những dấu hiệu bất thường đáng lo ngại hoặc có những câu hỏi gấp, liên hệ tới hotline 0868 555 168 để được hỗ trợ sớm nhất