Rối loạn kinh nguyệt: Nguyên nhân, chẩn đoán & cách điều trị

Tư vấn chuyên môn bài viết

BSCK II Đỗ Thị Ngọc Lan

Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa

Rối loạn kinh nguyệt gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày. Tìm hiểu nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị hiệu quả để cải thiện tình trạng này.

Rối loạn kinh nguyệt có thể gây ra nhiều phiền toái và lo lắng cho chị em. Tình trạng này có nhiều loại khác nhau như vô kinh, rong kinh, chậm kinh… Do đó, nguyên nhân gây ra và cách điều trị rối loạn kinh nguyệt cũng khác nhau.

1. Những điều cần biết về kinh nguyệt

Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý tự nhiên ở chị em phụ nữ. Đây là quá trình niêm mạc tử cung bong tróc và thoát ra ngoài qua âm đạo. Tuổi dậy thì trung bình của nữ giới là 12. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể sớm hơn hoặc muộn hơn, từ 8 đến 16 tuổi.

Một chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài khoảng 28 ngày. Tuy vậy, chu kỳ dao động từ 24 đến 38 ngày cũng được xem là bình thường. Thời gian hành kinh thường kéo dài 3-5 ngày, với lượng máu mất đi sau mỗi chu kỳ từ 50-150ml.

Một chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài khoảng 28 ngày
Một chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài khoảng 28 ngày

2. Rối loạn kinh nguyệt là gì?

Rối loạn kinh nguyệt là những bất thường diễn ra trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Các dấu hiệu bao gồm chu kỳ không ổn định, lượng máu kinh đột ngột tăng hoặc giảm bất thường.  

Tình trạng này có thể là dấu hiệu của một vấn đề nội tiết tố nào đó. Do đó, chị em nên đi khám sớm để xác định nguyên nhân, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh những nguy cơ đe dọa sức khỏe và khả năng sinh sản.

3. Các dấu hiệu của rối loạn kinh nguyệt

Một chu kỳ kinh ổn định chỉ dao động nhẹ giữa các tháng. Tuy nhiên, các trường hợp sau đây được xem là rối loạn kinh nguyệt:

  • Chu kỳ ngắn hơn 24 ngày hoặc dài hơn 38 ngày.
  • Mất kinh trong 3 chu kỳ liên tiếp hoặc hơn 3 tháng.
  • Lượng máu kinh thay đổi đáng kể so với bình thường. 
  • Thời gian hành kinh kéo dài quá 8 ngày.
  • Chảy máu bất thường hoặc có vết máu giữa các kỳ kinh, sau quan hệ tình dục hoặc sau mãn kinh. 
  • Các triệu chứng nặng như chuột rút, đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn mửa trong kỳ kinh nguyệt.

4. Các dạng rối loạn kinh nguyệt phổ biến

Nếu gặp phải một hoặc nhiều tình trạng dưới đây, rất có thể chị em đang bị rối loạn kinh nguyệt.

4.1. Rong kinh  

Rong kinh là tình trạng chảy máu kinh quá nhiều, gây cản trở sinh hoạt hàng ngày. Thông thường, lượng máu mất ở mỗi chu kỳ từ 50-150ml. Nhưng nếu chị em phải thay băng vệ sinh mỗi giờ thay vì 3-4 lần/ngày hoặc lượng máu mất gấp 10-25 lần bình thường, đó là dấu hiệu của rong kinh.

Rong kinh có thể xảy ra ở các giai đoạn khác nhau, từ tuổi dậy thì cho đến tiền mãn kinh. Nguyên nhân gây ra rong kinh bao gồm:

  • Mất cân bằng nội tiết tố
  • Viêm nhiễm cổ tử cung, tử cung
  • U xơ tử cung  
  • Tác dụng phụ của dụng cụ tử cung tránh thai
  • Suy giáp
  • Thay đổi trong chế độ ăn uống, tập luyện

4.2. Vô kinh

Ngược lại với rong kinh, vô kinh là tình trạng không có kinh nguyệt. Vô kinh được xem là bình thường ở con gái trước tuổi dậy thì, đang mang thai và sau mãn kinh. Tuy nhiên, nếu một phụ nữ không thuộc ba nhóm trên mà vẫn bị mất kinh, chị em cần đi khám ngay để được tư vấn.

Vô kinh được chia thành hai loại:

  • Vô kinh nguyên phát: Phụ nữ trên 16 tuổi chưa bao giờ có kinh. Nguyên nhân có thể do bất thường trong hệ thống nội tiết, buồng trứng, vùng dưới đồi hoặc di truyền.
  • Vô kinh thứ phát: Phụ nữ vốn có kinh đều đặn nhưng đột ngột mất kinh trong 3 tháng hoặc hơn. Nguyên nhân có thể do rối loạn nội tiết, vấn đề tuyến yên, tuyến giáp, u nang buồng trứng hoặc cắt bỏ buồng trứng.

4.3. Đau bụng kinh

Đa số phụ nữ đều từng trải qua đau bụng kinh ở một thời điểm nào đó. Ở một số người, triệu chứng này xuất hiện nhẹ nhàng mỗi tháng. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài và dữ dội, gọi là thống kinh, chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ. 

Nguyên nhân gây đau bụng kinh là do tử cung co thắt mạnh dưới tác động của Prostaglandin – một hợp chất tương tự hormone do niêm mạc tử cung tiết ra. Khi bị thống kinh, chị em có thể cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi, da xanh xao và ra nhiều mồ hôi do Prostaglandin khiến tử cung co thắt mạnh, giãn mạch máu, hạ huyết áp.

4.4. Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)

PMS thường xuất hiện từ 5-7 ngày trước khi hành kinh và biến mất khi chu kỳ bắt đầu. Một số chị em trải qua nhiều triệu chứng cả về thể chất lẫn tinh thần, trong khi số khác ít hoặc không có triệu chứng gì. Theo khảo sát, khoảng 30-40% phụ nữ gặp phải các triệu chứng PMS nặng, ảnh hưởng tới sinh hoạt và công việc.

Các triệu chứng thể chất của PMS bao gồm:

  • Đầy hơi, chướng bụng
  • Ngực căng tức  
  • Nhức đầu
  • Táo bón

Về mặt cảm xúc, PMS có thể gây:

  • Cáu gắt, dễ nổi nóng  
  • Lo lắng, bối rối
  • Căng thẳng, thất thường
  • Khó tập trung  
  • Trầm cảm

Theo các bác sĩ, PMS là do sự thay đổi nồng độ Estrogen và Progesterone, tác động lên một số chất dẫn truyền thần kinh trong não như Serotonin – có ảnh hưởng mạnh tới tâm trạng và cảm xúc.

Hiện vẫn chưa rõ tại sao một số phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt lại mắc PMS hoặc PMDD (dạng nặng của PMS). Các nhà nghiên cứu cho rằng những trường hợp này nhạy cảm hơn với sự thay đổi nội tiết tố.

4.5. Rối loạn cảm xúc trước kỳ kinh (PMDD)

PMDD là biến thể nghiêm trọng nhất của PMS, ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng sống của 3-8% phụ nữ mắc phải. Các dấu hiệu phổ biến của PMDD là dễ cáu gắt, lo âu và tâm trạng thay đổi thất thường. Phụ nữ có tiền sử trầm cảm, trầm cảm sau sinh hoặc rối loạn cảm xúc có nguy cơ bị PMDD cao hơn những người khác.

Rối loạn cảm xúc trước kỳ kinh ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng sống của 3-8% phụ nữ mắc phải
Rối loạn cảm xúc trước kỳ kinh ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng sống của 3-8% phụ nữ mắc phải

5. Nguyên nhân dẫn đến rối loạn kinh nguyệt

Có nhiều yếu tố góp phần gây ra rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ, trong đó phổ biến nhất là:

5.1. Sự thay đổi nội tiết tố

Mất cân bằng hormone xảy ra ở một số giai đoạn trong cuộc đời người phụ nữ như dậy thì, mang thai, cho con bú, tiền mãn kinh và mãn kinh.

  • Dậy thì: Cơ thể nữ giới cần nhiều năm để cân bằng nồng độ Estrogen và Progesterone, nên rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra ở giai đoạn này.
  • Mang thai và cho con bú: Phụ nữ sẽ mất kinh trong suốt thai kỳ và 6 tháng đầu sau sinh.  
  • Tiền mãn kinh: Buồng trứng suy giảm chức năng, không còn hiện tượng rụng trứng nên chu kỳ sẽ dần mất đi. Phụ nữ không có kinh trong 1 năm được xem là đã mãn kinh.

5.2. Các nguyên nhân cơ thể 

  • Thai kỳ bất thường: mang thai ngoài tử cung, sảy thai…
  • Bệnh phụ khoa: polyp tử cung, u xơ tử cung, buồng trứng đa nang, quá sản nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung…
  • Viêm nhiễm: viêm đường sinh dục, viêm niêm mạc tử cung…
  • Bệnh lý khác: đái tháo đường, u tuyến giáp, u tuyến yên…

5.3. Tác động của chế độ ăn uống và sinh hoạt

Rối loạn kinh nguyệt có thể xuất hiện khi lối sống, chế độ dinh dưỡng và tập luyện thay đổi đột ngột.

  • Ăn uống: Thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày, thiếu hụt dinh dưỡng, tăng hoặc giảm cân quá mức có thể gây rối loạn kinh.
  • Tập luyện quá sức: Có thể kéo dài thời gian hành kinh và tăng lượng máu kinh.
  • Khác: Dùng thuốc tránh thai, điều trị đái tháo đường, cao huyết áp… cũng có thể gây tác dụng phụ lên kỳ kinh.

6. Rối loạn kinh nguyệt có nguy hiểm không?

Rối loạn kinh nguyệt thường xuyên, kéo dài có thể dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe:

  • Thiếu máu: Rong kinh, cường kinh gây mất máu có thể khiến chị em thiếu máu, mệt mỏi, chóng mặt, thở gấp, loạn nhịp tim… Thiếu máu nặng thậm chí đe dọa tính mạng.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh phụ khoa: Thời gian hành kinh kéo dài không chỉ bất tiện mà còn tạo môi trường cho vi khuẩn, ký sinh trùng phát triển, dễ gây viêm nhiễm âm đạo, buồng trứng…
  • Khó thụ thai: Chu kỳ kinh không đều khiến việc xác định thời điểm rụng trứng trở nên khó khăn.   
  • Ảnh hưởng đến chuyện chăn gối: Kỳ kinh kéo dài tác động tâm lý phụ nữ khi “yêu”, khiến chị em khó đạt khoái cảm. Quan hệ trong những ngày hành kinh cũng dễ mắc các bệnh phụ khoa.
  • Ảnh hưởng nhan sắc: Estrogen và Progesterone đóng vai trò quan trọng với sắc đẹp của phụ nữ. Rối loạn nội tiết khiến da kém mịn màng, tâm trạng dễ nóng nảy, cáu gắt…
  • Dấu hiệu của bệnh phụ khoa nguy hiểm: Một số trường hợp rối loạn kinh nguyệt là triệu chứng của u xơ tử cung, u nang buồng trứng… nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây biến chứng, chèn ép các cơ quan lân cận. Rối loạn kinh cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung, buồng trứng, nội mạc tử cung… đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời.

Chảy máu kinh kéo dài, không kiểm soát có thể gây mất máu nghiêm trọng, choáng váng, ngất xỉu, nguy hiểm tới tính mạng.

7. Chẩn đoán rối loạn kinh nguyệt

Để chẩn đoán và tìm nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, thực hiện khám phụ khoa và xét nghiệm PAP. Chị em nên ghi chép và cung cấp đầy đủ thông tin về kỳ kinh của mình, bao gồm ngày bắt đầu, kết thúc, lượng máu kinh và các triệu chứng đi kèm.

Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm để đưa ra chẩn đoán chính xác:

  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm hormone  
  • Siêu âm
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Nội soi buồng tử cung
  • Sinh thiết nội mạc tử cung
  • Nội soi ổ bụng
Để chẩn đoán và tìm nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, thực hiện khám phụ khoa và xét nghiệm PAP
Để chẩn đoán và tìm nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, thực hiện khám phụ khoa và xét nghiệm PAP

8. Phương pháp điều trị rối loạn kinh nguyệt

Bác sĩ thường khuyến khích chị em tự điều chỉnh lại chu kỳ kinh bằng cách thay đổi lối sống trước khi cân nhắc dùng thuốc hoặc phẫu thuật:

  • Thay đổi lối sống: Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất, hạn chế muối, caffeine, đường và rượu bia trước kỳ kinh giúp giảm triệu chứng PMS. 
  • Điều trị nội khoa: Một số loại thuốc có tác dụng giảm đau quằn quại, điều hòa kinh nguyệt và cải thiện chứng vô kinh. Tuy nhiên, chị em không nên tự ý sử dụng mà cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều lượng và cách dùng.
  • Điều trị ngoại khoa: Áp dụng tùy theo bệnh lý gây ra rối loạn kinh nguyệt cụ thể.

9. Làm thế nào để phòng ngừa rối loạn kinh nguyệt?

Để ngăn ngừa rối loạn kinh nguyệt, chị em cần lưu ý:

  • Duy trì lối sống lành mạnh với chế độ dinh dưỡng cân bằng, tập thể dục điều độ.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc.
  • Tránh căng thẳng, lo âu kéo dài.
  • Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đặc biệt trong những ngày “đèn đỏ”. Thay băng vệ sinh sau mỗi 4-6 giờ để tránh nhiễm trùng, vi khuẩn.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ về phương pháp tránh thai phù hợp, không gây tác dụng phụ. 
  • Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần hoặc khám theo chỉ định của bác sĩ.

10.  Cách ăn uống khi bị rối loạn kinh nguyệt

10.1. Thực phẩm nên ăn

Dưới đây là danh sách thực phẩm nên ăn để cải thiện tình trạng chu kỳ kinh không đều:

  • Rau xanh và trái cây tươi: Rau như cải bó xôi, rau muống, rau chân vịt và quả như cam, bưởi, dứa, kiwi chứa nhiều vitamin C, hỗ trợ hấp thụ sắt và điều chỉnh chu kỳ kinh.
  • Thực phẩm giàu omega-3: Cá hồi, cá mòi, cá thu… chứa omega-3 giúp giảm viêm và đau liên quan đến chu kỳ.
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa: Sữa tươi, sữa chua, sữa đậu nành cung cấp canxi và vitamin D cho xương khớp. Canxi còn giúp giảm đau bụng kinh.
  • Thực phẩm giàu chất xơ: Rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt giúp cân bằng hormone và giảm rối loạn kinh nguyệt.  
  • Các loại gia vị quen thuộc như gừng tươi, tỏi, quế có tác dụng tốt với phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt.

Chú ý: Bổ sung các thực phẩm trên cùng với việc uống đủ nước và một chế độ ăn đủ năng lượng, cân đối.

10.2. Thực phẩm cần tránh

Để giảm thiểu các triệu chứng khó chịu của rối loạn kinh nguyệt, chị em cần tránh:

  • Thức uống chứa caffeine như cà phê, trà đen, nước ngọt có ga, đồ uống tăng lực.
  • Đồ ăn giàu đường và tinh bột tinh chế như bánh kẹo, đồ ngọt, thức ăn nhanh…
  • Các loại thịt đỏ, phô mai, bơ, kem, socola có thể làm tăng viêm và đau bụng, khó chịu.
  • Thực phẩm nhiều muối như nước chấm, xốt salad, mì ăn liền. Lượng natri quá cao có thể khiến cơ thể tích nước, gây sưng phù, mệt mỏi.
  • Đồ ăn chế biến sẵn, đóng hộp, thức ăn nhanh thường chứa nhiều muối.

Lưu ý rằng tình trạng rối loạn kinh nguyệt của mỗi người là khác nhau, do đó phương pháp điều trị và chế độ chăm sóc, dinh dưỡng cũng khác nhau. Khi gặp vấn đề về kinh nguyệt, chị em hãy nhanh chóng đặt lịch khám để được các bác sĩ tại Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời!

Liên hệ - đặt lịch


    Bài viết liên quan

    Thông tin kiến thức
    Gai sinh dục và sùi mào gà có gì khác nhau?

    Gai sinh dục và sùi mào gà có nhiều đặc điểm khác biệt. Bài viết chia sẻ kiến thức về gai sinh dục, sùi mào gà và cách phân biệt, phòng tránh và điều trị chúng.

    Thông tin kiến thức
    Viêm tuyến Bartholin: 8 điều cần biết

    Viêm tuyến Bartholin là một căn bệnh phụ khoa nguy hiểm ở phụ nữ. Vậy nguyên nhân gây bệnh là gì? Bệnh nguy hiểm như thế nào? Điều trị được không?

    Thông tin kiến thức
    Chậm kinh: nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng tránh

    Chậm kinh là hiện tượng kinh nguyệt bất thường ở nữ giới. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị chậm kinh để bảo vệ sức khỏe sinh sản.

    Thông tin kiến thức
    Chậm kinh ra dịch nhầy màu nâu có nguy hiểm không?

    Chậm kinh ra dịch nhầy màu nâu có thể là hiện tượng sinh lý hoặc dấu hiệu của bệnh phụ khoa. Tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục để bảo vệ sức khỏe sinh sản.

    All in one
    Liên hệ