Bị rong kinh sau mỗi ngày hành kinh gây nhiều khó chịu cho chị em. Tình trạng này còn là dấu hiệu là cảnh báo các bệnh lý có tính chất ác tính nguy hiểm. Xem ngay bài viết dưới đây!
1. Rong kinh: nguyên lý và triệu chứng
Kinh nguyệt bình thường của phụ nữ kéo dài khoảng 3-6 ngày. Rhời gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày gọi là hiện tượng rong kinh. Rong kinh có biểu hiện là kinh nguyệt ra nhiều khiến chị em phải thay băng liên tục hàng giờ và cảm thấy rất khó chịu cả ngày lẫn đêm vì lượng kinh không giảm.
Tình trạng này kéo dài có thể khiến người mắc phải mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt vì mất quá nhiều máu, thậm chí dẫn đến thiếu máu, cơ thể xanh xao suy nhược. Hiện tượng này có thể gặp ở lứa tuổi từ dậy thì đến phụ nữ tiền mãn kinh
Rong kinh có thể do nhiều nguyên nhân, chia ra làm hai nhóm chính bao gồm: rong kinh cơ năng (do thay đổi nội tiết tố trong cơ thể) và rong kinh do bệnh lý (có liên quan đến các vấn đề tử cung và buồng trứng).
2. Nguyên nhân gây ra rong kinh
2.1. Rong kinh cơ năng
Ở các lứa tuổi như tuổi dậy thì và giai đoạn tiền mãn kinh thì tình trạng kinh nguyệt kéo dài rất dễ xảy ra. Nguyên nhân là do lúc này nội tiết tố ở phụ nữ tuổi trung niên và các bạn nữ trong tuổi dậy thì chưa được ổn định, lượng estrogen có thể tăng hoặc giảm đột ngột làm cho chu kỳ kinh nguyệt bị biến động làm cho chu kỳ kinh nguyệt kéo dài và lượng máu kinh tăng lên.
2.2. Rong kinh do bệnh lý
Theo nghiên cứu cho thấy một số bệnh lý sau đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng kinh nguyệt kéo dài, chẳng hạn như có tổn thương thực thể ở tử cung hoặc buồng trứng, bao gồm các bệnh lý như polyp buồng tử cung, u xơ tử cung, viêm nhiễm, lạc nội mạc tử cung, buồng trứng đa nang, hay các bệnh lý về ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung…
Ngoài ra, bệnh còn có các nguyên nhân khác như sử dụng thuốc tránh thai chỉ chứa progestin, thuốc tránh thai khẩn cấp, đặt dụng cụ tử cung,…
Tùy mỗi loại bệnh, ngoài triệu chứng rong kinh còn có thêm các triệu chứng khác của bệnh, cho nên không được tự điều trị, hay tự chẩn đoán khi có biểu hiện rong kinh.
3. Rong kinh có nguy hiểm không?
Tình trạng kinh nguyệt kéo dài mà không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Rong kinh khiến cho người mắc phải bị mất máu từ từ dẫn đến thiếu máu một cách thích nghi (nghĩa là người bệnh quen với tình trạng thiếu máu) tạo tư tưởng lơ là cảnh giác về triệu chứng rong kinh.
Đôi khi tình trạng này cũng có thể khiến người bệnh mất máu ồ ạt khi bệnh đã diễn biến nặng. Kinh nguyệt kéo dài còn ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của phụ nữ khiến họ không tự tin trong công việc cũng như trong cuộc sống, luôn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Ngoài ra, nếu tình trạng ra máu nhiều và kéo dài trong nhiều ngày thì cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm tăng cao.
Nếu rong kinh kéo dài đến từ các bệnh lý phụ khoa như buồng trứng đa nang, u xơ tử cung, polyp cổ tử cung hay viêm nội mạc tử cung, việc đi khám là cực kỳ cần thiết để ngăn chặn những biến chứng khó lường.
Đối với lứa tuổi còn trẻ hay dậy thì, rong kinh có tỷ lệ dẫn đến vô kinh thứ phát cao hơn bình thường hoặc có thể gây vô sinh khi đã lớn tuổi. Vì thế cần theo dõi cẩn trọng một thời gian dài, dù không có biểu hiện bất thường. Đặc biệt cần điều trị sớm rong kinh để tránh mất máu kéo dài.
Đối với lứa tuổi tiền mãn kinh, tất cả các trường hợp rong kinh đều phải nghi ngờ nguyên nhân ác tính, chỉ khi nào loại trừ nguyên nhân do ác tính mới điều trị triệu chứng.
4. Khi nào nên đi khám bệnh lý rong kinh?
Bạn nên chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa khi nhận thấy các triệu chứng như rong kinh kéo dài, máu kinh ra nhiều hơn bình thường, và có thể kèm theo đau âm ỉ vùng bụng dưới để có các biện pháp chữa trị kịp thời.
Khám phụ khoa định kỳ là lời khuyên hữu ích dành cho chị em phụ nữ. Thông qua thăm khám lâm sàng hoặc có thể thêm một số xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ chẩn đoán xác định và đưa ra phác đồ điều trị chính xác, phù hợp với từng trường hợp.
Để giúp hạn chế rong kinh kéo dài, bạn nên duy trì lối sống khoa học, xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh với chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, mỗi người nên duy trì chế độ tập thể dục thường xuyên với các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp, giữ tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan, phân bố thời gian làm việc và nghỉ ngơi một cách khoa học, tránh làm việc quá sức khiến cơ thể mệt mỏi. Đây chính là chìa khóa giúp chị em phụ nữ điều tiết tốt hormon cơ thể, ổn định chu kỳ kinh nguyệt.
5. Kết luận
Rong kinh kéo dài có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của phụ nữ, vì vậy việc đi khám bác sĩ khi có các triệu chứng kéo dài là cần thiết. Ngoài ra, chủ động duy trì lối sống khoa học và chăm sóc sức khỏe bản thân có thể giúp hạn chế tình trạng này. Đừng ngại hỏi và tìm kiếm sự tư vấn y tế từ các chuyên gia để quản lý và điều trị rong kinh hiệu quả.