Ngứa âm đạo, khí hư bất thường, đi khám phát hiện nấm âm đạo tái phát

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Nấm âm đạo tái phát là tình trạng rất hay gặp ở nhiều lứa tuổi phụ nữ, việc điều trị nấm âm đạo cũng gặp nhiều khó khăn do vẫn có khả năng tái phát sau điều trị thành công. Vậy cùng tìm hiểu về nấm âm đạo và điều trị nấm âm đạo tái phát cùng với BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan

1. Vấn đề khách gặp phải: ngứa âm hộ và ra khí hư

Triệu chứng của nấm âm đạo.
Triệu chứng của nấm âm đạo

Bệnh nhân nữ, 31 tuổi. Tiền sử sản/phụ khoa

  • Đã lấy chồng nhưng chưa có con, đã quan hệ tình dục
  • Đang điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung, chưa tiêm phòng ung thư cổ tử cung, chưa sàng lọc ung thư cổ tử cung và virus HPV
  • Kinh nguyệt đều, chu kỳ kinh nguyệt 32-35 ngày (chu kỳ kinh nguyệt bình thường 28-35 ngày)
  • Hành kinh kéo dài khoảng 5 ngày (bình thường 3-5 ngày, ra máu kinh >7 ngày được gọi là rong kinh)

Bệnh nhân đến khám tại Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa – BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan vì lý do ngứa nhiều vùng cơ quan sinh dục, ra nhiều khí hư trắng, không có mùi. 

2. Tiền sử: điều trị nấm nhiều đợt, nhiều nơi

Khai thác thêm về tiền sử của bệnh nhân này, bệnh nhân cung cấp rằng đã từng được chẩn đoán nấm âm đạo 3 năm về trước tại bệnh viện, được cho đơn thuốc về điều trị, sau điều trị khoảng 4 ngày, bệnh nhân thấy hết triệu chứng nên không dùng thuốc nữa. Sau 1 tháng, bệnh nhân xuất hiện lại triệu chứng ngứa, ra khí hư với tính chất tương tự. Bệnh nhân đã đi khám ở nhiều bệnh viện và phòng khám, được cho thuốc điều trị khỏi nhưng các triệu chứng lại tái phát sau 1 đến 2 tháng. 

3. Tình trạng của khách khi đến khám với bác:

Bệnh nhân đến khám vào ngày thứ 28 của chu kỳ. Tình trạng của bệnh nhân qua thăm khám cho thấy:

  • Âm hộ: đỏ rực, nhiều khí hư bột
  • Âm đạo: rất nhiều khí hư trắng đục, bẩn
  • Cổ tử cung: lộ tuyến 2 môi đang tái tạo, hơi phì đại
  • Tử cung: kích thước bình thường
  • 2 phần phụ (vòi tử cung – buồng trứng): bình thường

Bác sĩ chỉ định siêu âm để đánh giá thêm các bệnh lý phụ khoa kèm theo, soi tươi khí hư tìm nấm, PCR Chlamydia. Kết quả cho thấy: Hình ảnh trên siêu âm chưa phát hiện bất thường mới, soi tươi khí hư: Nấm: dương tính (++), bạch cầu (+), PCR Chlamydia âm tính (không có sự có mặt của Chlamydia.

Nấm âm đạo phát triển từ bảo tử nấm thành sợi nấm.
Nấm âm đạo phát triển từ bảo tử nấm thành sợi nấm

Ngoài ra, bệnh nhân được làm sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng tế bào âm đạo, xét nghiệm tìm HPV (virus Human Papilloma – nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung và cần làm sàng lọc cho các phụ nữ đã quan hệ tình dục) trong cổ tử cung. Kết quả đều bình thường, không có tế bào ác tính.

4. Điều trị: phối hợp uống và đặt để điều trị nấm âm đạo, kết hợp rửa ngoài bằng dung dịch vệ sinh không có tính acid

Điều trị: Bệnh nhân được điều trị nội khoa (sử dụng thuốc kháng nấm uống kết hợp đặt âm đạo để tăng hiệu quả điều trị), vệ sinh cơ quan sinh dục phía ngoài bằng dung dịch vệ sinh không có acid (pH trung tính).

Kết quả điều trị sau 1 đợt:

Bệnh nhân đến khám vào ngày thứ 19 của chu kỳ tiếp theo, qua thăm khám thấy:

  • Âm hộ: bình thường, không sưng đỏ.
  • Âm đạo: còn ít dịch đục.
  • Cổ tử cung: lộ tuyến 2 môi đang tái tạo không đều, có vài nang Naboth nhỏ.
  • Tử cung: kích thước bình thường.
  • 2 phần phụ (vòi tử cung – buồng trứng): bình thường.

→ Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc kháng nấm đặt âm đạo, khám lại sau 1 tháng.

Kết quả điều trị sau 2 đợt:

Bệnh nhân đến khám vào ngày thứ 21 của chu kỳ tiếp theo, qua thăm khám thấy:

  • Âm hộ: bình thường, không sưng đỏ.
  • Âm đạo: sạch, không có khí hư.
  • Cổ tử cung: lộ tuyến rộng 2 môi.
  • Tử cung: kích thước bình thường.
  • 2 phần phụ (vòi tử cung – buồng trứng): bình thường.

Âm đạo sau 2 đợt điều trị đã sạch, không còn khí hư. Âm hộ cũng đã không còn đỏ do ngứa. Kết quả trên cho thấy rằng, việc điều trị nấm âm đạo tại Phòng khám bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Lan là khá hiệu quả và các triệu chứng chuyển biến tích cực trong thời gian điều trị không quá dài.

5. Nguyên nhân thường gặp dẫn đến nấm hoặc nấm tái phát

Một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến nhiễm nấm âm đạo tái phát có thể kể đến như:

  • Môi trường ẩm ướt
  • Thay đổi pH môi trường âm đạo (tăng hoặc giảm pH) thường là do vệ sinh không đúng cách, sử dụng dung dịch vệ sinh không phù hợp.
  • Mặc đồ lót không thoáng khí, chật, bó sát vào cơ quan sinh dục
  • Quan hệ tình dục không an toàn
  • Có bệnh lý ác tính gây suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng lâu dài các thuốc ức chế miễn dịch
  • Phụ nữ có thai
  • Điều trị nấm đợt cũ chưa dứt điểm: bỏ thuốc, tự điều trị, sử dụng thuốc không đúng liều lượng

6. Chia sẻ của bác sĩ

Theo chia sẻ của BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan, nấm âm đạo rất thường gặp tuy nhiên việc điều trị dứt điểm nấm âm đạo tránh tái phát thì lại tương đối khó khăn do những ảnh hưởng khách quan. Ví dụ như điều kiện khí hậu của đất nước ta, rất thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ của nấm. Tuy nhiên, chúng ta có thể phát hiện, điều trị và hạn chế tái phát nếu đi khám phụ khoa định kỳ, tuân thủ nguyên tắc điều trị và phác đồ điều trị đưa ra.

Những biến chứng có thể gặp nếu điều trị nấm âm đạo không kịp thời và dứt điểm gồm có viêm đường tiết niệu, ung thư cổ tử cung,… Ở phụ nữ mang thai, nhiễm nấm âm đạo không điều trị sẽ có nguy cơ nhiễm trùng hậu sản, dẫn đến việc trẻ có thể bị viêm da, viêm mắt, tưa miệng..

  • Triệu chứng thường gặp của khách hàng bị nấm âm đạo tái phát khi đến phòng khám: thường xuất hiện các triệu chứng như ngứa âm hộ, ra khí hư nhiều, bột, có mùi, nặng hơn có thể đau khi tiểu tiện, đau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể nhẹ khiến bệnh nhân chủ quan, không đi khám và điều trị
  • Khai thác về tiền sử của các bệnh nhân được chẩn đoán viêm âm đạo do nấm: có rất nhiều người có tiền sử bị nấm âm đạo tái phát nhiều đợt trong cùng một năm, điều trị ở rất nhiều phòng khám hay bệnh viện, điều trị thuốc và tuân thủ điều trị theo đơn. Kết quả điều trị thường bệnh nhân sẽ hết triệu chứng và dừng thuốc, nhưng sau một thời gian lại xuất hiện lại triệu chứng của nấm
  • Các bất thường khi thăm khám một bệnh nhân nhiễm nấm âm đạo:
    • Trên thăm khám:
      • Âm hộ: thường đỏ, có thể có trầy xước do tình trạng ngứa từ vừa đến nặng khiến bệnh nhân rất khó chịu, tác động gây tổn thương vùng này, có thể chảy khí hư ra do khí hư trong âm đạo quá nhiều
      • Âm đạo: Ra rất nhiều khí hư, thường thấy là khí hư đục, bột, mịn như bã đậu. Đôi khi tình trạng viêm bị bội nhiễm vi khuẩn có thể thấy khí hư đục lẫn xanh, bột, mùi hôi khó chịu. Tuy nhiên, người bệnh thường dễ bỏ qua triệu chứng này do nhầm lẫn với khí hư sinh lý bình thường
      • Cổ tử cung có thể thấy tình trạng viêm, xung huyết, nề đỏ. Tử cung và hai phần phụ thường bình thường, không bị ảnh hưởng bởi nhiễm nấm
    • Trên xét nghiệm: Kết quả soi tươi khí hư, dịch âm đạo tìm nấm và tế bào cho kết quả dương tính (+/++) với nấm, tăng bạch cầu và có sự biến đổi vi hệ trong môi trường âm đạo

Nguyên tắc điều trị nấm âm đạo và tránh bị nấm âm đạo tái phát:

  • Với phụ nữ có bạn tình, cần điều trị nấm cho cả người bệnh và bạn tình
  • Tuân thủ điều trị thuốc theo đơn, điều trị đều đặn, phụ nữ sẽ điều trị kéo dài hơn đàn ông
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ
Vệ sinh vùng kín thường xuyên giảm khả năng nhiễm nấm âm đạo.
Vệ sinh vùng kín thường xuyên giảm khả năng nhiễm nấm âm đạo.

Điều trị cụ thể:

  • Phối hợp điều trị kháng nấm qua đường uống và đường đặt để giảm thời gian điều trị và điều trị được cải thiện. Bệnh nhân cần lưu ý về việc bảo quản thuốc đường đặt âm đạo và cách thức đặt sao cho đúng để đạt kết quả tốt nhất
  • Có thể phối hợp kháng sinh đường uống nếu có tình trạng viêm bội nhiễm vi khuẩn
  • Bệnh nhân không tự ý thay đổi liều thuốc, không tự ý bỏ thuốc kể cả khi đã hết triệu chứng vì dù đã hết triệu chứng nhưng vẫn còn sự hiện diện số lượng ít của các bào tử nấm hoặc sợi nấm gây nên nấm âm đạo tái phát, điều trị dai dẳng không khỏi
  • Vệ sinh vùng kín bên ngoài bằng dung dịch vệ sinh không có tính acid (pH trung tính), sau vệ sinh cần thấm khô bộ phận sinh dục, tránh ẩm ướt.
  • Mặc đồ lót thoáng khí, giặt sạch đồ lót, thay đồ lót định kỳ

Những thông tin trên về nấm âm đạo tái phát, các triệu chứng hay gặp và phương pháp điều trị nấm âm đạo là vô cùng cần thiết để chúng ta có thể nhận biết và điều trị bệnh kịp thời. Để có thể đặt lịch khám sản phụ khoa và sàng lọc ung thư cổ tử cung tại phòng khám của BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan, người bệnh có thể nhắn tin đến Zalo bác sĩ tại đây để được tư vấn.

Bài viết liên quan

Phân tích ca bệnh
Rong huyết cả tháng chỉ vì lý do này, chị em chú ý!

Hãy cùng BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan giải đáp thắc mắc về tình trạng rong huyết, nguyên nhân và cách điều trị trong bài viết dưới đây.

Phân tích ca bệnh
Chậm kinh, ra dịch nâu đen – Tuyệt đối không được chủ quan!

Chậm kinh và ra dịch nâu đen có nguy hiểm không? Đây là biểu hiện chị em không nên chủ quan và cần thăm khám kịp thời để tránh biến chứng khó lường.

Phân tích ca bệnh
Chu kỳ kinh nguyệt không đều: 3 tháng có kinh 1 lần, cần làm gì?

Phải làm gì khi chu kỳ kinh nguyệt không đều? Hãy cùng phân tích ca bệnh sau đây để có thể giải đáp thắc mắc của nhiều chị em phụ nữ.

Phân tích ca bệnh
Sai lầm điều trị viêm âm đạo do nấm ở nữ chưa quan hệ tình dục

Khám phá phác đồ điều trị hiệu quả cho viêm âm đạo do nấm Candida, từ thuốc bôi đến vệ sinh vùng kín. Học cách phòng tránh và điều trị để bảo vệ sức khỏe phụ khoa.

All in one
Liên hệ