Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ác tính thường gặp ở phụ nữ. Vậy cần làm gì khi biết có khả năng mắc căn bệnh này? Cùng phân tích ca bệnh đã được chẩn đoán dương tính với virut HPV và có nguy cơ cao mắc ung thư để hiểu rõ hơn về bệnh này.
1. Ca bệnh Dương tính với nhiều type HPV và tế bào cổ tử cung LSIL
Bệnh nhân nữ Lý G.H 25 tuổi, ngày 09/04/2024 đến Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa khám với lý do khám lại sau khi có kết quả bất thường về tầm soát ung thư cổ tử cung và sau điều trị viêm.
Bệnh nhân có kết quả HPV dương tính type 52, 53, 39, 68 – đã điều trị papilocare; tế bào âm đạo LSIL. Bệnh nhân có tiền sử đã quan hệ, kinh nguyệt đều, trước đây chưa từng đi tầm soát bệnh, chưa phát hiện bệnh lý gì trước đây.
Dưới đây là kết quả khám và siêu âm phụ khoa của bệnh nhân:
Sau thăm khám và xem kết quả cận lâm sàng, bác sĩ kết luận: Lộ tuyến cổ tử cung độ 1 – Nhiễm 4/12 type HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung – Tế bào âm đạo LSIL.
2. Kế hoạch điều trị
Với trường hợp của chị Lý G.H đã phát hiện 4/12 type virut HPV và có nguy cơ cao gây ung thư, bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị nội soi. Phương pháp này giúp chẩn đoán mức độ lan tỏa và vị trí tổn thương của tế bào và đặt âm đạo thuốc Cerviron để điều trị viêm lộ tuyến tử cung.
Rất may mắn, kết quả xét nghiệm là CIN1. Đây là kết quả cho thấy tế bào cổ tử cung bị dị sản nhẹ, vấn đề về cổ tử cung sẽ được hệ thống miễn dịch chữa khỏi sau vài năm và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Mức độ tiến triển thành ung thư của bệnh chỉ ở mức 1%.
Tuy nhiên, với kết quả CIN1, bệnh nhân không nên chủ quan mà vẫn nên theo dõi sức khỏe bản thân và tiến hành tầm soát định kỳ hàng năm. Nguyên nhân bởi CIN2, CIN3 (những cấp độ tổn thương lớn hơn của tế bào) có khả năng tiến triển cao hơn có thể hình thành do CIN1 hoặc phát triển trực tiếp từ các tổn thương do virut HPV tồn tại kéo dài. Vì vậy, việc tầm soát ung thư cổ tử cung sớm và điều trị HPV để tránh tạo những thương tổn lớn hơn.
Bệnh nhân nên khám lại sau khi đã hết thuốc điều trị HPV và tiến hành thăm khám lại để theo dõi và tầm soát bệnh do tuổi đời vẫn còn trẻ. Ngoài ra, người bệnh cũng cần theo dõi trong 12 tháng và làm PAP (xét nghiệm phết tế bào tử cung) kiểm tra.
Nếu kết quả 2 lần trong 24 tháng bình thường thì sẽ trở về theo dõi thường quy. Trong trường hợp xét nghiệm HPV dương tính, bác sĩ sẽ tiến hành soi cổ tử cung. Nếu sau 2 năm tổn thương CIN1 vẫn còn thì sẽ làm thủ thuật phá hủy hoặc cắt bỏ.
Bên cạnh đó, khi gặp các dấu hiệu bất thường ở vùng kín như đau rát, khí hư màu lạ, mùi hôi,… người bệnh nên đến phòng khám gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và phương hướng điều trị phù hợp sớm nhất.
3. Những điều cần lưu ý
3.1. Bàn luận về ca bệnh
Chị Lý G.H đã mắc 4/12 chủng HPV, nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung và xét nghiệm tế bào âm đạo bị LSIL. Sau khi đến khám lại tại phòng khám, kết quả khám phụ khoa cho thấy chị bị lộ tuyến tử cung độ 1 và kết quả siêu âm chỉ ra rằng chưa có gì bất thường.
Với kết quả này, chị có thể yên tâm một phần vì độ tuổi chị còn trẻ và khả năng thoái triển các tế bào bất thường này là rất lớn, ít có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh nhân được chỉ định điều trị HPV và tiếp tục theo dõi sức khỏe định kỳ.
Bạn nữ đã rất may mắn khi đã phát hiện ra những bất thường của tử cung từ sớm và những bất thường này không gây ảnh hưởng có hại đến sức khỏe của bạn để có thể điều trị sớm và ngăn chặn các nguy cơ tiến triển.
Ở Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh rất cao và hiện nay độ tuổi ung thư đang trẻ hoá. Ca bệnh này là một lời cảnh tỉnh bác sĩ dành cho những phụ nữ trẻ, nếu các bạn đã quan hệ và đặc biệt là có lộ tuyến cổ tử cung thì hãy nên làm tầm soát ung thư cổ tử cung 1 năm/lần để bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân mình.
3.2. Xét nghiệm ung thư cổ tử cung là gì?
Xét nghiệm ung thư cổ tử cung là phương pháp tầm soát, là bước kiểm tra sức khỏe quan trọng của phụ nữ, và việc phát hiện sớm các tổn thương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả điều trị bệnh.
Dưới đây là các phương pháp xét nghiệm thường dùng cho tầm soát bệnh này:
- Xét nghiệm Pap (Xét nghiệm Pap Smear)
Pap là một phương pháp xét nghiệm phổ biến. Trong quá trình này, nhân viên y tế thu thập tế bào từ cổ tử cung (phần dưới của tử cung) và soi chúng dưới kính hiển vi. Nó giúp xác định bất kỳ thay đổi bất thường nào trong tế bào cổ tử cung và chỉ ra các tình trạng tiền ung thư hoặc ung thư ở giai đoạn sớm.
Lưu ý, xét nghiệm Pap là một xét nghiệm sàng lọc, không phải là xét nghiệm chẩn đoán. Nó không thể xác định chính xác về bệnh, nhưng nó giúp báo hiệu về tình trạng sức khỏe của phụ nữ và cần làm thêm các xét nghiệm khác.
- Xét nghiệm HPV
Đây là xét nghiệm giúp tìm ra các loại virut Papilloma ở người (virut HPV) có nguy cơ cao gây bệnh trong tế bào cổ tử cung. Mắc nhiều chủng HPV có nguy cơ cao dẫn đến tăng ung thư cổ tử cung.
Giống như xét nghiệm Pap, xét nghiệm HPV cũng là một xét nghiệm sàng lọc. Phương pháp này giúp xác định những người có nguy cơ và hướng dẫn quản lý tiếp theo. Đôi khi, xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV được thực hiện cùng nhau (kiểm tra đồng thời) trong quá trình khám phụ khoa.
Với những phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh, khuyến cáo nên bắt đầu tầm soát là 21, 3-5 năm tiến hành tầm soát một lần và kéo dài đến năm 65 tuổi. Trong trường hợp phụ nữ bị tổn thương cổ tử cung mức độ từ CIN2 hoặc suy giảm miễn dịch, chị em nên tầm soát sau 65 tuổi hoặc 20 năm sau khi điều trị khỏi tổn thương tiền ung thư ở cổ tử cung.
3.3. Các mức độ tổn thương tiền ung thư – ung thư ở cổ tử cung
Các tổn thương tiền ung thư và ung thư thường được chia thành 2 loại chính: tổn thương biểu mô tế bào vảy (SIL) và tân sinh trong biểu mô cổ tử cung (CIN). Nguyên nhân chính của những tổn thương này là do tế bào bị nhiễm virut HPV.
SIL là thuật ngữ được sử dụng để mô tả những thay đổi bất thường trong các tế bào biểu mô lớp của cổ tử cung, nó có thể chỉ ra dấu hiệu tiền ung thư. Những bất thường này có thể từ nhẹ đến nặng và thường được phát hiện thông qua các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung như Pap. SIL có thể được chia thành hai loại:
- SIL cấp độ thấp (LSIL): Còn được gọi là dysplasia (loạn sản) nhẹ, những tổn thương này chỉ nhìn hơi khác so với da bình thường khi quan sát dưới kính hiển vi. Chúng thường tự thoái triển mà không cần điều trị và ít có khả năng biến thành ung thư.
- SIL cấp độ cao (HSIL): SIL cấp độ cao bao gồm dysplasia (loạn sản) vừa, dysplasia (loạn sản) nặng và neoplasia in-situ ( ung thư tại chỗ, chưa xâm lấn qua lớp màng đáy). Những tổn thương này nhìn rất bất thường dưới kính hiển vi. Chúng thường cần điều trị ngay lập tức hoặc chúng có thể tiến triển thành ung thư.
Tân sinh trong biểu mô cổ tử cung (CIN) mô tả những thay đổi bất thường trong các tế bào lót cổ tử cung. CIN không phải là ung thư, nhưng nếu không được điều trị, những tế bào bất thường này có thể phát triển thành ung thư theo thời gian. CIN được phân loại thành ba cấp độ:
- CIN 1: Chỉ những tế bào bất thường ảnh hưởng khoảng 1/3 độ dày của biểu mô.
- CIN 2: Chỉ những tế bào bất thường ảnh hưởng khoảng 1/3 đến 2/3 độ dày của biểu mô.
- CIN 3: Chỉ những tế bào bất thường ảnh hưởng nhiều hơn 2/3 độ dày của biểu mô.
CIN 1 hiếm khi trở thành ung thư và thường tự giải quyết. CIN 2 và 3 có khả năng cần điều trị để ngăn chặn bệnh. Khi điều trị CIN 1 và 2, bác sĩ sẽ quan tâm đến tương lai sinh đẻ và mong muốn có con của bệnh nhân.
4. Lời dặn từ bác sĩ
Hiện nay tại các cơ sở y tế đã có vaccine HPV loại 9 type ngăn ngừa tới chín chủng virut HPV ở người. Chị em nên đi tiêm để ngăn ngừa các nguy cơ gây ung thư cổ tử cung và đi khám phụ khoa định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín để có thể tìm ra các dấu hiệu bất thường sớm nhất và hướng điều trị phù hợp.
Chị em có thể đặt lịch khám với BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan – Nguyên trưởng khoa Phụ 1, BV Phụ Sản Trung Ương để được thăm khám và điều chị. Hoặc nếu chị em có bất cứ thắc mắc nào có thể liên hệ qua zalo phòng khám để được hỏi và giải đáp.