Nên đi khám viêm lộ tuyến cổ tử cung lúc nào?

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì, dấu hiệu nên đi khám và chuẩn bị gì trước khi khám? Cùng tìm hiểu với BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là tổn thương lành tính thường gặp, có tỉ lệ hồi phục cao sau điều trị. Vậy khi nào cần đi khám và những điều cần chuẩn bị trước khi khám? Cùng tìm hiểu với Bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Lan dưới đây.

1. Tổng quan về viêm lộ tuyến cổ tử cung

Lộ tuyến cổ tử cung là tổn thương phụ khoa lành tính thường gặp, xảy ra khi lớp tế bào tiết nhầy trong ống cổ tử cung bị bộc lộ ra ngoài, do lớp tế bào trên bề mặt cổ tử cung bị phá hủy. Hiện tượng này dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, khi này được gọi là viêm lộ tuyến cổ tử cung.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng lớp tế bào biểu mô tuyến bộc lộ ra ngoài và bị nhiễm trùng
Viêm lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng lớp tế bào biểu mô tuyến bộc lộ ra ngoài và bị nhiễm trùng

Có nhiều cơ chế có thể dẫn tới lộ tuyến cổ tử cung:

  • Tế bào bề mặt bị tổn thương sau sinh nở, sẩy thai, nạo phá thai, sau các thủ thuật ở cổ tử cung hoặc thậm chí quan hệ tình dục quá thô bạo.
  • Rối loạn nội tiết tố khiến biểu mô tuyến chế tiết quá nhiều, gây phá hủy lớp tế bào biểu mô lát bên trên.
  • Lộ tuyến cổ tử cung bẩm sinh hiếm gặp hơn, có thể xuất hiện khi trong quá trình mang thai người mẹ sử dụng nhiều estrogen.

Thông thường, tổn thương lộ tuyến cổ tử cung sẽ được cơ thể tự tái tạo lại bằng lớp tế bào mới trên bề mặt. Vùng tái tạo có thể để lại một số vết tích của tế bào tiết nhầy còn sót lại, nhưng hầu như không gây ảnh hưởng tới vấn đề sản phụ khoa.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm lộ tuyến ở cổ tử cung vẫn có thể biến chứng thành bệnh lý ác tính như ung thư cổ tử cung.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo nữ giới cần phải tái khám định kỳ và theo dõi sự tiến triển của viêm lộ tuyến ở cổ tử cung.

2. Khi nào nên đi khám viêm lộ tuyến cổ tử cung?

2.1. Khám phụ khoa định kỳ

Nữ giới được khuyến cáo nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện kịp thời các bệnh lý phụ khoa.

Lộ tuyến cổ tử cung ban đầu thường không biểu hiện rõ ràng các triệu chứng, việc chị em e ngại trong việc đi khám phụ khoa có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn do không được phát hiện và điều trị sớm.

Phát hiện lộ tuyến cổ tử cung sớm cũng giúp bác sĩ đưa ra được nhiều lựa chọn chữa trị hơn. Bên cạnh đó, điều này còn đẩy nhanh được quá trình tái tạo cổ tử cung, giúp theo dõi và giảm thiểu khả năng xuất hiện các biến chứng.

2.2. Cơ thể xuất hiện các triệu chứng cảnh báo

Tuy nhiên, không phải chị em nào cũng đủ điều kiện đi khám phụ khoa định kỳ. Hầu hết trường hợp lộ tuyến cổ tử cung không có triệu chứng hoặc các triệu chứng không đáng kể, thậm chí phụ nữ không biết mình mắc bệnh cho tới khi thăm khám phụ khoa.

Vì vậy, nếu phát hiện mình có các triệu chứng sau đây, rất có thể đây là dấu hiệu cơ thể đang cảnh báo tới tình trạng viêm lộ tuyến cổ tử cung:

  • Ra nhiều khí hư bất thường: có màu trắng đục hay thậm chí vàng hoặc xanh; có dạng lỏng hoặc kèm bã đậu; có mùi hôi tanh khó chịu và kèm bọt
  • Tình trạng ngứa hoặc rát âm đạo

Ngoài ra, một số dấu hiệu nặng hơn có thể kể đến như:

  • Đau và ra máu khi quan hệ, giảm ham muốn tình dục
  • Ra máu âm đạo không trong kỳ kinh
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Đau bụng dưới bất thường
Một số dấu hiệu cơ thể đang cảnh báo tới tình trạng viêm lộ tuyến cổ tử cung
Một số dấu hiệu cơ thể đang cảnh báo tới tình trạng viêm lộ tuyến cổ tử cung

2.3. Tái khám theo lịch hẹn khi đang mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là một tổn thương lành tính và rất dễ chữa trị nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, để phòng ngừa các biến chứng có thể ảnh hưởng tới việc sinh hoạt tình dục và sinh sản sau này, chị em cũng cần tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ theo lời khuyên của bác sĩ.

Điều này giúp bác sĩ theo dõi tiến triển và giảm thiểu khả năng xuất hiện di chứng cho phụ nữ mắc phải viêm lộ tuyến ở cổ tử cung.

3. Khám lộ tuyến cổ tử cung là khám những gì?

Để chẩn đoán viêm lộ tuyến cổ tử cung, bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện những thủ thuật sau:

3.1. Thăm khám cổ tử cung

Khi tiến hành thăm khám, nhân viên y tế sẽ sát khuẩn tay và đeo găng hoặc sử dụng dụng cụ mỏ vịt để bộc lộ vùng kín, đảm bảo quan sát và thăm khám thuận lợi.

Tình trạng bề mặt cổ tử cung có màu đỏ bất thường hoặc sự có mặt của các tế bào bất thường gợi ý tới tình trạng viêm lộ tuyến ở cổ tử cung.

Thăm khám cổ tử cung bằng dụng cụ mỏ vịt
Thăm khám cổ tử cung bằng dụng cụ mỏ vịt

3.2. Xét nghiệm PAP

Xét nghiệm PAP là xét nghiệm tế bào học âm đạo, một thủ thuật thường quy để sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng cách phát hiện những tế bào có nguy cơ biến đổi thành ác tính.

Trong quá trình thăm khám phụ khoa bằng dụng cụ mỏ vịt, nhân viên y tế sẽ thu thập mẫu tế bào ở bề mặt cổ tử cung vào ống đựng chuyên dụng hoặc phết lên lam kính để thực hiện xét nghiệm này.

3.3. Soi cổ tử cung

Soi cổ tử cung là phương pháp quan sát cổ tử cung qua một dụng cụ soi phóng đại. Dụng cụ này sử dụng ánh sáng chiếu qua âm đạo, phóng to hình ảnh cổ tử cung lên nhiều lần giúp các bác sĩ phát hiện những tổn thương không thể nhìn bằng mắt thường.

Phương pháp soi cổ tử cung được thực hiện khi kết quả xét nghiệm PAP cho thấy những thay đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, giúp phát hiện các tổn thương tiền ung thư hoặc xâm lấn khi triệu chứng lâm sàng không đáng kể.

Máy soi tử cung giúp phát hiện những tổn thương khó quan sát bằng mắt thường
Máy soi tử cung giúp phát hiện những tổn thương khó quan sát bằng mắt thường

3.4. Sinh thiết

Sinh thiết có thể được thực hiện trong quá trình soi cổ tử cung nếu bác sĩ phụ khoa thấy những đặc điểm mô bất thường.

Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô từ cổ tử cung rồi xét nghiệm kiểm tra các dấu hiệu của tế bào bệnh giúp chẩn đoán kĩ càng các bệnh phụ khoa.

4. Chuẩn bị gì trước khi đi khám lộ tuyến cổ tử cung

4.1. Tâm lý thoải mái trước khi thăm khám

Thăm khám phụ khoa nói chung là thực hiện các thủ thuật đối với “vùng kín”, điều này có thể gây nên đôi chút khó chịu với cơ thể cũng như tâm lý với nữ giới, dẫn tới việc hầu hết phụ nữ e ngại tới gặp bác sĩ phụ khoa định kỳ, cho đến khi họ thực sự gặp các triệu chứng khó chịu.

Việc này có thể ảnh hưởng tới việc phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý phụ khoa.

Vì vậy, các chị em hãy thả lỏng cơ thể, giữ cho mình một tâm lý thoải mái nhất trước khi tới thăm khám viêm lộ tuyến cổ tử cung.

Đặc biệt, trong khi khám, hãy mạnh dạn nói ra những triệu chứng mà cơ thể cảm nhận được, những thói quen hàng ngày liên quan đến vấn đề mình đang gặp phải mà chị em có thể nghĩ tới để bác sĩ có thể chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị tối ưu nhất.

Phụ nữ cũng được khuyến khích chia sẻ vấn đề phụ khoa với người mình tin tưởng, có thể đồng hành cùng chị em trong quá trình thăm khám và tư vấn điều trị, trở thành chỗ dựa vững chắc cho chị em như chồng, mẹ, chị em gái hay bạn bè thân thiết,….

Điều này cũng giúp phụ nữ yên tâm và có thêm động lực thăm khám và chữa trị bệnh lý phụ khoa.

4.2, Các lưu ý về vệ sinh phụ khoa

Ngoài chuẩn bị một tâm lý vững vàng, các vấn đề về vệ sinh trước khi tiến hành thăm khám viêm lộ tuyến cổ tử cung cũng vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số lưu ý cho chị em:

  • Không đi khám khi đang trong chu kỳ kinh nguyệt: Thăm khám phụ khoa trong kỳ kinh nguyệt không những gây bối rối, khó chịu cho chị em mà còn dễ dẫn tới nguy cơ nhiễm khuẩn hơn. Chuyên gia khuyên chị em nên khám phụ khoa sau kỳ kinh ít nhất 3 – 5 ngày.
  • Hạn chế quan hệ trước khi thăm khám: Khi thăm khám, bác sĩ cần bộc lộ âm đạo và cổ tử cung, quan hệ tình dục hoặc sử dụng các loại thuốc, các thủ thuật trong âm đạo trước thời điểm này dễ dẫn tới tình trạng nhiễm trùng. Vì vậy, chị em nên đi khám sau đó 2 ngày.
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ: Điều này giúp cho việc thăm khám được tiến hành thuận lợi hơn và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Tuy nhiên thụt rửa mạnh quá cũng không nên vì điều này có thể gây chết hoặc trôi đi các mầm bệnh trên bề mặt âm đạo và cổ tử cung, gây khó khăn cho quá trình chẩn đoán bệnh của chị em.
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước khi thăm khám phụ khoa
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước khi thăm khám phụ khoa

4.3, Các lưu ý khác

  • Không sử dụng chất kích thích như bia, rượu, hạn chế đồ đồ ngọt, đồ dầu mỡ trước khi thăm khám phụ khoa, nên nhịn ăn sáng vào ngày thăm khám phụ khoa.
  • Nên mặc đồ rộng rãi để thuận tiện cho việc thăm khám
  • Nên cố gắng chuẩn bị đầy đủ chi phí khám để dự phòng, bao gồm chi phí thăm khám, chi phí điều trị và các chi phí khác

Nếu cơ thể đang báo động tới tình trạng viêm lộ tuyến cổ tử cung, hãy chủ động thăm khám sớm nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Đến với Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa của Bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Lan – Nguyên Trưởng khoa Phụ ngoại bệnh viện Phụ sản Trung Ương, chị em sẽ được trải nghiệm dịch vụ khám chữa bệnh chuyên nghiệp và tận tình nhất. Đặt lịch khám ngay tại đây.

Bài viết liên quan

Thông tin kiến thức
Gai sinh dục và sùi mào gà có gì khác nhau?

Gai sinh dục và sùi mào gà có nhiều đặc điểm khác biệt. Bài viết chia sẻ kiến thức về gai sinh dục, sùi mào gà và cách phân biệt, phòng tránh và điều trị chúng.

Thông tin kiến thức
Rối loạn kinh nguyệt: Nguyên nhân, chẩn đoán & cách điều trị

Rối loạn kinh nguyệt gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày. Tìm hiểu nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị hiệu quả để cải thiện tình trạng này.

Thông tin kiến thức
Viêm tuyến Bartholin: 8 điều cần biết

Viêm tuyến Bartholin là một căn bệnh phụ khoa nguy hiểm ở phụ nữ. Vậy nguyên nhân gây bệnh là gì? Bệnh nguy hiểm như thế nào? Điều trị được không?

Thông tin kiến thức
Chậm kinh: nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng tránh

Chậm kinh là hiện tượng kinh nguyệt bất thường ở nữ giới. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị chậm kinh để bảo vệ sức khỏe sinh sản.

All in one
Liên hệ