Rau tiền đạo – Mẹ bầu cần lưu ý gì?

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Rau tiền đạo là gì, rau tiền đạo có nguy hiểm không? Làm thế nào để nhận ra mình mắc rau tiền đạo? Bị rau tiền đạo nên kiêng gì, những thức ăn nên ăn khi mắc rau tiền đạo

Rau tiền đạo là một tình trạng y tế nghiêm trọng có thể đe dọa đến sự sống của cả mẹ và thai nhi. Do đó, việc ngăn chặn và lưu ý khi bị rau tiền đạo, nắm bắt rõ cách xử lý khi gặp phải tình trạng này là hết sức quan trọng để đảm bảo sự an toàn cho mẹ và con trong quá trình mang thai.

Mời bạn cùng khám phá bài viết sau đây để hiểu rõ hơn.

1. Rau tiền đạo là gì?

1.1. Rau thai là gì?

Bánh rau phát triển ngay từ giai đoạn sớm của thai nhi, có hình dạng tương tự như một cái đĩa với đường kính khoảng từ 15-20cm, độ dày khoảng từ 2,5-3cm ở trung tâm và mỏng dần ra ngoại vi và cân nặng xấp xỉ từ 500-600g.

Hệ thống mạch máu kết nối trực tiếp bánh rau với thai nhi bao gồm hai động mạch và một tĩnh mạch rốn, tất cả đều được bọc trong lớp thạch Wharton tạo thành dây rốn, có chiều dài từ 35-60cm.

Rau thai
Rau thai

Thông thường, bánh rau sẽ gắn vào mặt trước, mặt sau hoặc đáy tử cung. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân (như tử cung có sẹo do phẫu thuật trước đó, dị dạng, đa thai, viêm niêm mạc tử cung, mang thai nhiều lần hoặc đã từng nạo phá thai), bánh rau có thể bám thấp hơn, xuống vùng eo tử cung và che phủ một phần hoặc toàn bộ lỗ trong cổ tử cung, gây cản trở đường ra của thai nhi khi chuyển dạ.

Rau tiền đạo được chia dựa trên vị trí bám của bánh rau, cụ thể là:

  • Rau bám thấp.
  • Rau bám mép.
  • Rau tiền đạo bán trung tâm.
  • Rau tiền đạo trung tâm hoàn toàn.

1.2. Triệu chứng

Rau tiền đạo thường biểu hiện qua các dấu hiệu sau:

  • Xuất huyết âm đạo tự phát, tự cầm không kèm theo đau bụng.
  • Máu màu đỏ loãng, có thể có cục máu đông, số lượng ít hay nhiều tùy thuộc vào vị trí bám của rau.
  • Máu ra theo đợt, khoảng cách ra giữa mỗi đợt rút ngắn, thể tích máu mỗi lần ra sau nhiều hơn
  • Sản phụ có thể có các dấu hiệu của thiếu máu ở các mức độ khác nhau.
  • Bất thường về ngôi thai và có thể gây ra tình trạng suy tim thai nếu số lượng máu nhiều.

Đây là những biểu hiện thường gặp của rau tiền đạo, nếu có dấu hiệu nghi ngờ, bạn nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra kịp thời.

1.3. Làm thế nào để phát hiện?

Ngày nay, việc sử dụng siêu âm giúp dễ dàng xác định được vị trí của bánh rau, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chẩn đoán lâm sàng một cách nhanh chóng và chính xác. Thông qua siêu âm, không chỉ có thể nghiên cứu hình dạng của thai nhi, ước lượng trọng lượng thông qua các chỉ số đo lường, mà các bác sĩ còn có thể xác định được vị trí mà bánh rau gắn vào tử cung, bánh rau có thể bám ở mặt trước, đáy, thân, mặt sau, bám mép, bám thấp, trung tâm hoặc bán trung tâm.

Vị trí của rau tiền đạo
Vị trí của rau tiền đạo

2. Rau tiền đạo có nguy hiểm không?

Rau tiền đạo có thể gây ra nhiều biến chứng đáng ngại.

2.1. Biến chứng đối với mẹ

  • Có thể gây ra chảy máu khi có sự tách rời, mở rộng cổ tử cung và có thể dẫn đến xuất huyết đột ngột. Do đó, nếu không được chẩn đoán và theo dõi tại bệnh viện để xử lý kịp thời khi chuyển dạ, sản phụ có thể tử vong do mất máu quá nhiều gây sốc.
  • Có nguy cơ phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tử cung hoặc gây tổn thương cho hệ tiết niệu.
  • Nguy cơ nhiễm trùng, rối loạn đông máu, thiếu máu nặng cần phải truyền máu tăng lên.

2.2. Biến chứng đối với con

  • Tình trạng nhau bám thấp trong tử cung có thể gây ra chảy máu âm đạo, nhau bong non dẫn đến sảy thai hoặc sinh non.
  • Nếu chảy máu nhiều có thể dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh có thể bị thiếu máu cho thai, suy thai.
  • Trẻ sơ sinh có thể bị thiếu máu.

3. Có thể dự phòng rau tiền đạo không?

Nguyên nhân chính xác gây ra rau tiền đạo vẫn chưa được biết đến, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thường xuất hiện ở những người đã sinh nhiều lần, đã từng nạo phá thai, sảy thai nhiều lần hoặc đã từng mắc bệnh viêm nhiễm tử cung.

Để phòng ngừa, các biện pháp sau đây nên được áp dụng:

  • Sử dụng các phương pháp tránh thai phù hợp, giảm thiểu việc nạo phá thai.
  • Duy trì vệ sinh kinh nguyệt.
  • An toàn vệ sinh khi sinh nở.
  • Quản lý thai kỳ một cách chặt chẽ, thực hiện các cuộc khám thai định kỳ. Khi có dấu hiệu bất thường, đặc biệt là xuất huyết âm đạo, cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế có chuyên khoa sản.
  • Hạn chế việc sinh đẻ nhiều lần.

4. Lưu ý khi bị rau tiền đạo cần phải làm gì?

4.1. Đối với trường hợp rau tiền đạo không có triệu chứng

  • Điều trị theo dõi ngoại trú.
  • Thai phụ cần được nhập viện ngay nếu có cơn co tử cung hoặc xuất huyết âm đạo.
  • Phương hướng điều trị:
    • Cân nhắc sử dụng thuốc hỗ trợ phát triển phổi cho thai từ tuần thứ 28 đến 34.
    • Xác định thời điểm phẫu thuật sinh mổ là khoảng từ tuần thứ 36 đến 37 của thai kỳ.

4.2. Trường hợp xuất huyết âm đạo ít và thai chưa phát triển đầy đủ

  • Đây là tình trạng cấp cứu trong sản khoa, cần nhập viện để điều trị.
  • Tuy nhiên, thai phụ có thể được xuất viện khi không còn xuất huyết âm đạo trong vòng 48 giờ và không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào khác.
  • Hướng điều trị:
    • Cố gắng nuôi dưỡng thai đến tuần thứ 34. Sau tuần thứ 34, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích của mẹ và thai nhi với nguy cơ mất máu ồ ạt để quyết định nên tiếp tục nuôi dưỡng thai hay nên kết thúc thai kỳ.
    •   Cân nhắc sử dụng thuốc hỗ trợ phát triển phổi khi thai từ tuần thứ 28 đến 34.
    • Truyền máu nếu có chỉ định.
  • Lựa chọn cách kết thúc thai kỳ tùy thuộc vào loại rau:
    • Sinh qua đường âm đạo: nếu là rau bám thấp và ngôi đầu.
    • Phẫu thuật mổ lấy thai: nếu là các loại rau khác.

4.3. Trường hợp xuất huyết âm đạo nhiều

  • Đây là tình trạng cấp cứu trong sản khoa, cần phẫu thuật mổ lấy thai khẩn cấp.
  • Truyền dịch, truyền máu để chống sốc khi có chỉ định.
  • Có thể thắt động mạch tử cung khi cần hoặc phẫu thuật cắt bỏ tử cung toàn phần, đặc biệt khi có rau cài răng lược.

4.4. Bị rau tiền đạo nên kiêng gì?

Khi gặp phải tình trạng rau tiền đạo, thai phụ cần giới hạn việc di chuyển, tránh đi xa, không làm các công việc nặng nhọc, tránh giao hợp, không tập thể dục sau 20 tuần tuổi thai.

Việc kiểm tra âm đạo ở những thai phụ bị rau có thể gây ra chảy máu nghiêm trọng. Do đó, bạn nên hạn chế việc kiểm tra âm đạo. Trong trường hợp cần thiết phải kiểm tra âm đạo trong điều kiện vô trùng (trong phòng mổ) và chuẩn bị sẵn sàng để truyền máu cũng như phẫu thuật mổ lấy thai nếu cần.

Khi có xuất huyết âm đạo, sản phụ cần phải đến bệnh viện có chuyên khoa sản có khả năng phẫu thuật gần nhất để được chẩn đoán và điều trị. Tùy thuộc vào mức độ xuất huyết âm đạo và sự phát triển của thai nhi, bác sĩ sẽ quyết định chấm dứt thai kỳ hay tiếp tục nuôi dưỡng thai thêm.

Tình trạng rau bám thấp ở phần dưới của tử cung khi thai đủ tháng, do đó không thể can thiệp vào vị trí bám của rau nhưng có thể phòng ngừa ở những người có nguy cơ cao như sinh nhiều, nạo hút buồng tử cung nhiều, vết mổ đẻ. Xuất huyết là hiện tượng nguy hiểm.

5. Lời khuyên của bác sĩ

Rau tiền đạo là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm đối với sản phụ và thai nhi. Vì vậy, lưu ý khi bị rau tiền đạo, hãy thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời. Nếu có thắc mắc gì trong suốt quá trình thai sản, hãy liên hệ với các chuyên gia tại đây để được giải đáp.

Bài viết liên quan

Thông tin kiến thức
Chậm kinh 4 ngày có thai không?

Chậm kinh 4 ngày có thai không? Chậm kinh có thể là dấu hiệu mang thai, nhưng cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác như stress, thay đổi cân nặng hoặc rối loạn nội tiết.

Thông tin kiến thức
Soi cổ tử cung bao lâu có kết quả?

Soi cổ tử cung giúp tầm soát sớm ung thư và bệnh phụ khoa, nhưng nhiều chị em còn lo lắng. Tham khảo bài viết dưới đây sẽ giúp chị em hiểu rõ hơn.

Thông tin kiến thức
Cách xử lý rong kinh đau lưng hiệu quả

Rong kinh đau lưng có nguy hiểm không? Tại sao lại gặp tình trạng này? Cách xử lý như thế nào?

Thông tin kiến thức
Rau bám mép là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Rau bám mép là một dạng của nhau tiền đạo, xảy ra khi nhau thai nằm ở rìa cổ tử cung. Triệu chứng phổ biến là chảy máu âm đạo vào nửa sau thai kỳ. 

All in one
Liên hệ